Saturday 9 May 2009

Tôi làm gì khi tôi chửi thề

(Nhại theo Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình, tức What we talk about when talk about love của Raymond Carver)

Tôi từng là một đứa trẻ ngoan. Ít nhất trừ việc bị cột chân vào giường do đi chơi quá nhiều và việc gấu ó với ông anh hơn tôi tám tuổi tôi nghĩ tôi không làm gì để ba má phiền lòng. Là một đứa trẻ ngoan tôi không bao giờ chửi thề. Kể cả khi hết làm trẻ con tôi cũng không chửi thề. Cho đến khi tôi bắt đầu lái xe. Thật ra, tôi nghĩ ai lái xe được ở Việt Nam mà không chửi thề hẳn phải là thánh nhân. Hoặc bị câm. Tôi không phải là thánh nhân mà cũng không câm nên tôi đã bắt đầu chửi thề như một tất yếu của lịch sử.

Làm sao mà không chửi thề được khi đang chạy ở tốc độ 40km/h chẳng hạn thì bỗng có một xe máy đội nhiên xuất hiện ở bên phải, hay tệ hơn là bên trái, chìa tay ra vẫy vẫy mấy cái rồi cúp ngay đầu xe mà lượn qua bên kia đường? Hoặc khi đang phóng 80km/h trên đường cao tốc thì trước mặt ngay trong làn đường của bạn xuất hiện một chiếc ô tô đang chạy vơi tốc độ khoảng 20km/h, để không ủi vào đít nó bạn buộc phải lấn sang phải, để rồi phát hiện chủ nhân chiếc ô tô rùa bò kia đang cho xe chạy chậm lại để nói chuyện điện thoại? Rồi bao nhiêu lần trên đường xe máy vô tư lự phóng từ bên này sang bên kia, vèo vèo trước mũi xe không thèm cảnh báo? Bao nhiêu lần khác khi đang cố giữ một khoảng cách an toàn với xe trước thì một xe khác vượt phải bạn rồi điền vào chỗ trống nhỏ nhoi ngay trước mặt. Ngồi sau vô lăng hàng ngày rong ruổi trên các nẻo đường Sài Gòn thật sự là cơ hội để lòng kiên nhẫn được thử thách và dây thần kinh được kéo căng ra và khi lòng kiên nhẫn chỉ có giới hạn cũng như để thần kinh khỏi bị đứt thì chỉ có nước giải stress bẳng cách chửi thề, dù rằng biết mình chửi cũng chỉ để mình nghe, nhưng nếu không chửi được “thì chết mất”!

Tôi đã đi qua nhiều thành phố trên thế giới nhưng chưa ở đâu tôi thấy giao thông lộn xộn và người tham giao thông coi thường luật giao thông, coi thường tính mang chính mình và người khác như ở các thành phố Việt Nam. Tôi có những người bạn nước ngoài đi qua nhiều thành phố hơn tôi và họ hoàn toàn nhất trí với nhau và với tôi rằng giao thông ở Việt Nam là hỗn loạn nhất. Tại sao? Tôi nghĩ một phần lỗi là do sự yếu kém của cơ sở hạ tầng, một phần lỗi là sự ngu xuẩn cũ những người quy hoạch giao thông, nhưng phần lớn hơn cả là ý thức, hay chính xác hơn là vô ý thức của người tham gia giao thông. Nếu mọi người tuân thủ luật hơn, nhường nhịn nhau hơn thì tình trạng giao thông của chúng ta không đến nỗi hỗn mang như thế. Ví dụ như, khi đường chật xe đông, nhưng mọi người không lấn phải, lấn trái, xoay ngang xoay dọc cố tìm cách vượt lên thì mọi người chỉ bị chậm đi một chút, chứ đâu đến nỗi xe các chiều quyện vào nhau, quấn vào nhau như mứt dẻo, hay như là rơm trong tổ chim.

Nói cho rốt, tôi nghĩ tình trạng hỗn loạn của giao thông hiện nay chính là một thất bại khổng lồ của hệ thống giáo dục, cho dù ngành giáo dục có muốn hay không muốn nhận giao thông làm con của mình. Ngành giáo dục phải nhận trách nhiệm về hai việc: 1) đào tạo ra những người không biết tuân thủ luật giao thông, và 2) đào tạo ra những người không biết luật giao thông. Trong hai tội này thì tội thứ nhất là tội to hơn, vì biết luật mà không tuân thủ thì tệ hơn là không biết luật.

1 comment:

  1. Bạn mới tham gia giao thông mà đã chửi thề, nếu bạn tham gia tố tụng, tôi nghĩ bạn sẽ trở thành thằng du côn thứ thiệt, còn tham gia thêm... không biết thành gì nữa.

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN