Sunday 20 November 2011

Sự không hoàn hảo của ký ức



Rất nhiều khi trong đời, ta vừa tưởng ta tìm ra một sự thật, thì ngay lập tức có những manh mối khác mách ta biết rằng, cái ta biết chỉ là một phiên bản không chính xác của sự thật. Và nhiều khi, ta tưởng như ta nhớ hoàn toàn về một sự kiện gì đó trong quá khứ, chỉ để rồi phát hiện ra ta chẳng nhớ gì, hoặc nhớ hoàn toàn sai lệch. Trí nhớ luôn phản thùng ta.

 “Lịch sử là sự khẳng định sinh ra ở điểm giao nhau giữa sự không hoàn hảo của ký ức và sự thiếu hụt về tư liệu.” (History is that certainty produced at the point where the imperfections of memory meet the inadequacies of documentation.) Trong The Sense of an Ending (Dự cảm về một đoạn kết) của Julian Barnes, cậu học trò Adrian đã trả lời câu hỏi “Lịch sử là gì?” của thầy giáo của mình như thế. Adrian dùng cái chết của Robson, một người bạn trong lớp - một cậu trai tự tử sau khi làm cho bạn gái của mình có bầu - để chứng minh cho câu trả lời của mình:  Chúng ta biết cậu ta đã chết, nhưng liệu chúng ta biết gì hơn về cái chết đó? Cậu ta để lại lời nhắn nào? Lời nhắn đó có còn hay bị hủy? Liệu đứa con có đúng của cậu ta? Rồi năm mươi năm sau, khi ai đó muốn viết về cái chết của Robson, khi ba mẹ cậu ta đã qua đời và bạn gái cậu ta cũng biến mất thì sao?  Thầy giáo của Adrian trả lời rằng Adrian đã đánh giá thấp lịch sử và các sử gia, vì các sử gia luôn phải đương đầu với vấn đề thiếu chứng cứ trực tiếp. Tuy vậy, ví dụ trong trường hợp này, họ có thể truy tìm hồ sơ giám định pháp y, và Robson có thể để lại nhật ký, hoặc viết thư từ, rồi phúc đáp của cha mẹ cậu cho các thư chia buồn. v.v.  Bằng cách đó, các sử gia có thể phục dựng lịch sử cái chết của Robson.

Tony, nhân vật chính xưng tôi trong The Sense of an Ending, bạn của Adrian, ở  tuổi về hưu, đã ứng dụng câu trả lời của thầy giáo lịch sử năm nào, để đương đầu với sự không hoàn hảo của trí nhớ (Tony hoàn toàn quên mình đã viết một lá thư kinh khủng như thế nào cho Adrian và bạn gái cũ của mình) và sự thiếu hụt về tư liệu (cuốn nhật ký của Adrian mà Tony chỉ được đọc mỗi một trang) để phục dựng lại lịch sử cái chết của Adrian.  Cuộc tìm hiểu đó không thiếu những ngoắt ngoéo, mà phát hiện lớn nhất có thể là dù cho sống cả đời người ta cũng chẳng hiểu gì về cuộc đời cả.

Tuy nhiên, để viết được một cuốn sách như thế này, người ta cần có một sự hiểu đời sâu sắc.  Trong tiểu thuyết mới nhất của mình, Julian Barnes cho thấy mình vừa có vẻ của một giáo sư về cuộc đời - ông đặt ra quá nhiều điều để người đọc chiêm nghiệm chỉ trong 150 trang sách -  mà vừa có phong thái của một bác sĩ thực hiện những cuộc vi phẫu:  ngôn ngữ của ông là một thứ ngôn ngữ với độ chính xác cực kỳ cao.  Còn bản thân cuốn sách, một tiểu thuyết không quá dài nhưng đích thực là tiểu thuyết do hàm lượng cuộc đời của nó, lại cũng có dáng dấp của một truyện ngắn khi dường như không có chi tiết nào thừa.  Đọc  The Sense of an Ending, có thể ta không biết chắc ta hiểu tất cả những gì tác giả định nói, nhưng có một điều ta biết chắc: sẽ phải đọc lại ngay khi vừa đọc xong.


Bản đăng trên SGTT, dài hơn tí và đã "tút"http://sgtt.vn/Van-hoa/156149/Su-khong-hoan-hao-cua-ky-uc.html


14 comments:

  1. Bác đọc lại đã xong chưa ạ?

    ReplyDelete
  2. rồi, đã đặt thư viện

    ReplyDelete
  3. sướng thế, ra thư viện là có, đỡ tốn xèn!

    ReplyDelete
  4. nghe hấp dẫn nhỉ! mí cuốn sách cổ của Tuân tử, Khổng tử, Mạnh tử mềnh cũng thích đọc đi đọc lại nhiều lần :-)

    ReplyDelete
  5. Anh chắc là giỏi chơi bài?

    ReplyDelete
  6. tại sao? không hiểu câu hỏi.

    ReplyDelete
  7. Từ "phản thùng" nghe giống vậy.

    ReplyDelete
  8. Nghe bác nói về cuốn này thấy thèm được đọc nó quá....

    ReplyDelete
  9. Cuốn này sắp có bản dịch bằng Tiếng Việt à Anh?

    Nếu không phải thì SGTT tiến bộ thiệt.

    ReplyDelete
  10. nghe đâu là sẽ có, tuy nhiên kg sắp

    SGTT vẫn hay đi bài về những cuốn sách ở đẩu đầu đâu mà:)

    ReplyDelete
  11. Vậy là em lạc hậu.

    Em sẽ ngâm cứu bài của Anh, đặng làm mẫu. :D

    ReplyDelete
  12. Cái bìa đẹp quá, và nó có vẻ rất hợp với nội dung anh điểm qua. :) Cảm giác nhìn và đọc bài này xong gợi em nghĩ đến cuốn "Và khi tro bụi". :) HTp

    ReplyDelete
  13. đúng là đọc xong là phải đọc lại ngay thật ạ @_@

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN