Sunday 25 October 2009

Đọc Hội Thề của Nguyễn Quang Thân

Tôi vốn vẫn thích tiểu thuyết lịch sử nên mỗi khi nghe về một tiếu thuyết lịch sử nào đó là cố tìm cho được. Đọc tiếu thuyết lịch sử có cái thú là được đu theo trí tưởng tượng của nhà văn. Chính sử, nhất là chính sử nước ta thời phong kiến, rất vắn tắt. Mỗi sự kiện, nhân vật, có khi chỉ được một hai dòng. Tiểu thuyết lịch sử làm công việc điền vào chỗ trống kia, cho người đọc thấy những hình hài nhân vật (dĩ nhiên theo trí tưởng tượng của nhà văn), vẽ thêm nét vào bức phác thảo quá sơ sài của chính sử.
Tôi vừa mới đọc xong Hội Thề của Nguyễn Quang Thân. Hội Thề viết về những ngày cuối cùng của khởi nghĩa Lam Sơn, cuộc khởi nghĩa mà thành công của nó đặt nền móng cho một triều đại kéo dài hơn ba trăm năm và làm nguội đi cái tham vọng xâm chiếm nước Nam của các chính quyền Trung Hoa ngần ấy thời gian, mãi cho đến khi một hậu duệ của triều đại lẫy lừng đó là Lê Chiêu Thống dẫn đường cho đoàn quân Tôn Sĩ Nghị kéo sang. Tưởng cũng nên nhắc thời Lam Sơn có hai hội thề quan trọng: một là hội thề Lũng Nhai khởi đầu cho cuộc khởi nghĩa, và hai là hội thề Đông Quan kết thúc cuộc khởi nghĩa đó trong thắng lợi.
Tác phẩm của Nguyễn Quang Thân viết về hội thề sau - hội thề giữa các tướng lĩnh Lam Sơn và các tướng Minh do Vương Thông cầm đầu, theo đó Lê Lợi cấp lương thuyền cho quân Minh về nước, chấm dứt chiến tranh mà không đổ thêm máu của cả hai bên, mở ra một thời kỳ hòa bình bền vững. Chính xác hơn, cuốn sách không viết về bản thân hội thề Đông Quan (chỉ được tả trong độ ba, bốn trang sách), cũng không thật sự viết về loạt chiến thắng Tốt Động, Chúc Động, Chi Lăng, Cần Trạm, Lãnh Câu, Xương Giang của nghĩa quân Lam Sơn - tiền đề lịch sử của hội thề Đông Quan, mà viết về những mâu thuẫn của phe võ tướng gốc Lam Sơn (đại diện là Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân) và phe nho sĩ tướng lĩnh gốc Bắc Hà, tiêu biểu là Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn (Phạm Văn Xảo và Lưu Nhân Chú được nhắc đến, nhưng không xuất hiện trực tiếp) trong quá trình dẫn đến hội thề. Ở đó, Nguyễn Trãi xuất hiện với tư cách một trí thức thông tuệ, có tầm nhìn xa, và, dĩ nhiên, cô đơn, cho dù ông có tình yêu của Nguyễn Thị Lộ và sự cảm phục của Lê Lợi. Bi kịch cuối đời Nguyễn Trãi đã có mầm mống từ khi kháng chiến chống Minh chưa kết thúc và mang tính tất yếu. Những võ tướng Lam Sơn, dũng cảm trong chiến đấu, nhưng thô lậu, ít học và tham lam ghét cay ghét đắng Nguyễn Trãi và tư tưởng nhân đạo của ông - tư tưởng “lấy chí nhân để thay cường bạo” vì một nền thái bình vững bền cho dân tộc. Với tầm nhìn hạn hẹp của mình, họ không thể nào hiểu được nhân cách và trí tuệ của con người trí thức vĩ đại đó. Nguyễn Quang Thân đặt vào mồm Lê Sát, mà không ghi nhận bản quyền, câu nói của Mao: “Trí thức không bằng cục phân”. May thay, Lê Lợi không phải là Lê Sát, cho nên cái tài của Nguyễn Trãi được dùng.
Lê Lợi được mô tả từ nhiều góc cạnh: một nhà lãnh đạo tài ba biết lắng nghe những tiếng nói phản biện của trí thức, một nhà chính trị mưu mô và đa nghi đến tàn nhẫn (dùng cái chết của người vợ yêu để lấy lòng ba quân), một ông bố với những mơ ước về một gia đình bình thường như những ông bố khác (mơ ước được bò ra cõng con trên lưng) và một người đàn ông với những ham muốn rất con người: được thỏa mãn về tình dục.
Mối quan hệ giữa Lê Lợi và Nguyễn Trãi cũng cho thấy một điều: người lãnh đạo cần lắng nghe trí thức; tuy nhiên, trí thức thì không nên làm lãnh đạo. Người lãnh đạo có những phẩm chất khác hơn mà trí thức không có, chẳng hạn như tính quyết đoán, sự thông thạo các đòn phép chính trị, và trong chừng mực nào đó, sự nhẫn tâm.
Có thể còn nhiều điều khác để nói về tiểu thuyết Hội Thề của Nguyễn Quang Thân, và bản thân điều đó đã là điều đáng khích lệ: sợ nhất là đọc xong một cuốn sách mà chẳng biết nói gì về nó!
------------
Phỏng vấn Nguyễn Quang Thân về Hội Thề, do một người quen thực hiện:)



11 comments:

  1. Chắc bác đọc "Vạn Xuân rồi nhỉ! Đó cubfx là một cuốn tiểu thuyết lịch sử xuất sắc :)!

    ReplyDelete
  2. Tui đồng ý với câu này của bác: "tuy nhiên, trí thức thì không nên làm lãnh đạo".

    ReplyDelete
  3. Bác không để lại tên: Buồn cười là tôi chưa đọc chứ, mặc dù đã nhiều lần lật xem trong hiệu sách.

    Chữ "cũng" là wrong assumption đấy bác.

    ReplyDelete
  4. bác điểm sách chuyên nghiệp thật rồi:)

    ReplyDelete
  5. Sẽ đọc vì bác này điểm sách hay quá.
    Có một cuốn tương tợ, đọc rồi, đó là cuốn "Anh Hùng Áo Vải Lê Lợi", cuốn này không hay.
    Thanks bác

    ReplyDelete
  6. Đã từng đọc điểm sách này trên Tuổi trẻ.Trí thức vẫn có thể làm lãnh đạo được tuy ko phải mọi trí thức đều có thể làm chính trị được.

    ReplyDelete
  7. Gần đây trên sóng FM cũng đang đọc Hội thề ở mục kể truyện đêm khuya. Bác có ở Hà Nội không, chỉ chỗ em mua cuốn này với, em có tìm mà chưa thấy. Em cám ơn nhiều :)

    ReplyDelete
  8. Tôi mua cuốn này ở Nhà sách Hà Nội trong Sài Gòn!

    ReplyDelete
  9. Cuốn này hay. Em cũng mới đọc. Đúng là thấy từ cuốn truyện, trong tập hợp lực lượng kháng chiến ấy không ai thay được vai trò của Lê Lợi. Ông mới dùng được bọn dũng mãnh hùm cọp tướng võ và mưu lược của đám quan văn, kết hợp họ lại. Cái sáng kiến hội thề của Nguyễn Trãi cũng hay thật, sâu rễ bền gốc cho hòa bình Đại Việt.

    Trong truyện có chi tiết Vương Thông trả cô gái bị bắt về nhà buồn cười nhỉ, như cao bồi miền tây Huê Kỳ:D

    ReplyDelete
  10. toi cung tung nghe dai fm doc nhung toi hk co dieu kien de ngay nao cung dc nghe nen rat muon tim cuon nay doc.
    nhung khong biet mua o dau. nha toi o thai nguyen.

    ReplyDelete
  11. Bác xem thử vinabook.com có không thì mua trên ấy vậy

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN