Tuy nhiên tôi biết, cho dẫu tôi mê cao lầu, tình yêu cao lầu của tôi chỉ là tình yêu du khách, qua đường gặp món hạp miệng thấy ngon thì mê, nhưng cái ngon ấy chỉ mới là cái ngon đầu môi chót lưỡi. Sẽ chẳng bao giờ tình yêu của tôi dành cho cao lầu có thể so đọ được với tình cảm mà một người quê gốc Hội An dành cho nó. Cái ngon của một món ăn của một vùng quê đối với người quê xứ ấy không chỉ nằm ở vị giác, mà nằm ở cái trường kỷ niệm vây quanh nó: có thể đó là tiếng mưa rơi trên luống rau, là con ốc sên tí hon bò quanh lá, là món ăn mẹ nấu cho mỗi sáng, là món ăn chỉ xuất hiện trong mỗi bữa họp mặt gia đình, là bữa trốn trường cùng đám bạn rủ nhau đi ăn vặt, hay là hôm xì xụp trong lén lút với mấy đồng xu ăn trộm của bố mẹ. Kỷ niệm có thể muôn hình vạn trạng nhưng cũng lại độc đáo, duy nhất. Khi ăn món ăn quê nhà, món ăn đã ăn từ tấm bé, người ta ăn cả những kỷ niệm ấy: ăn ký ức. Đó là lý do tại sao một người sinh ra ở Đơn Dương như tôi, ăn bánh căn Đơn Dương, từ hồi bốn, năm tuổi, thì đến bây giờ lúc nào cũng thèm ăn bánh căn Đơn Dương tại Đơn Dương; và cho dù tôi dẫn bạn bè từ nơi khác về Đơn Dương, cũng ngồi ăn ở quán ấy trong một ngày mưa gió - thời tiết hết sức lý tưởng để ăn bánh căn - thì bạn bè tôi cũng chẳng có được cùng cảm giác như tôi. Huống hồ chi bạn nào đấy đọc bài về bánh căn của tôi, rồi ra Nha Trang, sau khi đẫy bụng một món nào đó, đi mua bánh căn mang về khách sạn ăn, xong rồi bảo món gì chán kinh, toàn bột với nước mắm, chả ra cái vẹo gì. Ăn như thế thì đúng chẳng ra cái vẹo gì thật.
***
Tôi có một người bạn Úc. Bà là một người yêu quý Việt Nam thật lòng, thật đến nỗi tôi hay tự hỏi tại sao bà lại yêu Việt Nam như thế. Bà có dây mơ rễ má gì với cái đất nước này như tôi đâu. Tôi không hình dung ra được, một cách khách quan, làm sao một người lại có thể yêu quý được một đất nước khác. Sinh ra lớn lên trong nước ấy thì đã hẳn, vì khi ấy yêu nước là bổn phận, làm gì có lựa chọn.
Bà bạn của tôi mê tít Hội An. Gần như mỗi năm bà sang Việt Nam một lần, gần như lần nào bà cũng ghé Hội An. Có năm đến để may cái áo dài, có năm đến để sửa cái áo dài may năm trước, có năm đến chỉ để lang thang, đi dạo vơ dạo vẩn, ngắm nhìn cuộc sống người dân, hít thở không khí của thành phố cũ kỹ, nhỏ và đẹp này. Tôi không chắc Nguyên Ngọc có phải là người đầu tiên gọi ra đặc tính nhỏ và đẹp của Hội An hay không, nhưng tôi biết chắc Nguyên Ngọc là người giả định rằng, đại ý, nếu Hội An bị kéo giãn ra, hay giả những con phố của Hội An không chật đến nỗi người nhà bên này có thể bắt tay người nhà bên kia mà cả hai không phải ra khỏi nhà, thì Hội An sẽ chẳng còn là Hội An nữa.
Tôi nghĩ, không khí của Hội An là chính cái lôi kéo du khách phương Tây và những người như bà bạn Úc của tôi đến đây, chứ không phải là một cái nhà cổ, một cái đình hay một cái chùa nào. Đã ghé thăm tất cả những địa điểm lịch sử của Hội An trong chuyến đi trước, lần này chúng tôi thuê hai cái xe đạp, hai bạn lớn chở hai bạn nhỏ, đi loanh quanh trong phố, không có một điểm dừng chân cụ thể nào trong đầu. Bảy năm trước, chúng tôi cũng thuê hai xe đạp, đạp ra tận Cửa Đại, ngang qua cây cầu và khúc sông lặng tênh gợi một vẻ thanh bình tuyệt đối. Giờ chúng tôi, vướng hai cái đuôi, không đạp xa được, vì hai cái đuôi cứ bảo đau mông (ấy là chưa kể không chịu làm đuôi mà còn bảo, “Con là đầu cơ!”), nên chỉ vòng vòng trong phố cổ, ghé một hàng chè ven đường ăn ly chè đậu xanh đá, rồi dừng chân xem hát bài chòi, xem người ta chơi bịt mắt đập niêu trên phố. Cũng nói thêm, khi thuê xe đạp, người cho thuê chỉ hỏi chúng tôi ở khách sạn nào, rồi giao xe mà chẳng đòi hỏi vật gì thế chân; còn khi ghé hàng chè, quen thói Sài Gòn xuống xe tính khóa, bà chủ hàng đã vội xua tay có để đến mai cũng không ai lấy. Hội An quả vẫn còn hội nét bình an.
cũng hay, cũng tỉnh hết cả mỏi :DDDDDD
ReplyDeletehay quá...
ReplyDeleteNăm nào mình cũng vào và đạp xe ở Hội An một lần, bởi thấy thư thái, yên bình, không bút nào tả siết :-D
ReplyDeleteEm đọc bài bánh căn của anh, rồi em đi Phan Rang, 10h đêm em mò ra khỏi phòng, đánh thức người bán bánh không có khách ăn đang lơ mơ ngủ, và thấy nó rất ngon ngay từ lần ăn đầu tiên. Em có chụp ảnh đây này:
ReplyDeletehttp://nguoilavuaden.blogspot.com/2010/07/at-phuong-nam-3.html
"Cái ngon của một món ăn của một vùng quê đối với người quê xứ ấy không chỉ nằm ở vị giác, mà nằm ở cái trường kỷ niệm vây quanh nó"
ReplyDeleteHội An được người ngoại quốc yêu mến vì cảnh vật đặc biệt nhưng chính ra vì con người Hội An thành thật. Không ba xạo, không lường gạt như con người ở các thành phố khác. Nếu người Hội An mà cũng lường gạt, cũng dối trá, cũng đối xử với nhau dã man như người ở thành phố khác, thì dù Hội An có cảnh đặc biệt đến đâu, bọn ngọai quốc cũng sẽ kạch mặt, đi một lần rồi chả bao giờ muốn trở lại, ngoại trừ những nơi có cảnh xuất sắc như Hạ Long ...
ReplyDelete^ Agree. Người Việt Nam gian lận và khó ưa. Người Tàu còn thương được chứ người VN thương không nổi. @ Người rất sợ đi du lịch ở VN
ReplyDeletemột mình em đóng cả ba vai chèo:)
ReplyDeletethêm một cái nữa chứ nhỉ
No, I am not the 1st and 2nd. What made you think it's the same person
ReplyDeleteAnh làm em thèm bánh căn rồi. Em đã ăn bánh căn ở Đà Lạt, Sài Gòn, Phan Rang, Phan Thiết, Nha Trang nhưng đúng là bánh căn ở Đơn Dương vẫn ngon nhất. Em đi gặm nhấm ký ức tuổi thơ đây!
ReplyDeleteHDQ