***
Gà, cà phê chiều 30 Tết và còi
Đã lâu mới lại nghe tiếng gà gáy, không phải một mà nhiều con gáy cùng lúc. Cái giống gà, đúng là tức nhau tiếng gáy, đã nghe con này gáy thì con kia không chịu nhịn, cứ thi nhau óng ả váng cả đầu. Khu này vợ bảo ngày xưa nhiều cây cỏ nhiều vườn nhiều rau, bây giờ nhà cửa mọc lên san sát, cái này cụng đầu cái kia, nhà này 4 tầng thì nhà kia cũng không kém. Ngày xưa đường làng mát vì bóng cây thì bây giờ mát vì bóng nhà. Có những chỗ hai nhà đối diện các tầng trên đều xây lấn ra con đường chỉ vừa hai xe máy tránh nhau, từ ban công nhà này cơ hồ có thể bước chân sang ban công nhà bên kia đường, và mưa nắng cũng vất vả mới len qua được khe hở giữa hai nhà. Ngõ nhỏ phố nhỏ, nhà tôi ở đó…Nhà sát nhau thế, nên tiếng gà gáy sáng nghe thật là chát chúa, muốn dậy muộn cũng không xong.
Nhưng đấy chuyện là những ngày giáp Tết, khi Hà Nội còn nóng không thua gì Sài Gòn. Kể từ 29 Tết, trời đột ngột trở lạnh. Nằm cuộn mình trong chăn bông, bất chấp sự thô bạo của lũ gà cũng như Đàm Vĩnh Hưng, Tuấn Vũ và có trời mà biết là những âm thanh văn minh nào khác vọng sang từ các giàn âm thanh hàng xóm, giai cấp tiểu tư sản kiên quyết không ra khỏi giường trước 10 giờ sáng.
Hà Nội chiều 30 Tết đường phố rộng tênh. Giờ đấy, chắc chỉ những gã rỗi việc hoặc trốn việc mới phóng ra đường uống cà phê. Phố Triệu Việt Vương thi thoảng có vài chiếc lá rụng. Bạn bảo đấy là lá bàng. Ba thằng ngồi đố nhau có nhà văn nào chỉ viết truyện ngắn mà thành danh. Nghĩ mãi chỉ ra được Chekhov, Lỗ Tấn và Guy de Maupassant. Raymond Carver được chiếu cố. Thomas Mann có viết tiểu thuyết không nhỉ?
Cà phê xong, phóng xe về. Gió buốt hai tai và hai tay, nhưng đường vắng nên chạy rất sướng. Không có ai để chen chúc. Gần như không có tiếng còi xe. Ra Hà Nội đợt này, tôi có cảm giác tiếng còi xe Hà Nội hình như to hơn. Hoặc cũng có thể tiếng còi xe vẫn thế, chỉ có cảm giác của tôi là khác. Nói chung, cảm giác của tôi không đáng tin cậy mấy. Chẳng hạn, có dạo, tôi có cảm giác tất cả những cái bấm móng tay ở nhà tôi càng ngày càng nhỏ đi và do đó khó tìm hơn, trong khi cả nhà khẳng định kích thước của những cái bấm móng tay hoàn toàn không thay đổi.
Thật ra, tôi hoàn toàn ổn nếu có một đạo luật quy định rằng tất cả xe cộ không được trang bị còi. Tôi cho rằng chẳng có lý do gì phải bấm còi khi đi xe cả. Đường vắng, rộng thênh thì chả việc gì phải bấm còi. Còn đường đông, bấm còi chẳng giải quyết được vấn đề gì: không có đường để lách đi đâu, bấm còi chẳng khác gì bấm cho nhau nghe. Thế mà có những người, cứ năm hay mười mét lại bấm còi tin tin. Bấm chỉ còn như một thói quen (Ref Hoàng Hưng: Sống chỉ còn như một thói quen). Đôi khi tôi băn khoăn thói quen bấm còi lúc chạy xe có ảnh hưởng thế nào đến những hành vi khác của một con người. Chẳng hạn, khi làm tình, những người đó có nhu cầu bấm còi không? Và còi không kêu thì họ xoay xở thế nào?
***
Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Sương
ReplyDeleteNgõ rất cụt mà lòng xa thẳm
Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm
Thương một đời đâu phải tạm thương.
(Chế Lan Viên)
Hà Nội là thế anh nhỉ, chả phải quê hương mình mà cũng tạm thương tạm nhớ, tạm bâng khuâng.
- Guy de Maupassant có viết nhiều tiểu thuyết mà. Phải chăng nó dở quá nên đành phải thành danh bằng truyện ngắn.
Riêng em xin bổ sung Akutagawa được ko ạ.
Đính chính cho Cậu ấm thơ ngây: Ngõ Tạm Thương. Thì thế mới có chơi chữ ở dưới.
ReplyDeleteBấm còi là vì họ nôn nóng và ưa hét với người khác.
Nhà em gần một tháng nay cũng nghe tiếng gà gáy sáng. Cứ tưởng sau cúng ông công ông táo sẽ không phải nghe nữa, thế mà cúng giao thừa, ăn tết xong vẫn nghe. Bây giờ tối đi ngủ lại hồi hộp tự hỏi sáng sớm có bị nghe nữa không. Hy vọng, sau hôm rằm sẽ hết.
ReplyDeleteVề vụ còi, có hai cách làm cho nó kêu là bấm và thổi. Không hiểu sáng sớm mấy con gà có bấm thổi gì không mà kêu kinh thế :D
Mann có đống tiểu thuyết đọc hết chắc mất 20 năm hehe.
ReplyDeleteBác TQ cho biết nguồn gốc cái tên Tạm Thương với. Theo em thì cùng ngõ Phất Lộc, Tạm Thương là tên ngõ hay nhất của Hà Nội.
Gà hết gáy roài bác ơi. Chẳng ai nuôi gà trong lồng lâu đến thế đâu, nó gầy đi thì uổng lắm.
ReplyDeleteÀ, mà đọc bác xong thấy nhớ Hà Nội mấy ngày Tết ghê cơ. Hôm nay xe lại nhích từng mét roài. Lại phải chờ một năm trôi qua thôi.
Thomas Mann có hẳn một mả tiểu thuyết cơ nhá!
ReplyDeleteĐấy, không hỏi thì sao có người trả lời, phải biết cách dụ còm, chứ Google là mấy:)
ReplyDeleteNgõ Tạm Thương có chị Phúc Bồ, có anh đóng bìa sách rất đẹp. Nhị Linh còn đóng bìa sách ở đấy không?
ReplyDeletewelcome back! now life can be happy again, hehe.
ReplyDeleteThomas Mann viết một quyển cũng có tên là Linh Sơn, dày hơn một ngàn trang và tôi tiếc là mới chỉ đọc được có ba lần thôi.
ReplyDeleteCó cái này giải thích tên ngõ: "Khoảng đầu đời nhà Nguyễn có tên là Trạm Thương, nơi này có dựng một cái kho để chứa tạm thóc thuế do dân nộp trước khi chuyển vào kho chính, gọi là kho Tạm Thương nên sau đổi thành ngõ Tạm Thương" - (Từ điển đường phố Hà Nội, Nguyễn Tuệ, Nguyễn Loan). Khéo là cái tên tự đặt mà thành thôi ấy chứ.
ReplyDeleteMình chỉ quan tâm nem nướng Tạm Thương thôi :-) Nhưng mà báo động các đồ nướng HN bây giờ, nem nướng và chân gà nướng (phố Lý Văn Phức) ngọt lừ như chè.
Hơn nghìn trang mà bác hòa thượng đọc những 3 lần rồi, kinh nhỉ. Thomas Mann em chỉ có mỗi tập Death in Venice đọc mãi chưa xong.
ReplyDeleteRa bác GM ăn Tết HN. Dạo này bác viết thưa quá. Chúc bác năm mới nhiều hạnh phúc nhé. Nhớ năng viết, năng dịch cho mình đọc với...
ReplyDeletenếu anh đi ngang qua mộtngõ nhỏ, để đề phòng người từ trong ngõ phóng vụt ra đâm vào ngang thân xe mình, hoặc trẻ con chạy ào ra, bấm còi khe khẽ là một cách tốt.
ReplyDeletebấm còi lúc tắc đường đúng là vô nghĩa và làm phiền người khác, nhưng có nhiều lúc rất cần thiết ở cái thành phố hằng hà sa số ngõ nhỏ phố nhỏ người cực đông và giao thông loạn xạ.
trời ơi sao lại hỏi Thomas Mann có viết tiểu thuyết không.
ReplyDeleteMarcus: đơn giản là vì vào thời điểm viết thì chưa đọc tiểu thuyết nào của Mann. Tất nhiên lên Google tra phát thì ra ngay; nhưng tiện tay thì cứ hỏi thế để có cớ các bạn trả lời/phàn nàn/kêu gào. Đã bảo là nghệ thuật dụ còm mà lại!:)
ReplyDelete