Friday 30 August 2013

Những biến tấu trên chủ đề cha

Những biến tấu trên chủ đề cha

(Đọc Khởi sinh của cô độc, Paul Auster, Phương Huyên dịch, NXB Trẻ 7/2013)

Khởi sinh của cô độc là một cuốn sách đặc biệt. Đó là một cuốn sách tràn ngập dẫn chiếu đến những cuốn sách khác và không chịu bó buộc cả về thể loại lẫn đề tài. Với một cuốn sách như vậy, có nhiều cách để đọc, mà một trong các cách là lần theo những biến tấu trên chủ đề cha.

Từ thần thoại Hy Lạp, hình ảnh Aeneas, người anh hùng còn sót lại của thành Troy, vai cõng cha già, tay dắt con thơ vượt cơn nước lửa thoát đến chỗ an toàn đã vĩnh viễn đi vào nghệ thuật như một biểu tượng vĩ đại của tình cha con. Tuy nhiên, cần phải có con mắt của một nhà phê bình sách lão luyện (Paul Auster từng nhiều năm viết phê bình và điểm sách) mới nhìn thấy mối liên hệ giữa câu chuyện về chú bé người gỗ Pinocchio và hình ảnh Aeneas cõng cha. Trong Khởi sinh của cô độc, Paul Auster nhìn thấy hình ảnh Pinocchio cõng cha thoát khỏi bụng cá voi thoát thai từ hình ảnh Aeneas cõng cha - lão vương Anchises qua những đống lửa bập bùng của thành Troy. Aeneas rồi sẽ tìm thấy Rome, nhưng đó là một câu chuyện khác, còn Pinocchio, khi cậu rối gỗ cao một thước ấy cõng cha bơi giữa biển khơi mịt mùng và đêm tối đầy dọa dẫm, cậu chỉ đơn giản nghĩ rằng nếu phải chết thì "ít nhất cha con mình cũng được chết cùng nhau".

Khởi sinh của cô độc còn có những mẩu chuyện khác về tình cha con. Đó là câu chuyện thi sĩ Pháp Mallarmé viết những vần thơ tuyệt vọng bên giường đứa con trai đang chết dần. Đó là câu chuyện của chính Auster - người cha thức suốt ba ngày ba đêm bên cậu con trai hai tuổi bệnh thập tử nhất sinh. Và còn có câu chuyện của Auster- người con lần giở từng món đồ, từng tấm ảnh của người cha vừa từ giã cõi đời để nhận ra rằng mình vừa mất cha mà cùng lúc đó lại tìm thấy cha.

Trong khi tình mẫu tử mặc nhiên thiêng liêng, thì tình phụ tử là một thứ tình cảm chịu đựng nhiều thách thức mà bản thân sự ra đời của đứa con đã là mối hoài nghi đầu tiên. Quan hệ giữa cha và con trai còn phức tạp hơn: đó là một mối quan hệ dương tính, luôn có khuynh hướng đẩy nhau. Mối quan hệ giữa cha và con trai do đó để lại những dấu ấn dị biệt trong văn chương mà Khởi sinh của cô độc là một ví dụ. Đọc Khởi sinh của cô độc, lại không thể không liên tưởng tới một tác phẩm khác được xuất bản ở Việt Nam gần đây: Thư gửi bố của Kafka. Trong Thư gửi bố, Kafka thuật lại mối quan hệ tuy có bóng dáng yêu thương nhưng phần nhiều cay đắng giữa Kafka với người cha độc đoán. Trong Khởi sinh của cô độc thì người cha lãnh đạm lại trở thành người vô hình trong mắt đứa con trai. Mối quan hệ với cha đổ bóng xuống toàn bộ văn chương Kafka. Còn ở một mức độ kém khốc liệt hơn, Khởi sinh của cô độc vẫn là một chìa khóa để bước vào các tiểu thuyết của Paul Auster.


Quân Khuê

No comments:

Post a Comment

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN