Một năm qua đi, sách vở còn lại gì? Phải chăng là những
huyên náo từ vài vụ tố cáo đạo văn, những ầm ĩ không đáng có về bản dịch một
bài thơ cổ, hay cuộc tranh cãi có phần vô duyên về một cái bìa sách? Rất may, đối
với người đọc sách, cái còn lại sau một năm là…những quyển sách. Trong bài viết
này, người viết nhìn lại một năm đọc sách của mình, và chọn ra 10 cuốn sách
đáng đọc nhất trong năm. Lựa chọn này giới hạn trong những cuốn sách xuất hiện
lần đầu trên thị trường sách Việt Nam từ cuối 2014 cho đến hết 2015. Tất nhiên,
lựa chọn của người viết mang tính chủ quan, bởi lẽ, có sự lựa chọn nào mà không
chủ quan?
Cánh
cửa
(Szabó Magda, Giáp Văn Chung dịch, Nhã Nam & NXB Văn học)
Szabó Magda là nhà văn hàng đầu Hungary, tác giả nhiều
vở kịch, tiểu thuyết, tiểu luận. Cánh cửa
chỉ mới là tác phẩm đầu tiên của bà được dịch ra tiếng Việt. Cuốn sách kể về mối
quan hệ lạ lùng giữa một nhà văn nữ - hiện thân của chính tác giả, và Emerenc,
người giúp việc nhà. Tuy nhiên, Emerenc không phải là một người giúp việc bình
thường. Đó là một bà già lập dị, mạnh mẽ cả về thể xác lẫn tinh thần, làm việc
chuyên cần, đồng thời có những sức mạnh tinh thần gần như siêu nhiên. Emerenc
chắc chắn là một trong những nhân vật giàu cá tính nhất trong lịch sử văn
chương. Trên nền mối quan hệ giữa hai người đàn bà này, và trong khi những bi kịch
cá nhân của Emerenc dần được hé lộ, Szabó Magda khéo léo phác thảo lịch sử
Hungary từ hai cuộc thế chiến đến thời kỳ Stalinist cũng như tình hình chính trị
đất nước. Đây là cuốn sách có vẻ ngoài dường như buồn tẻ nhưng thực chất là một
kiệt tác. Cánh cửa cũng được chọn là
một trong 10 cuốn sách hay nhất năm theo tờ The New York Times.
Những
quy luật về sự tiến hóa của các dân tộc (Gustave le Bon, Nguyễn
Tiến Văn dịch, Alphabooks & NXB Thế giới)
Đây là cuốn sách thứ ba của Gustave le Bon, nhà tâm
lý xã hội, nhà nhân chủng học người Pháp, được dịch ra tiếng Việt sau Tâm lý học đám đông và Cách mạng Pháp và tâm lý học của các cuộc
cách mạng. Tác phẩm của ông luôn đưa ra những kiến giải đặc sắc về tâm lý
nhóm, cộng đồng hay chủng tộc. Quan điểm của ông thường gây tranh cãi, thậm chí
bị coi là cực đoan. Trong cuốn sách này, luận điểm chính của ông là mỗi chủng tộc
có những đặc điểm tâm lý nhất định mà ông gọi là tâm hồn của chủng tộc. Tâm hồn
ấy được hình thành từ một quá trình lâu dài trong lịch sử, không chỉ tổng hợp đặc
điểm tinh thần những người đang sống mà trên hết là tích lũy phẩm chất của tổ
tiên. Tâm hồn của chủng tộc do vậy mang tính ổn định cao và là yếu tố căn bản
quyết định định mệnh của chủng tộc. Ông chứng minh cho luận điểm của mình bằng
những ví dụ về hưng và vong của La Mã cổ đại, cách mạng Pháp, bằng cách so sánh
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ với các nền cộng hòa Nam Mỹ…Có những quan điểm của ông có
thể coi là phân biệt chủng tộc mà ngày nay chúng ta khó lòng chấp nhận. Tuy vậy,
nhìn chung đây là cuốn sách rất đáng đọc và suy ngẫm, nhất là trong mối liên hệ
với chính chủng tộc chúng ta.
Bức
xúc không làm ta vô can (Đặng Hoàng Giang, Nhã Nam &
NXB Hội nhà văn)
Trong khoảng hai năm gần đây, một loạt bài bình luận
các hiện tượng văn hóa, xã hội được viết theo một phong cách vừa nghiêm túc vừa
hài hước thường xuyên được chia sẻ trên mạng xã hội, mà mỗi khi được chia sẻ lại
gây phân hóa dư luận khá mạnh. Những bài bình luận ấy giờ đây được sắp xếp cùng
nhau trong cuốn sách có cái tên sắp trở thành một thành ngữ mới: Bức xúc không làm ta vô can. Đã lâu rồi,
chúng ta mới có một nhà bình luận xã hội sắc sảo mà không chua ngoa, thông tuệ
nhưng không kém hài hước như Đặng Hoàng Giang. Những vấn đề Đặng Hoàng Giang đề
cập, có thể người khác cũng nhìn thấy, chẳng hạn chuyện ngôi sao làm từ thiện
câu “like”, hay chuyện xã hội đắm chìm trong các chương trình truyền hình thực
tế, nhưng Đặng Hoàng Giang có khả năng phân tích các hiện tượng như thế rành mạch,
dí dỏm, và đáng quý hơn, gợi ý những ứng xử phù hợp hơn. Các bài viết của anh
do đó mang một phong vị tích cực. Cuốn sách chủ yếu bàn tới các vấn đề thời sự,
nhưng giá trị của nó nằm ở hơn một lần đọc.
Cuộc
đời yêu dấu (Alice Munro, Nguyễn Đức Tùng dịch, NXB
Trẻ)
Sau Trốn chạy,
Alice Munro đến với độc giả Việt Nam qua tập truyện ngắn mới nhất và cuối cùng
(bà đã tuyên bố ngừng viết), Cuộc đời yêu
dấu. Vẫn là một Munro ta từng biết: văn phong giản dị, những con người bình
thường và những sự vật bình thường. Vẫn luôn có rất ít chuyện xảy ra trong truyện
của Munro. Các biến cố, nếu có, đều được kể thoáng qua, khiến người đọc lơ đãng
có thể mất dấu những chi tiết quan trọng. Munro có biệt tài xử lý thời gian.
Truyện của bà thường diễn ra trong một thời gian rất dài, nhưng chỉ bằng một,
hai nhát bút, người đọc có thể bị đẩy đi vài chục năm về quá khứ hay tới tương
lai. Tương tự, trong cách xử lý nhân vật, ngòi bút bà di chuyển linh hoạt, đưa
nhân vật từ hậu cảnh ra trung tâm và ngược lại một cách mượt mà, không cần gắng
sức. Đi cùng kỹ thuật viết cao cường, là khả năng khai thác những chiều sâu
thăm thẳm, phức tạp của con người. Đặc biệt, Munro cực kỳ thấu hiểu tâm lý phụ
nữ, do đó, mô tả chính xác đến rùng mình những trạng thái tâm lý mâu thuẫn của
các nhân vật nữ của mình. Những nhận xét trên đây thực ra có thể áp dụng cho bất
cứ truyện nào của Munro, nên cũng có thể nói bất cứ tập truyện nào của Munro in
ở Việt Nam cũng có thể lọt vào danh sách này.
Đỉnh
cao đế quốc và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp
(Eric T.Jennings, Bùi Thanh Châu & Phạm Viêm Phương dịch, Trần Đức Tài hiệu
đính, NXB Hồng Đức)
Đây là cuốn khảo cứu do Ban tu thư của Đại học Hoa
Sen giới thiệu và tổ chức ấn hành. Tác giả, Eric T.Jennings, là giáo sư sử học
chuyên ngành thực dân người Canada. Bằng phương pháp nghiên cứu của một giáo sư
đại học và nhờ vào nguồn tư liệu dày công thu thập từ nhiều quốc gia, ông đã
hoàn thành một công trình khảo cứu tỉ mỉ bậc nhất về Đà Lạt, địa điểm ban đầu
được chọn làm nơi nghỉ dưỡng cho người Pháp của Đông Dương, nhưng về sau đóng một
vai trò quan trọng hơn về quân sự và hành chính. Ngoài những thông tin quý giá,
cuốn sách còn mang đến những câu chuyện hấp dẫn không kém một cuốn tiểu thuyết
phiêu lưu, chẳng hạn cuộc chạy đua tìm địa điểm xây dựng trạm nghỉ dưỡng cho
người Pháp, chuyện nhà bác học Yersin đã phạm sai lầm thế nào khi đánh giá về
khí hậu Đà Lạt, hay những chuyện săn voi săn hổ thời đầu thế kỷ hai mươi.
Xa
xăm gõ cửa (Nguyễn Bình Phương, Nhã Nam & NXB Văn học)
Từ lâu, Nguyễn Bình Phương đã xác lập vị trí của một
nhà văn hàng đầu của văn học Việt Nam thời hiện tại. Nhưng anh còn là một nhà
thơ, một nhà thơ đích thực với các tập thơ ra đời tương đối đều đặn, và quan trọng
là có một giọng thơ “chất lừ”. Xa xăm gõ
cửa, là một tuyển thơ với những bài thơ chọn từ các tập thơ trước (hiện rất
khó tìm) cộng thêm một số bài mới, cho phép độc giả tha hồ thưởng thức thơ Nguyễn
Bình Phương. Thơ anh nhiều khi ma mị như tiểu thuyết của anh, nhất là những bài
thời kỳ đầu. Những lúc không ma mị, thơ anh mang nhiều chất tự vấn (có lẽ là lý
do của khá nhiều dấu chấm hỏi trong các bài thơ trong sách). Lúc nào đi nữa,
thơ anh vẫn toát ra một vẻ chân thành, ắt vì anh không quá quan tâm đến hình thức.
Xa xăm gõ cửa xứng đáng có mặt trên kệ
sách những người yêu thơ, bởi lẽ, trong ấy có rất nhiều …thơ, thứ không phải
lúc nào cũng có được khi ta đi mua thơ!
Ca
tụng bóng tối (Junichiro Tanizaki, Trịnh Thùy Dương dịch,
NXB Tổng hợp TPHCM)
Chiếm một vị trí trong danh sách này là cuốn tản văn
mỏng Ca tụng bóng tối của nhà văn Nhật
Bản Tanizaki. Lừng lẫy không kém Kawabata, nhưng ở Việt Nam, Tanizaki ít được
biết đến hơn. Trước đây, ông chỉ mới có hai tác phẩm được dịch ra tiếng Việt là
hai cuốn tiểu thuyết ngắn Chiếc chìa khóa
và Yêu trong bóng tối. Ca tụng bóng tối là tác phẩm Tanizaki viết về không chỉ nghệ thuật sử dụng bóng
tối trong kiến trúc và thiết kế Nhật Bản, mà hơn thế, về thẩm mỹ và văn hóa Nhật
Bản nói riêng, phương Đông nói chung trong cuộc đụng độ với thẩm mỹ và văn hóa
phương Tây. Trong cuộc đụng độ ấy, có những người cho rằng ánh sáng – phương
Tây mới là đại diện của cái đẹp, cái văn minh, thể hiện ở đèn điện chói lòa, đồ
sứ lấp lánh .v.v; còn Tanizaki thì trìu mến chỉ ra vẻ đẹp của bóng tối – phương
Đông như một cân bằng với ánh sáng: vẻ đẹp của bát xúp mi-xô sơn mài đen, sân
khấu kịch Nô, cách gia giảm ánh sáng trong các nhà hàng, khách sạn. Điều
Tanizaki mong muốn là “giữ lại bằng văn chương cái thế giới bóng tối mà chúng
ta đang đánh mất”. Với người đọc Việt Nam, cuốn sách này là một gợi ý thật đẹp
về cách giữ gìn những giá trị văn hóa và thẩm mỹ Việt, đặc biệt trong thời đại
rối loạn về chuẩn thẩm mỹ hiện nay, khi cái giả tạo, cái kệch cỡm, lai căng
đang lan tràn.
Là
người Nhật – Lịch sử, Thi ca và Kịch bản học quá trình hình thành chế độ toàn
trị
(A.N. Mesheriakov, Phạm Nguyên Trường dịch, NXB Tri thức)
Mesheriakov là nhà Nhật Bản học người Nga. Đây là cuốn
sách tiếp theo của cuốn Hoàng đế Minh Trị
và nước Nhật Bản của ngài (chưa được dịch ra tiếng Việt). Là người Nhật là nghiên cứu về những nét
đặc thù của sự hình thành chủ nghĩa toàn trị tại Nhật Bản trong nửa đầu thế kỷ
hai mươi, có phân tích những điểm khác biệt với chủ nghĩa toàn trị tại Đức và
Liên Xô cùng thời. Tác giả khiêm tốn tự nhận cuốn sách chỉ là những nghiên cứu
bước đầu, nhiều vấn đề cần đào sâu thêm. Tuy nhiên, độc giả phổ thông hoàn toàn
có thể thoả mãn với những phân tích sâu sắc của tác giả về chủ nghĩa toàn trị
Nhật Bản. Đó là một “hiện tượng nội sinh”, tức một thứ chủ nghĩa sinh ra bởi bản
chất văn hóa nội tại, tuy không đoạn tuyệt, không phá hoại quá khứ (như chủ
nghĩa toàn trị tại Đức và Liên Xô) nhưng không phải không gây ra những hậu quả
khủng khiếp đối với các dân tộc khác.
Kiên
ngạnh như thủy (Diêm Liên Khoa, Minh Thương dịch, NXB
Hội nhà văn và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây)
So với Mạc Ngôn hay Dư Hoa, Diêm Liên Khoa ít được bạn
đọc Việt Nam biết tới hơn, song ông cũng là một tên tuổi lớn của văn học Trung
Quốc đương đại. Ông từng đoạt các giải thưởng lớn của Trung Quốc như giải Lỗ Tấn,
Lão Xá và quốc tế như giải Văn học Kafka 2014. Kiên ngạnh như thủy là tác phẩm thứ ba của ông được dịch ra tiếng
Việt sau Vì nhân dân phục vụ và Phong nhã tụng. Lấy đề tài cách mạng văn
hóa như khá nhiều tiểu thuyết Trung Quốc khác, Kiên ngạnh như thủy tạo ra sự khác biệt nhờ cách kể chuyện từ góc độ
người trong cuộc. Người kể chuyện ở đây, nhân vật xưng tôi, là một “hồng vệ
binh” hăng hái triển khai cách mạng, chứ không phải nạn nhân của cách mạng văn
hoá, một góc kể đã quá phổ biến. Dĩ nhiên, không thể không nhắc tới màu sắc
tính dục đậm đặc trong tiểu thuyết, làm nền cho một chất hài hước đen hiếm có.
Diêm Liên Khoa là giọng lạ của văn học Trung Quốc đương đại. Bản dịch của Minh
Thương từng được trao giải văn học dịch của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2015.
Lan
Hữu
(Nhượng Tống, Tao Đàn & NXB Văn học)
Quy tắc nào cũng có thể có ngoại lệ. Chín cuốn trên
đây đều là những cuốn sách in lần đầu trong giai đoạn từ cuối 2014 đến hết
2015. Riêng Lan Hữu là sách tái bản.
Tuy nhiên, khoảng thời gian 75 năm sau khi in lần đầu và 65 năm sau lần tái bản
duy nhất, khiến sự trở lại của Lan Hữu
trong năm 2015 chẳng khác một cuốn sách hoàn toàn mới. Đọc Lan Hữu, người ta không khỏi ngạc nhiên cho số phận long đong của một
cuốn tiểu thuyết đẹp đẽ, vì sao có thể bị bỏ quên trong một thời gian dài như
thế. Lan Hữu là câu chuyện tình tay
ba thơ mộng tuổi thiếu niên, của một cậu trai mười sáu tuổi bàng hoàng nhận ra
mình đem lòng say mê cả hai cô gái Lan và Hữu. Chuyện tình ấy, như muôn vàn
chuyện tình thuở đầu đời khác, lẽ dĩ nhiên chẳng đi đến đâu, chỉ có nỗi mộng mơ
mà nó gieo vào lòng người đọc là mãi không tan. Để nói gọn về cuốn sách, chẳng
gì bằng nhắc lại lời của Beaudelaire mà Lưu Trọng Lư trích trong lời tựa lần xuất
bản đầu tiên: “Một giấc mộng nồng nàn dệt xe trên gối kẻ thiếu niên.”
No comments:
Post a Comment