Tuesday 26 May 2009

Rõ đầu, rõ mặt, rõ hai tai

1. Trích Nghị định 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ về điều kiện để một người nước ngoài có thế làm việc tại Việt Nam:

1. Đủ 18 tuổi trở lên;

2. Có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc;

3. Là nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc chuyên gia theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 2 của Nghị định này;

4. Không có tiền án về tội vi phạm an ninh quốc gia; không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hình phạt hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài.

5. Có giấy phép lao động do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ các trường hợp không phải cấp giấy phép lao động quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này.


Cũng trong Nghị định này “Nhà quản lý, Giám đốc điều hành’’ được định nghĩa là những người trực tiếp quản lý doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam, chỉ chịu sự giám sát hoặc chỉ đạo chung từ hội đồng quản trị hoặc các cổ đông của doanh nghiệp hoặc cấp tương đương; quản lý doanh nghiệp bao gồm việc chỉ đạo doanh nghiệp đó hoặc một phòng, ban hoặc một đơn vị trực thuộc. Còn "Chuyên gia“ người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao về dịch vụ, thiết bị nghiên cứu, kỹ thuật hay quản lý (bao gồm kỹ sư hoặc người có trình độ tương đương kỹ sư trở lên; nghệ nhân những ngành nghề truyền thống) và người có nhiều kinh nghiệm trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất kinh doanh và những công việc quản lý.


Như vậy, theo luật hiện hành, chỉ những người nước ngoài nào là nhà quản lý, giám độc điều hành hay có trình độ chuyên gia mới được phép làm việc ở Việt Nam. Những người này phải xin giấy phép lao động. Hồ sơ xin giấy phép lao động cũng được quy định chi tiết trong Nghị định 34, bao gồm đơn, lý lịch tư pháp, lý lịch tự thuật, giấy khám sức khỏe, bản sao giấy chứng nhận về trình độ chuyên môn hoặc xác nhận về kinh nghiệm, và 3 ảnh màu. Quy định về ảnh cũng hết sức chặt chẽ: kích thước 3x4cm, đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, phông ảnh máu trắng, ảnh chụp không quá sáu tháng kể từ ngày nộp hồ sơ. Tất cả các hồ sơ này nếu cấp tại nước ngoài điều phải được công chứng, chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự và dịch ra tiếng Việt. (Thực tế, phải mất từ hai đến ba tháng để hoàn chỉnh một bộ hồ sơ xin giấy phép lao động. Nếu suông sẻ, Sở Lao động sẽ cấp giấy phép lao động trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, tức 3 tuần. Thực tế, thời gian này thường kéo dài hơn, và Sở Lao động có thể yêu cầu thêm hồ sơ).


Điều 18.4 của Nghị định 34 giao cho Sở Lao động Thương binh xã hội các tỉnh thành trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của Nghị định 34.


Điều 15.3 của Nghị định cũng quy định rằng sau 06 (sáu) tháng làm việc tại Việt Nam nếu người lao động nước ngoài không có giấy phép lao động thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Bộ Công an ra quyết định trục xuất khỏi Việt Nam.


  1. Trích Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về vấn đề bauxite:


Phần xây dựng Nhà máy luyện alumin (gói thầu EPC): chủ yếu do lao động của nhà thầu Chalieco, Trung Quốc thực hiện, một phần do lao động Việt Nam thực hiện. Số lượng lao động Trung Quốc tại công trường nhà máy alumin hiện nay (tháng 5 năm 2009) khoảng 600 người, lao động Việt Nam khoảng 350 người.


Câu hỏi 1: Phải chăng lao động của nhà thầu Chalieco, lực lượng chủ yếu xây dựng Nhà máy luyện alumin, đều là nhà quản lý điều hành, giám đốc điều hành, chuyên gia theo quy định của Nghị định 34?


Câu hỏi 2: Liệu 600 lao động Trung Quốc hiện đang tại có mặt tại công trường đều có giấy phép lao động theo quy định của Nghị định 34?


Câu hỏi 3: Nếu 600 lao động này không có giấy phép lao động, liệu họ có bị trục xuất theo quy định tại Nghị định 34?


Câu hỏi 4: Nếu câu trả lời cho tất cả 3 câu hỏi trên là KHÔNG, thì câu hỏi phải đặt ra là gì?

  1. Trích phần trả lời phỏng vấn Vietnamnet của ông Lê Thanh Phong, Bí thư Đảng ủy Lâm Đồng:

VNN: Ông có thể nói gì về số lượng lao động phổ thông nước ngoài đang làm việc ở Tân Rai như vừa rồi báo chí đã mô tả?

LTP: Sơ sót ban đầu của TKV là không kí kết ràng buộc về sử dụng lao động VN với Chalieco. Theo con số chúng tôi nắm được, hiện có 643 lao động Trung Quốc ở dự án, trong đó cán bộ quản lý là 156 người. Công nhân làm việc trực tiếp (lao động phổ thông) là 487 người, trong đó có 47 nữ. Số người có hợp đồng lao động trên 3 tháng là 490 người. (...)

VNN: Với số lao động không hợp pháp này, các ông đã chấn chỉnh thế nào?

LTP: (...) Không trục xuất người ta ra ngay được, đuổi người ta đi đâu. Đã đưa vào rồi. Chỉ yêu cầu nhà thầu từ nay trở đi làm đúng quy định của VN. Không lí họ vào rồi, bằng hình thức này hình thức kia, còn quan hệ quốc tế giữa hai bên, không phải muốn làm gì cũng được. Vì thế, trong xử lý công việc cũng phải hết sức thận trọng, không phải làm sao cũng được

Hiện giờ chúng tôi đang làm, giao cho các ngành chức năng làm việc với chủ đầu tư và chủ đầu tư làm việc lại với họ. Bây giờ phải từng bước hạn chế và đi đến chấm dứt cái chuyện hợp đồng chui này, họ phải đưa công khai và theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cái này chúng tôi nhắc nhở họ qua nhà đầu tư chứ bản thân Lâm Đồng cũng không làm việc trực tiếp với họ được.

VNN: Nhưng vừa rồi, một lãnh đạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nói rằng, không chấp nhận lao động phổ thông là người nước ngoài?

LTP: Hợp đồng giữa tập đoàn TKV và nhà thầu Chalieco không đặt vấn đề lao động trong quá trình đó là ai. Khi trúng thầu rồi, nhà thầu vì lợi ích của người ta, vì mục tiêu của họ để hoàn thành các hạng mục công trình, họ có quyền thuê công nhân. Mình không bắt họ làm được vì trong hợp đồng không ràng buộc.

Câu hỏi 1: Hợp đồng và luật cái nào cao hơn? Hợp đồng phải theo luật hay luật phải theo hợp đồng?


Câu hỏi 2: Tại sao không trục xuất được khi Nghị định 34 đã quy định biện pháp chế tài này?


Câu hỏi 3: Tại sao Lâm Đồng không trực tiếp làm việc với họ được khi Nghị định 34 đã trao quyền kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh trực thuộc Ủy Ban Nhân Dân tỉnh?


Câu hỏi 4: Ông Lê Thanh Phong giữ chức vụ gì ấy nhỉ?

1 comment:

  1. Đến Nghị định của Chính phủ bị nhà thầu vi phạm trắng trợn mà còn không làm gì được thì còn gì để nói. Thế mà Chính phủ vẫn có thể thản nhiên đưa số công nhân bất hợp pháp đó vào trong Báo cáo trình trước Quốc hội, có khác nào tát vào Quốc hội và tự tát vào mình không?

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN