"“Đọc, đã là dịch.” Trong quá trình đọc, người đọc được cấy vào khí quyển của một tình huống mới mà tình huống ấy không dựng nên chỉ một thực tại xác định rõ ràng, mà đúng hơn là dựng nên các khả năng về nhiều thực tại khác nhau. Đọc, là tái lập sự bất định của chữ, cả như một hiện tượng tách biệt, lẫn như một khả năng ngữ nghĩa của một câu, đoạn, hay ngữ cảnh của toàn bộ tác phẩm. Việc tái phát hiện ra sự bất định đó trong mỗi chữ tạo nên thái độ ban đầu của người dịch. Đọc, trở thành việc tạo ra nghĩa mà không phải là mô tả của những nghĩa đã được cố định. Văn bản văn chương giàu tính tưởng tượng đặt người đọc giữa nhiều thực tại cần được giải mã và điều chỉnh đến những góc nhìn cụ thể mà người đọc mang đến cho văn bản. Hành vi đọc nên được xem là sự tạo ra các bất định, như là động lực hướng đến quá trình ra quyết định, như là sự khám phá ra những mối tương giao có thể nghiệm thấy được nhưng không thể mô tả được bằng một thứ ngôn ngữ hướng-nội-dung. Trong quá trình dịch không có các câu trả lời xác định, mà chỉ có những cố gắng chạm đến các giải pháp để phản hồi cho các trạng thái bất định tạo ra do sự tương tác giữa trường ngữ nghĩa và âm thanh của chữ. Đọc, là cổ xúy cho việc tạo ra nghĩa thông qua những câu hỏi trong đó khả năng của một câu trả lời lại dẫn đến một câu hỏi khác: Còn nếu.. thì sao?
Đọc, là chuyển hóa văn bản, và trong khi cấy văn bản vào
môi trường của một ngôn ngữ mới, dịch giả tiếp tục quá trình chuyển hóa đó.
Không có chuyển hóa thì không có dịch; có lẽ đó là lý do tại sao trong việc
chuyển dịch các tác phẩm văn chương, dịch từng chữ một chưa bao giờ thành công.
William Weaver tán đồng sự bất định này khi viết: “Sai lầm tệ hại nhất của dịch
giả là cứ tự trấn an mình bằng cách nói “bản gốc nói đúng như thế”, và không chịu
vật vã để làm hết mình. Chữ trong bản gốc là chỉ là điểm xuất phát; dịch giả phải
làm nhiều hơn việc chỉ chuyển tải thông tin (ý nói dịch giả văn chương).” [William Weaver là người dịch nhiều tác phẩm của Italo Calvino và Umberto Eco từ tiếng Ý sang tiếng Anh.]
Tuy nhiên, chữ đóng vai trò khởi phát việc đọc và quá trình
diễn dịch mà rốt cuộc sẽ dẫn đến hành vi dịch. Dịch giả, trong hành vi đọc,
tương tác với chữ theo một cách nhất định. Họ tái khảo sát chữ về phương diện
chức năng ngữ nghĩa và văn hóa của chúng. Gregory Rabasa mô tả cường độ mà một
dịch giả tiếp cận văn bản: “Tôi luôn cho rằng dịch, về cốt lõi, là cách đọc sát
nhất mà người ta có thể tiến hành đối với một văn bản. Dịch giả không thể phớt
lờ những từ “kém quan trọng”, mà phải cân nhắc từng ly từng tí một.”