Tuesday 14 July 2009

Google, bản quyền, etc.

Các bạn Thăng Long đang théc méc về bài báo này trên Thanh Niên. Mình xông vào góp chuyện tí. Post lại ở đây:

Các bạn báo chí hiểu nhầm tí. Vấn đề là các bạn ấy hiểu nhầm mà các bạn lại viết báo nên chữ tác thành ra chữ tộ.

Sỡ dĩ có thông báo này là vì Google đang bị kiện liên quan đến dự án Google Library Project. Dự án này bắt đầu từ năm 2004. Khi đó, Google thông báo rằng Google đã đạt được thỏa thuận với một số thư viện để số hóa sách và các xuất bản phẩm khác trong kho sách của các thư viện này. Google đã số hóa hơn 7 triệu bản sách, trong đó có nhiều sách vẫn còn trong thời hạn bảo hộ bản quyền. Do việc này, Google phải đương đầu với một vụ kiện tập thể (class action), theo đó Google bị cho là đã vi phạm bản quyền của tác giả, các nhà xuất bản và các chủ sở hữu sách khác vì đã số hóa (scanning) sách, tạo ra ra một cơ sở dữ liệu sách điện tử, và hiển thị nhiều đoạn của sách mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả liên quan.

Khái niệm kiện tập thể “class action” không tồn tại trong luật Việt Nam. Theo luật Mỹ, một người trong class có thế kiện nhân danh những người khác có cùng quyền lợi. Tất cả những người có cùng quyền lợi như vậy được gọi chung là class, và mỗi người riêng rẽ được gọi là class member. Tòa án sẽ quyết định một vụ kiện có thế được tiến hành theo thủ tục class action hay không. Trong vụ này, Google bị kiện theo thủ tục class action.

Tuy nhiên, Google và các nguyên đơn đã đồng ý được một thỏa thuận nhằm giải quyết vụ kiện mà không phải qua xét xử. Việc ký kết thỏa thuận sẽ giúp kết thúc vụ kiện mà không cần phải có tòa án hay bồi thẩm đoàn phân xử. Nhờ đó, các bên tham gia vụ kiện tránh phải những rủi ro chẳng hạn như thua kiện đồng thời tiết kiệm được chi phí tố tụng. Khi các bên đạt được thỏa thuận, các bên sẽ yêu cầu tòa công nhận thỏa thuận là công bằng và hợp lý. Trong vụ này, nếu như tòa công nhận thỏa thuận, Google sẽ không còn phải chịu trách nhiệm pháp lý về những yêu cầu mà nguyên đơn đã đưa ra lúc ban đầu.

Thỏa thuận giữa Google và nguyên đơn hiện đã được Tòa án chấp thuận sơ bộ. Thỏa thuận này sẽ liên quan đến quyền lợi của chủ sở hữu quyền tác giả của sách và và tác phẩm khác xuất bản trước ngày 5/1/2009. Sách xuất bản sau ngày này không thuộc phạm vi thỏa thuận.

Class members trong vụ này bao gồm bất kể ai cho đến thời điểm 5/1/2009 sở hữu bản quyền tại Mỹ đối với một hay nhiều cuốn sách. Tác giả và nhà xuất bản bên ngoài nước Mỹ cũng được bao gồm trong class nếu như tác giả đó có sách xuất bản tại Mỹ hoặc tại nước có tham gia công ước Berne về quyền tác giả. Việt Nam đã tham gia công ước Berne nên tác giả và nhà xuất bản Việt Nam có thể được bao gồm trong class và do đó có quyền lợi liên quan.

Theo thỏa thuận sơ bộ giữa Google và các nguyên đơn, các class members sẽ được hưởng 63% doanh thu từ việc Google bán quyền truy các cơ sở dữ liệu sách điện tử, quyền truy cập sách online và doanh thu quảng cáo. Ngoài ra, Google đồng ý trả 34.5 triệu đô-la Mỹ để thành lập và duy trì một Book Rights Registry (chả biết dịch tiếng Việt là gì, đại khái cái Registry này giống như một tổ chức làm việc thu tiền từ Google và phân phối lại tiền đó cho các chủ sở hữu quyền tác giả). Google còn trả 45 triệu đô la Mỹ cho các chủ sở hữu quyền tác giả của những cuốn sách đã được Google số hóa không phép trước ngày 5/5/2009.

Google đã thông báo rộng rãi cho các đối tượng liên quan tại địa chỉ www.googlebooksettlement.com. Sau khi nghiên cứu thông báo các đối tượng liên quan có thể quyết định tham gia vào thỏa thuận (nếu tham gia thì không phải làm gì cả), hoặc phản đối thỏa thuận (phải phản đối trước ngày 4/9/2009), hoặc không tham gia thỏa thuận (opt out) và bảo lưu quyền kiện Google riêng rẻ (nếu opt out phải làm việc này trước ngày 4/9/2009). Các đối tượng này (tác giả và nhà xuất bản) cũng có quyền yêu cầu được bồi thường cho các đầu sách đã được số hóa trước ngày 5/5/2009 ( phải yêu cầu trước ngày 5/1/2010).

Đại để là như thế Các bạn có thể vào www.googlebooksettlement.com mà đọc chi tiết.


Cập nhật:


Bây giờ thì kinh quá rồi, xem đây: http://www.laodong.com.vn/Home/Cuoc-choi-voi-Google/20097/146890.laodong


Cái gì mà đàm phán với cả mất chì mất chài. Các bạn báo chí suy diễn ngày càng xa. Dưa hấu mà cứ tưởng dưa bở, càng lúc càng tưởng bở. Sao không chịu khó vào trang web chính thức của Google về vụ này mà đọc nhỉ?

Bây giờ có 3 phương án: Tham gia thỏa thuận thì không phải làm gì; không tham gia thì bảo không tham gia (opt out); gan hơn nữa thì phản đối thỏa thuận. Theo ý tôi, các tác giả và nhà xuất bản Việt Nam nên án binh bất động cho nó lành. Đằng nào cũng được một ít tiền. Còn opt out biết bao giờ mới kiện được nó.

Cập nhật 2: Các bạn quan tâm vấn đề này có thể tham khảo thêm bài của nhà báo Nguyễn Vạn Phú ở đây.



12 comments:

  1. Registry = an official place where things are kept
    In this case, things are book rights/copyrights
    Như vậy có thể gọi là: Nơi đăng ký quyền sách

    Việt Nam mình làm sao mà đếm được mình có bao nhiêu đầu sách nhỉ? Mà đọc sách trên google book chán thấy mồ. Tôi cứ phải in ra mới đọc được mà bọn này nó không cho mình in.

    ReplyDelete
  2. Ừ, nhưng ở đây registry là một tổ chức not-for-profit lập ra để quản lý mấy cái vụ tiền bạc này.

    ReplyDelete
  3. Anh ơi, cuối cùng thì VN sẽ được bao nhiêu tiền từ google nếu thỏa thuận?
    Em xin anh một con số ước chừng đi?

    ReplyDelete
  4. @ Vịt: Anh không biết. Trước mắt mỗi cuốn sách đã được Google số hóa trước ngày 5/5/2009 sẽ được trả 60 đô Mỹ. Đây chưa phải là con số cuối cùng. Số tiến này được trả cho chủ sở hữu quyền tác giả của cuốn sách đó. Nếu quả thực Việt Nam có 4.000 cuốn đã được hoặc bị Google số hóa thì tổng cộng các chủ sở hữu quyền tác giả ở Việt Nam sẽ được 240.000 đô.


    Sau này, Google sẽ chia 63% doanh thu từ dự án sách của mình cho tất cả các chủ sở hữu quyền tác giả của những cuốn sách xuất bản trước ngày 5/1/2009. Mỗi người được bao nhiêu và chừng nào được trả thì chưa biết. Cái Registry mà Google thành lập để quản lý cái quỹ này sẽ làm công việc đó.

    ReplyDelete
  5. Thưa bác Goldmund, em nghe nói hình như ở Việt Nam có vụ kiện dân sự gì mà đồng nguyên đơn, đồng bị đơn đúng không ạ. Nếu như một vụ kiện có nhiều đồng nguyên đơn thì khác gì class action không?

    Liên hệ so sánh class action với chuyện dân Thị Vải đi kiện Vedan thế nào ạ?

    ReplyDelete
  6. Bác nặc danh ơi, khác nhiều đấy bác ạ. Kiện đồng nguyên đơn ở Việt Nam nghĩa là bác phải là nguyên đơn, cùng tham gia khởi kiện với những người khác, cùng ký tên vào một đơn kiện. Trong class action, có khi chỉ cần một hoặc một nhóm người khởi kiện, sau đó nếu đề nghị công nhận vụ kiện là class action được tòa án chấp nhận thì tất cả những người có quyền lợi tương tự đều có thể trở thành member của class đó nếu không opt out. Có khi bác là member của class mà bác cũng không biết nếu bác không đọc thông báo của tòa hay luật sư gửi ra. Cho nên nhận được thông báo của tòa hay luật sư gửi thì phải đọc kỹ xem thử nên hành động như thế nào là tốt nhất, thông thường không làm gì cả thì bác trở thành member của class và chịu ràng buộc bởi kết quả vụ kiện, còn nếu bác opt-out thì bác bảo lưu quyền khởi kiện riêng rẻ.

    Dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam hiện tại có đế cập đến việc một tổ chức bảo vệ người tiêu dùng có thể đứng ra kiện thay mặt người tiêu dùng, và người tiêu dùng có thể đăng ký tham gia vào vụ kiện đó hay không. Nếu được thông qua thì đây là một hình thức gần gần giống với class action.

    Dân Thị Vải muốn kiện Vedan thì có thể đồng khởi kiện hoặc từng người khởi kiện. Nếu là nguyên đơn thì may ra được bồi thường. Nếu không là nguyên đơn thì thôi. Không có khái niệm class như ở Mẽo đâu.

    Loanh quanh ở đây có một bác luật sư dính dáng tới Vedan hễ bác ấy thấy comment này bác ấy có thể trả lời thêm.

    ReplyDelete
  7. bác luật sư ơi :)

    có phải bác đang tích cực trả lời câu hỏi bạn đọc để được TT mời giữ mục giải đáp pháp luật mỗi số lấy 540.000 không ạ?

    ReplyDelete
  8. Không, không mình cũng đủ ăn không đến nỗi đi cướp cơm của người cơ nhỡ!:)

    ReplyDelete
  9. Thế tóm lại số tiền 400 triệu là ở đâu ra hả bác Mun?
    Báo chí VN vớ vẩn quá, đưa tin sai, gây hiểu lầm trầm trọng mà không thấy đính chính với xin lỗi gì

    ReplyDelete
  10. 400 triệu chắc ở trong trí tưởng bở của một số người:)

    ReplyDelete
  11. http://www.cand.com.vn/vi-VN/vanhoa/2009/7/116360.cand

    Thế này nữa thì gớm thật!

    Em chả hiểu gì cả?

    Chẳng lẽ dân trí mình thấp đến thế?

    Ngay cả giới tinh hoa là nhà văn?

    ReplyDelete
  12. :D

    P.s: Đụng tới nhà văn là khối người giãy nãy lên cho xem.

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN