Monday, 3 October 2011

Trở lại Hội An

Tôi trở lại Hội An sau bảy năm.

Tôi chợt nhận ra tôi hay bắt đầu các bài viết của mình bằng cách rọi về một kỷ niệm trong quá khứ. Nói một cách tuyệt đối, chỉ trẻ sơ sinh mới không có quá khứ, còn bắt đầu biết ăn biết đi rồi biết nói là đã bắt đầu có quá khứ rồi, cho dù ta có ý thức về nó hay chăng nữa. Càng lớn tuổi quá khứ càng chất chồng, thế nên người trẻ bao nhiêu đời vẫn hóng người già kể chuyện xưa. Còn ông bà bố mẹ mở miệng ra nhắc nhở con cháu là ngày xưa bố thế này, ngày xưa ông thế kia; bạn bè lâu ngày gặp nhau không khỏi hàn huyên chuyện cũ. Ai có sống vội sống vàng cho mấy, có ưa bàn chuyện tương lai năm mười năm sau, vẫn không thể không hoài niệm. Nên giả có một ngày quay lưng lại thấy sau lưng trống hoác, tịnh không chút kỷ niệm nào, thì người lại giật mình “bơ vơ như trẻ sơ sinh”. 

Trong chuyến đi Hội An này tôi mang theo mình ba cuốn sách: Chân dung Dorian Gray của Oscar Wilde, Vượn trần trụi của Desmond Morris và Tùy bút của Võ Phiến. Những lúc không chơi đùa, không phải dắt hai bạn nhỏ và một bạn lớn đi ăn, đi bơi, hay đi chơi, tôi lại lôi sách ra đọc. Tôi cao tuổi nhất so với cả ba bạn còn lại đâm ra ngủ ít nhất và đọc nhiều nhất. Đi chơi năm ngày thì tôi đọc trọn vẹn cả ba cuốn, cộng lại cũng được nghìn trang.

 Tưởng như tôi có thể nhại Lev Tolstoy mà nói: “Mọi cuốn sách dở đều giống nhau, nhưng mọi cuốn sách hay lại hay theo một kiểu.” Trong khi Chân dung Dorian Gray là một áng luận văn tuyệt diệu về nhục thể, Vượn trần trụi cung cấp những góc nhìn thú vị từ góc độ của một nhà động vật học về con vật người, thì Tùy bút là một thứ rượu ngon nhưng độ không cao lắm, đủ để mỗi ngày nhâm nhi một chút thì người lúc nào cũng ngất ngây nhưng không đến nỗi say không còn biết trời đất là gì. Vì lẽ đó, cuốn Tùy bút này đặc biệt thích hợp một kỳ nghỉ.  Đoạn “bơ vơ như trẻ sơ sinh” trên kia chính là cái cảm giác Võ Phiến mô tả trong mùa xuân đầu tiên trên đất Mỹ, nhận ra trên đất nước mới này, cảnh sắc đẹp thì đẹp đấy nhưng chẳng có tình; ông khám phá ra rằng đó là vì ông chẳng có kỷ niệm nào với xứ sở này - mọi kỷ niệm đã có đều là với đất nước mà ông để lại sau lưng.  Cái cảm giác chợt trống hoác ấy ông gọi là “bơ vơ như trẻ sơ sinh”.

Cuốn của Võ Phiến đọc ở Hội An càng đặc biệt thích hợp, vì trong đó có bài về Hội An.  Tôi nhớ nhận xét của ông về món cao lầu, [trích không chính xác nguyên văn] “xứ sở này luống tuổi đến mức món ăn của nó cũng không đủ sức đi xa”.  Đó là một nhận xét dí dỏm, tinh tế và hết sức trìu mến. Vào thời điểm Võ Phiến viết bài đó, hủ tíu đã thống lãnh miền Nam, phở đã trở thành món quốc hồn, bún bò Huế vừa bắt đầu biểu dương thanh thế ở Sài Gòn, còn cao lầu ít vẫn nhìn thấy ở đâu ngoài Hội An. Ngay cả vào năm 2011 này, món cao lầu đi xa lắm chắc cũng chừng ba chục cây số  tới Đà Nẵng  (nhờ con đường thẳng băng mới mở nhân hội nghị APEC cách đây vài năm), chứ ở Sài Gòn cao lầu chỉ mới tạm trú một cách thưa thớt, KT3 còn chưa có, nói chi chuyện hộ khẩu thường trú. Năm 2004, tôi và người yêu mới vào rọ ở Hội An hai ngày ăn cao lầu sáu bữa ở sáu quán khác nhau; cao lầu ở mỗi quán khác nhau chút đỉnh, nhưng vị rau sống đặc thù xứ này thì không lẫn vào đâu được. Về Sài Gòn, nhớ cao lầu là nhớ cái vị rau ấy.  Lần này, tới Hội An chỉ vào hai buổi tối, tối đầu ngồi bên chợ đêm tương đối mới ở bờ bên kia sông Hoài, chị bán hàng khăng khăng ở Hội An không bán cao lầu tô nữa, mà chỉ có cao lầu xào. Lòng đầy nghi ngại chúng tôi gọi thử, thì quả nhiên đó là món cao lầu bị hiếp dâm: một món mì trắng xào đầy mỡ và vô cùng ngấy.  Tối thứ hai, chúng tôi chọn một quán cóc bên kia sông Hoài, đang ngồi ngoài trời  đột mưa tầm tã, hai bạn nhỏ ướt sơ sơ, còn hai bạn lớn ướt kha khá, bù lại cao lầu đúng vị cố nhân. Gặp lại cố nhân bao giờ lòng cũng xôn xao.



19 comments:

  1. hoài nhớ là chỉ dấu không thể chối cãi của tuổi già, (còn nữa, lúc khác viết tiếp)

    ReplyDelete
  2. Hi Mun, hôm nào đi nhà sách tìm mua giúp mình quyển Tạp bút của Võ Phiến được không?

    ReplyDelete
  3. Xiêm: Võ Phiến là ở bên ấy chứ phải ở bên này đâu, vào đây mà mua này: http://www.tulucmall.com/HomePage/HomePage.aspx

    ReplyDelete
  4. Thú thật là rất ít khi mình nhớ về quá khứ, chỉ khi ai, cái gì cố tình gợi thì mới nhớ đến. Hiện tại có quá nhiều điều để quan tâm mà :-D
    Trẻ sơ sinh hay chứ. Nếu mà thỉnh thoảng được trống hoác và ngơ ngác như thế thì thật may mắn :-D

    ReplyDelete
  5. Em thay' o giua~ cho* dem^, co cai' quan' ngoi^` an o 2 hien mai nha`, co' quay^ tuong`, ban' cao lau^` to^ ma`.

    ReplyDelete
  6. Em xin rút lại công thức "Không bao giờ" hổm bữa, vì giờ đã có một Hội An hoàn chỉnh, không còn demo nữa. :D

    "... cuốn Tùy bút này đặc biệt thích hợp một kì nghỉ", thiếu chữ đệm giữa "thích hợp" và "một kì nghỉ" đúng không anh, hay anh thích dùng thế?

    Lần ở HA, em cũng đi ăn thử cao lầu ở các quán khác nhau, trò này thú phết. Tương tự với mấy cái bánh bèo nậm lọc ở Huế á, quán A bánh lọc ngon vô địch nhưng muốn ăn bánh bèo ngon thì phải ghé quán B.

    ReplyDelete
  7. đã cười ngượng, đã vào tính mua, đã hết hàng.
    Mà web đó có nhiều thứ hay, giờ mình mới biết. Tks Mun.
    À, đợt tới người nhà mình về lại bên kia, có muốn gửi sách gì thì email cho mình.

    ReplyDelete
  8. Xiêm: Cuốn Tùy bút còn hàng, Tạp bút mới hết. Cuốn mình đọc là Tùy bút (lúc đầu viết nhầm, đã sửa). Vụ kia có đấy, rút vào hoạt động bí mật nhé.

    ReplyDelete
  9. BA: "thích hợp cho một kỳ nghỉ", đánh máy sót đấy chứ không phải cố ý cách tân đâu:)

    ReplyDelete
  10. Uh, mình cũng vừa xem lại. Ok, vụ kia rút vào sinh họat trong vùng email nhá, bí danh với mật khẩu không đổi :)

    ReplyDelete
  11. Hỡi Goldmund, nếu bác có lòng với cao lầu Hội An đến vậy thì không cần phải đi xa: dạo này ở Saigon có cái quán chuyên trị các món Quảng Nôm đang rất hot là quán Phú Chiêm ở đường Trần Bình Trọng (quận Bình Thạnh không phải T.B.Trọng quận 5 đâu, đi từ Lê Quang Định xuống xong rẽ trái Trần Bình Trọng, hướng Bình Thạnh giáp Gò Vấp). Quán đó có rất nhiều các món Hội An/Quảng Nam như cá nục cuốn rau muống chẻ, hến xúc bánh tráng, thịt heo luộc cuốn bánh tráng và tất nhiên cả cao lầu (gồm cao lầu tôm cua, cao lầu mì gà hay cao lầu mì heo). Quán ni chủ là dân Quảng Nôm, nguyên dàn phục vụ cũng nói giọng Quảng Nôm rặt, rồi ngay cả vị rau thơm bác nói cũng được họ chở máy bay từ Đà Nẵng vô Saigon. cái này gọi là "Nếu Mohammed không đi tới núi thì núi phải đi tới với Mohammed" á =)) À cao lầu mì tô có nước xâm xấp đàng hoàng.

    ReplyDelete
  12. Hội An quán ở hông Maximart Cộng Hòa ( đường Út Tịch thì phải )ăn cũng được dấy chứ.

    ReplyDelete
  13. Thật ra những cuốn sách dở cũng dở theo kiểu khác nhau, chỉ là đụng vô vài trang là người ta gạt ra nên xếp chung vào đống 'giống nhau'.
    Mình thì chỉ phân biệt hai loại dở: 1 là dở từ tư duy của người viết, 2 (không phải 1) thì dở do văn.
    Sách hay thì khỏi nói rồi. Cầm lên là hút vô. Thế thôi :)

    ReplyDelete
  14. Pink quả không hổ danh chuyên gia ăn uống. Sẽ thử. Tks.

    @lamnguyen: Quán đó không biết còn tồn tại hay không nữa!

    ReplyDelete
  15. Hôm nào bạn Mund tổ chức hành hương đến xứ cao lầu Trần Bình Trọng thì cho ké với nhá hị hị :))

    ReplyDelete
  16. okie, chị So tài trợ hén?

    ReplyDelete
  17. Sở dĩ cao lâu không đi xa được là vì nó không hấp dẫn lắm .Nếu rời rau ở Hội an ra thì linh hồn cao lầu sẽ mất .Nhưng một mình Mỳ Quảng thôi cũng đủ làm nhớ nhung vùng đất ấy rồi, keke

    ReplyDelete
  18. Hội An quán vẫn còn tồn tại đó anh, tháng trước em mới ghé ăn.
    HDQ

    ReplyDelete
  19. Trông quyển Võ Phiến hấp dẫn quá. Thèm.

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN