Saturday, 15 September 2007

"Lên" nhật báo (hay Ném đá Thể Thao & Văn Hóa)

Hôm nay Tuổi Trẻ có tin Pháp Luật lên nhật báo. Tin này bạn NDH đã thông báo nhân dịp họp lớp cách đây hai tháng, cùng lúc với tin bạn được lên Quyền Tổng Thư k‎ý báo Pháp Luật, i.e. Q. Tổng thư ký mà dân gian hay gọi là “cu tổng thư ký”. Nói cách khác thì bạn đang rất thành công trên con đường bạn chọn, và mơ ước lớn lao của bạn bây giờ là chờ tới ngày được cắt “cu’. Nghĩa là Tổng thư ký chính thức.

Nói “lên” vì có nghĩa tăng kỳ, còn thực sự lên có đúng nghĩa là “lên” hay không thì chưa biết. “Lên” cũng hàm ý rằng dân ta chăm đọc báo hơn, nhiều người có tiền và chịu bỏ tiền để mua báo hơn xưa. Ai đó nhận xét rằng dân ta nói chung lười đọc sách. Ở chốn công cộng toàn chỉ thấy đọc báo thôi. Dù sao đi nữa, có đọc một cái gì đó vẫn hơn không đọc gì. Ơ mà hôm nay không định bàn về sự đọc, mà định bàn về sự nhật báo.

Pháp Luật sẽ thế nào, xin lỗi Cu Tổng thư ký rằng mình không biết, vì rằng hiếm khi mình đọc báo của bạn. Mình chỉ mượn cái cớ báo bạn lên nhật báo để ném đá một tờ khác, cũng mới “lên” nhật báo gần đây. Ấy là tờ Thể Thao & Văn Hóa.

TTVH, cái dạo xa xưa một tuần một số và cái dạo không xa xưa lắm thứ ba và thứ sáu một tuần hai số đã từng là tình yêu của mình. Dạo đấy hàng tuần mình cứ nhong nhóng đến thứ ba và thứ sáu để đọc TTVH. Thể thao cũng hay mà văn hóa cũng đặc sắc. Cố nhiên không phải bài nào cũng hay, nhưng nói chung nhiều bài đáng đọc. Phần thể thao bình luận có phong cách, không a dua như nhiều báo thể thao khác. Phần văn hóa cũng thế, có thể có nhiều mục đáng nể như Phản chiếu của Lê Thị Liên Hoan, Tản văn thứ sáu của Thảo Hảo, Chuyện Sài Gòn của Nam Đan và nhiều mục khác.

Cái tình yêu ấy nói chung phai nhạt ít nhiều từ lúc TTVH ra tờ thứ bảy. Cảm giác đã bắt đầu hơi bội thực vì tờ thứ sáu chưa đọc hết tờ thứ bảy đã ra. Hai số liên tục cả trăm trang báo ken đặt chữ, weekend đọc từng ấy kể cũng hơi nhiều, đặc biệt khi thế giới còn bao nhiêu thú vui lành mạnh và không lành mạnh khác. Chả hiểu sao TTVH lại ra thứ ba, thứ sáu, và thứ bảy, mà không là ba, năm, bảy hoặc ba, năm, chủ nhật để người đọc đỡ ngán hơn. Từ phía người đọc, mình có cảm giác bội thực. Còn về phía báo, mình có cảm giác các bạn đấy đã bắt đầu gồng mình lên chạy bài. Bài vở nhạt dần, tuy vậy thỉnh thoảng cũng còn có thứ để đọc và gật gù.

Bây giờ thì TTVH đã “lên” nhật báo. Một tuần 7 số cộng thêm số cuối tuần là 8. Hiện tại mình vẫn đặt đầy đủ một tuần 8 số, nhưng chưa biết tình trạng này có thể kéo dài bao lâu. Nhật báo cần nhất là nhanh nhạy, nhưng các bạn nhanh thì báo khác cũng nhanh, mà các bạn báo in chả thể nào nhanh bằng internet. Nếu chỉ để biết tỷ số, mình chả đọc TTVH làm gì. Skysports.com cập nhật tin từng phút. SMS hay các tổng đài điện thoại cũng cập nhật tin rất nhanh. Nói chung để cạnh tranh về nhanh nhạy các bạn TTVH đi đứt. Vả lại, thế mạnh của các bạn là bình luận, mà để bình luận cho sâu, hay và có phong cách thì cũng không thể nhanh lắm được các bạn nhỉ.

Ấy là phần thể thao. Phần văn hóa còn tệ hơn. Thứ nhất, tin văn hóa không nhất thiết phải đọc từng ngày. Thứ hai, khi làm báo ngày, mảng bài viết về văn hóa của các bạn xuống dốc thấy rõ. Có lẽ các bạn không đủ người viết hoặc không đủ thời gian để sản xuất ra những thứ meaningful on a daily basis. Viết về văn hóa, người ta cần đầu tư nhiều thời gian hơn. Áp lực phải có bài hàng ngày có lẽ là lý do chính khiến chất lượng tụt dốc. Đâm ra nhiều bài nhạt thếch, nhiều bài đọc bực cả mình, nhất là các bài của tác giả Lê Thiếu Nhơn.

“Lên” nhật báo chưa hẳn là điều hay. Nếu TTVH trở lại cái the good old days, tuần ra hai số, để người đọc có cảm giác thòm thèm và chờ đợi, và để các bạn ấy có đủ thời gian viết những thứ đáng đọc, có lẽ sẽ tốt hơn nhiều sòn sòn một ngày một tờ như bây giờ.

1 comment:

  1. mình đồng ý với quan điểm của Thao:“Lên” nhật báo chưa hẳn là điều hay. Nếu TTVH trở lại cái the good old days, tuần ra hai số, để người đọc có cảm giác thòm thèm và chờ đợi, và để các bạn ấy có đủ thời gian viết những thứ đáng đọc, có lẽ sẽ tốt hơn nhiều sòn sòn một ngày một tờ như bây giờ.

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN