Friday 27 November 2009

Bằng

Cách gieo bằng trắc trong thơ thất ngôn Đường luật (tứ tuyệt và bát cú) dĩ nhiên luôn tuân theo quy tắc chặt chẽ, hỏng bằng trắc là coi như hỏng bài thơ. Khi các nhà Thơ Mới làm thơ bảy chữ, tuy có lúc thay đổi về cách ngắt nhịp, nhưng tựu trung họ vẫn không thay đổi nhiều về cách gieo bằng trắc. Bằng trắc trong từng khổ thơ bảy chữ bốn câu trong các bài thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử .v.v. không khác so với bằng trắc trong các bài tứ tuyệt ngày xưa. Nếu lấy nhịp 4/3 làm chủ đạo, thì trong từng cụm 4 và cụm 3 luôn có bằng trắc xen kẽ, chứ không có chuyện toàn thanh bằng hay toàn thanh trắc trong cụm; hoặc nếu xét về một câu bảy chữ thì không có chuyện năm đến sáu thanh bằng đứng liền nhau. Thỉnh thoảng, có những câu những bài ngoại lệ, mà nhiều người biết nhất là bài Tỳ bà toàn thanh bằng của Bích Khê, có hai câu mà hầu như ai đọc thơ cũng nhớ và Hoài Thanh tán tụng là thuộc loại hay nhất trong thi ca Việt Nam:

Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông

Xuân Diệu trong bài Nhị hồ cũng sử dụng rất nhiều thanh bằng, ví dụ như hai câu này:

Sương nương theo trăng ngừng lưng trời

Tương tư nâng lòng theo chơi vơi

Còn trong Tống biệt hành, Thâm Tâm viết:

Đưa người ta không đưa sang sông

….

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong.

Khi đọc nguyên một tập thơ Quang Dũng tôi từ đầu đến cuối, tôi thấy Quang Dũng thường xuyên viết những câu thơ bảy chữ không theo cách kết hợp bằng trắc “truyền thống” kể trên, thường là sử dụng nhiều thanh bằng đứng liền kề nhau, hoặc nếu có kết hợp thanh trắc thì đặt vào những vị trí lạ lẫm, khiến cho câu thơ thường mang âm điệu chơi vơi.

Trong những bài đầu tiên, đã thấy Quang Dũng viết những câu như thế:

Chiêu Quân sang Hồ xừ hồ xang

(Chiêu Quân)

Ngồi đây năm năm miền ly hương, hay

Tịch mịch sầu vơi bèo râm ran, hay

Em ơi! Em ơi! Đêm dần vơi

(Cố quận)

Trong những bài nổi tiếng như Mắt người Sơn Tây hay Tây Tiến thì có:

Vầng trán em mang trời quê hương

Mắt em dìu dịu buồn Tây phương

hay

Mường Lát hoa về trong đêm hơi, hay

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi, hay

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi, hay

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Trong những bài ít nổi tiếng hơn cũng không thiếu những câu mang âm điệu như thế. Ví dụ:

Trong bài Thu, có câu: Cánh hồng nhạt nhạt mây phiêu lưu, hay Ngồi đây vời tưởng đường quê hương, hay Buồn nhớ thương ai lòng hiu hiu.

Trong bài Hồ Nam, có câu: Ai biết Hồ Nam giờ ra sao

Trong bài Bố Hạ, có: Tơi nón trung du em về đâu, hay Rừng xa Yên Thế hùm thiêng nằm

Trong Pha Đin, có: Dừng xe trong mây nhìn phương Nam.

Thơ Quang Dũng có một chất đặc biệt. Đặng Tiến thì gọi đó là chất mơ, “một thoáng mơ phai”. Người khác thì gọi đó là chất hào hoa, chất Hà thành. Riêng trong những bài bảy chữ, tôi nghĩ, cách sử dụng bằng trắc thế kia cũng góp phần tạo nên nét độc đáo của thơ Quang Dũng.

(Có lẽ tôi không nên nói rằng entry sắp tới sẽ viết về nhà thơ "màu mè" bậc nhất Việt Nam, kẻo có bạn đi theo chằng chằng đòi nợ:))

13 comments:

  1. Bài này rất hay đấy bác ợ. Thanks bác.

    ReplyDelete
  2. Phục bác GM. Đến bây giờ tôi vẫn mê nhất là Quang Dũng

    ReplyDelete
  3. hehe, thiệt là bổ ích
    a cho e hỏi có mối liên hệ nào giữa thể thơ với mạch cảm xúc trong bài thơ ko?
    kiểu như thơ 7 chữ thuờng tạo giọng thơ abc, thơ 5 chữ gợi cảm giác xyz

    à mà em nói: "có 2 thứ duy nhất" thì có đuợc ko?

    ReplyDelete
  4. cho e hỏi thêm cái nữa
    em thuờng viết tắt theo kiểu đặt các kí tự liền nhau (TQH)
    nhưng em cũng thấy kiểu ghi cách nhau dấu chấm (T.Q.H)
    hoặc cách nhau dấu gạch chéo (T/Q/H)

    vậy có sự fân biệt gì giữa mấy kiểu víết tắt đó ko?

    ReplyDelete
  5. Trời ơi, sao không hỏi tập trung vô chủ đề một tí. Chẳng hạn như "người khác" viết nghiêng ở trên là ai?:)

    Thể thơ và cái cảm giác mà nó tạo ra thì cũng có quan hệ, tỷ như Tây Tiến mà viết bằng thơ năm chữ chắc sẽ không còn là Tây Tiến, nhưng chắc chắn là không có công thức vì cảm giác mà người đọc có được không chỉ tùy vào thể thơ.

    Anh không bao giờ nói "hai thứ duy nhất" vì anh cho rằng cách nói đó sai, nhưng bây giờ thấy người ta nói kiểu đó hà rầm, chắc sắp được đưa vào từ điển rồi.

    Chưa thấy viết tắt kiểu T/Q/H bao giờ. Phân biệt thế nào thì không biết, nhưng theo anh tốt nhất là bỏ sạch mấy dấu chấm đi.

    ReplyDelete
  6. thế người khác là ai thế hả bác?

    ReplyDelete
  7. ui, sợ nhất là thơ ĐH

    ReplyDelete
  8. cach viet tat gach cheo thuong chi viet 2 chu cai ( t/c = thuan chung)

    ReplyDelete
  9. Bác kiki: Có nói gì đến Đinh Hùng đâu, hay ĐH là ai khác?

    NL: Người khác là GM, hehe.

    ReplyDelete
  10. Tôi thật băn khoăn, GM là Goldmund hay là Giống Mình, hihi... Dĩ nhiên, (mình)tôi không phải là một kẻ "sành" thơ, hay "có bề dày" về bình thơ, nhưng cũng mạn phép góp đôi ba câu về thơ ca. Theo những gì tôi hiểu về thơ ca, một bài thơ hay phải hội tụ được 3 tính chất: đó là tính nhạc, tính cảm xúc và tính hình tượng (hội họa). Tôi không dám nói đến những bài thơ còn hội tụ thêm tính chất thứ 4 nữa là tính triết lý! Bởi vì nó vượt quá tầm kiến thức của mình rồi!hihi... Bác GM đang nói về luật bằng trắc (tính âm nhạc) thể thơ Đường luật trong thơ của các nhà thơ Việt Nam, thế còn nói về thơ chung thì sao đây? Các ngôn ngữ khác không có cái tính chất rất đặc thù của tiếng Việt là có 6 âm (dấu) khác nhau. Vậy thì khi chúng ta tiếp xúc với thơ ca, có lẽ nên hiểu chúng theo cảm xúc là chính, còn thể thơ, luật bằng trắc, hay vần viếc chỉ là chuyện phụ, (hay nói theo cách khác là "vẽ rắn thêm chân"!). Chính khi bình "đó là chất hào hoa, là chất Hà thành", vô tình(hay hữu ý?), bác GM, đã chấp nhận điều này!hihi... Túm lại, cảm xúc, cảm xúc, và cảm xúc. Chúc bác cuối tuần vui vẻ!

    ReplyDelete
  11. oh, cái cmt ở đây hôm qua mất đâu rồi ? Đang đoán già đoán non về nhà thơ " màu mè" bậc nhất Việt Nam , " màu mè" làm em nhớ tới nhận xét của Hoài Thanh về một nhà thơ trong TNVN có tên là : Nguyễn Vỹ .Thik bài "sương rơi " của ông này .

    ReplyDelete
  12. whoops, nghe quảng cáo màu mè tự dưng rùng mình nghĩ tới thơ Đinh Hùng thôi.

    ReplyDelete
  13. Không phải Nguyễn Vỹ, cũng không phải Đinh Hùng:)

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN