Wednesday 6 May 2009

Một vài sách đọc gần đây

1/ Ho Chi Minh - A Life by William J. Duiker:

Nghiên cứu toàn diện về cuộc đời của Hồ Chí Minh trong mối liên hệ chặt chẽ với lịch sử Viêt Nam thế kỷ 20. Trên cơ sở nghiên cứu tư liệu về Hồ Chí Minh lưu trữ ở Việt Nam, Liên Xô, Pháp, Anh, Trung Quốc .v.v. và phỏng vấn hàng trăm nhân vật đã từng tiếp xúc hoặc làm việc với Hồ Chí Minh, tác giả cố gắng đưa ra những đánh giá khách quan về Hồ Chí Minh (cho dù ông không thể che giấu được sự ngưỡng mộ dành cho đối tượng nghiên cứu của ông). Lịch sử và sự thật vốn luôn có khoảng cách. Một sự kiện diễn ra mới hôm qua chưa chắc gì đã được tường thuật chính xác như nó đã thật sự diễn ra trên báo ngày hôm nay, huống hồ cuộc đời 79 năm của Hồ Chí Minh với biết bao nhiêu sự kiện. Thế cho nên tôi nghĩ đọc sách sử hoặc sách nghiên cứu lịch sử bao giờ cũng phải có phần nghi ngờ. Cái phần nghi ngờ đó tăng lên hay giảm xuống ở mức độ nào tùy thuộc vào tác giả làm cho người đọc tin rằng tác giả đã nghiêm túc đến đâu trong nghiên cứu. Về việc này ông Duiker làm cho tôi tin hơn rất nhiều so với các sử gia ở cả hai phía bởi vì ông không có sẵn thành kiến trong đầu. Cho dù có nhiều tranh cãi về nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh, điều không thể tranh cãi là Hồ Chí Minh là một nhà yêu nước lớn, có một uy tín cá nhân lớn mà không nhân vật chính trị nào của Việt Nam trong thế kỷ 20 có được.

2/ Victory at Any Cost: The Genius of Viet Nam's Gen. Vo Nguyen Giap (The Warriors) by Cecil B. Currey

Đọc Hồ Chí Minh xong, tôi muốn tìm hiểu thêm về những nhân vật chung quanh ông, và tất nhiên là tôi muốn đọc về Võ Nguyên Giáp. Cuốn sách này, cũng như cuốn về Hồ Chí Minh, tôi mua trong chuyến đi Singapore năm ngoái. Bây giờ, mới có thời gian và cảm hứng để đọc. Cũng có thể là tôi cảm tính, nhưng tôi có cảm giác rõ ràng rằng cuốn này, so với cuốn về Hồ Chí Minh của Duiker, không thuyết phục bằng. Tôi đoán là ông Currey viết tiểu sử Võ Nguyên Giáp với một kết luận có sẵn trong đầu , và cuốn sách của ông là nhằm chứng minh kết luận đó - rằng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự. Với cách tiếp cận như vậy, ông gần như gán mọi thắng lợi quân sự của cách mạng Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh cho Võ Nguyên Giáp, và những thất bại cho người khác, ví dụ như Trường Chinh hay Lê Duẩn. Dù vậy, đây vẫn là một cuốn sách đáng đọc. Tuy nhiên, lần tới đi nước ngoài, tôi sẽ cố tìm những cuốn viết về Võ Nguyên Giáp của những tác giả khác.

3/ Điện Biên Phủ - Một góc địa ngục của Bernard Fall:

Ít khi nào tôi đọc sách thành một mạch như thế này. Nói tới Võ Nguyên Giáp dĩ nhiên phải nói tới Điện Biên Phủ. Thế là tôi lôi cuốn sách của Bernard Fall nằm mốc 5 năm trên kệ sách ra đọc. Bernard Fall là phóng viên người Pháp gốc Do Thái, viết nhiều sách về Việt Minh và chiến tranh Việt Nam. Ông chết vì mìn năm 1967 trên chiến trường Việt Nam khi đang hành quân cùng một trung đội lính thủy đánh bộ Mỹ.

Cuốn sách của Fall tường thuật chi tiết cuộc chiến Điện Biên Phủ từ góc nhìn người Pháp, với ít nhiều thiện cảm cho Việt Minh (có lẽ là lý do cuốn sách được dịch phát hành tại Việt Nam). Một chi tiết thú vị là tướng De Castries bị bắt nhưng, khác với sách giáo khoa sử, chưa bao giờ giương cờ trắng đầu hàng cả.

4/ Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam của Daniel Grandclement:

Tôi quan tâm đến Bảo Đại từ khi đọc cuốn Hồ Chí Minh - A Life. Duiker có đề cập việc Bảo Đại đồng ý làm cố vấn cho chính phủ của Hồ Chí Minh sau Cách mạng tháng Tám. Tôi nhận ra mình biết quá ít về vị hoàng đế cuối cùng này nên nhân thấy nhà sách Xuân Thu có bày bán cuốn Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam của một tác giả Pháp bèn tóm ngay. Ông Bảo Đại có vẻ không phải là người không có tài, không phải không biết lo cho dân cho nước, nhưng mối quan tâm của ông dành cho các thú vui lái xe, lái máy bay, lái...đàn bà, đi săn, tennis và đánh bạc hẳn là nhiều hơn quan tâm dành cho đất nước. Lịch sử Việt Nam chắc chưa có ông vua nào ham chơi, chịu chơi và biết chơi như Bảo Đại. Ông thích đóng vai vua hơn là làm vua (như là một nghề). Nếu có một chế độ quân chủ lập hiến, nơi vua chỉ ngồi chơi và làm vì mà vẫn có các đặc quyền và được dân chúng tôn kính, hẳn ông sẽ vui vẻ làm như thế, bao lâu cũng được. Đọc cuốn này biết được một số chi tiết thú vị. Chẳng hạn sự ngưỡng mộ của Bảo Đại dành cho nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc mà hẳn ông chỉ nghe phong thanh. Lúc Việt Minh yêu cầu ông thoái vị và trao ấn kiếm cho chính phủ của Hồ Chí Minh, ông nói nếu Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc thì ông trao ngay. Sau được biết Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc rồi ông rất yên tâm. Ví dụ khác, ông quốc trưởng rất nhắng này cho Bình Xuyên thầu sòng bạc Tân Thế Giới, rồi lấy tiền Bình Xuyên chung đem sang Pháp đánh bạc và bao gái!



1 comment:

  1. quyển Duiker tiếng Anh em cũng có, đọc cái đó tốt hơn bản dịch tiếng Việt (hình như không được in hay sao í)

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN