Thursday 9 July 2009

Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện đường

Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện đường là phần 2 của Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện cầu. Nhà tôi ở vùng sâu vùng xa. Trụ sở công ty cũng ở vùng sâu vùng xa. Hàng ngày, nếu không tận dụng quyền wfh (work from home, not what’s the f*** hell), tôi phải lưu lạc ít nhất hai tiếng đồng hồ trên các nẻo đường Sài Gòn. Đâm ra trong tôi nảy nở một tình yêu sâu nặng với ngành cầu đường nước nhà.

Dạo gần đây, sau nhiều năm trường kỳ thi công, Sài Gòn đưa vào sử dụng khá nhiều cây cầu mới: Nguyễn Văn Cừ, Chà Và, Calmet, Khánh Hội, Thủ Thiêm .v.v.. Mỗi khi một cây cầu mới được đưa vào sử dụng, người ta thường thấy phấp phới trên các ngả đường lân cận băng rôn với dòng chữ: “Kể từ ngày N, cầu ABC được phép lưu thông”. Bravo ngành giao thông công chính! Chỉ thắc mắc tại sao không phải là “Kể từ ngày N, được phép lưu thông qua cầu ABC”. Cái cầu ABC tự nó có đi được đâu, bây giờ lại được cấp phép, nó biết đi đâu và về đâu?

Trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, đoạn chân cầu Thủ Thiêm, nơi công cuộc đào hầm gì đó vẫn chưa hoàn thành, người ta xây một cái siêu lô cốt. Đoạn đường này do đó hẹp, xe tải phá đường ổ gà thành ổ voi, lại thêm tình trạng ngập nước mỗi khi mưa hoặc triều cường nên kẹt xe xảy ra như cơm bữa. Đi từ hướng cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh về gần tới siêu lô cốt, ta có thể thấy một băng rôn màu xanh với dòng chữ (đại ý) “Các phương tiện chú ý, đường bị thu hẹp dễ kẹt xe”. Xuất sắc. Hết sức hiện thực xã hội chủ nghĩa. Khi đã đọc được băng rôn đó rồi, người ta có muốn rẽ trái hay phải cũng không được, vì làm gì có đường khác mà rẽ, trong khi xe phía sau cứ ùn lên. Chỉ có một con đường là nhằm thẳng quân thù mà tiến và lao vào bãi kẹt xe. Hẳn ngành giao thông công chính toàn những người thích đùa, vì nếu không thích đùa mà thực tâm muốn giúp người đi đường, lẽ ra người ta phải treo băng rôn nói trên cách siêu lô cốt ít nhất vài trăm mét, kèm theo hướng dẫn rẽ sang đường khác nếu không muốn lao vào đoạn đường hẹp và tận hưởng không khí kẹt xe.

Có những biển cảnh báo khác xuất sắc không kém và còn phổ biến hơn đó là biển “Đoạn đường này thường xảy ra tai nạn”. Chấm hết. Và không gì đoan chắc rằng đoạn đường đó sẽ bớt xảy ra tai nạn sau khi cái biển báo [vô trách nhiệm] kia được cắm lên. Sao không cắm biển báo rằng là đường cong, đường trơn, độ dốc cao hay thậm chí “trước mặt có ổ voi, giảm tốc độ xuống còn 10km/h”, hay đặt gờ giảm tốc, xây con lươn, v.v. bất kỳ biển báo hay biện pháp nào có tính cách thiết thực, giúp người đi đường biết hoặc phải làm gì để hạn chế tai nạn?

Đã nói chuyện đường không thể không nói tới tên đường. Tên đường Hà Nội nhìn chung giàu chất “thơ” và chất “nhân văn” hơn tên đường trong Sài Gòn. Tên đường Sài Gòn, dĩ nhiên trừ những đường mang tên những vị ai cũng biết như Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Lê Thánh Tôn v.v., nhìn chung dân dã hơn: Lê Thị Riêng, Trần Đình Xu, Ngô Văn Năm, Đoàn Văn Bơ, Huỳnh Văn Bánh, Nguyễn Văn Đậu .v.v. Bơ, Bánh, Đậu, nghe kích thích ẩm thực dã man. (Chư anh hùng liệt sĩ liên quan xin thứ lỗi, quả thực chẳng biết các vị là ai, nghe tên chỉ muốn…ăn.) Rồi có nạn sau khi làm đường mới, người ta không kiếm nổi một tên đường mới, mà cứ “kéo dài” ra cho [đại] tiện. Thế nên mới có Cao Thắng Nối Dài, Sư Vạn Hạnh Nối Dài. Không hiểu người ta nối dài cái gì của sư. Chao ôi, sư cũng không yên (Trần Dần: “Eo ôi, chết cũng không yên”). Các “cơ quan chức năng” quả thật rất có khiếu hài hước.

Quan thì hài hước, dân thì lạc quan. Khảo sát mới đây của một tổ chức quốc tế nào đấy cho thấy Việt Nam vào top 5 nước hạnh phúc trên thế giới, với 65% dân số hài lòng về cuộc sống. Không hiểu khảo sát được thực hiện như thế nào, những ai được phỏng vấn. Có khi những người được phỏng vấn nếu không phải là những người có tinh thần lạc quan chảy rần rần trong huyết quản, thì cũng là những người không bao giờ bước chân ra đường. Vì nếu đã bước chân ra đường, người ta khó mà hài lòng với lô cốt, với khói xe, với bụi, với nước ngập, với vỉa hè loang lổ, và nhất là với 35 người chết mỗi ngày vì tai nạn giao thông.

Bonus một bài hát trẻ con:

Đường em đi là đường bên phải

Đường ngược lại là đường bên trái

Đường bên trái là đường em không đi.

Đường bên phải là đường em đi

Cấm tự ý sửa lời bài hát thay đường bằng lề.

10 comments:

  1. Cái bài hát cuối đáng lẽ phải là tuyên ngôn của các nhà báo chứ nhỉ. Bác nên đề nghị bộ thông tin truyền thông đưa bài hát thành quốc ca quốc hồn quốc túy của ngành và là ca khúc bắt buộc trong tất cả các cuộc thi hát karaoke, người khỏe người đẹp, duyên dáng truyền hình truyền thanh của nhà báo.

    PS. Bác tiếp tục seri "mình nói chuyện gì" nhé, đọc khoái lắm í.

    ReplyDelete
  2. hì, bác Đỗ Trung Quân cứ tỵ với HN có "đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về..." chứ SG mà hát thì lại ra là" đường Đoàn văn Bơ/Đậu/Bánh ... ta về !!!"
    Có mỗi "con đường Duy tân cây dài bóng mát..." thì lại đổi quách thành Phạm Ngọc Thạch, ba dấu nặng liền, thôi thế là mất toi một bài hát hay nhất !!!!

    ReplyDelete
  3. anh Thao viết hay thế... đọc cười muốn vỡ bụng..., mà cũng phát tức muốn vỡ tim. Hơn 1 năm nay em đi khắp nẻo đường chụp hình các biển báo giao thông. Bộ sưu tập của em cũng hòm hòm rồi. Nghịch lý là những biển báo của dân dựng lên bằng vật liệu thô sơ như tấm tole, giấy cạc-tông, thùng thiếc...ghi "Hố sâu - nguy hiểm", "ra đường Trần Xuân Soạn (kèm theo một mũi tên chỉ hướng", "hẻm có nhiều trẻ em - giảm tốc độ 5km/h", thậm chí biển báo "coi chừng chó dữ", v.v... thì rất hữu dụng và rõ ràng. Còn biển báo được nhà nước làm bằng "đồ tinh xảo" thì hoàn toàn vô ích. Dưới chân cầu Kinh tẻ gần nhà em có gần chục cái biển báo xếp thành 1 hàng dài ghi "Dốc cong - nguy hiểm chết người". Chả hiểu họ xây cái dốc cong cong làm chi không biết nữa, để đến nỗi phải chết người mà cứ trương cả chục biển lên đó để báo chứ.

    ReplyDelete
  4. khi nào thấy ổn ổn, em sẽ post "bộ sưu tập" của mình lên mạng để bà con chiêm ngưỡng và cùng khám phá :)

    ReplyDelete
  5. Tizybug: Em post bộ sưu tập của em lên đi. Mà đừng kêu tên cúng cơm anh nữa. Đau tim lắm! :)

    ReplyDelete
  6. Được trận cười, tiếp tục nhé.

    Người Nam cũng thích đặt tên dài nữa, toàn là 4-5 từ. Không biết giờ còn phong trào đặt tên kiểu này không? Nói thậtlà nếu có gửi thư mà phải điền cái tên Thành Phố Hồ Chí Minh là đã đủ thấy ngại rồi.

    ReplyDelete
  7. lại sắp thịt được TT 540.000 (mức hạng bét nhuận bút) rồi hehe

    tên đường trong Sài Gòn thật là hợp với tính chất đường xét về phương diện chiều dài: cả Cách Mạng Tháng Tám Xô Viết Nghệ Tĩnh Nguyễn Thị Minh Khai đều dài phải nói là lê thê bà cố

    ReplyDelete
  8. NL daọ này GATO với anh quá. 540.000đ vị chi một chữ 1.000 đồng đấy, bét là thế nào:)

    ReplyDelete
  9. Thế nên Giám đốc Sở Giao thông Công chính thành phố luôn trốn.

    Em có số điện thoại, em gọi không nhấc máy.

    Em nhắn tin xin phỏng vấn, x thèm trả lời!

    Thậm chí khi Sở Thông tin Truyền thông TP tổ chức họp báo để cho nhà báo chất vấn về vấn đề giao thông thì Giám đốc sở cũng trốn mất!

    Hôm qua xem bài này: http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/07/3BA11024/

    Căm thù thế!

    ReplyDelete
  10. Hoan hô Goldmund 1 phát . Xin sử dụng chính xác ngôn ngữ ( Việt) , đừng bóp méo nó mà tội nghiệp ( cho chúng ta và cả cho con cháu chúng ta ).

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN