Friday, 6 May 2011

Linh tinh viết (không phải viết linh tinh)



Chui qua nhà NL thấy cái này, không phải bạn NL viết, mà là ông nào cũng chả biết là ông nào, bình luận tại sao Jonathan Franzen sẽ không bao giờ viết được một cuốn sách khác đáng đọc.  Franzen là tác giả hai cuốn tiểu thuyết bán chạy đồng thời được  các nhà phê bình cũng đánh giá cao Freedom The Corrections. Ông này, tên là Scott Esposito, phát biểu thế khi đọc thấy Franzen  trả lời trong một lần phỏng vấn rằng Franzen viết tiểu thuyết đặc biệt dành cho người đọc hôm nay, bởi vì ông biết ông ấy phải giành giật người đọc với đầu máy và trò chơi video.  Scott Esposito bình rằng người ta không thể nào sáng tạo ra nghệ thuật bằng cách cố qua mặt văn hóa đại chúng trên sân chơi của nó. 


***
Chủ đề nhà văn viết cho người đọc nào là một chủ đề khá thú vị.  Tôi đoán các nhà văn nghiêm túc đều có một đối tượng độc giả nhất định trong đầu khi viết, cho dù đó là độc giả có thực hay độc giả lý tưởng.  Trong bài Nhà văn viết cho ai? Pamuk trả lời ông viết cho cái thiểu số những người đọc văn chương trên toàn thế giới.   Độc giả lý tưởng của John Updike là một cậu thiếu niên ở một thị trấn nhỏ miền trung tây nước Mỹ tìm thấy sách của ông trên kệ sách thư viện.  John Cheerver viết cho tầng lớp độc giả trưởng thành và thông minh.  Còn Raymond Carver, ngoài việc mong muốn độc giả của mình là những người đọc tử tế, còn viết cho những nhà văn đã chết mà ông ngưỡng mộ và những nhà văn đang sống mà ông thích đọc, vì nếu những nhà văn đó thích tác phẩm của ông thì rất có thể những độc giả thông minh cũng thích.


***
Tôi rất tò mò muốn có lần phỏng vấn các nhà văn Việt Nam xem thử khi viết họ nghĩ rằng họ đang hướng tới đối tượng độc giả nào. Nhưng đừng nói là "viết cho chính mình" (thì giấu vào tủ ấy, phô ra làm gì)  hay "viết để giải tỏa" (khiếp nhất, cứ như không giải tỏa được thì sẽ vỡ bụng) nhé.


PSEntry này được viết cho các nhà văn có đọc blog này:)

24 comments:

  1. Em nghĩ rằng "Sợi xích" vừa "viết cho chình mình" và "viết để giải tỏa" đấy ạ

    ReplyDelete
  2. Bạn GM không để cái PS lên trên, nên mình lỡ đọc rồi :)

    ReplyDelete
  3. lỡ đọc không sao, không đến nỗi lỡ ...làng như một số thứ lỡ khác đâu:)

    ReplyDelete
  4. sau khi đọc một ít Franzen thì mình cũng thấy là ông í í ẹ, nhất là essay, chán ốm, tiểu thuyết thì là Philip Roth pha loãng

    ReplyDelete
  5. ờ, mình thì giờ đang hứng đọc các nhà văn không phải Mỹ

    Franzen có vẻ được bơm nhiều quá:)

    ReplyDelete
  6. Vonnegut thì bảo là chỉ nên viết cho một người đọc duy nhất :D

    ReplyDelete
  7. nhà văn thì chắc là phải viết cho bên ngoài nhà đọc rồi, chứ "viết để giải tỏa" thì không gọi là nhà văn được, nhỉ?! Em không phải nhà văn, :D nhưng nên em ủng hộ chuyện "viết để giải tỏa" (show hay không thì tùy), em thấy lành mạnh mà. :p

    ReplyDelete
  8. Bạn Lý Đợi nói: những chữ thơ này là một thái độ, trả lời một thái độ. Nó có tính tương tác, một tác phẩm sinh ra từ một tác phẩm khác.
    Chị Phạm Thị Hoài thì quan niệm: viết là để viết khác đi.
    Bà Duras thì cho rằng: viết là để nói hộ những người không thể nói được.

    Thế nghĩa là các nhà văn vẫn hướng đến độc giả đấy chứ. Còn độc giả nào thì cũng tùy, tự tưởng tượng ra thôi.

    Nếu chỉ để bán sách thì cứ thiên diễm tình là chạy nhất, đánh vào số đông độc giả: cao cấp thì như "Rừng Na-uy" (rắc rối 1 tý, triết lý một tý, siêu thực 1 tý...), còn không thì "Lê Vân Yêu và sống" cũng rất hút khách, nhưng cái này phải people thì mới viết được, chứ bây giờ thay Lê Vân bằng Lê Thị Vân thì khó bán rồi.

    ReplyDelete
  9. Blogspot dạo này rất điên, mới thấy comment của bác azur đây giờ lại không thấy rồi.

    ReplyDelete
  10. oe, bây giờ thì đã thấy:)

    tôi có bảo nhà văn không hướng tới độc giả đâu, tôi chỉ tò mò các nhà văn hướng tới đối tượng độc giả nào khi viết

    Rừng Na-uy có khi là cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất trong nhiều năm gần đây ở Việt Nam đấy bác, khi nào vào hiệu sách cũng thấy có người mua. Vì sao Rừng Nauy bán chạy ở VN có khi cũng đủ đề tài để làm một luận văn tiến sĩ:)

    ReplyDelete
  11. Thì các nhà văn như chị Hoài có vẻ là hướng tới độc giả chính là nhà văn!

    Còn bà Duras, nếu đúng như bà ấy nói (cái này khó tin lắm) thì có vẻ là hướng tới đám đông dân đen.

    Còn như cụ Kundera, từ ngày bị chỉ trích về trình độ viết văn tiếng Pháp, thì có vẻ hướng tới chính cái bọn đã chỉ trích cụ!

    Các tác giả nam mà chăm làm thơ tình thì có vẻ là hướng tới các chị em xinh đẹp (chẳng lẽ lại phí công sáng tác cho các ô-mai xấu :-) ). Thơ này gọi là thơ "chim gái" :-)

    Ngược lại, các tác giả nữ mà nhân vật chính cứ đẹp ơi là đẹp, cá tính ơi là cá tính, thì thường là để tự sướng hay "chim trai", hẳn là hướng tới các chàng trai trong mộng :-)(trí thức, cũng có cá tính, không cần giàu lắm nhưng nhất định phải ga-lăng, không cần đẹp trai lắm, nhưng cực có duyên...).

    Các trường hợp khác thì cũng vô cùng, bác Mun ạ, nhiều khi có lẽ cũng chỉ là cối xay gió tưởng tượng không biết chừng.

    ReplyDelete
  12. thế các blogger thì hướng tới độc giả nào? azur chăng? ;P
    À, có lẽ tùy entry nhỉ, vậy thì các nhà văn cũng tùy tác phẩm chăng?

    ReplyDelete
  13. Thế còn Anh, Goldmund, khi viết blog Anh đang hướng tới đối tượng độc giả nào?

    hí hí Ẩn danh. ;)

    ReplyDelete
  14. Thực ra, nói "hướng tới" thì có lẽ không chính xác lắm đâu. Viết là để thuyết phục, chứ không phải để ve vãn. Được nhiều độc giả thì cũng khoái, mà chẳng may không có độc giả (trong trường hợp không được xb) thì nhà văn vẫn tiếp tục viết thôi. Tôi nghĩ bác Mun viết thơ, dịch sách hay làm blog cũng vậy à.
    Azur không thấy nhà văn nào lên tiếng thì nhanh nhảu trả lời, các bác thông cảm nhe, nghe được thì nghe, không nghe được cứ ném đá!

    ReplyDelete
  15. @Anh Azur (không biết xưng hô thế này có hợp không?)

    "Viết là để thuyết phục."

    Em hỏi anh chút: Tại sao lại thuyết phục? Thuyết phục điều gì? Và thuyết phục ai? [Hỏi để hiểu thêm chứ không phải để challenge ạ :)]

    Nhân tiện, thú vị khi thấy Anh dùng "viết thơ" và "làm blog" chứ không "làm thơ" và "viết blog" :)

    ReplyDelete
  16. BA: Gọi bác Azur sẽ chuẩn hơn:

    Bác Azur cứ tự nhiên đi ạ, không ai ném đá đâu, chả dại:))

    ReplyDelete
  17. Ok Anh. Em mở ngoặc đơn vì em không biết "bác" mà anh hay dùng để gọi "bác" Azur theo nghĩa "chú bác" hay theo cách xưng hô "bác" và "em" của người Hà Nội.

    ReplyDelete
  18. @BA: thuyết phục độc giả về tác phẩm của mình (tư tưởng, quan niệm văn chương, bút pháp), vì ý thức nó khác người nên mới mang ý định thuyết phục, tuy nhiên thiên hạ có phục hay không thì cũng không quan trọng bằng viết ra cái mình muốn. Vụ này ngược với mục đích viết là ve vãn: không có cái riêng mà chỉ hướng theo nhu cầu chung của độc giả, viết những cái mà biết thiên hạ sẽ thích.

    "Viết thơ" và "làm blog" vì thơ không phải là blog. Nếu BA coi blog là thơ thì cứ gọi là viết blog, vẫn ổn.

    ReplyDelete
  19. Bác Goldmund viết văn cho "phần còn lại của ngày".

    ReplyDelete
  20. @Azur:

    1.Cảm ơn bác vì đã thuyết phục.

    2."Viết thơ" và "làm blog" là những cái nhãn. Thấy một người dùng nhãn khác mình [nghĩ khác mình] để cùng chỉ về một đối tượng thì thấy thú vị và muốn nói cho người đó biết về sự thú vị đó. Chứ mọi thứ vẫn luôn ổn, bác ạ. ;)

    BA

    ReplyDelete
  21. Dù thế nào, em nghĩ, quyền phán quyết vẫn thuộc về độc giả. Độc giả luôn đúng, nên nhỡ nhà văn bày tỏ họ hướng tới độc giả nào, thì khả năng bị chính độc giả mà họ hướng tới ruồng bỏ cũng cao lắm;)). Em có viết thơ, cũng một phần hướng tới các giai xinh nhưng có bao giờ dám bày tỏ rì đâu :)

    ReplyDelete
  22. "... mong muốn độc giả của mình là những người đọc tử tế, còn viết cho những nhà văn đã chết mà ông ngưỡng mộ và những nhà văn đang sống mà ông thích đọc, vì nếu những nhà văn đó thích tác phẩm của ông thì rất có thể những độc giả thông minh cũng thích."

    Cái ý này của bác Ray tớ khoái (từ khoái tới cực khoái :D). Theo đó thì, nếu tớ viết, chắc là tớ viết cho Kafka, Đốt, Borges, Saramago, Bolano, và dĩ nhiên là bác Ray :)

    ReplyDelete
  23. viết xong phải đốt vàng mã bác nhể?:)

    ReplyDelete
  24. Viết cho Kafka thì không bao giờ xong. Có lẽ có quá nhiều nhà văn viết không bao giờ xong là vì họ viết cho Kafka. Tui là một.

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN