- Disclaimer: Không có liên hệ đáng kể nào giữa thơ nữ trẻ và nước mía siêu sạch, hoặc ngược lại. Đương nhiên là không có. Nếu có thì chưa nghĩ ra. Chỉ là một cách đặt tiêu đề thời thượng: ghép hai sự vật không liên quan hoặc rất ít liên quan vào một chỗ để gây sự tò mò. Tò mò một cách hậu hiện đại. Đọc xong độc giả sẽ tiếp tục tò mò tại sao tác giả lại gom chúng vào một chỗ. Trong trường hợp này, mối liên hệ mong manh giữa thơ nữ trẻ và nước mía siêu sạch là có hai bài viết về hai đề tài này cùng xuất hiện trên tờ Thể Thao & Văn Hóa số cuối tuần. Nhân một buổi sáng trời mưa rả rích, tác giả blog này trong lúc đọc ngược tờ báo đã đọc hai bài liền kề nhau đâm ra đầu óc không thể tránh khỏi kết nối hai đề tài mặc dù thật ra không có gì để kết nối cả!
- Mấy năm gần đây hai chữ “thơ trẻ” xuất hiện tràn lan trên các diễn đàn chính thống lẫn không chính thống. Mình thì nghĩ rằng chỉ có thơ hay và thơ dở, thơ cũ và thơ mới, thơ dâm và thơ không dâm, chứ làm gì có thơ trẻ và thơ già. Thơ là thơ, thế thôi, sao cứ phải là thơ trẻ? Trẻ vì thơ có chất trẻ hay người làm ra thơ trẻ? Chất trẻ là một thứ mơ hồ vì khó có ai định được thế nào là chất trẻ. Chắc những người dùng chữ “thơ trẻ” không có ý định dùng chữ “thơ trẻ” theo cách hiểu này. Vả lại, nhìn vào rất nhiều bài viết về thơ trẻ, có vẻ như các tác giả đều hàm ý rằng thơ trẻ là thơ viết bởi những tác giả không già lắm như Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lý Đợi.v.v. Những tác giả này đều ở khoảng hăm mấy, băm mấy. NHHM chẳng hạn, băm bốn, băm lăm rồi, vợ con đùm đề, trẻ gì nữa mà trẻ. Nếu gọi thơ trẻ vì người viết ra nó chưa già lắm, chắc phải gọi thơ của Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận ngày xưa là thơ vị thành niên. Còn nếu tiếp tục gọi là thơ trẻ, có lẽ cần chia thêm ra thành thơ trẻ cha và thơ trẻ con đế áp dụng cho trường hợp nhà thơ Vương Văn Quang. Anh này tuổi đâu chừng bằng NHHM, nhưng ham vui sớm đâm ra con anh năm nay chừng mười lăm, mười sáu tuổi gì đó cũng làm thơ rất ác liệt. Cả cha và con cùng là nhà thơ trẻ.
- Đã có thơ trẻ rồi, nay nữ thi sĩ (hoặc “nhà thơ gái”, tùy ý có muốn dùng tiếng Việt trong sáng hay không) Nguyệt Phạm lên báo TT&VH phát biểu về “thơ nữ trẻ”. Theo ý cô, thơ nữ trẻ là thơ của các nhà thơ chẳng hạn như nhóm Ngựa trời hay Ly Hoàng Ly. Thế này chắc phải gọi thơ của Phạm Thị Ngọc Liên hay Ý Nhi là thơ nữ già rồi. Nếu dùng tiếng Việt trong sáng, thay “nữ” bằng “gái”, chúng ta sẽ có “thơ gái già”. Để đối lại, chúng ta sẽ phải gọi thơ của mấy cậu mười sáu, mười bảy tuổi như con trai Vương Văn Quang là “thơ trai tơ”. Cả hai nghe đều rất kinh, cho nên mình nghĩ là thôi, cứ gọi là thơ là thơ. Sao cứ phải thêm tuổi tác và giới tính làm gì? Trẻ hay già tạm thời còn phân định được căn cứ vào râu ria và nếp nhăn, chứ xác định giới tính e rằng khó.
- Chủ nhân của “Nước mía siêu sạch” là một doanh nhân “trẻ”, sinh năm 1974. Hôm nay anh có bài trả lời phỏng vấn trên TT&VH, trong đó có nói đại ý khung pháp lý bảo hộ “giá trị thương hiệu” ở Việt Nam chưa phát triển. Chắc là anh nói nhầm, hoặc do trả lời phỏng vấn bằng mồm (versus bằng văn bản) nên anh không chú ý lắm về cách dùng từ. Giá trị thương hiệu là do doanh nghiệp tạo ra, phát triển và giữ gìn. Luật pháp chỉ bảo hộ thương hiệu thông qua hệ thống các quy định về nhãn hiệu hàng hóa (trademark) chứ không bảo hộ “giá trị thương hiệu”. Luật pháp không chịu trách nhiệm nếu giá trị thương hiệu của anh lên hay xuống, mà chỉ có chế tài đối với những ai vi phạm nhãn hiệu hàng hóa của anh, qua đó thương hiệu của anh được bảo hộ. Mà pháp luật Việt Nam về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho đến thời điểm này đã khá hoàn chỉnh. Nhân đây tự nhiên thắc mắc trong thực tế không hiểu thương hiệu “Nước mía siêu sạch” của anh đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa được chưa. Về nguyên tắc mà nói, “nước mía siêu sạch” thì cũng như “gà không bị cúm gia cầm”, đều mang tính chất mô tả hàng hóa và không thể đăng ký bảo hộ được. Tuy nhiên, thực tế có thể khác. Ở nước ta, thực tế bao giờ cũng có thể khác, hoặc rất khác, lý thuyết. Cho dù anh có đăng ký được, một hôm nào đó mình thất nghiệp, buồn quá không biết làm gì đi bán nước mía, mình cũng trưng bảng “nước mía siêu sạch ” lên anh cũng chả làm gì được mình, nếu như nước của mình cũng là nước mía và cũng siêu sạch.
Chuyện "nước mía siêu sạch" y hệt như nhiệm vụ mà Sếp em (hí hửng) sai em đi hỏi thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ mấy cuốn sách do phòng sắp XB mang tên Beta Book. Mà nội dung của nó, theo em thấy chả hơn gì mấy tài liệu các công ty khác phát không cho khách hàng. Thôi đi đăng ký trí tuệ sở hữu cái tên vậy, coi như là tờ chết mác :D
ReplyDeleteMai huynh có thể post một cái entry là một bài thơ trong tập Ngày vắng mặt trời không? Để độc giả ý thức là nếu tác giả sinh cùng thời Hoài Thanh thì có lẽ đã vi vu với giăng gió cả đời chứ không phải đứt gánh thi ca sang làm đại Luật sư "trẻ" (Hùm) :D