Monday 27 July 2009

Thư gửi con trai 22 tháng tuổi

Chàng thanh niên bé bỏng của ba,

Hôm nay con tròn 22 tháng tuổi. Ba vốn rộng rãi, hay làm tròn, nên coi như là con trai được 2 tuổi đi. Nếu như không bị ai ép học chữ trước khi vào lớp 1, sớm nhất 4 năm nữa con mới có khả năng tự đọc được thư này của ba. Để hiểu được những gì ba viết trong đây, có lẽ mất thời gian hơn. Tuy nhiên, để giúp con, ba sẽ cố gắng viết bằng một thứ tiếng Việt thật giản dị . Ba hứa sẽ không chen tiếng Anh như mấy bác sản xuất đĩa nhạc, những người thường cố dịch những chữ tiếng Việt ai cũng hiểu sang tiếng Anh, và cố gắng dùng ít chữ Hán Việt đến mức có thể được.

Đầu tiên, ba muốn kể cho con sơ qua về những ngày ba đang sống. (Trong môn Tập làm văn mà sau này con học, đoạn này được gọi là “mở bài”!). Tính đến ngày ba viết thư này Việt Nam đã vào WTO được 3 năm, Sài Gòn được đổi tên Thành phố Hồ Chí Minh được 34 năm, và ba mẹ lấy nhau 5 năm. Những ngày này, sữa con đang uống có giá vào loại mắc nhất thế giới, hàng ngày ba đi từ nhà đến công ty mất một tiếng đồng hồ, tăng lên một tiếng rưỡi đến hai tiếng khi kẹt xe, và mẹ đang băn khoăn nên gửi con đi học trường nào mà không phải ‘chạy”. Những ngày này, nhiều người vẫn còn đang thương tiếc Michael Jackson, ngư dân Việt Nam thường bị tàu “lạ” đâm trên biển, công ty Vinafood đang cố gẳng tẩu tán giò heo đông lạnh đã bị niêm phong, và báo Tuổi Trẻ vừa có diễn đàn “Sống trung thực, được gì”.

Ba sẽ không nói rằng những ngày ba đang sống đây là “những ngày đẹp hơn tất cả, dù mai sau đời muôn vạn lần hơn”, vì ba thật sự mong rằng những ngày đẹp nhất là những ngày mà con sẽ sống. Trong số rất nhiều mong ước của ba, ba mong nhất rằng khi con lớn lên, câu hỏi “Sống trung thực, được gì” sẽ không còn được đặt ra nữa. Ba nghĩ rằng khi một câu hỏi như thế được đặt ra nghĩa là sự trung thực là hàng hiếm. Nếu như sự trung thực có mặt đương nhiên giữa đời thường như một lẽ tất yếu, có lẽ câu hỏi như trên đã không được đặt ra. Con sẽ không thấy ai đặt vấn đề “ăn cơm, được gì” hay “hít thở có lợi ích gì”, mặc dù người ta có thể thảo luận “ăn tổ yến, bổ chỗ nào” hay “lợi ích gì từ việc hít oxy tinh khiết”.

Khi hỏi được gì, có lẽ câu hỏi còn gồm ý, mất gì nếu sống trung thực. Tất nhiên ba là một thành viên của xã hội mà ba đang sống, do đó ba không lạ lẫm gì với những thua thiệt khi sống trung thực. Nhưng khi người ta phải đắn đo quá nhiều giữa việc có nên trung thực hay không, tôi mất gì, tôi được gì khi tôi trung thực thì quả là quá xót xa con trai ạ. Cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn biết bao nhiêu nếu như người ta không phải ra điều kiện với sự trung thực, vì sự trung thực bản thân nó lấp lánh một vẻ đẹp mà không bất cứ thứ trang sức đắt tiền nào có được. Vẻ đẹp đó không thể được mặc cả. Sự trung thực lẽ ra không bao giờ nên là một món hàng để đem ra ngã giá. Nhưng con trai ơi, những điều ba đang nói đây có vẻ chỉ là một giấc mơ xa vời. Biết thế, nhưng ba vẫn mơ, vì mơ ước là một quyền tuy không được ghi nhận trong Hiến pháp nhưng có lẽ được thực hiện đầy đủ và trọn vẹn nhất. Đâu ai ngăn cản mình mơ những giấc mơ đẹp đâu con!

Đêm qua, con lại ngủ không yên. Nửa đêm, con lại hét váng lên, không biết con thấy gì trong mơ. Thanh niên bé bỏng của ba trông thế mà phức tạp ra phết. Bằng tuổi con, chị con đã biết ngủ thẳng một mạch rồi. Có thể vì chị con “vô tư lự” hơn. Cũng có thể trong tên của chị con có chữ “An”, nghĩa là bình an. Còn tên con...

Ba mẹ đã nghĩ về tên con rất sớm từ khi biết con sắp sửa có mặt trên đời. Qua rất nhiều tranh cãi và thỏa hiệp, con được đặt tên là Tùng Quân. Ba mẹ nghĩ đó là một cái tên đẹp, nam tính và không quá phổ biến. Nhưng hơn hết, tên con gồm cả một giấc mơ mà ba mẹ gửi gắm. Theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, “tùng” là cây thông ruột đặc, “quân” là cây tre mắt thẳng, và “tùng quân” có nghĩa là “người khí tiết, ngay thẳng, trung thực”. Ba mẹ mong con sẽ là con người khẳng khái như cây tùng cây trúc, mong con luôn lấy sự trung thực làm lẽ sống. Ba mẹ muốn rằng sự trung thực đối với con là một nhu cầu nội tại, con cần đến nó cũng như cần ly sữa con uống, bát cơm con ăn, con cần nó như cần khí trời. Ba mẹ không muốn con phải suy nghĩ rằng con có được một cái gì đó khi con trung thực. Ba mẹ chỉ muốn rằng sự trung thực với con là một giá trị tự thân, mà thiếu nó con sẽ thấy xốn xang, khó chịu, theo một cách như con thấy đói, thấy khát, thấy khó thở. Như thế, có đòi hỏi quá đáng với con không? Hy vọng không, vì những ngày con sẽ sống sẽ khác những ngày ba đang sống. Ba mong và tin là như thế.

Thế thôi con trai nhỉ, ba viết dài nữa con lại mất ngủ, mẹ phát hiện ra nguyên nhân thì ba nguy to. Lần khác ba sẽ viết cho con về những đề tài khác nhẹ nhàng hơn, ví dụ như “làm thế nào để không tè trong quần”!

Ba

15 comments:

  1. Em đã đặt tên cho một cô bé con ở Huế là An Khuê đấy. Bây giờ cô bé ấy đã 5 tuổi rồi, xinh xắn lắm!

    Hình như An Khuê là tên một cô công chúa ngày xưa anh ạ. Cô em gái của cô bé đó được mẹ đặt cho tên là An Nhiên.

    Chữ An, ghép với tên gì cũng dễ chịu nhỉ?

    Chưa nói về nghĩa, cái âm đọc ấy!

    ReplyDelete
  2. Cái đoạn "sơ qua về những ngày ba đang sống" có thể trở thành tư liệu quý giá sau này đấy nhỉ.

    ReplyDelete
  3. Bài viết đẹp lắm anh Goldmund ạ..

    ReplyDelete
  4. Vịt: con gái anh cũng tên An Khuê

    ReplyDelete
  5. Bạn Alpha tên đẹp nhỉ :)
    Em thấy dạy con trung thực không khó, bởi hẳn nhiên là không cần phải dạy, chỉ đơn giản là sống trung thực cho con nhìn thấy thôi :)
    Với lại cả, bạn Alpha đang học ở đâu hả anh? Em đang tìm chỗ cho gái nhà em học mà nan giải quá ý.

    ReplyDelete
  6. Tùng Quân nick name Pi (Patel)?.
    Bao giờ Pi biết còm men cho cái entry này, nhớ báo cho mình đọc với nhé.

    ReplyDelete
  7. NL nhớ nhá, chàng đẹp trai mới 22 tháng tuổi thôi!

    ReplyDelete
  8. Bác phụ huynh của chàng trẻ tuổi, ngây thơ và đẹp giai ơi, bác cho em lưu lại bài này nha.

    ReplyDelete
  9. Bác không tên

    Phụ huynnh đẹp trai của chàng trẻ tuổi ngây thơ và đẹp trai đồng ý. Bác cứ tự nhiên.

    ReplyDelete
  10. Bác đẹp trai ơi, bác lý giải cho em về điều này ở bài này trên báo này sớm bác nhé!
    Mong tin bác!

    http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200931/20090728003447.aspx

    “Trong câu chuyện này, các tác giả Việt Nam là những người bị xâm hại và Google không thể ở tư thế ra điều kiện cho mình. Nhưng có lẽ vì lâu nay chúng ta quen bị người khác xâm hại và quen đánh giá thấp giá trị trí tuệ của mình nên quên mất rằng mình có thể đi kiện lại. Bây giờ, điều quan trọng là phải tự biết quyền của mình...” - nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty T&A

    ReplyDelete
  11. Chỗ đang tâm tình với con trai, bạn Vịt hỏi mấy cái vụ kiện tụng ấy làm gì. Anyway, Google có ra điều kiện đâu. Nó chỉ bảo trả 60 đô một quyển, thích lấy tiền thì bảo nó, nó đưa. Còn không vẫn có thể bảo lưu quyền kiện nó riêng rẻ mà.

    ReplyDelete
  12. Nick name nghe cứ như "Cuộc đời của Pi" ấy nhỉ :D Sau lỡ có "chậm tiến" thêm đứa nữa (đẻ thêm thời nay cũng bị coi là "chậm tiến"), bác đặt là gì? Omega? Ipxilon? Lxi? Nuy? Muy?
    1 phiếu ủng hộ tên Nuy.

    ReplyDelete
  13. Thấy hay hay....đã copy qua danhim.net

    ReplyDelete
  14. Bác viết hay quá, cái đoạn bác điểm tin thời sự em thích nhất. Các bác tri thức trẻ đẹp trai tây học như bác em rất ngưỡng mộ. Sau này Pi nó lớn nó bảo sao bố ngày xưa không làm gì kíu nước mà toàn cynical viết lách và ngồi mơ thế à, phí cả công học hành.

    ReplyDelete
  15. haha, thích câu cuối thư

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN