Monday 21 December 2009

Tại sao, con trai?


Đây là một truyện trong tập Will you please be quiet, please của Raymond Carver. Truyện này tuy không được các nhà phê bình chú ý lắm nhưng Tess Gallagher, vợ ông, rất thích và cho là một truyện xuất sắc của ông. Raymond Carver sử dụng nghệ thuật người trần thuật không đáng tin cậy (unreliable narrator) - nôm na là "nói vậy nhưng không phải vậy", trong truyện này.

Truyện dịch để tặng chị Sonata, người bất thình lình đột nhiên bỗng dưng tặng bạn GM cuốn Moon Palace của Paul Auster (mà bạn GM cũng đã chén xong), và cũng để tặng các bạn yêu thích truyện của Raymond Carver.


Tại sao, con trai?
Raymond Carver

Thưa Ông

Tôi rất ngạc nhiên khi nhận được thư ông hỏi về con trai tôi, làm thế nào ông biết được tôi ở đây? Tôi chuyển đến chỗ này cách đây nhiều năm ngay sau khi chuyện đó bắt đầu diễn ra. Không ai biết tôi ở đây cả mà tôi cũng sợ người ta biết. Người mà tôi lo ngại chính là nó. Mỗi khi đọc báo tôi lại lắc đầu và băn khoăn. Tôi đọc những gì người ta viết về nó và tự hỏi cái người đó có thật là con trai tôi không, nó có thật sự làm những việc này không?

Nó là một đứa ngoan trừ tính nóng nảy và việc nó không thể nói thật. Tôi không đưa ra cho ông được lý do nào. Chuyện bắt đầu vào một mùa hè trong dịp lễ Quốc khánh, hồi đó nó chừng mười lăm tuổi. Con mèo Trudy nhà tôi biến mất cả đêm và cả ngày hôm sau. Tối hôm sau bà Cooper ở ngay sau nhà tôi sang nhà bảo tôi rằng con Trudy lết vào sân sau nhà bà rồi chết. Con Trudy tanh bành nhưng bà nói bà vẫn nhận ra đó là Trudy. Ông Cooper chôn phần còn lại của Trudy.

Tanh bành? Tôi hỏi. Ý bà nói tanh bành là sao?

Ông Cooper thấy hai thằng bé ngoài đồng nhét pháo vào tai và chỗ đấy của Trudy. Ông ấy cố ngăn chúng lại nhưng chúng chạy mất.

Ai, ai có thể làm một trò như thế, ông ấy có nhận ra ai không?

Ông ấy không biết đứa kia nhưng một trong hai đứa chạy lối này. Ông Cooper nghĩ đó là con trai bà.

Tôi lắc đầu. Không, không phải thế đâu, nó không làm trò đó, nó thương Trudy mà, con Trudy ở với nhà tôi bao năm rồi, không, không phải là thằng con tôi đâu.

Tối đó tôi kể nó chuyện con Trudy, nó tỏ vẻ ngạc nhiên và sốc và nói chúng tôi nên treo thưởng. Nó đánh máy một cái gì đó và hứa sẽ dán ở trường. Nhưng đêm đó trước lúc về phòng nó nói mẹ đừng coi nặng chuyện đó quá, nó già rồi, phải sáu lăm hay bảy mươi tính theo tuổi mèo, nó đã khá thọ.

Vào các buổi chiều và thứ bảy nó đi làm việc sắp xếp hàng hóa ở cửa hàng Hartley’s. Betty Wilks, một người bạn của tôi làm ở đó mách tôi về công việc đó và nói sẽ giới thiệu nó. Tối đó tôi bảo nó, nó nói tốt, thiếu niên không dễ tìm việc.

Cái đêm nó lĩnh lương lần đầu, tôi nấu món khoái khẩu của nó và bày biện trên bàn sẵn chờ nó về. A người đàn ông của gia đình đây, tôi nói và ôm nó. Mẹ tự hào lắm, con lĩnh được bao nhiêu, con trai? Tám mươi đô, nó nói. Tôi kinh ngạc. Thật là tuyệt, con trai ạ, mẹ không thể tin được. Con đói ngấu rồi, nó nói, mình ăn đi.

Tôi vui, nhưng tôi không hiểu được, chỗ đó còn nhiều hơn lương của tôi.

Khi tôi giặt quần áo tôi thấy giấy lĩnh lương của cửa hàng Hartley’s trong túi áo nó, chỉ ghi hai mươi tám đô, nó nói tám mươi. Sao nó không nói thật? Tôi không hiểu được.

Nếu tôi hỏi nó tối qua con đi đâu, nó sẽ trả lời đi xem diễn. Rồi tôi sẽ phát hiện ra nó đi khiêu vũ ở trường hay lượn lờ cả đêm với ai đó bằng xe hơi. Tôi sẽ nghĩ có khác biệt gì đâu, sao nó không thể thành thật, chẳng có lý do gì mà dối mẹ cả.

Tôi nhớ có lần nó nói là đi thực địa về, tôi hỏi nó con thấy những gì trong chuyến đi. Và nó nhún vai bảo địa chất, đá núi lửa, tro, người ta chỉ cho bọn con nơi cách đây hàng triệu năm là một cái hồ lớn, bây giờ chỉ là sa mạc. Nó nhìn vào mắt tôi và huyên thiên. Rồi tôi nhận được thư của nhà trường nói họ muốn xin phép cho nó đi thực địa, liệu nó có được phép đi không.

Gần cuối năm mười hai, nó mua một chiếc xe hơi và đi chơi suốt. Tôi lo lắng về điểm chác của nó nhưng nó chỉ cười. Ngài biết đấy nó là một học sinh xuất sắc, hẳn là ngài biết rõ điều đó. Sau đó nó mua một khẩu súng ngắn và một con dao săn.

Tôi ghét nhìn thấy những thứ đó trong nhà và tôi bảo nó thế. Nó cười, lúc nào nó cũng cười. Nó nói nó sẽ để súng và dao trong cốp xe, nó nói dù sao để đó cũng dễ lấy hơn.

Một tối thứ bảy nọ nó không về nhà. Tôi lo đến độ phờ phạc. Khoảng mười giờ sáng hôm sau nó về và bảo tôi nấu bữa sáng cho nó, nó nói nó đi săn về nên rất đói, nó xin lỗi vì đã đi cả đêm, nó nói chúng đã lái một quãng đường dài đến chỗ này. Nghe là lạ. Nó có vẻ run run.

Con đi đâu?

Lên tận Wenas. Bắn được vài phát.

Con đi với ai?

Fred.

Fred?

Nó ngó tôi và tôi không nói gì nữa.

Ngày chủ nhật kề sau đó tôi rón rén vào phòng nó lấy chìa khóa xe. Nó đã hứa mua đồ ăn sáng trên đường đi làm về tối hôm trước và tôi nghĩ chắc nó để quên trong xe. Tôi thấy đôi giày mới của nó thò ra dưới giường dính đầy bùn và cát. Nó mở mắt.

Con trai, giày con làm sao thế? Nhìn giày con kìa.

Xe hết xăng, con phải đi bộ mua xăng. Nó ngồi dậy. Mẹ quan tâm làm gì?

Mẹ là mẹ con mà.

Trong lúc nó tắm tôi lấy chìa khóa và ra xe. Tôi mở cốp. Tôi không tìm thấy đồ ăn. Tôi thấy khẩu súng nằm trên một tấm khăn và cả con dao nữa và tôi thấy áo sơ mi của nó vo tròn và tôi giũ nó ra thì thấy máu me be bét. Nó còn ướt. Tôi thả nó xuống. Tôi đóng cốp xe và quay vào nhà và thấy nó đang đứng nhìn chỗ cửa sổ và nó mở cửa.

Con quên bảo mẹ, nó nói, con bị chảy máu mũi, con không biết cái áo đó có giặt được không, hay là vứt đi vậy. Nó mỉm cười.

Mấy ngày sau tôi hỏi nó công việc ở chỗ làm thế nào. Nó bảo, tốt, nó mới được tăng lương. Nhưng tôi gặp Betty Wilks ngoài đường và chị ấy bảo mọi người ở Hartley’s đều rất tiếc khi nó bỏ việc, nó rất được mọi người yêu mến, Betty Wilks nói.

Sau đó hai đêm tôi nằm trong giường mà không ngủ được, tôi nhìn trần nhà chằm chằm. Tôi nghe tiếng xe nó dừng trước nhà và tôi lắng nghe tiếng nó tra chìa vào ổ khóa và nó vào nhà bếp đi qua hành lang về phòng rồi đóng cửa lại. Tôi dậy. Tôi có thể nhìn thấy đèn trong phòng nó hắt ra dưới cửa. Tôi gõ và đẩy cửa hỏi nó có muốn uống trà hay cà phê không, con trai, mẹ không ngủ được. Nó cúi xuống bên tủ quần áo và đóng rầm một ngăn kéo và quay sang tôi, mẹ ra khỏi đây đi nó gào, ra khỏi đây đi, con chán thấy mẹ rình mò con rồi nó gào. Tôi về phòng mình và khóc đến khi ngủ thiếp. Đêm đó nó làm lòng tôi tan vỡ.

Sáng hôm sau nó dậy và đi trước khi tôi thấy nó, nhưng với tôi thế cũng được. Kể từ đó tôi coi nó như khách trọ trừ khi nó muốn thay đổi, tôi hết chịu được rồi. Nó sẽ phải xin lỗi nếu nó muốn chúng tôi hơn là những người lạ ở chung nhà.

Tối đó khi tôi về nó đã ăn tối xong. Mẹ khỏe không, nó hỏi, nó đỡ áo khoác cho tôi. Mọi việc hôm nay thế nào?

Tôi nói tối qua mẹ không ngủ được, con trai. Mẹ hứa với chính mình sẽ không gợi lại chuyện và không cố làm cho con cảm thấy có lỗi nhưng mẹ không quen bị con trai mình nói bằng giọng như thế.

Con muốn cho mẹ xem cái này, nó nói, và nó cho tôi xem bài luận nó viết cho lớp dân sự. Tôi nghĩ là về mối quan hệ giữa quốc hội và tòa tối cao. (Đó là bài luận giúp nó đoạt giải khi tốt nghiệp!) Tôi gắng đọc và rồi tôi quyết định, đã đến lúc. Con này, mẹ muốn nói chuyện với con, với mọi sự như ngày nay nuôi dạy con cái là một việc khó khăn, đặc biệt khó khăn khi không có một người bố trong nhà, không có một người đàn ông mà chúng ta nương tựa khi cần. Con bây giờ đã gần trưởng thành nhưng mẹ vẫn còn trách nhiệm và mẹ cảm thấy mẹ có quyền được tôn trọng và tính đến và mẹ đã cố công bằng và thành thật với con. Mẹ muốn sự thật, con à, đó là tất cả những gì mẹ đòi hỏi ở con, sự thật. Con trai, tôi thở một hơi, thử nghĩ con có con mà khi con hỏi nó một cái gì đó, bất cứ thứ gì, nó đã ở đâu hoặc định đi đâu, định làm gì, bất cứ thứ gì, nó không bao giờ, không bao giờ nói sự thật? Mà nếu con hỏi nó có phải bên ngoài trời mưa không, lại trả lời không, trời đẹp và nắng, và mẹ nghĩ là sẽ cười một mình và cho rằng con quá già hoặc quá ngốc nên không thấy quần áo nó ướt. Tại sao nó nói dối, con hỏi chính mình xem, nó được gì mẹ không hiểu. Mẹ cứ tự hỏi mình mà mẹ không có câu trả lời. Tại sao, con trai?

Nó không nói gì, nó cứ nhìn tôi chằm chằm, rồi nó nhích về phía tôi và nói con sẽ chỉ cho mẹ. Con nói là quỳ, con nói là quỳ xuống, nó nói, đó là lý do đầu tiên.

Tôi chạy vào phòng mình và khóa trái cửa. Tối đó nó bỏ đi, nó mang theo đồ đạc của nó, những thứ nó cần, và nó bỏ đi. Tin hay không thì tùy nhưng tôi chưa bao giờ gặp lại nó. Tôi thấy nó trong lễ tốt nghiệp nhưng lúc đó có nhiều người xung quanh. Tôi ngồi cùng cử tọa và nhìn thấy nó nhận bằng và giải thưởng cho bài luận của mình, rồi tôi nghe nó phát biểu và cùng vỗ tay với mọi người.

Sau đó tôi về nhà.

Tôi không bao giờ gặp lại nó. Ồ dĩ nhiên tôi thấy nó trên tivi và tôi thấy hình nó trên báo.

Tôi biết là nó gia nhập hải quân và tôi nghe ai đó bảo nó ra khỏi hải quân và đi học đại học bên bờ đông và rồi cưới cái con bé đó và đi làm chính trị. Tôi bắt đầu thấy tên nó trên báo. Tôi tìm ra địa chỉ của nó và viết thư cho nó, vài tháng tôi lại viết một lá thư, không bao giờ có hồi âm. Nó tranh cử thống đốc và đắc cử, và giờ nổi tiếng. Đó là khi tôi bắt đầu lo lắng.

Tôi bồi đắp nên tất cả những nỗi sợ hãi này, tôi bắt đầu sợ, tôi thôi viết thư cho nó dĩ nhiên và tôi hy vọng rằng nó nghĩ tôi đã chết. Tôi chuyển đến đây. Tôi đặt một số điện thoại không tra cứu. Và rồi tôi phải đổi tên. Nếu ông là người có quyền lực và ông muốn tìm ai đó thì ông tìm thấy, không khó khăn gì lắm.

Tôi phải thấy tự hào nhưng tôi sợ. Tuần trước tôi thấy một chiếc xe hơi trên phố và một người đàn ông ngồi trong mà tôi biết là theo dõi tôi, tôi đi ngay về nhà khóa cửa lại. Cách đây vài hôm điện thoại đổ chuông liên hồi khi tôi đã nằm nghỉ. Tôi nhấc điện thoại nhưng không có gì cả.

Tôi già rồi. Tôi là mẹ nó. Tôi phải là người mẹ hãnh diện nhất trong số các bà mẹ trên mặt đất nhưng tôi chỉ lo sợ.

Cảm ơn ông đã viết thư cho tôi. Tôi muốn phải có ai đó biết chuyện. Tôi rất xấu hổ.

Tôi cũng muốn biết làm thế nào mà ông biết được tên tôi và nơi tôi ở. Tôi đã cầu rằng không ai biết. Nhưng ông đã biết? Sao ông lại biết? Vui lòng nói cho tôi.

Trân trọng.


Goldmund dịch từ nguyên bản tiếng Anh Why, Honey?



5 comments:

  1. Đọc hay quá. Cảm ơn bác

    Bác cứ tì tì lâu lâu một truyện cho mọi người thưởng thức nhé.

    Có mấy lỗi chính tả, nếu có gửi đăng thì bác nhớ chỉnh, VD: "xấu hỗ".

    ReplyDelete
  2. Cám ơn đã được đọc ké. Hay quá

    ReplyDelete
  3. Truyện này hay quá! Và còn hay hơn vì e đã gặp một ví dụ thực tế :D duy chỉ có ví dụ của em ko hề có danh dự hay giải thưởng gì hết, hay là chưa tới lúc????
    Cám ơn anh!

    ReplyDelete
  4. Cảm ơn bạn Mun, đối với mình truyện của bác này bao giờ cũng hấp dẫn một cách khó hiểu (và bao giờ cũng khó hiểu mà vẫn rất hấp dẫn) Trong truyện này có một đoạn mình chưa hiểu: "....rồi nó nhích về phía tôi và nói con sẽ chỉ cho mẹ. Con nói là quỳ, con nói là quỳ xuống, nó nói, đó là lý do đầu tiên."
    Có lẽ phải đọc nhiều lần nữa, và có lẽ đó chính là một cái thú khi đọc R.C ;)

    ReplyDelete
  5. cảm ơn anh.

    mỗi lần đọc tới phần kết truyện của Raymond Carver, em luôn muốn tiếp tục.

    em cảm ơn!

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN