Saturday 3 August 2013

Chuyện Paul Auster dịch Hiến pháp Việt Nam

Trước khi viết văn, Paul Auster từng làm nhiều nghề khác nhau, trong đó có nghề dịch. Đoạn sau đây, trích dịch từ Hand to Mouth, Auster kể về việc mình suýt dịch Truyện Kiều từ tiếng Pháp sang tiếng Anh, và chuyện ông dịch Hiến pháp Việt Nam.


"Một vài công việc bắt đầu một kiểu nhưng kết thúc một kiểu khác hẳn, như một món hầm bị hỏng mà bạn cứ hoài loay hoay với nó. Cứ khuấy thêm chút gia vị nào đó thử xem có cứu vãn được không. Một ví dụ hay ho là cuộc phiêu lưu nho nhỏ của tôi với những người Bắc Việt ở Paris, khởi đầu từ một cú điện thoại vô hại của Mary McCarthy gọi cho anh bạn tôi André du Bouchet. Bà hỏi anh có biết ai có thể dịch thơ từ tiếng Pháp sang tiếng Anh không, anh cho bà tên tôi, sau đó bà gọi điện mời tôi tới nhà trao đổi về dự án. Khi đó là đầu năm 1973, cuộc chiến Việt Nam vẫn còn đang tiếp diễn. Mary McCarthy đã viết về cuộc chiến suốt nhiều năm, và tôi đã đọc hầu hết các bài báo của bà. Tôi thấy các bài viết của bà nằm trong số những tác phẩm báo chí xuất sắc nhất thời đó. Bà đã có liên lạc với nhiều người Việt của cả hai miền Nam Bắc trong quá trình tác nghiệp. Một người trong số đó, một giáo sư văn chương, đang soạn một hợp tuyển thi ca Việt Nam, và bà đã đề nghị giúp dàn xếp để in bản tiếng Anh ở Mỹ. Các bài thơ đã được dịch sang tiếng Pháp, và người ta có ý định dịch những bản dịch đó sang tiếng Anh. Chính vì vậy mà tên tôi được đề cập và cũng là lý do mà bà muốn nói chuyện với tôi.
  
Đời tư, bà là phu nhân West. Chồng bà là một doanh nhân Mỹ thành đạt, căn hộ của họ ở Paris rộng rãi, trang hoàng lộng lẫy tràn ngập các món đồ nghệ thuật, đồ cổ và đồ gỗ sang trọng. Phục vụ bữa trưa là một cô giúp việc vận đồng phục đen trắng. Trên bàn, bên cạnh tay phải của chủ nhân là một chiếc chuông bằng sứ, mỗi khi bà nhấc nó lên khẽ lắc tức thì cô giúp việc sẽ quay lại phòng ăn nhận thêm lệnh. Cái cách mà Mary McCarthy thực hiện những nghi thức này thật ấn tượng, thật bà lớn, nhưng sự thật hóa ra là bà thể hiện tất cả mọi thứ mà tôi kỳ vọng ở bà: sắc sảo, thân thiện, không kiểu cách. Chiều hôm đó chúng tôi trò chuyện rất nhiều, và vài giờ sau tôi ra khỏi căn hộ của bà khệ nệ với sáu, bảy tập thơ Việt Nam. Bước đầu tiên, tôi phải làm quen với nội dung của chúng. Sau đó, vị giáo sư và tôi sẽ gặp nhau để tiến hành làm bộ hợp tuyển.
  
Tôi khá thích các tập thơ mà tôi đã đọc, đặc biệt là Truyện Kiều, đại thi phẩm dân tộc.* Chi tiết thế nào thì giờ tôi quên sạch, nhưng tôi nhớ đã hứng thú với một số vấn đề về hình thức do các thể thơ Việt Nam truyền thống mang lại, chúng chẳng có hình thức tương đương trong thơ ca phương Tây. Được mời làm việc này tôi rất vui. Không chỉ được thù lao hậu hĩnh, mà có vẻ như tôi còn học được vài thứ khá hời. Tuy nhiên, sau bữa ăn trưa chừng một tuần, Mary McCarthy gọi báo có việc khẩn nên vị giáo sư bạn bà đã quay về Hà Nội. Bà không biết chắc liệu ông ấy có quay lại Paris hay không, nhưng ít ra trước mắt dự án phải bị đình lại.
  
Vậy là tạm nghỉ. Tôi gạt mấy tập thơ sang một bên và hy vọng công việc này không chết luôn, mặc dù trong thâm tâm tôi biết là xong rồi. Vài ngày sau, đột nhiên, tôi nhận được một cú phôn từ một phụ nữ Việt Nam sống ở Paris. "Giáo sư ấy-ấy đưa tên ông cho chúng tôi," cô nói. "Ông ấy bảo ông có thể dịch sang tiếng Anh. Đúng vậy không?" "Vâng," tôi nói, "đúng thế." "Tốt lắm," cô nói, "Chúng tôi có việc này định nhờ ông." 

Việc đó hóa ra là việc dịch Hiến pháp mới của Bắc Việt. Tôi không ngại việc này, chỉ thấy lạ sao nó tìm đường tới với tôi. Ta thường nghĩ một văn kiện kiểu này sẽ được dịch bởi một tay nào đó làm việc cho chính quyền, trực tiếp từ tiếng Việt sang tiếng Anh, chứ không phải từ tiếng Pháp, và nếu từ tiếng Pháp thì cũng không phải bởi một tay Mẽo kẻ thù vạ vật ở Paris. Tuy nhiên, tôi không hỏi. Tôi vẫn đang khấn cho cái hợp tuyển kia được tiếp tục và không muốn làm tiêu ma các cơ hội, nên tôi nhận lời. Tối hôm sau, người phụ nữ đó tới chỗ tôi giao văn bản. Cô là một nhà sinh vật học áng chừng ba lăm, ba sáu tuổi, gầy guộc, phục sức đơn giản, cung cách cực kỳ kín đáo. Cô không nói gì về thù lao dịch, nhưng từ vẻ im lặng của cô tôi đồ rằng sẽ chẳng có xu nào. Do cái sắc thái chính trị bùng nhùng của tình hình (cuộc chiến giữa hai nước, cảm giác của tôi về cuộc chiến đó, đại khái thế), tôi hầu như không có ý đòi hỏi về tiền bạc. Thay vào đó, tôi hỏi cô đôi câu về những bài thơ Việt Nam đã đọc. Có một lúc, tôi mời được cô ngồi xuống bàn cùng tôi, vẽ sơ đồ giảng giảng giải cho tôi về các hình thức thơ truyền thống mà tôi đã rất đỗi tò mò. Phác thảo của cô rất hữu ích, nhưng khi tôi hỏi liệu tôi có thể giữ nó lại để sau này tham khảo không, cô lắc đầu, vò tờ giấy và nhét vào túi mình. Tôi sững sờ không nói nên lời. Trong một cử chỉ nhỏ nhặt đấy thôi, cả một thế giới đã khai lộ với tôi, một cõi vũ trụ ngầm của sợ hãi và phản bội mà trong đó ngay cả một mẩu giấy vụn cũng là đối tượng tình nghi. Không tin ai; xóa dấu vết; hủy chứng cứ. Chẳng phải là cô sợ tôi làm gì với cái sơ đồ thơ đó. Chẳng qua là cô hành động theo thói quen, và tôi không thể không thấy tội nghiệp cho cô, tội nghiệp cho cả hai chúng tôi. Có nghĩa là chiến tranh có mặt khắp mọi nơi, có nghĩa là chiến tranh làm bại hoại mọi thứ. 

Bản Hiến pháp chỉ dài tám hay mười trang, và trừ vài từ ngữ Mác-xít Lê-nin-nít điển hình, ("bọn tay sai đế quốc", "bọn tôi đòi tư sản"), là một thứ khá khô khan. Ngày hôm sau tôi hoàn thành bản dịch, và khi gọi cô bạn - nhà sinh vật học kia nói rằng đã dịch xong, cô ra chiều hết sức vui vẻ và biết ơn. Chỉ đến khi đó cô mới bảo tôi về thù lao: một lời mời đi ăn tối. Nói theo cô là "Để thay lời cảm ơn." Tiệm ăn tình cờ nằm ở quận Năm, không xa chỗ tôi trọ, chỗ này tôi đã đến ăn nhiều lần. Đó là tiệm ăn Việt đơn giản và rẻ nhất Paris, nhưng cũng ngon nhất. Vật trang trí duy nhất trong cửa tiệm là một tấm hình Hồ Chí Minh in đen trắng treo trên vách." 


No comments:

Post a Comment

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN