Wednesday, 31 October 2007

Sổ tay thời chã ngọng

Để nhận rõ sự khác biệt trong chính mình ngày hôm nay và ngày hôm qua, không gì bằng ngồi đọc lại một cuốn sổ tay cũ. (Các bạn trường Luật chú ý, có thể có nhiều thứ liên quan đến các bạn đây!). Tình hình là hôm nay thế nào lại lôi ra được một đống sổ tay (và cả nhật ký mới kinh chứ) của thời lớp 11, 12 và những năm đại học. Gần hết cả buổi tối ngồi đọc lại và phát hiện ra nhiều thứ cực buồn cười chẳng hạn những triết lý ba đến năm xu tự nghĩ ra, những trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành, bản thảo nhiều bài thơ sau này rất lổi tiếng , bút tích của những danh nhân như Bố cu Hưng, v.v. Thằng Bố cu Hưng này hồi xưa có nhiều bài thơ sến phết, hôm nào mình sẽ post lại để bêu xấu nó.

Lật từ sau ra trước một cuốn sổ tay năm thứ nhất đại học (i.e. 1992), ở trang cuối cùng (i.e. trang đầu tiên), có một dòng chữ chính tay mình ghi bằng mực đỏ như sau: “Dchủ là gì? Tại sao fải vươn tới dân chủ? nghĩa? Tầm quan trọng?”. No comment, hả. Tiếp tục lật trang kế tiếp, kỳ diệu thay chính là bài Đôi bờ của Quang Dũng, đúng cái version mình post cách đây mấy ngày. Hóa ra mình thuộc là do có chép vào cuốn sổ này cách đây 15 năm. Trang kế tiếp cũng là một bài thơ Quang Dũng – bài Trắc ẩn – bài này mình cũng post cách đây mấy entries. Góc cuối trang này có một bài thơ 4 câu, không đề tên tác giả, hẳn là của mình rồi: “Anh – Nguyên Đán – một mình trong thương nhớ / Em - Giáng Sinh – lãng đãng cuối mùa đông / Nguyên Đán ấm mà Giáng Sinh không thế / Em ngoài vòng tay anh – em xa xăm’. Lãng đãng kinh không?

Mấy trang tiếp cũng là thơ Quang Dũng. Chắc đợt đấy vớ được cuốn nào của Quang Dũng nên chép lấy chép để vào sổ tay.

Nhưng trang tiếp nữa thì có những câu hay hay trích từ tiểu thuyết của Sidney Sheldon và Kinh tế học của Samuelson. Hồi đấy hay vào thư viện tổng hợp để đọc hai thứ này cùng lúc. Câu trong cuốn Thiên thần nổi giận của Sidney Sheldon như thế này: “Các giáo sư đã làm cho môn luật trở nên phần nào trừu tượng và cũ kỹ, nhưng Jennifer luôn có khả năng và nhìn thấy miền đất hứa ở phía trước: đó là một ngành học thật sự liên quan đến con người và những sự ngu xuẩn của họ. Hehe, câu này công nhận đúng. Câu trong cuốn Kinh tế học mình thấy cũng đúng không kém như thế này: “Điều duy nhất làm người ta điên hơn tình yêu là vấn đề tiền tệ”. Công nhận tiền thật là tệ!

Lật ra trước nữa thấy rất nhiều ghi chép về nhà nước pháp quyền. Thời kỳ ấy ắt hẳn đang bị nhồi sọ môn Lý luận về Nhà nước và Pháp luật. Khổ thân thằng bé! Nhưng highlight của cuốn sổ này là ảnh một em hoa hậu Đà Lạt năm 1989, mặc một bộ gần giống như là bikini màu nõn chuối, đoan trang đứng rất sượng sùng trong một ngôi nhà cổ. Không hiểu sao hồi đó vẫn có thể thi đậu môn Lý luận chung này!

Mùa thu đi lạc xuống phương Nam

Nghĩ ra cái title rõ hay, mà bây giờ bảo ngồi viết những cái như thế này thì chịu. Cho dẫu trời Sài Gòn đẹp, nắng Sài Gòn vàng, cây Sài Gòn xanh, người Sài Gòn lâng lâng. Là một bài viết cũ, rất cũ, ngày xưa viết theo đơn đặt hàng....

Lạ lắm, Sài Gòn...

(Nguyên văn phải có thêm câu: "Viết cho người em gái phương xa". Em gái phương xa bây giờ đã có một anh chồng to đùng rùi, hì hì.)

Mới đó mà đã mười năm kể từ ngày anh đặt chân đến thành phố này. Mười năm anh sống với thành phố luôn ồn ào nhộn nhịp diệu kỳ này. Mười năm mở cửa ra đường thấy toàn xe. Mười năm xuôi ngược cùng dòng sống luôn tuôn trào của thành phố. Thành phố đã cưu mang anh, đã dạy anh lớn lên và cũng không ngần ngại quất vào anh những nhát roi đau rát. Thành phố đã dang tay đón anh, một cách phóng khoáng và hào hiệp như đón bao người con từ mọi miền đất nước.

Phóng khoáng và hào hiệp có lẽ là đặc tính lớn nhất của thành phố phương Nam đầy nắng này. Có bao người đã đến và ở lại đây. Ba trăm năm trước chúa Nguyễn đã đến đây, những người nông dân phương Bắc đã đến đây. Cái ngang tàng của sông nước, cái hồn hậu của rừng, cái trù phú của thiên nhiên nói chung đã biến những người nông dân ăn chắc mặc bền phương Bắc thành những người miền Nam chất phác và phóng khoáng.

Thành phố bây giờ ngày càng đông đúc nhưng vẫn đủ chỗ cho tất cả mọi người. Người ta vẫn tiếp tục đổ về. Sinh viên ra trường ở lại. Bé Ba, Bé Bảy, thằng Tý thằng Tèo cũng vào đây đánh giày, bán mì gõ, hàng rong, thợ may hoặc giúp việc. Đông đúc kéo theo phức tạp. Tệ nạn cũng lắm. Lừa lọc và phản trắc cũng nhiều. Nhưng vẫn còn đó tính hào hiệp và lòng nhân ái. Năm nào, ở nơi nào bị bão, lụt thì cũng chính thành phố này đi đầu về đóng góp cứu trợ. Sự no đủ và dồi dào tiện nghi không làm thui chột lòng nhân.

Anh đã nói với em về sự phóng khoáng và hào hiệp. Anh còn muốn nói với em về một nét đặc trưng nữa của thành phố này. Đó là tính đa dạng. Về văn hoá, con người và cảnh quan.

Sàì Gòn không bé bé xinh xinh như Hà Nội. Sài Gòn không thâm trầm rêu phong như Huế. Sài Gòn không phải là Hà Nội, không phải Huế, nhưng có Hà Nội, có Huế và những miền quê khác trong lòng Sài Gòn.

Một sớm tháng chạp, mùa thu đi lạc xuống phương Nam, em sẽ thấy lấp lánh khắp các nẻo đường, áo khoác, áo len đủ màu. Em hãy cùng anh ra vỉa hè đường Hàn Thuyên, ngay trước dinh Thống Nhất. Cà phê nhé? Nhấm một chút cà phê, nghe vị đắng lâng lâng đầu lưỡi, em sẽ thấy trời sao đẹp thế và đời sao đẹp thế. Hàng cây trước mắt sao xanh thế và con đường này vắng thế. Không khí trong lành và ẩm dịu. Thật lạ, con đường này ngay trung tâm, bên kia là Lê Duẩn và Đồng Khởi tấp nập xe. Vậy mà đây sao quá chừng thanh bình và yên ắng, như một góc Hà Nội vậy...

Chiều nay, trời mưa lay phay. Mưa dai dẳng đến sốt ruột. Đúng kiểu "Trời mưa ở Huế sao buồn thế - Cứ kéo dài ra đến mấy ngày". Trùm áo mưa lên em, mình sẽ ra đường Hoàng Sa mới mở chừng ba năm nay bên bờ kênh Nhiêu Lộc. Ở đó có quán Thuận An. Có bánh khoái, bánh bèo tôm tươi, bún bò, có chè hạt sen và trà gừng thật nóng. Nhấm nháp hương vị cố đô, nghe chủ quán mời ăn chả, ăn nem bằng giọng Huế chính tông, thật không gì bằng .

Và Sài Gòn những đêm mùa hè nóng bức. Đâu cũng nóng. Sao mình không đi ăn kem Panorama? Toà nhà 33 tầng cao nhất thành phố. Bấm thang máy, vù lên đỉnh. Chao, đông quá. Nhưng rồi mình cũng tìm được chỗ ngồi bên cửa sổ. Nhìn xuống dưới kia đi em. Những dòng ánh sáng không ngớt tuôn trào. Thành phố về đêm sống động và rực rỡ đến không ngờ.

Sài Gòn lạ lắm em a, cái gì cũng có. Sấu chua Hà Nội, vải thiều Hưng Yên, bưởi Vĩnh Long, thanh long Phan Thiết, trăm nghìn thức. Sài Gòn có những con đường xấu xí và đầy khói bụi nhưng cũng có những con đường nho nhỏ rợp bóng cây. Sài Gòn náo nhiệt và ồn ào nhưng lại có những quán cà phê chỉ dăm bảy bộ bàn ghế nằm sâu trong hẻm, nơi Carpenters hay Louis Armstrong chỉ được mở khe khẽ, mọi lời nói tiếng cười hơi to đều trở nên sỗ sàng. Sài Gòn có những trung tâm thương mại sầm uất bán đủ thứ trên đời, mà cũng có vô số tiệm sách cũ, sách úa màu chồng chất. Sài Gòn có những cửa hàng thời trang long lanh, xập xình những thứ nhạc nhạt nhẽo và kinh dị, mà cũng có một cửa hàng cũ kỹ bé tí, chuyên bán đĩa Jazz, classic, nơi mà khách hàng phải khép nép xin mua, còn chủ nhân thì sẵn sàng gắt gỏng kiểm tra trình độ nghe nhạc của người mua...
Sài Gòn như thế đấy em. Lạ lắm...

Giải thưởng

Một vài điểm ngồ ngộ quanh mấy giải thưởng gần đây:

Áo lụa Hà Đông: Chưa xem phim này nên không thể bàn chuyện hay dở. Cơ mà nghe đồn được Cục Điện ảnh gửi đi dự Oscar nước ngoài hay nhất. Sau vụ được giải Kim Kê ở Trung Quốc, anh Phước Sang có sung sướng lên báo khoe rằng Áo lụa Hà Đông đã lọt qua vòng loại Oscar, trong khi Lust, Caution của Lý An bị đánh rớt. Anh Phước Sang chỉ phát biểu tới đây (phát biểu trên báo giấy - không biết có báo điện tử nào đưa lại không). Nếu chỉ đọc tới đây thì ai cũng tưởng Áo lụa Hà Đông phải oách hơn Lust, Caution, Lưu Huỳnh phải oách hơn Lý An, Phước Sang phải oách hơn...etc. Nhưng một nửa sự thật không bao giờ là sự thật. Sự thật trọn vẹn là bọn đế quốc củ chuối cho Lust, Caution out vì thành phần đoàn làm phim có quá ít người Đài Loan để có thể nói Lust, Caution là phim Đài Loan.

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam: Giải thưởng tác phẩm dịch được trao cho Hữu Việt. Theo ông Hữu Thỉnh, Hữu Việt được trao giải vì: "Trao giải dịch cho tập thơ “Khúc hát trái tim” (nhà thơ dịch Hữu Việt dịch) người dịch có nhiều lựa chọn nhưng lại chọn tập thơ của thần đồng Mỹ Mattie J.T.Stepanek cho thấy gu thẩm mỹ của người dịch rất tốt. Tập thơ hiện đại, mở ra tư duy thơ mới. Tập thơ có tác động kích thích về sự đổi mới thơ ca hiện nay. Một tập thơ kết hợp trực giác với suy tưởng bản năng." Cứ theo ông Chủ tịch Hội nhà văn thì hóa ra là Hội nhà văn trao giải cho cậu bé thần đồng kia chứ có trao giải cho dịch giả đâu. Sang năm em cứ lựa tác phẩm oách oách nào cứ dịch bừa ra xong đem đi thi, có khi em cũng được trao giải vì thẩm mỹ em tốt, vì tác phẩm hiện đại, mở ra tư duy mới còn tài năng dịch củ chuối của em thời không phải tiêu chí để trao giải rồi.

Gửi VB: Cái này mọi người nói nhiều rồi. Miễn nhắc lại. Nhưng cứ nghĩ tới thì buồn cười. Lê Thiếu Nhơn ơi hỡi Lê Thiếu Nhơn. Ứng dụng phong cách tạo từ vựng mới của bạn Nhị Linh (nguyên khôi), có khi sau này ta lại bảo nhau đừng có lê thiếu nhơn anh như thế, i.e. đừng có xúc xiểm anh như thế.

Monday, 29 October 2007

Không có gì

Ra Hà Nội lần này, rắp tâm mang về một chút mùa thu và một ít mùi con, rốt cuộc chỉ làm được một nửa. Nguyên do ở Hà Nội chỉ hai ngày nên tranh thủ ở nhà với con, không đi đâu cả. Mà không đi đâu, thì làm sao thấy được mùa thu? Liệu có nên khóc: hu hu hu? (Nhớ Bùi Chát nhại thơ Phan Nhiên Hạo! Khi còn bé tôi đã nhổ nước bọt vào bàn tay ngửa ra của một người mù . Bây giờ tôi phải làm gì trong mùa thu? Hu hu hu.)

Mới ba tuần không gặp, hai con đã khác hẳn. Đợt trước, Alpha mới đi được năm bảy trước. Đợt này, đã chạy lúc lắc khắp nhà như một tên say rượu. Mặt mày thì lém la lém lỉnh.

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Pi thì dài người, da mặt căng và trắng ra, quần áo của chị Alpha ngày xưa mặc đến lúc 3 tháng, giờ Pi mặc đã bắt đầu chật. Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Cằm có hai ngấn trông cứ như quan phụ mẫu. Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Mẹ bế trên tay thì Pi rúc đầu vào ngực, mông cong lên mà ngủ, nhìn giống như một con heo con. Mà Pi giống heo con thì đúng rồi, Pi sinh năm Đinh Hợi mà.

Ở với con được hai ngày lại đi. Lại hành trình dằng dặc từ nhà ra sân bay, từ quầy check-in cho đến phòng chờ. Lần này đặc biệt, Pacific Airlines khuyến mãi những hai tiếng rưỡi delay “vì lý do máy bay về muộn”. Phi công của PA chắc lái máy bay bay vòng vòng trên trời để khoe mẽ với gái, chứ muộn gì mà muộn đến hai tiếng rưỡi. Từng ấy thời gian đủ để bay đến Ma Cao đánh bạc rồi quay về. Mà buồn cười, trước lúc hạ cánh PA xin lỗi vì “sự chậm trễ của chuyến bay ở giờ khởi hành”. Cứ làm như khởi hành chậm trễ nhưng đến nơi vẫn đúng giờ vậy! Báo hại gần 3 giờ sáng mới về tới nhà, mà sáng vẫn phải đi làm bình thường.

Lúc máy bay cất cánh là 12 giờ kém 10. Lẽ ra phải ngủ rất ngon. Mấy hôm trước, người cứ như bị sâu ngủ, 8 giờ mắt đã díp lại. Giờ nửa đêm mắt lại ráo hoảnh, bèn lôi cuốn Đo thế giới ra đọc. Rất kỳ vọng về cuốn này, vì đã được mấy người liền recommend, trong đó có Nhị Linh. (À này bạn Crimson, nhiệm vụ bồ câu đã hoàn thành nhé). Đọc review ở bìa sách thấy cũng rất ấn tượng, nào là thông minh, nào là hài hước đầy chất Đức. Tuy nhiên, có cảm giác bản dịch không tốt lắm nên chưa thấy những cái hay đó dù đã đọc ¼ cuốn rồi. Có vẻ Lê Quang chỉ là người giỏi tiếng Đức (đoán thế) chứ không giỏi tiếng Việt. Ngôn ngữ bản dịch cứng và thô, không biểu cảm, đọc có cảm giác như nuốt cơm khô. Đặc biệt có vấn đề về đại từ nhân xưng trong nói gián tiếp và lối nói trực tiếp. Chợt nhớ Nhị Linh từng ném đá Lê Quang, không biết có ném đá vụ này không (vì chưa xem). Chưa biết có đủ kiên nhẫn để đọc hết cuốn hay không.

À, lúc bay ra thì có mượn ké cuốn Thú đọc truyện Tàu (Vương Hồng Sển) của bạn Crimson. Đã lâu rồi mới đọc một cuốn sách giấy ố vàng như thế, cảm giác rất hay hay. Nhớ ngày bé lén lút đọc truyện tàu của bố. Những là Đông Chu, Chinh Đông, Chinh Tây, Phong Thu, etc. Truyện tàu hồi bé đọc mê thế, lớn đọc thấy hầu hết chán, trừ Tam Quốc và Đông Chu. Đọc cuốn của Vương Hồng Sển là một dịp refresh memory. Không biết nhiệm vụ bồ câu có trở thành nhiệm vụ cúc cu hay không.

Friday, 26 October 2007

Entry for October 26, 2007

Định trả lời vào blog của bạn Linh, mà chả hiểu sao mãi không thể post được cái comment. Yahoo điên thật rồi. Thật ra thì cũng không có gì, chỉ định bảo là mình tìm được version Đôi bờ của Quang Dũng khẳng định cái trí nhớ rất oách của mình thôi.

Version ấy đây. Mấy chỗ nghiêng là khác với version bạn Linh post.

Đôi Bờ

Thương nhớ ơ hờ , thương nhớ ai ?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm heo về một sớm mai


Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Bên này em có nhớ bên kia
Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến
Quạnh vắng chiều sông lạnh bến tề


Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Ðêm đêm sông Ðáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ


Xa quá rồi em người mỗi ngả
Bên này đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào ?


Quang Dũng

Quang Dũng viết không nhiều lắm, nhưng số bài để đời lại nhiều hơn một số nhà khác viết rất nhiều. Ngoài Tây TiếnMắt người Sơn Tây quá nổi tiếng và Đôi bờ trên đây, còn có Trắc ẩn, Mây đầu ô, Không đề. Thích mấy câu này trong Mây đầu ô:

Mây ở đầu ô mây lang thang
Ôi ! Chật làm sao
Góc phố phường
Mây ở đầu ô
Hẹn những chân trời xa lạ
Qua một ngọn cột đèn
Chiều tối lại bừng con mắt đỏ
Cành bàng mái cũ khẳng khiu
Vườn đẹp khi mùa rụng lá

Những gã hai mươi mùa xuân
Từ đâu thổi vào thành phố ?...

Còn đây là nguyên bài Trắc ẩn:

Trắc ẩn

Quang Dũng

Chưa gặp sao đành thương nhớ nhau ?
Ðòi phen số mệnh cũng cơ cầu
Người đi mang nửa hồn đơn lẻ
Tôi về hoài vọng một đôi câu

Khói thuốc chiều sông, hỡi dáng người !
Phương nào đôi mắt ngó xa xôi
Nào ai biết được niềm u ẩn
Từng lắng nhiều trong những mảnh đời

Tôi viết chiều nay, chiều tưởng vọng
Làm thơ mình lại tặng riêng mình
Sông trôi luống gợi dòng vô hạn
Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh

Thời đại bao lần khô nước mắt
Hoa đèn riêng gửi chút tâm tư
Ngắn dài đã học người thiên cổ
Vạn đại sầu lên chẳng bến bờ

Chiều ấy em về thương nhớ ai ?
Tôi chắc đường đi đã rất dài
Tim tím chiều hôm lên bóng núi
Dọc đường mờ những cánh hoa phai

Một chút linh hồn nhỏ
Ði về chân núi xanh
Màu tím chiều chầm chậm
Hoàng hôn nghe một mình
Giáo đường chuông rời rạc
Tan vỡ nhiều âm thanh

Một chút linh hồn nhỏ
Ði về chân núi xanh

Wednesday, 24 October 2007

Entry for October 24, 2007

* "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui". Vui cho nên phải buồn cười, buồn cười như nhiều câu khác cùng tác giả “mùa xuân trên những mái nhà có con chim trắng tên là mây mưa” “biển sóng biển sóng đừng xô nhau ta xô biển lại sóng vào xô”. Niềm vui nhiều nhặng gì mà phải chọn – có bao nhiêu thì cứ chơi hết bấy nhiêu – chọn làm chi một cái để rồi có người xuyên tạc rằng người ở lại chỉ được phép chọn một niềm vui per day. Thôi thế này này nhé, mỗi ngày tôi tìm một niềm vui.

* Xem bóng đá là một niềm vui. Xem một đội mà mình yêu thích, mà đội ấy thắng to, thắng đẹp niềm vui nhân gấp bội. Niềm vui tiếng Anh là joy. It’s a joy to watch. Đêm qua xem trận Arsenal – Slavie Prague nghĩ thầm trong đầu như thế, sáng dậy xem tin tức thấy Arsene Wenger cũng phát biểu đúng y như thế. Hóa ra mình “tư duy” ngang giáo sư. Thứ bóng đá mà Arsenal biểu diễn đêm qua thật tuyệt hảo. Kết quả 7-0 chưa nói lên tất cả, mặc dù đó là một tỷ số kinh khủng ở bất cứ giải đấu nào chứ đừng nói đến Champions League. Trên sân Emirates đêm qua, quả bóng như có cánh, còn các cầu thủ Arsenal chơi như bị thôi miên. Các cầu thủ Slavie Prague cũng bị thôi miên nốt, nhưng người thôi miên họ là Fabregas, là Hleb, là Walcott. Báo chí Anh nhân dịp này tung Walcott lên mây (đúng kiểu báo chí Anh). Thật sự Walcott đêm qua chơi khá hay, ghi hai bàn thắng đều theo kiểu Henry: một cú láu lỉnh đón được đường chuyền của thủ môn (gợi nhớ bàn thắng Henry lẻn ra sau lưng Gerrard đón đường chuyền ngược về cho thủ môn trận gặp Liverpool năm ngoái), một cú dẫn bóng từ cánh trái xâm nhập khu cấm địa rồi xỉa vào góc xa. (Trong khi đó cũng tối qua xem Henry chơi trong màu áo Barca thật là tội nghiệp – các đồng đội mới có thèm chuyền bóng cho anh đâu mà bảo anh phải ghi bàn!) Thế nhưng người chơi xuất sắc nhất đêm qua phải là Hleb. Anh chàng Belarus này, từng bị coi là món hàng mua hớ của Wenger, mùa này chơi càng lúc càng lên chân. Trước lúc được thay ra, Hleb đã tham gia vào 5/6 bàn thắng của Arsenal. Xem những trận như thế này không phí công nửa đêm thức giấc [ruột không đau như cắt, nước mắt không đầm đìa.]

* Niềm vui còn có thể là như thế này. Bạn rêu rao trên blog rằng bạn đang muốn đọc lại thơ Đường, tức thì có người chưa quen bỗng dưng cho bạn đến những hai cuốn, đọc xỉu thì thôi!

Friday, 19 October 2007

Gọi điện cho con



Ba ở Sài Gòn. Mẹ, Alpha và Pi ở Hà Nội. Ba gọi điện cho mẹ một ngày nhiều lần, để xem Alpha và Pi ăn, ngủ có ngoan không, và nhiều lúc gọi điện chỉ để… gọi điện. Ba với mẹ nói chuyện với nhau không cần phải có “nội dung”.

Ba nói là gọi điện cho Alpha và Pi, thật ra là gọi điện cho mẹ, thỉnh thoảng mẹ sẽ cho con “nói chuyện” với ba. Alpha lớn hơn, Alpha gần được 14 tháng tuổi rồi, Alpha biết cầm điện thoại, Alpha còn biết giằng cả điện thoại. Nếu mẹ bảo Alpha nói chuyện với ba, Alpha sẽ cầm điện thoại áp vào tai rất điệu nghệ (mẹ tả thế), lắng nghe chăm chú, lâu lâu sẽ ứ é vài tiếng. Được một hai phút, Alpha sẽ bắt đầu tiết mục…liếm điện thoại. Mẹ sẽ cười nắc nẻ và xin Alpha trả lại điện thoại. Ngày mẹ bắt đầu có mang Alpha, ba, như nhiều ông bố khác mơ mình sẽ có con trai. Nhưng đến khi Alpha ra đời rồi, ba thấy mình là ông bố hạnh phúc nhất trần gian vì có một cô con gái xinh nhất trần gian và nghịch ngợm, láu lỉnh nhất trần gian. Tất nhiên là ba chủ quan. Ông bố bà mẹ nào chả chủ quan. Alpha làm ba muốn có thêm một cô con gái nữa, để ba được duy trì vị thế đẹp trai nhất nhà thì Pi lại ra đời. Pi chia sẻ ngôi đẹp trai nhất nhà cùng với ba, nhưng không vì thế mà ba “ganh tị” với Pi. Pi làm ba nhớ Pi theo kiểu của Pi.

Pi được hơn hai mươi ngày tuổi rồi. Pi chưa biết cầm điện thoại. Có ai biết cầm điện thoại lúc hai mươi ngày tuổi đâu. Mẹ bảo Pi ngoan hơn chị Alpha ngày xưa, cứ ăn xong là ngủ, khi nào đói bụng lại thức dậy và gào toáng lên. Pi nói chuyện với ba bằng cách oe oe trên điện thoại. Ba bảo mẹ từ từ cho Pi bú, để ba nghe tiếng Pi kêu một lúc. Sau này lớn lên, Pi đừng dỗi ba vì chuyện này nhé. Chả là ba nhớ Pi quá đấy thôi. Mỗi lần Alpha hay Pi nói chuyện với ba như thế, là ba chùng lòng lại, đôi lúc mắt hơi cay cay. Ba đếm từng ngày cho đến ngày bay ra Hà Nội để chơi với Alpha và Pi. Chỉ còn một tuần nữa thôi, đó cũng là ngày Pi đầy tháng.

Làm bố rồi, ba thấy mình trở thành người khác. Ba quan tâm tin tức liên quan đến trẻ con nhiều hơn. Ba ngắm trẻ con ngoài đường nhiều hơn. Ba bần thần khi nghe những tin tức không vui liên quan đến trẻ con. Ba ước gì vòng tay ba là vô tận để lúc nào Alpha và Pi cũng ở trong vòng tay ba. Nhưng các con sẽ phải lớn lên và ra khỏi vòng tay ba mẹ chứ. Cho nên, ba chỉ có một yêu cầu nho nhỏ: sau này lớn lên, Alpha và Pi có đi đâu xa thì cũng nhớ gọi điện về cho ba mẹ.

Thursday, 18 October 2007

Thơ Ngô Tự Lập

Tôi chưa đọc nhiều thơ của Ngô Tự Lập. Thật ra thì tôi không còn đọc nhiều thơ của bất kỳ ai. Một lần lang thang trên internet tôi gặp hai bài này của anh và tôi nghĩ rằng tôi thích nó. Tôi thích sự khúc chiết của hai bài này.

6 tỷ - 1 = 6 tỷ

Có thể một ngôi sao vừa tắt mà tôi không biết,

Có thể ánh sáng trong vắt của trăng rằm vừa xao động

mà tôi không biết

Tôi cũng không biết có ai đó,

ngoài người đàn bà và mấy đứa trẻ,

cùng tôi biết

có một người vừa ra đi trong đêm.

Tôi chưa từng gặp anh, thật đáng tiếc nhưng chẳng nên buồn

Cái tên không quan trọng giờ càng thêm vô nghĩa

Có thể anh cũng giống tôi

sống trong một căn hộ có ban công trên tầng nào đó

tòa nhà quét vôi xanh nay đã ố vàng,

trong một thành phố bên hồ

hay một dòng sông nước đỏ

nơi lũ trẻ xanh gầy mắt như một đàn đom đóm

bay rộn ràng về phía rặng tre xa.

Có thể ngoài ban công anh cũng trồng một chậu hoa

Giống như tôi có một chậu hoa sao đất

Anh tưới hoa bằng chiếc ca tôn rỉ

Đón những niềm vui nho nhỏ đâm chồi

Mùi hoa dịu dàng từng làm anh lặng lẽ mỉm cười

Và hát -

những bài hát anh đã đem theo -

Giờ đang vuốt ve đôi chân anh đã lạnh

Uớt như chan nước mắt vợ hiền.

Trên giá sách của anh tôi tìm thấy những quyển sách của mình:

Toàn tập Platon photocopy đóng bằng ghim Trung Quốc

Truyện Kiều in năm 1962

Bộ Kinh Thánh mua trong hiệu sách cũ

Bên cạnh quyển sách của chính anh in giấy xấu đã long bìa.

Tôi chưa từng gặp anh, thật đáng tiếc nhưng chẳng nên buồn

Platon đã chết,

Jésus và Nguyễn Du đã chết

Bây giờ đến lượt anh.

Ai đó nói trước cái chết mọi người đều bình đẳng

Tôi muốn thêm: cái chết biến ta thành những kẻ cùng thời

Liệu còn lời chúc nào đẹp hơn thế nữa?


Đường miền Flandres

Đến từ chân trời và đi về một chân trời khác

Có phải đó là đường miền Flandres?

Không một bóng người

Vắng những cây cọ cụt đầu, những vạt đồi nham nhở khóc

ở đây tôi đã biết

Máu trinh trắng đàn bà tưới lên cỏ xanh nở ra hoa vàng

Và cát bỏng hút kiệt, vắt kiệt

Tiếng khóc âm thầm khao khát, đêm đen.

Không lẽ đó là đường miền Flandres?

ở đây tôi đã biết

Những con chim đen, những trái bom lắc lư rơi

xuống sân trường đất đỏ

Có thể mũ rơm vẫn vàng nguyên đó

Lũ học trò vẫn bay liệng trong không gian.

Không lẽ đó là đường miền Flandres?

Tôi chỉ biết, tôi còn có một miền quê khác

Một tuổi thơ khác, những người đàn bà khác.

Tôi đã không sao thoát được sự giả dối của ngôn từ

Đường miền Flandres -

Tôi đặt tên cho miền quê, tuổi thơ và những người đàn bà ấy.

Vâng, sự giả dối của ngôn từ

Một con đường, một cái tên.

Đến từ chân trời, tôi đi về một chân trời khác.

Wednesday, 17 October 2007

Lá Cải Xanh Express 17/10/2007

* Báo chí hôm nay đưa tin giáo sư Cao Xuân Hạo đã qua đời. Mong linh hồn giáo sư yên nghỉ. Bây giờ chỉ còn biết cầu nguyện cho người ở lại.

* Ti vi tối hôm qua có chiếu cảnh bác Mạnh thăm Bắc Hàn. Thấy bác Kim bụng rất to, có vẻ không được khỏe lắm. Bác Mạnh trông đẹp trai hơn nhiều. Cũng thấy đội duyệt binh Bắc Hàn đi rất đẹp, đều nhất trong các đội duyệt binh mình đã từng nhìn thấy, chứng tỏ kỷ luật cao, tập luyện tốt. Lại thấy có rất đông đúc nhân dân Bắc Hàn quần áo đủ màu đứng hai bên đường bác Mạnh đi qua vẫy bông hoa cờ xí rất cuồng nhiệt. Nghĩ tập luyện bao nhiêu lâu mà vẫy chỉ được mấy phút kể cũng phí.

* Tuổi Trẻ hôm kia có đưa tin Quảng Bình trở thành nạn nhân mới nhất của hoa sữa. Cái thứ hoa lồng làn đầu phố đêm đêm ở Hà Nội ấy không phải lần đầu tiên gây họa ở miền Trung. Đà Nẵng, Phan Rang, .v.v. đã từng là nạn nhân. Không hiểu sao các tỉnh miền Trung có tinh thần keeping up with the Joneses rất cao nhé. Cảng biển là một ví dụ. Khu kinh tế là một ví dụ khác. Hoa sữa là một ví dụ nữa. Và có trời mới biết là còn gì.

* Cuối cùng thì Việt Nam cũng trở thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc. Kể ra thì cũng là tin vui, vì điều này có nghĩa là càng ngày Việt Nam càng được thế giới nhìn bằng một con mắt bình thường. Bình thường nghĩa là không đặc biệt, không phải buột miệng “Việt Nam mà!”. Nhưng nghe đâu cái ghế này hai năm thay một lần, thay phiên giữa gần 200 nước thành viên Liên hiệp quốc. Cũng nghe đâu có khoảng 70 nước chưa từng bao giờ ngồi vào ghế này thôi. Cho nên cũng đừng có xúc động thái quá! Khổ ghê cơ.

* Ừa, phải tự hào chứ nhỉ. Chả gì vị thế mới cũng ngang bằng Burkina Faso và Costa Rica. Costa Rica có đội bóng đá từng lọt vào chung kết World Cup. Còn Burkina Faso là nước nào nhở?

* Nhân chuyện Vàng Ảnh Vàng Anh, đọc lại bài này của bác 5Xu. Bác Xu hơi bị thiên tài của nó. Em thật.

Monday, 15 October 2007

Người lạ trong người quen

Hãy nói cho tôi biết anh nghe nhạc gì, tôi sẽ bảo anh là người như thế nào. Nếu đúng như thế thì mình là người tả pí lù, vì mình nghe nhạc tả pí lù. Hôm nay thì đang nghe Bằng Kiều. Mình vẫn nghĩ rằng trong khoảng 15 năm qua, Bằng Kiều cùng với Tùng Dương là hai giọng ca nam có chất nhất (tính ca sĩ pop thôi nên trừ Trọng Tấn, Đăng Dương ra). Thế cho nên chủ nhật vừa rồi lang thang tình cờ thấy đĩa Hoài cảm của Bằng Kiều do Thúy Nga sản xuất bèn tóm lấy. Nghe công nhận không phí tiền.

Đĩa này của Bằng Kiều có 12 bài, chủ yếu toàn những bài thập niên năm mươi, sáu mươi của Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Cung Tiến, Phạm Duy, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên và đặc biệt là Trịnh Công Sơn. Tại sao đặc biệt sẽ nói ở đằng sau. Nghe Bằng Kiều rất sướng. Anh có thể hát những nốt rất cao mà giọng vẫn nuột nà, không có vẻ gắng hơi cố sức nhướn mày gân cổ hay kiễng chân gì, do đó ta không có cảm giác đau bụng hay xót xa như khi nghe một số ca sĩ khác. Ca sĩ loại karaoke xèng xèng (loại này nhan nhản) nếu hát theo Bằng Kiều có khi đứt thanh quản từ lúc mở miệng. Nghe anh hát Tôi đi giữa hoàng hôn của Văn Phụng hay Chiếc lá cuối cùng của Tuấn Khanh trong đĩa này thì thôi rồi Lượm ơi. Hình như anh đặc biệt thích hợp với thể loại nhạc trữ tình cũ kỹ và hơi sến này. Nghe anh tung tẩy trong đĩa này thấy thích hơn hẳn so với thời anh hát cái gì mà ngoảnh bên này ngoảnh bên kia của Bảo Chấn. Chính ra bên cạnh việc có những ca sĩ tìm tòi cái mới kiểu như Tùng Dương, Thanh Lam hay Trần Thu Hà, cũng cần có những ca sĩ khai thác lại những cái xưa xưa, lâu lâu hoài cổ đặc biệt những lúc chiều mưa và trời mau tối (như hôm nay) nghe cho nó phê. Lâu nay đám ca sĩ choai choai cũng đua nhau ra đĩa nhạc xưa. Mỗi tội nghe nhạt phèo.

Hay nhất trong đĩa này phải kể đến ba bài của Trịnh Công Sơn: Như cánh vạc bay, Em đi bỏ mặc con đường và đặc biệt là Chiếc lá thu phai. Không phải nhạc Trịnh Công Sơn hay, mà Bằng Kiều hát nhạc Trịnh rất hay. Hay ở chỗ hát mất cả chất Trịnh. Nghe anh hát mấy bài này, không ai còn nghĩ đó là nhạc Trịnh cả. Nhạc Trịnh thật ra nên gọi là lời Trịnh thì đúng hơn, chứ nhạc thì phẳng lặng đều đều như kinh Phật. Nhạc Trịnh mà bỏ lời ra, đem đi hòa tấu chẳng hạn, thì chẳng khác gì gái đẹp bị lóc hết thịt da, còn mỗi bộ xương khô. Hai ca sĩ được (người đời) cho là hát nhạc Trịnh hay nhất, Khánh Ly và Hồng Nhung, cũng là hai ca sĩ hát ra chất Trịnh nhất. Nghĩa là tròn vành rõ chữ, nghe câu đầu đã biết câu cuối hát thế nào, không có tính bất ngờ. (Thơ hay ở chỗ bất ngờ – người hay ở chỗ đêm mơ xuất tình – ref Bàn Tải Cân). Nghe Hồng Nhung hát Tôi ru em ngủ trong đĩa Như cánh vạc bay chẳng hạn, có thể hình dung cô chu mỏ nhả từng chữ Tôi ru em ngủ một sớm mùa đông tôi ra ngoài ruộng đồng hỏi thăm cành lúa mới. Nghe một câu là biết cô chu mỏ đến hết bài như thế nào. (Sorry Hồng Nhung, thật ra thì mình khá thích cô, như Khu vườn yên tĩnh chẳng hạn. Ở đây mình chả nói xấu gì cô. Thật tình khi nghe Tôi ru em ngủ mình hình dung ra đúng y như thế.)

Bằng Kiều thì khác. Khi anh hát nhạc Trịnh, anh mang lại cho nhạc Trịnh những cảm xúc mới mẻ, biến báo, khó lường trước, như đấy không phải là nhạc Trịnh vậy. Hay nhất trong ba bài chắc phải là Chiếc lá thu phai. Nghe anh hát tới “mười năm tắm gội”, chợt thấy hoàn toàn nhẹ nhõm, cảm giác y như mười năm không tắm hôm nay bỗng dưng được nhảy xuống suối gột sạch bụi trần.

Nghe Bằng Kiều hát nhạc xưa vì thế đâm ra có cảm giác như tìm thấy người lạ trong người quen.

Sunday, 14 October 2007

Bạch dã thi vô địch

Mình biết bác Trần Mạnh Hảo trước hết từ vụ lùm xùm Thơ phản thơ, Phê bình phản phê bình oánh loạn các nhà Hoàng Hưng, Lê Đạt và nhiều giáo sư (không biết bác đâu rồi không thấy bác oánh tiếp Lý Đợi, Bùi Chát, Nguyễn Thanh Sơn etc?). Thấy bác chửi rất ác liệt (xứng đáng làm member thăng long). Sau đó mới biết bác không những là nhà văn (đã từng viết cuốn Ly hôn hay Ly thân gì đó một thời bị cấm bi giờ không còn nghe nhắc tới) mà còn là nhà thơ. Thơ bác mình biết mỗi bài L‎ý Bạch đăng Kiến Thức Ngày Nay ngày xưa, có đề từ hai câu của Đỗ Phủ Bạch giả thi vô địch - Phiêu nhiên tứ bất quần.* Bạn nào giỏi tiếng Hán(g) dịch hộ mình xem thử gì mà đến những bốn người không có quần. Nhân tiện Kiến thức ngày nay một thời đình đám không biết bây giờ sống chết thế nào? Nhân tiện lần nữa (nhân tiện nhiều lần thế này không biết có nên gom thành đại tiện cho nó tiện) mình đang tìm đọc lại thơ Đường, muốn tìm cuốn của Tản Đà và cuốn của Trần Trọng San, bạn nào biết đâu có mách mình mình xin tiền tạ bằng bài Lý‎ Bạch của Trần Mạnh Hảo dưới đây. Bài này có rất nhiều trăng và rượu, đúng kiểu L‎ý Bạch. Có nhiều câu hay, như Cổ ta vừa với gông vua lắm/Đố vua gông nổi mùa thu vàng, hay Thơ viết xong trăng chừng tái mặt/Uống say đến mức sắp thành ta/Thơ hay có thể bị vua bắt/ Trăng nhé nghìn năm bạc tiếng gà.

LÝ BẠCH

Bóng đuổi ta ù té chạy

Khi thấy mặt mình dưới suối

Ôi trăng sáng đến mềm môi

Sáng đến chẳng còn gì để ta chơi với kiến

May còn bông lau trắng núi Nga Mi

Bướm Trang Tử làm đời ta ấm ớ

Trời cứ nhầm ta với cái ly

Chỉ sắc đẹp Dương Quý Phi mới giúp ta biết được

Khi tắt rồi ngọn lửa về đâu

Nhưng sắc đẹp lại câm hơn bóng nước

Ta đành ôm mây trắng trên đầu

Hỏi Trần Tử Ngang lối rẽ về thời trước

Trời xanh còn che nổi Hoàng Hạc Lâu?

Ôi tuyết trái mùa rắc mạt cưa

Ta không mướp đắng hóa ra thừa

Rượu kia đâu dễ làm say núi

Đá cứ vô tình khinh nắng mưa

Thời thế làm đầu ta mốc thếch

Ba Di, Thúc Tề thoát được thóc nhà Chu

Nhưng không thoát nổi vệt nhọ giữa trời của Cuội

Hằng Nga em, trăng còn phải ở tù

Ta trả Thanh bình điệu cho Đường Minh Hoàng

Gió cũng bị đày đi Dạ Lang

Cổ ta vừa với gông vua lắm

Đố vua gông nổi mùa thu vàng?

Vũ trụ là hũ rượu suông không đáy

Nên trời kia chẳng cùm được thằng say

Gió kia không sống cũng không chết

Thổi lên cho lá được ăn mày

Bớ sông Trường Giang đổ trời xuống đất

Sao bóng ta cứ núp rình ta

Mèo rình chuột ta rình trăng mọc

Nguyệt hạ độc chước đi một cộng không bằng ba

Thơ viết xong trăng chừng tái mặt

Uống say tới mức sắp thành ta

Thơ hay có thể bị vua bắt

Trăng nhé nghìn năm bạc tiếng gà

Bớ thuyền say khướt trăng cầm lái

Rượu ghì trăng xuống uống nhau chơi

Hồn ta làm cá cho trăng lưới

Nghìn năm ta chết đuối giữa trời.

* Xem thêm comment của bác Nghe chửa ở dưới.

Saturday, 13 October 2007

Mật mã Da Vinci

Một con đường

Con đường y anh đã tng đi

Mt vng trăng dn vt đêm hè

Mt con đường anh đi và nhm mt

Lng tránh ánh sáng và lng tránh c bóng ti

Rình rp nut chng anh

Con đường y rt mê man

Ng r trái cuc đi anh, trái tim anh có th

Anh tn ngn

Reo ca và dn bước?

Mc k chuông tàu đin đ dn?

Có nhiu tiếng nói cười xôn xao quá

Mưa, bt cht mưa

Ướt ròng và mát lnh

Anh vut mt

Tóc ướt đm

Con đường vt nhòa trong tia chp

Vụt hin t đnh đi và em thong th bước xung trong ánh sáng mt vì sao rơi

Anh quay đi và chy

Trong hi chuông ngân nga

Hoa rơi trên hè ph

Trong hi chuông ngân nga

Trong hi chuông gióng gi

Mt bóng người vp ngã.

27.05.02

Friday, 12 October 2007

Phát huy dân chủ, ứng dụng lề lối làm việc khoa học trong quá trình đặt tên cho con



Một đứa bé ra đời, sau khi được bố hay mẹ báo tin vui, người được báo tin thường sẽ chúc mừng và hỏi ngay bé nặng mấy ký, dài bao nhiêu, tên gì? (Câu hỏi gái hay trai càng ngày càng trở nên ít thông dụng hơn vì thường thì mọi người đã được thông báo về giới tính của bé từ lúc mẹ nó bụng còn lặc lè.) Cân nặng và chiều dài thì quá dễ để trả lời. Nhưng còn tên? Hỏi đến tên thì căng đây.

Theo quan sát của tớ, phần lớn ông bố bà mẹ gặp khá nhiều khó khăn trong việc chọn tên cho con. Vì khó nên cũng phần lớn cứ tắc lưỡi thôi cứ để nó ra đã rồi hẵn tính. Có một số cặp vợ chồng ngại khó bèn đẩy việc cho ông bà. Một số cặp khác lại bị ông bà, hay ông bác bà cô nào đó, cưỡng đoạt mất cái quyền thiêng liêng này. Có nhà thì vợ hoặc chồng độc quyền đặt tên cho con bất chấp nỗi đau thầm lặng của đồng tác giả đứa bé (nói “đồng tác giả” liệu có chủ quan quá không?). Một số khác thì đi nhờ thầy đặt tên cho con, hậu quả có trường hợp tất cả các bé trai trong một lớp nhà trẻ đều tên Nam Khánh.

Theo điệu tuyên huấn: Muốn có tên hay cho con, chúng ta cần phải tránh xa các biểu hiện phi dân chủ và hoặc mê tín dị đoan. Chúng ta phải phát huy dân chủ trong nội bộ gia đình. Thêm vào đó, chúng ta cần phải có quy trình làm việc bài bản, khoa học. Tuyệt đối không nhờ vả, xin xỏ thầy bà gì cả. Đặt tên con là vinh dự lớn lao, có phải ai cũng có đâu, mà ta lại từ bỏ cái quyền thiêng liêng ấy, còn tốn tiền một cách vô ích cho những cái tên sản xuất hàng loạt.

Ở nhà tớ, về cơ bản dân chủ là cảm hứng chủ đạo. Tuy nhiên, do lường trước dân chủ quá trớn có thể đến bất ổn cho nên theo chỉ đạo của vợ, nhà tớ áp dụng nguyên tắc đồng thuận mở rộng, nghĩa là trường hợp không đồng thuận thì vợ có quyền phủ quyết. Riêng việc đặt tên con, dân chủ được phát huy cao độ, nghĩa là hai vợ chồng tranh luận đến lúc đồng thuận thì thôi.

Đầu tiên, cần liệt kê các tiêu chí mà tên phải đạt được. Cái này thì hai vợ chồng nhanh chóng thống nhất các tiêu chí sau: (i) nghe hay hay (những tên như Bánh, Đậu, Xu dứt khoát bị bỏ ra); (ii) có ý nghĩa; và (iii) ít đụng hàng. Tất nhiên, những tiêu chí này có phần chủ quan, nhưng làm sao xác định được một tiêu chí không chủ quan.

Tiếp đến là brainstorming. Vợ lấy một tờ giấy khổ A4, chia làm hai cột, một bên tên con gái, một bên tên con trai. Hai vợ chồng bắt đầu brainstorming, ghi lại bất kỳ tên nào vụt đến trong đầu. Ở bước này càng nghĩ ra nhiều tên càng tốt. Sau nhiều lần ngủ gục lên ngủ gục xuống, khoảng gần bốn chục cái tên cả trai lẫn gái được ghi vào tờ giấy.

Giai đoạn quan trọng nhất và ác liệt nhất dĩ nhiên là giai đoạn tranh luận để đồng thuận. Cần phải đánh giá, phân tích từng tên một trong số gần bốn chục cái tên đã nghĩ ra ở bước hai, so sánh từng tên với nhau, đối chiếu tên với các tiêu chí đề ra ở bước một. Cả tớ và vợ đều có một vài cái tên favourite (kiểu như “đệ tử ruột” hay “gà nòi’) mà mỗi người đều gắng sức bảo vệ trước sự tấn công của đối phương. Có vài cái tên tớ rất tâm đắc, thỏa mãn cả ba tiêu chí kể trên, đã bị vợ thẳng thừng loại vì một tiêu chí thứ tư vợ tự ý thêm vào: không được “Tàu” quá. Ví dụ về tên bị loại do vấp phải tiêu chí này là Gia Viên (ý tớ là anh là gia trưởng, em là gia phó, nên con là Gia Viên), Triều Nguyên (lấy từ câu “Tam hoa tụ đỉnh, ngũ khí triều nguyên”) hay Kiến Văn.

Anyway, nhờ phát huy dân chủ và ứng dụng lề lối làm việc khoa học như trên, con gái Alpha đã có tên từ lúc mới được ba tháng trong bụng mẹ, còn con trai Pi đến năm tháng cũng đã có tên. Alpha tên thật là An Khuê, còn Pi tên thật là Tùng Quân.

Thursday, 11 October 2007

Ngày không vui

* Mấy ngày này hay nghĩ vẩn vơ. Nghĩ rằng là con người ta nói chung ấy, khi thực hiện một hành vi lệch chuẩn, thì người ta nghĩ gì. Không phải là động cơ gì, mà chỉ đơn giản là họ nghĩ gì vào đúng lúc thực hiện cái hành vi đó. Chẳng hạn như, họ nghĩ gì khi đấm thủng bức "Le Pont d'Argenteuil" của Monet? Trong vô số tin tức trên báo chí, forum, blog hàng ngày, đột nhiên cái tin bé xíu kia lảng vảng trong đầu tôi cả buổi sáng. Tôi chưa có dịp đến Paris thăm các bảo tảng lừng danh ở đây, nhưng khi đến Bảo tàng nghệ thuật Chicago, tôi đã đứng rất lâu trước những bức tranh của ông. Cái thứ ánh sảng bảng lảng thường trực trong tranh ông hay làm tôi ngơ ngẩn. Hẳn đó là lý do cái tin bé xíu kia bám tôi lâu đến vậy. Cái vết thủng trên bức tranh ấy, nhìn gần cứ như một con mắt đang khóc. Giữa tear (xé) và tear (nước mắt), không biết có liên quan gì đến nhau không?

* Nếu tôi có thể nghĩ vẩn vơ về một lổ thủng trên một bức tranh chưa bao giờ nhìn thấy, thì tôi biết nghĩ gì khi một linh hồn bé bỏng vừa bay về trời. Tôi không nghĩ gì cả. Tôi chỉ rùng mình. Tôi chưa gặp bé, nhưng đã gặp bố bé, vì bố bé là anh của bạn tôi. Cho dù có biết nhau, tôi nghĩ mình không thể hiểu hết nỗi đau mà anh chị và gia đình đang nếm trải. Làm sao có thể hiểu hết nỗi đau của người khác khi mình không phải là và không bao giờ là người khác. Tôi chỉ hình dung nếu tôi là anh… và rùng mình. Đến giờ này, vẫn chưa biết nguyên nhân thật sự dẫn đến sự ra đi đột ngột của bé là gì. Chả lẽ chỉ là một mũi tiêm sởi? Chả lẽ một lần nữa những mũi tiêm phòng bệnh lại chỉ gây ra bất an?

Tuesday, 9 October 2007

How to address me properly

Ngày xưa còn bé, học chung lớp với một bạn người dân tộc (funny nhỉ, chả hiểu từ bao giờ thì “người dân tộc” có nghĩa là không phải người Kinh, nhưng “văn hóa dân tộc” thì không có nghĩa là “văn hóa không Kinh” mà rất có thể có nghĩa là “văn hóa kinh!”). Bạn này là người dân tộc K’Ho. Gia đình bạn nói đúng ra phải là qu‎ý tộc K’Ho. Theo truyền thuyết (truyền thuyết là lời bố tớ), thì gia đình bạn này đã từng sở hữu rất nhiều đất đai ở làng mình. Cả nhà bạn đẹp như Tây, sạch như Tây, nói tiếng Anh như Tây, và đương nhiên tên cũng như Tây nốt. Tên của bạn là Emmanuel. Tất nhiên là có một cái họ lằng ngoằng đằng trước nữa, nhưng nhớ tên bạn đã khó, nói gì đến họ bạn. Đám trẻ con ngày xưa, chả có đứa nào có thể gọi bạn bằng cái tên Tây dài đến 4 âm tiết đấy. Tất cả đều gọi bạn mình là thằng Nu-en, có đứa gọi thành Nô-en. Gọi kiểu gì thì bạn mình cũng quay lại thôi, quen rồi, với lại làm gì có lựa chọn nào khác. Có một lần, một thầy giáo tiếng Anh của mình, một thầy giáo hiếm hoi thật sự biết tiếng Anh, lại biết cả tiếng Pháp nữa, chỉnh cho cả lớp một trận. Các em phải gọi đúng tên của bạn. Tên của người ta là Emmanuel, mà cứ kêu Nô-en, Nô-en. Bây giờ thầy kêu con Thương là Ương, Ương, hay thằng Minh là Inh, Inh, tụi bây có chịu không.

Mình từ khi gia nhập chốn giang hồ in-tơ-nét, lấy tên là Goldmund. Như rất nhiều người đã biết, Goldmund là tên một anh chàng đẹp trai giống mình (cái này không nhiều người biết) trong truyện của Hermann Hesse. Cà Hermann Hesse và Goldmund đều là người Đức. Nhiều bạn Việt hóa tên mình thành Gỗ Mun, có người gọi bác Gỗ, có người gọi huynh Mun, nghe cũng ngồ ngộ. Có bạn còn xếp Gỗ Mun cùng loại với đinh, lim, sến, táu. Ừ thì thôi, Goldmund cũng được, Gỗ Mun cũng xong, Gỗ cũng tốt mà Mun cũng chả sao. Chỉ bực nhất có em nào (em nào thì tự biết là em nào đấy) cứ gọi là huynh Mund. Nghe chả ra sao cả. Khác gì đám trẻ con ngày xưa cứ gọi bạn mình là Nô-en, Nô-en. Nếu như cái em nào đấy tiếp tục gọi mình là Mund, mình sẽ nhất định gọi em ấy là Ang Ang.

Monday, 8 October 2007

Từ điển Bắc - Nam



Từ điển Bắc - Nam
Những ai đã từng sống ở cả Sài Gòn (tiêu biểu cho miền Nam) và Hà Nội (tiêu biểu cho miền Bắc) sẽ không khó mà nhận ra rằng từ vựng Sài Gòn và Hà Nội khác nhau khá nhiều. (Mình không sống ở Hà Nội, nhưng có một người Hà Nội sống trong nhà mình, thường gọi là vợ – khi âu yếm thì gọi là “con vợ”. Chẳng hạn: Con vợ ơi, tối nay con vợ cho anh ăn món gì? Vợ sẽ dẫu môi bảo: Em đâu phải con pet của anh!. Đề cập đến vợ đây nhá, không có thằng độc mồm độc miệng nói mình viết blog chả thấy nói gì đến vợ!) Chẳng hạn quán café ở Sài Gòn, kêu cho anh nâu nóng nhé, là mấy cô phục vụ sẽ ngớ người ra, anh nóng hả, em lấy khăn lạnh cho anh nha. Còn ra Hà Nội, vào quán mà gọi bạc xỉu có khi mấy cô phục vụ tưởng anh muốn xỉu. Nếu như bạn không phải là người lịch duyệt, kinh nghiệm giao hợp (i.e. giao lưu hợp tác) nhiều, đi lại nhiều, thì bạn sẽ nhiều phen thấy mình lost in translation ngay trên đất nước mình
Về cái khoản khác biệt ngôn ngữ này, mình thì cứ rằng là kinh nghiệm đầy mình (kính nghiệm giao lưu hợp tác). Ngày xưa nhờ cãi nhau với vợ về vụ đĩa-dĩa, dĩa-nĩa mà sau được vợ! (Đấy, lại đề cập đến vợ đấy nhé!). Lúc đấy, mình gân cổ cãi nhau với cô nàng rằng anh đọc sách nhiều nhé, anh nghe đài địch nhiều nhé, từ miền Bắc nào anh cũng biết. Cái chén thì gọi là cát bát, cái gọi là bát ô tô, cái dĩa gọi là cái đĩa, chứ làm gì có chuyện cái nĩa gọi là cái dĩa. Định phỉnh anh à (i.e. Tính gạt anh hả)? Cô nàng tức lắm, sau phải huy động thêm mấy người Hà Nội gốc 3 đời nữa đến làm đồng minh. Rốt cuộc (i.e. cuối cùng) mình cũng phải chịu người Hà Nội gọi cái nĩa là cái dĩa, nhưng cô nàng kia thì phải chịu (đựng) mình!
Hai vợ chồng nhiều lúc băn khoăn không biết mai mốt sẽ dạy con từ miền Bắc hay từ miền Nam. Miền Bắc hay miền Nam có khi sẽ còn tùy trong nhà miền nào thắng thế. Trong lúc chưa miền nào thắng thế, hai vợ chồng tạm thời thỏa hiệp sẽ dạy cho con nói cả hai. Ví dụ thế này như vầy:
Xê tránh ra cho mẹ ủi là đồ quần áo!
Ba giăng mắc mùng màn rồi, con đi ngủ đi.
Em xắt thái thịt nhỏ bé ra giùm giúp anh để anh làm cơm rang chiên Dương Châu.
Con đi học ngoan nhé nha, chiều ba tới đến đón rước con
Cẩn thận coi chừng làm vỡ bể mấy cái cốc ly.
Nói chung tình hình sẽ hơi bị phức tạp.
Hiện tại, con gái Alpha chưa nói được, nhưng đã nghe hiểu nhiều. Mẹ nói “Thơm mẹ cái nào”, còn ba nói “Hun ba một cái đi” thì cả ba và mẹ đều được thơm hun ướt mèm cả mặt. Sau này con gái lớn, có khi con có thể soạn được Từ điển Bắc – Nam.

Sunday, 7 October 2007

Hoa cỏ mùa xuân

Đây là những hoa, cỏ, trái trong vườn nhà hồi Tết vừa rồi.

Lan báo hỉ

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Bướm vàng Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Hoa tía tô Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Trân châu Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Hồng Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Vú sữa Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Hoa quên tên Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Hoa xương rồng Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

Giọt mưa phương Nam

Có những khoảng thời gian, trong đầu cứ ong ong một cái gì đó. Có khi là một giai điệu, có khi vài câu thơ. Đôi khi không rõ tại sao chúng cứ ong ong trong đầu. Mấy hôm nay là câu này: "Giọt mưa phương Nam khóc trên tóc em - giọt mưa phương Nam ngâm trang thơ mềm - giọt mưa phương Nam có về Kinh Bắc...". Lục lại cuốn sổ tay cũ, tìm được nguyên bài Giọt mưa phương Nam của Hoàng Cầm. Hình như bài này Hoàng Cầm viết nhân một chuyến ngao du phương Nam, độ năm 91-92 gì đó. Bài nay thơ tám chữ, âm điệu rất lạ, có lẽ do lối ngắt nhịp 4/4 thay vì 3/3/2 hay 3/2/3, cũng có thể vì nhiều câu không có thanh trắc.

Giọt mưa phương Nam - Hoàng Cầm

Giọt mưa phương Nam khóc trên tóc em

Giọt mưa phương Nam ngâm trang thơ mềm

Giọt mưa phương Nam có về Kinh Bắc

Thương chim cuối trời cheo leo ngày đêm

Biết phận mong manh cứ đành phương Nam

Cô quạnh hiên nhà lại sa đáy giếng

Nhớ ngôi sao xanh mưa dềnh lên miệng

Hoa Tô Đông Pha Tố Như hạn hán

Khô mưa chăng em hẳn là giếng cạn

Thì giọt mưa ơi em nằm nơi đâu

Làm sao không tan làm sao không đau?

Mưa đi về anh mưa thành nước mắt

Rung rinh ôm sao bao giờ sao tắt

Mưa đi về anh mưa đi về nguồn

Không còn giếng cạn chỉ còn suối thơm

Chảy dòng hạnh xanh trôi nhanh cát buồn

Mưa đi về anh đi về lưu ly

Kinh Bắc hồng môi gái xưa kinh kỳ

Kinh Bắc lên men đằm hương vương phi

Giọt mưa phương Nam lệ nhòa qua mi.

Saturday, 6 October 2007

Sáng thứ bảy, Giường, hai bác họ Cao



Sáng thứ bảy, trời Sài gòn đẹp, nắng vàng dịu dàng. Ắn sáng và uống cà phê ở một quán cà phê thuộc loại sạch nhất Sài Gòn, nơi có những người sạch nhất Sài Gòn ngồi. Tất nhiên là đắt. Một đĩa xôi mặn ba chục ngàn. Vì là xôi mặn nên tất nhiên rất mặn. Rất mặn thì vẫn hết ba chục ngàn. Thấy cuộc đời thật là phù phiếm, phù phiếm còn hơn phù phiếm truyện của Phan Việt. Được cái ly capuccino pha rất đẹp. Có vẽ hình hoa văn vằn vện ở trên. Có ảnh minh họa chụp bằng điện thoại di động làm chứng. Một ưu điểm nữa của quán này là toa-lét có mùi sả rất thơm.

Trời đẹp thế này thì nên nói chuyện Giường. Giường viết hoa nhé, đừng hiểu nhầm. Chả là lần đầu tiên gặp tác giả của Giường, được tác giả của Giường tặng cho một cái, à không, một cuốn Giường. Giường là tập truyện ngắn của Phan An. Chưa đọc nhưng chắc là hay, căn cứ vào những gì đã đọc trên mạng. Giá 35.000 một cuốn. Bạn nào chưa có sách này thì nên mua. Dễ gì mua được một cái Giường thú vị chỉ ở giá 35.000 đồng.

Có hai bác họ Cao mình rất quý trọng. Một bác già một bác trẻ. Hai bác lần lượt xuất hiện trên Tuổi Trẻ hôm quahôm nay. Một bác còn trẻ, khỏe mạnh. Một bác già, đang thập tử nhất sinh. Bác già là giáo sư Cao Xuân Hạo. Rất thích đọc bài của bác viết về ngôn ngữ. Mong bác chóng bình phục. Bác trẻ là người mà ai cũng biết là ai đấy. Rất thích đọc những tác phẩm dịch của bác. Mong bác không bị sao cả.

Tuesday, 2 October 2007

Thế là mình lại ngồi ở sân bay (II)



Thế là mình lại ngồi ở sân bay. Lần này ở Nội Bài. Bão số 5 khiến Hà Nội âm ỉ mưa từ sáng. Lúc mình đến sân bay, thấy rất đông hành khách đứng ngồi nhốn nháo. Nghe nói nhiều chuyến bị delay. Nghĩ thầm sẽ không có một triển vọng tươi sáng nào về việc chuyến bay của Pacific Airlines sẽ bay đúng giờ. Không mưa bão còn delay, huống hồ mưa bão.

Sau khi check-in, mình ngán ngẩm nghĩ đến chuyện sẽ dài người ngồi trên băng ghế sắt ở phòng chờ, nơi chỉ bán một món ăn duy nhất là mì gói. Nhờ ngán ngẩm thế mà mình mới phát hiện ra trên tầng ba của sân bay Nội Bài có đến 4, 5 quán ăn. Trong đó có cả Ngọc Sương mới kinh chứ. Đúng là Columbus phát hiện ra châu Mỹ. Mình đĩnh đạc tiến vào quán và gọi một đĩa miến xào cua, sau khi đã cẩn thận kiểm tra với cậu phục vụ bàn rằng đây là miến xào cua bể. Cách đây vài ngày, trên đường vào bệnh viện thăm vợ, mình tạt vào một hàng ăn bên đường để ăn sáng. Đã gọi một tô (hay là bát nhỉ?) miến cua, lòng bồi hồi mơ tưởng về miến cua 94 Đinh Tiên Hoàng, Sài Gòn. Khi tô hay bát miến cua được mang ra mới biết mơ ước chỉ là mơ ước thôi, cua đâu không thấy chỉ thấy một ít gạch như là bún riêu. Vào bệnh viện ca cẩm với vợ, vợ bảo đấy là miến cua đồng, có phải cua bể đâu. Quả các cụ nói cấm có sai, đi một ngày đàng học một sàng khôn, không được một sàng thì cũng được một rổ. Ít ra bây giờ đã biết miến cua không nhất thiết phải nấu bằng cua bể.

Nhân chuyện ăn uống, chợt nhớ có bác nào quan sát rằng khi đi ra nước ngoài (có thể mở rộng ra: đi qua xứ khác), người ta khó có thể lường trước được món ăn xuất hiện trên dĩa/bàn có thể khác với hình dung của mình như thế nào. Khi không có một hướng dẫn viên địa phương bên cạnh, người ta thường có khuynh hướng gọi món ăn theo kinh nghiệm của mình trong khi nhà hàng/quán ăn địa phương đương nhiên sẽ chuẩn bị món ăn theo cách của mình như nó vẫn thế. Hồi mới sang Brisbane, mình ra Queen Street Mall và hí hửng gọi một ly iced coffee – đương nhiên với liên tưởng đến một ly café đá ở bất kỳ quán café nào ở Sài Gòn: café đen, đậm trong một ly đầy đá đập nhỏ. Rốt cuộc, cái được mang ra là một thứ nước uống khó lòng gọi là cà phê – nó chỉ hơi nâu nâu, giống ca cao nhiều hơn – và bồng bềnh trong l‎y là một tảng kem to đùng.

Đĩa miến cua ở quán Ngọc Sương sân bay này hẳn phải gọi miến cua 94 Đinh Tiên Hoàng ít nhất bằng cụ. Thậm chí mình còn nghi ngờ không biết chúng có cùng dòng họ với nhau không. Cua và hành tây chưa bao giờ là đồng loại nên khó lòng để miến hành tây gọi miến cua bằng cụ đượvc. Dù sao, đĩa miến hành tây này không đến nỗi vô vị và đủ để mình tồn tại về đến Sài Gòn.

Lúc chiều khi ra khỏi nhà, Pi đang ngo ngoe còn Alpha đang ngủ. Mình ẵm Pi một lúc rồi trao cho vợ. Cu cậu từ hôm về nhà, nói trộm vía, khá well-behaved. Ăn rồi ngủ, ngủ rồi ngoác mồm đòi ăn, giỏi hơn nhiều so với chị Alpha ngày xưa (không xưa lắm, mới năm ngoái thôi). Cô y tá đến nhà tắm cho cu cậu nằm úp bụng bơi trong chậu như cá heo, mặt cu cậu phê thấy rõ. Sáng nay cu cậu có thành tích trong khi ba đang thay tã cho đã bắn cho ba ướt hết cả cánh tay, chân, ga giường và áo của chính mình. Ba quyết định không tắm để mang mùi con về Sài Gòn. Bí mật đấy nhé. Alpha thì càng lớn, càng xinh, càng giống bố (tự suy luận ra phần còn lại), hiếu động và rất có cá tính. Đợt vừa rồi ba mãi lo chăm cho mẹ và em, chẳng mấy thời gian cho con gái.

Ơ, đã có thông báo boarding rồi. Ngạc nhiên chưa? Pacific Airlines hôm nay bay chỉ muộn có năm phút!

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN