Friday 24 July 2009

Linh tinh trong lúc kẹt xe


Linh tinh trong lúc trời mưa thì không nhại ai cả, còn linh tinh trong lúc kẹt xe rõ là nhại Bảo Ninh rồi. Bảo Ninh có cuốn Lan man trong lúc kẹt xe làm với Đông A, tuy tôi từng nhìn thấy nhưng chưa mua và chưa bao giờ đọc cả (vì không ai tặng hay cho mượn). Như có lần nói, tôi không mặn mà gì lắm với truyện ngắn nên hiếm khi tự bỏ tiền ra mua một tập truyện ngắn, trừ khi có lý do "đặc biệt". Chưa đọc tất nhiên tôi không biết Bảo Ninh viết gì trong đó, không biết thật sự Bảo Ninh có viết về kẹt xe không, và ông nghĩ gì trong khi kẹt xe. Thông thường khi kẹt xe người ta chỉ muốn thoát khỏi cái đống bùng nhùng đó càng sớm càng tốt chứ chẳng nghĩ được gì cả.

Tôi, cũng như báo chí Việt Nam, thỉnh thoảng tự hỏi chúng ta đang đi về đâu. Nếu tích phân ra, câu hỏi này sẽ trở nên nhiều chuyện. Còn nếu, đơn giản hơn, như những lúc bị buộc ngồi ngắm khói xe bay trên xa lộ Hà Nội chẳng hạn, chúng ta sẽ nhanh chóng có câu trả lời là chúng ta chẳng đi về đâu cả. Gần hai tiếng đồng hồ cho một quãng đường chưa đến 10 cây số thì còn nghĩ đến chuyện đi đâu. Thế mà ông chủ tịch tập đoàn một công ty công nghệ lớn khi đến Việt Nam có nói đại ý rằng, giao thông như thế chưa phải là tệ. Muốn biết giao thông tệ thế nào hãy đợi 10 năm nữa, khi đó các con đường đều trở thành bãi đậu xe. Hy vọng ông chỉ nói đùa. Cũng có thể vì ông đi đâu cũng có xe cảnh sát mở đường.

Trong entry trước, từ chuyện tôi ngó trời mưa và bắt bẻ văn trên TTVH, hai bạn Huong aka Phan Việt và Nhị Linh có những trao đổi thú vị về viết lách nói chung và cách đặt câu nói riêng. Dĩ nhiên, nhà văn không nhất thiết phải viết đúng ngữ pháp, nhất là khi họ cố tình làm thế, khi họ muốn “tu từ”. Tôi rất thích cách đặt câu của Phạm Thị Hoài trong Man Nương. Những câu thường dài, ít dấu phẩy, tràn lan ý này sang ý nọ. Tôi cũng thích cách đặt câu của Nguyễn Huy Thiệp. Những câu thường cộc lốc, ngắn ngủn, tủn mủn. Cho nên bạn PV cứ tự nhiên đặt câu lặp chủ ngữ nếu như bạn PV thấy cần như thế và km (i.e. kệ mẹ) bạn NL. Tuy nhiên, vẫn phải có chữ tuy, rất nên thận trọng khi đem lối viết khoa học sang văn chương nhé, nhà văn yêu quý như trái bí của tôi:) Nhân tiện thông báo tôi phát hiện ra bác Aristole rất hâm mộ tiểu thuyết Tiếng Người!

Theo mạch hai entry trước phần cuối sẽ dành cho random facts about me. Hôm nay chỉ có một cái thôi:

  • Tôi rất, rất thích được tặng sách:) Ngoài ra, ai mượn sách tôi không trả tôi sẽ nhớ rất lâu. Tôi vẫn nhớ năm lớp 4 có một bạn khác lớp mượn tôi 4 cuốn sách mà không trả. Tên 4 cuốn sách đó là: Cuộc phiêu lưu của Bút Chì và Khéo Tay, Bút máu (của Vũ Hạnh), Ngựa ông đã về (của Hoài Anh, tiểu thuyết lịch sử về Lê Lợi) và Người mặt nạ đen ở xứ An-giép (tiểu thuyết toán học).

20 comments:

  1. 1 nhỏ: Tớ cũng rụt rè giơ tay là đã đọc Tiếng Người một mạch hết luôn, điều lâu lâu nay hiếm khi. Tất nhiên một phần là nó mỏng, phần khác là nó rất lôi cuốn. Tiện đây thắc mắc bạn Huong aka Phan Việt một cái là cách dàn chương của bạn có ẩn ý gì ạ? Có chương hình như chỉ có một câu thôi thì phải.

    2 nhỏ: Giời ạ, ham được tặng sách thì cũng được đi, có người mượn sách từ năm lớp 4 (!) không trả mà bây giờ vẫn nhớ, lại còn nhớ chi tiết từng quyển nữa. Thật là bó tay bác Goldmund.

    ReplyDelete
  2. không đặt link "trong entry trước" ạ? phí phí hehe

    xời em còn nhớ nguyên tên cái thằng mượn của em hai tập Tam Quốc (tập 6 và tập 7) không trả vào năm lớp 3

    điều này gây đau khổ rất lớn vì hai tập ấy có mấy vụ Khổng Minh oánh Mạnh Hoạch, mãi sau này em mới mua lại được sách, nhưng tất nhiên nhìn cái bộ 8 tập ấy bị khấp khểnh vẫn đau lòng lắm

    thằng đó tên là Nguyễn Công Quốc Thúy, mày có đi qua đây thì nhớ trả tao sách :))

    ReplyDelete
  3. không đặt link nữa, đây là chiến thuật mới, ai tò mò sẽ phải lục lọi tìm link và kết quả là, hehe:)

    ReplyDelete
  4. Ngày rời Hà Nội đi làm, tôi đem sách chuyên môn gửi em cô bạn học cùng, hơn năm sau đến lấy thì em nó để mối ăn sạch. Đau hết cả mề.

    Khi rời Hà Nội lần 2, tôi có hòm sách/truyện gửi lại bạn ở Hà Nội. (Mang về quê gửi thầy u thì ngại vì nặng). Bây giờ vẫn băn khoăn chả biết nó còn hay mối cũng xơi béng rồi.

    Bác có thích đọc truyện của Hồ Anh Thái không? Ngày xưa tôi nghiện bác này lắm, cuốn nào ra cũng đọc.

    ReplyDelete
  5. Em cũng hận đứa nào mượn sách của em mà không trả.
    Tiền thì có thể quên luôn (vì có thể kiếm được, và về cơ bản là không khác nhau), dù cũng tức bụng, nhưng sách thì có khi không thể mua lại (vì không thể có hai quyển sách giống hịt nhau).
    Em nhắn thằng Phương, Nhâm bá Phương- một dạo hay lên báo TT, có đi ngang qua đây thì trả chị quyển Rừng Na Uy nhé (mượn năm 2006) . Với lại bạn Bảo bẹt (nghe nói dạy ở Arena) lấy mất của em quyển Phía Đông Vườn Địa Đàng ( lấy năm 1998). 3 hồn bảy vía hai anh hem này. Huhu!

    ReplyDelete
  6. Ở đây thành mục réo tên đòi sách rồi đấy nhỉ? Bạn Nhị Linh còn đang mượn tớ quyển nào không, trả đê trước khi tớ nhớ ra :-)

    Quyển Angiép hồi xưa mình rất là thích :-)

    ReplyDelete
  7. Có vẻ như thế thật:)

    Bác Aristole, Hồ Anh Thái em có đọc vài cuốn, nhưng em đã từ chối đọc tiếp bác này từ lâu rồi ạ:)

    ReplyDelete
  8. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  9. Bây giờ tớ cũng nhớ ra là có 1 em gái hàng xóm hồi năm lớp 12 mượn của tớ cuốn Bất phương trình được chị gái tớ tặng mua từ học bổng còm của chị ấy, rồi lờ luôn không trả.

    Tớ ghét nhất ai mượn sách truyện của mình rồi tự tiện ghi linh tinh vào đấy.

    ReplyDelete
  10. bạn today20 lấy chồng rồi mà vẫn ấy thế nhỉ

    tớ thông báo nhắc nhở với bạn là ngay "Blindfold" mất cả chuyến xuyên Việt để trả tớ vẫn trả nhỉ

    tớ cũng nhắc nhở bạn là chính mạn mới đang quản lý (dù không trực tiếp) một mớ sách của tớ, giờ chắc thất lạc rồi huhu

    ReplyDelete
  11. Đáng lẽ không nên vuốt đuôi, nhưng mà cái vụ “ từ chối Hồ Anh Thái “ khiến em động lòng quá nên em phải bày tỏ nỗi lòng cái, em đọc một quyển của bác nì :” Cõi Người Rung Chuông Trần Thế” , xong rồi thì là từ ấy em đoạn tuyệt nhất linh bác đó 1uôn. Tất nhiên ai thích đọc sách gì và ai cự tuyệt tác giả nào là quyền của mỗi người phớ hông??

    ReplyDelete
  12. "Cõi người" thì đúng là rất rất dở rồi, nhưng mấy quyển sau này không đến nỗi như thế đâu, thậm chí còn có một số đoạn khá hơn cả trước đây :)

    ReplyDelete
  13. Chính nó, chính cái "Cõi người" là cuốn khiến tôi chào bác Hồ Anh Thái một đi không trở lại, vì thế cũng không thể nào biết được rằng những cuốn sau "có đoạn khá hơn cả trước đây".

    Hai bạn Chu Chỉ Nhược và Nhất Linh này thật là khéo diễn trò, mua vui được cả một chiều chủ nhật:)

    ReplyDelete
  14. Lại diễn trò nữa nè: cái “ Cõi người rung …” nghe giông giống với “ Cõi người ta “ nhỉ các bác? Hồi trước em mua cái “ cõi người rung …” có khi vì nhầm với “ cõi người ta”. Trong marketing hình như được gọi là follower, dân gian gọi là ăn theo?

    ReplyDelete
  15. mình thì sợ nhất bạn Mai Trừng ở trong quyển đấy, sợ sởn da gà da ốc ấy

    bác GM toàn lợi dụng xem người khác ngoáy mông nhỉ (em viết thế này cho các bạn search google "ngoáy mông" tập hip-hop là vào blog của bác hehe)

    ReplyDelete
  16. Tớ thấy Cõi người rung chuông tận thế khoảng 1/4 đầu hay đấy chứ, nhưng 3/4 sau thì đuội quá.
    Bác Hồ Anh Thái có một vấn đề là văn của bác ấy chán quá, cứ cụt ngủn thô thô.

    ReplyDelete
  17. Mà em Mai Trừng giống cái nhân vật gì trong Tây Du Ký, bị yêu quái bắt thế là được Thái Bạch Kim Tinh (hình như thế) cho mượn cái áo, mặc vào người là giai nào sờ vào cũng choáng váng mặt mày, lăn quay ra đất.

    ReplyDelete
  18. mình nhớ Goldmund có entry nào về vụ kính nhi một số bác gồm HAT với lại ai ai nữa ấy nhỉ ???

    ReplyDelete
  19. Hmm, sao các bác lại cảm ra thế nhỉ? Tôi thấy cái sự thâm nho, cái sự chửi của ông Thái hay ghê người. Bác ấy chửi rất văn chứ không thô thiển. Cái này tôi thấy đâu phải bác nhà văn nào của ta cũng làm được.

    ReplyDelete
  20. Hay các bác tạm nín lại, hôm nào em làm cái entry về Hồ Anh Thái rồi các bác xông vào cho rôm rả nhỉ? Cái tựa đề i.e. nhan đề của entry này chả liên quan gì đến HAT cả, e khó cho các bác dùng Google:)

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN