Friday, 30 August 2013

Những biến tấu trên chủ đề cha

Những biến tấu trên chủ đề cha

(Đọc Khởi sinh của cô độc, Paul Auster, Phương Huyên dịch, NXB Trẻ 7/2013)

Khởi sinh của cô độc là một cuốn sách đặc biệt. Đó là một cuốn sách tràn ngập dẫn chiếu đến những cuốn sách khác và không chịu bó buộc cả về thể loại lẫn đề tài. Với một cuốn sách như vậy, có nhiều cách để đọc, mà một trong các cách là lần theo những biến tấu trên chủ đề cha.

Từ thần thoại Hy Lạp, hình ảnh Aeneas, người anh hùng còn sót lại của thành Troy, vai cõng cha già, tay dắt con thơ vượt cơn nước lửa thoát đến chỗ an toàn đã vĩnh viễn đi vào nghệ thuật như một biểu tượng vĩ đại của tình cha con. Tuy nhiên, cần phải có con mắt của một nhà phê bình sách lão luyện (Paul Auster từng nhiều năm viết phê bình và điểm sách) mới nhìn thấy mối liên hệ giữa câu chuyện về chú bé người gỗ Pinocchio và hình ảnh Aeneas cõng cha. Trong Khởi sinh của cô độc, Paul Auster nhìn thấy hình ảnh Pinocchio cõng cha thoát khỏi bụng cá voi thoát thai từ hình ảnh Aeneas cõng cha - lão vương Anchises qua những đống lửa bập bùng của thành Troy. Aeneas rồi sẽ tìm thấy Rome, nhưng đó là một câu chuyện khác, còn Pinocchio, khi cậu rối gỗ cao một thước ấy cõng cha bơi giữa biển khơi mịt mùng và đêm tối đầy dọa dẫm, cậu chỉ đơn giản nghĩ rằng nếu phải chết thì "ít nhất cha con mình cũng được chết cùng nhau".

Khởi sinh của cô độc còn có những mẩu chuyện khác về tình cha con. Đó là câu chuyện thi sĩ Pháp Mallarmé viết những vần thơ tuyệt vọng bên giường đứa con trai đang chết dần. Đó là câu chuyện của chính Auster - người cha thức suốt ba ngày ba đêm bên cậu con trai hai tuổi bệnh thập tử nhất sinh. Và còn có câu chuyện của Auster- người con lần giở từng món đồ, từng tấm ảnh của người cha vừa từ giã cõi đời để nhận ra rằng mình vừa mất cha mà cùng lúc đó lại tìm thấy cha.

Trong khi tình mẫu tử mặc nhiên thiêng liêng, thì tình phụ tử là một thứ tình cảm chịu đựng nhiều thách thức mà bản thân sự ra đời của đứa con đã là mối hoài nghi đầu tiên. Quan hệ giữa cha và con trai còn phức tạp hơn: đó là một mối quan hệ dương tính, luôn có khuynh hướng đẩy nhau. Mối quan hệ giữa cha và con trai do đó để lại những dấu ấn dị biệt trong văn chương mà Khởi sinh của cô độc là một ví dụ. Đọc Khởi sinh của cô độc, lại không thể không liên tưởng tới một tác phẩm khác được xuất bản ở Việt Nam gần đây: Thư gửi bố của Kafka. Trong Thư gửi bố, Kafka thuật lại mối quan hệ tuy có bóng dáng yêu thương nhưng phần nhiều cay đắng giữa Kafka với người cha độc đoán. Trong Khởi sinh của cô độc thì người cha lãnh đạm lại trở thành người vô hình trong mắt đứa con trai. Mối quan hệ với cha đổ bóng xuống toàn bộ văn chương Kafka. Còn ở một mức độ kém khốc liệt hơn, Khởi sinh của cô độc vẫn là một chìa khóa để bước vào các tiểu thuyết của Paul Auster.


Quân Khuê

Saturday, 3 August 2013

Chuyện Paul Auster dịch Hiến pháp Việt Nam

Trước khi viết văn, Paul Auster từng làm nhiều nghề khác nhau, trong đó có nghề dịch. Đoạn sau đây, trích dịch từ Hand to Mouth, Auster kể về việc mình suýt dịch Truyện Kiều từ tiếng Pháp sang tiếng Anh, và chuyện ông dịch Hiến pháp Việt Nam.


"Một vài công việc bắt đầu một kiểu nhưng kết thúc một kiểu khác hẳn, như một món hầm bị hỏng mà bạn cứ hoài loay hoay với nó. Cứ khuấy thêm chút gia vị nào đó thử xem có cứu vãn được không. Một ví dụ hay ho là cuộc phiêu lưu nho nhỏ của tôi với những người Bắc Việt ở Paris, khởi đầu từ một cú điện thoại vô hại của Mary McCarthy gọi cho anh bạn tôi André du Bouchet. Bà hỏi anh có biết ai có thể dịch thơ từ tiếng Pháp sang tiếng Anh không, anh cho bà tên tôi, sau đó bà gọi điện mời tôi tới nhà trao đổi về dự án. Khi đó là đầu năm 1973, cuộc chiến Việt Nam vẫn còn đang tiếp diễn. Mary McCarthy đã viết về cuộc chiến suốt nhiều năm, và tôi đã đọc hầu hết các bài báo của bà. Tôi thấy các bài viết của bà nằm trong số những tác phẩm báo chí xuất sắc nhất thời đó. Bà đã có liên lạc với nhiều người Việt của cả hai miền Nam Bắc trong quá trình tác nghiệp. Một người trong số đó, một giáo sư văn chương, đang soạn một hợp tuyển thi ca Việt Nam, và bà đã đề nghị giúp dàn xếp để in bản tiếng Anh ở Mỹ. Các bài thơ đã được dịch sang tiếng Pháp, và người ta có ý định dịch những bản dịch đó sang tiếng Anh. Chính vì vậy mà tên tôi được đề cập và cũng là lý do mà bà muốn nói chuyện với tôi.
  
Đời tư, bà là phu nhân West. Chồng bà là một doanh nhân Mỹ thành đạt, căn hộ của họ ở Paris rộng rãi, trang hoàng lộng lẫy tràn ngập các món đồ nghệ thuật, đồ cổ và đồ gỗ sang trọng. Phục vụ bữa trưa là một cô giúp việc vận đồng phục đen trắng. Trên bàn, bên cạnh tay phải của chủ nhân là một chiếc chuông bằng sứ, mỗi khi bà nhấc nó lên khẽ lắc tức thì cô giúp việc sẽ quay lại phòng ăn nhận thêm lệnh. Cái cách mà Mary McCarthy thực hiện những nghi thức này thật ấn tượng, thật bà lớn, nhưng sự thật hóa ra là bà thể hiện tất cả mọi thứ mà tôi kỳ vọng ở bà: sắc sảo, thân thiện, không kiểu cách. Chiều hôm đó chúng tôi trò chuyện rất nhiều, và vài giờ sau tôi ra khỏi căn hộ của bà khệ nệ với sáu, bảy tập thơ Việt Nam. Bước đầu tiên, tôi phải làm quen với nội dung của chúng. Sau đó, vị giáo sư và tôi sẽ gặp nhau để tiến hành làm bộ hợp tuyển.
  
Tôi khá thích các tập thơ mà tôi đã đọc, đặc biệt là Truyện Kiều, đại thi phẩm dân tộc.* Chi tiết thế nào thì giờ tôi quên sạch, nhưng tôi nhớ đã hứng thú với một số vấn đề về hình thức do các thể thơ Việt Nam truyền thống mang lại, chúng chẳng có hình thức tương đương trong thơ ca phương Tây. Được mời làm việc này tôi rất vui. Không chỉ được thù lao hậu hĩnh, mà có vẻ như tôi còn học được vài thứ khá hời. Tuy nhiên, sau bữa ăn trưa chừng một tuần, Mary McCarthy gọi báo có việc khẩn nên vị giáo sư bạn bà đã quay về Hà Nội. Bà không biết chắc liệu ông ấy có quay lại Paris hay không, nhưng ít ra trước mắt dự án phải bị đình lại.
  
Vậy là tạm nghỉ. Tôi gạt mấy tập thơ sang một bên và hy vọng công việc này không chết luôn, mặc dù trong thâm tâm tôi biết là xong rồi. Vài ngày sau, đột nhiên, tôi nhận được một cú phôn từ một phụ nữ Việt Nam sống ở Paris. "Giáo sư ấy-ấy đưa tên ông cho chúng tôi," cô nói. "Ông ấy bảo ông có thể dịch sang tiếng Anh. Đúng vậy không?" "Vâng," tôi nói, "đúng thế." "Tốt lắm," cô nói, "Chúng tôi có việc này định nhờ ông." 

Việc đó hóa ra là việc dịch Hiến pháp mới của Bắc Việt. Tôi không ngại việc này, chỉ thấy lạ sao nó tìm đường tới với tôi. Ta thường nghĩ một văn kiện kiểu này sẽ được dịch bởi một tay nào đó làm việc cho chính quyền, trực tiếp từ tiếng Việt sang tiếng Anh, chứ không phải từ tiếng Pháp, và nếu từ tiếng Pháp thì cũng không phải bởi một tay Mẽo kẻ thù vạ vật ở Paris. Tuy nhiên, tôi không hỏi. Tôi vẫn đang khấn cho cái hợp tuyển kia được tiếp tục và không muốn làm tiêu ma các cơ hội, nên tôi nhận lời. Tối hôm sau, người phụ nữ đó tới chỗ tôi giao văn bản. Cô là một nhà sinh vật học áng chừng ba lăm, ba sáu tuổi, gầy guộc, phục sức đơn giản, cung cách cực kỳ kín đáo. Cô không nói gì về thù lao dịch, nhưng từ vẻ im lặng của cô tôi đồ rằng sẽ chẳng có xu nào. Do cái sắc thái chính trị bùng nhùng của tình hình (cuộc chiến giữa hai nước, cảm giác của tôi về cuộc chiến đó, đại khái thế), tôi hầu như không có ý đòi hỏi về tiền bạc. Thay vào đó, tôi hỏi cô đôi câu về những bài thơ Việt Nam đã đọc. Có một lúc, tôi mời được cô ngồi xuống bàn cùng tôi, vẽ sơ đồ giảng giảng giải cho tôi về các hình thức thơ truyền thống mà tôi đã rất đỗi tò mò. Phác thảo của cô rất hữu ích, nhưng khi tôi hỏi liệu tôi có thể giữ nó lại để sau này tham khảo không, cô lắc đầu, vò tờ giấy và nhét vào túi mình. Tôi sững sờ không nói nên lời. Trong một cử chỉ nhỏ nhặt đấy thôi, cả một thế giới đã khai lộ với tôi, một cõi vũ trụ ngầm của sợ hãi và phản bội mà trong đó ngay cả một mẩu giấy vụn cũng là đối tượng tình nghi. Không tin ai; xóa dấu vết; hủy chứng cứ. Chẳng phải là cô sợ tôi làm gì với cái sơ đồ thơ đó. Chẳng qua là cô hành động theo thói quen, và tôi không thể không thấy tội nghiệp cho cô, tội nghiệp cho cả hai chúng tôi. Có nghĩa là chiến tranh có mặt khắp mọi nơi, có nghĩa là chiến tranh làm bại hoại mọi thứ. 

Bản Hiến pháp chỉ dài tám hay mười trang, và trừ vài từ ngữ Mác-xít Lê-nin-nít điển hình, ("bọn tay sai đế quốc", "bọn tôi đòi tư sản"), là một thứ khá khô khan. Ngày hôm sau tôi hoàn thành bản dịch, và khi gọi cô bạn - nhà sinh vật học kia nói rằng đã dịch xong, cô ra chiều hết sức vui vẻ và biết ơn. Chỉ đến khi đó cô mới bảo tôi về thù lao: một lời mời đi ăn tối. Nói theo cô là "Để thay lời cảm ơn." Tiệm ăn tình cờ nằm ở quận Năm, không xa chỗ tôi trọ, chỗ này tôi đã đến ăn nhiều lần. Đó là tiệm ăn Việt đơn giản và rẻ nhất Paris, nhưng cũng ngon nhất. Vật trang trí duy nhất trong cửa tiệm là một tấm hình Hồ Chí Minh in đen trắng treo trên vách." 


Friday, 2 August 2013

Thomas Mann ở Việt Nam


Trước Núi thần, thì cuộc viếng thăm Việt Nam gần nhất của Mann là Chết ở Venice, một cuốn khác trong tủ Cánh cửa mở rộng, cũng do Nguyễn Hồng Vân dịch trực tiếp từ tiếng Đức. 





Chết ở Venice, từng đến miền Nam năm 74 qua bản dịch Thần tượng lạ của Nguyễn Tử Lộc. Ngoài ra, năm 74 miền Nam còn có Tình yêu và lý tưởng, tức Tonio Kroger, bản dịch của Huỳnh Phan Anh. Cuốn tiếng Anh nho nhỏ kia có cả Chết ở Venice và Tonio Kroger, tôi mua ở tiệm sách Đại học Havard, Boston năm 2002.





Trong khi đó, hai tập Gia đình Bút-đen-brúc (Buddenbrooks), Trương Chính dịch, lần lượt được in vào tháng 8/75 và tháng 5/79.




Tôi không nghĩ đây là tất cả những cuốn của Mann đã được dịch. Ít nhất, tôi từng nhìn thấy một cuốn khác nữa, nhưng không kịp mua.

Cập nhật: Quyển còn thiếu là quyển này, Ảo ảnh, Huỳnh Phan Anh dịch từ bản tiếng Pháp Le Mirage - nguyên tác chắc là Die Betrogene.  Thông tin và ảnh do Kim giáo chủ cung cấp.










Thursday, 1 August 2013

Khởi đầu của khởi đầu

 “Theo tôi nhà văn thế nào cũng phải có một lần quyết định, mình sẽ trở thành nhà văn” – Paul Auster nói trong bài trả lời phỏng vấn nhà báo Hungary Lévai Balázs (Thế giới là một cuốn sách mở – Giáp Văn Chung dịch, Nhã Nam & NXB Văn Học, 2009). Từ chỗ là một người mê đọc sách, 16 tuổi Paul Auster đã quyết định trở thành người sáng tạo ra những cuốn sách. Thế nhưng ông chỉ có thể chính thức tập trung viết văn được sau cái chết của cha. Mất mát đó, thật tréo ngoe, có ý nghĩa quyết định với sự nghiệp văn chương của Paul Auster: một mặt nó là chất liệu trực tiếp cho tác phẩm văn xuôi đầu tay của ông, The invention of solitude (Khởi sinh của cô độc); mặt khác, chỉ sau cái chết của cha, nhờ vào món tiền thừa kế mà Auster mới có thể toàn tâm toàn ý viết văn. Quãng đời trước đó, ông phải làm đủ nghề vặt kiếm sống, từ thuỷ thủ, trực điện thoại cho đến dịch, viết điểm sách, được ông thuật lại trong một tác phẩm khác: Hand to Mouth (tạm dịch Tay làm hàm nhai).

Khởi sinh của cô độc (Phương Huyên dịch, nhà xuất bản Trẻ, 2013) là một tác phẩm hồi ký – tự truyện được chia thành hai phần. Phần một, Chân dung một người vô hình, Paul Auster thuật lại ký ức về người cha vừa qua đời; phần hai, Sách của ký ức, gồm những mảnh rời trên nhiều chủ đề. Hai phần gần như rất tách biệt này nối với nhau bằng đường dây của tình phụ tử: Paul Auster với tư cách người con trong phần thứ nhất và Paul Auster (được gọi là A.) với tư cách người cha trong phần thứ hai.


Có một sự khác biệt trong hai mối quan hệ cha – con này. Khi là cha, Paul Auster nhận thấy “cuộc đời của cậu bé có ý nghĩa lớn lao hơn cuộc đời của chính anh; nếu anh cần phải chết để cứu con mình, anh sẽ sẵn lòng chết. Và vì thế trong khoảnh khắc sợ hãi đó anh đã trở thành, một lần và mãi mãi, cha của con anh” (tr.171). Trong khi đó, quan hệ của Paul Auster với cha mình không hoàn toàn là một mối quan hệ suôn sẻ. Ký ức của ông về cha là sự vắng mặt, sự thờ ơ. Cha ông dường như chẳng bao giờ để ý tới con trai mình. “Tôi thành công hay thất bại cũng chẳng có chút mảy may ảnh hưởng nào tới cha” (tr.39). 

Sự cô độc của người cha như xây nên một thành trì vô hình quanh ông, mà Paul Auster – người con, nhất là trong thời niên thiếu, không thể nào phá vỡ được, cho dù người con “không bao giờ ngừng khao khát tình yêu từ cha mình” (tr.31). Nhiều năm về sau, Paul Auster – nhà văn, trong sự cô độc khi đối diện với trang viết, đã thử lý giải về chính cái thành trì cô độc của cha mình ngày xưa. Khi soạn ra những món đồ của người đã khuất, Paul Auster gặp một tấm ảnh (được in tại trang 52). Thoạt nhìn, dễ tưởng rằng đó là ảnh của một nhóm người. Thật ra, đó là ảnh của cha Auster, chụp từ năm góc ghép lại với nhau. Do cách ghép, mắt của năm phân thân không tương tác với nhau, mà mỗi phân thân đều như nhìn vào một khoảng trống rỗng. Auster nhận thấy đó là “tấm ảnh của cái chết, chân dung của người vô hình” (tr.53). 

Nếu như phần Chân dung một người vô hình tuy không được viết theo trình tự thời gian nhưng hãy còn được thuật theo dòng hồi ức, thì phần thứ hai, Sách của ký ức, chỉ bao gồm toàn các mảnh rời. Trong phần này, phóng túng nhưng đầy kiểm soát, Paul Auster chiêm nghiệm về sức mạnh của ký ức, sự cô độc, tính chất ngẫu nhiên của cuộc đời, và nhất là về bản thân sự đọc và sự viết. Chen lẫn là vô số dẫn chiếu đến các tác phẩm khác, từ Nghìn lẻ một đêm tới Kinh Thánh, từ thần thoại Hy Lạp đến chuyện chú bé người gỗ Pinocchio... và những trải nghiệm về quan hệ cha – con giữa tác giả với cậu con trai nhỏ của mình. Hình ảnh “căn phòng”, như một ám chỉ về sự cô độc, lặp đi lặp lại: căn phòng của A., căn phòng của S., căn phòng của Hölderlin, căn phòng của Van Gogh. “Căn phòng không phải là sự tái hiện của nỗi cô độc, mà nó là cốt lõi của chính nỗi cô độc ấy” (tr.225). 

Khởi sinh của cô độc in lần đầu tại Mỹ năm 1982. Từ đó đến nay, trong quãng thời gian hơn 30 năm, Paul Auster đã cho ra đời 16 tiểu thuyết. Những chủ đề thường gặp trong tiểu thuyết của ông là sự ngẫu nhiên, tính bất định, vô thường của cuộc sống, sự truy tìm căn cước… thật ngạc nhiên đều đã xuất hiện trong tác phẩm văn xuôi đầu tay Khởi sinh của cô độc. Chính Paul Auster cũng thừa nhận trong bài trả lời phỏng vấn tạp chí The Paris Review rằng Khởi sinh của cô độc là tác phẩm nền tảng trong văn nghiệp của ông. Với ý nghĩa đó, Khởi sinh của cô độc không chỉ là tác phẩm đầu tay, mà còn mở ra một thế giới: thế giới văn chương ký tên Paul Auster.

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN