Thursday 29 October 2009

Những giấc mơ

NHỮNG GIẤC MƠ

Raymond Carver

Vợ tôi thường kể lại những giấc mơ của nàng.

Tôi xuống dưới nhà lấy cà phê và nước trái cây cho nàng rồi ngồi lên chiếc ghế bên cạnh giường khi nàng thức dậy và vén tóc cho khỏi xòa lên mặt. Trông vẻ mặt nàng rõ là mới thức giấc, nhưng trong ánh mắt nàng lại có cái vẻ như người mới đi đâu về.

Tôi hỏi: “Thế nào? Em mơ thấy gì?”

“Thật điên rồ”, nàng nói. “Còn hơn cả một giấc mơ anh ạ. Em mơ thấy em là một thằng con trai đi câu cá cùng với em gái em và bạn nó, mà em say mèm. Hình dung xem. Thế có kỳ quái không? Lẽ ra em phải chở bọn nó đi câu cá, nhưng em không thể nào tìm thấy chìa khóa xe. Đến khi thấy rồi, thì xe không nổ máy. Đột nhiên, cả đám đã ở nơi câu cá trên một cái thuyền giữa hồ. Trời bắt đầu nổi giông, mà em không tài nào khởi động máy được. Hai đứa kia cứ nhìn em cười. Còn em thì sợ. Rồi em tỉnh dậy. Thế không lạ sao? Anh nghĩ gì về chuyện này? ”

“Em ghi lại đi”, tôi nhún vai. Tôi không biết nói gì. Tôi không nằm mơ. Đã nhiều năm rồi tôi chẳng mơ mộng gì.

Hoặc cũng có thể có nhưng tôi chẳng nhớ gì khi tỉnh dậy. Tôi không phải là chuyên gia về những giấc mơ dù của tôi hay của ai khác. Có lần Dotty kể ngay trước khi lấy tôi nàng nằm mơ thấy mình đang sủa. Tỉnh dậy nàng thấy con chó nhỏ Bingo của nàng đang ngồi bên cạnh giường nhìn nàng một cách lạ lùng. Nàng nhận ra rằng nàng sủa khi đang ngủ. Điều ấy có nghĩa là gì, nàng băn khoăn. “Đó là một giấc mơ tồi tệ”, nàng nói. Nàng ghi thêm một giấc mơ vào sổ, nhưng chỉ có thế. Nàng không giở lại. Nàng không giải nghĩa những giấc mơ. Nàng chỉ ghi lại và rồi khi nàng nằm mơ lần tiếp theo, nàng cũng ghi lại giấc mơ ấy.

Tôi nói: “Anh đi lên nhà đây. Anh cần đi tắm”.

“Em sẽ lên theo ngay. Nhưng truớc hết em phải tỉnh táo đã. Em muốn ngẫm giấc mơ này thêm một chút.”

Gần như cả tháng qua chúng tôi ngủ ở tầng hầm. Lúc đó là tháng tám, đang đợt nóng. Chúng tôi vác nệm xuống đây – cả gối, ga giường, mọi thứ. Chúng tôi có một cái bàn nhỏ, một cái đèn, một gạt tàn thuốc. Chúng tôi cười vang. Cũng tạm ổn. Cứ như là mới lấy nhau. Tôi lên nhà, Dotty ngồi trên giường, cầm cốc của nàng nhưng không uống. Nàng ngồi nghĩ tiếp về giấc mơ.

Tôi vào buồng tắm sau đó lấy cà phê rồi ngồi ra bàn. Nóng, nóng thật. Cái nóng giết người. Các cửa sổ đều mở. Các cửa sổ nhà bên cạnh cũng đang mở. Tôi ngồi ở bàn nhà bếp uống cà phê, nghe tiếng Mary Rice nhà bên cạnh. Còn sớm, nhưng chị đã dậy và mặc áo ngủ đứng trong bếp. Chị hát khe khẽ, còn tôi ngồi đó nghe và uống cà phê. Rồi bọn trẻ ùa vào nhà bếp. Chị nói với chúng thế này:

“Chào các con. Chào các con yêu của mẹ.”

Thật đấy. Người mẹ nói với các con mình như thế. Chúng ngồi vào bàn, cười đùa về một cái gì đấy, và một đứa vừa cười vừa đập ghế thình thình.

“Michael, đủ rồi’, Mary Rice nói. “Ăn cho xong bữa sáng đi con”.

Một lúc sau, Mary Rice lùa bọn trẻ ra khỏi phòng để thay quần áo chuẩn bị đi học. Chị lại hát khe khẽ khi lau bát đĩa. Tôi lắng nghe, và khi lắng nghe tôi nghĩ tôi là người giàu có. Tôi có một cô vợ đêm nào cũng nằm mơ thấy một cái gì đó, nàng nằm bên tôi đến lúc ngủ thiếp đi và rồi đêm nào cũng đi đâu xa lắc vào cõi mơ trù phú. Đôi khi nàng mơ thấy ngựa, thời tiết và người, đôi khi thậm chí nàng mơ thấy mình thay đổi giới tính. Tôi không cảm thấy thiếu những giấc mơ. Tôi có thể nghĩ về những giấc mơ của vợ tôi nếu như tôi muốn có một cuộc đời mơ mộng. Và tôi còn có chị hàng xóm hát hoặc ngâm nga gì đấy suốt ngày. Nói chung, tôi cảm thấy tôi khá may mắn.

Tôi đến bên cửa sổ nhìn bọn trẻ nhà bên ra khỏi nhà đi học. Tôi thấy Mary Rice hôn từng đứa và nghe chị chào tạm biệt chúng.

“Tạm biệt các con”, chị nói với chúng. Rồi chị chốt cửa, đứng trông theo bọn trẻ đi về phía cuối đường, một lúc sau mới quay vào trong.

Tôi biết những thói quen của chị. Bây giờ chị sẽ ngủ vài tiếng – chị đã không ngủ khi từ chỗ làm đêm về nhà, vào khoảng năm giờ hơn. Cô trông trẻ - Rose Mary Bandel, một cô bé hàng xóm – sẽ đợi chị và sẽ ra khỏi nhà và băng qua đường về nhà mình. Và rồi đèn sẽ được bật cho đến sáng. Đôi khi, nếu cửa sổ nhà Mary Rice để mở như bây giờ, tôi sẽ nghe tiếng nhạc dương cầm cổ điển, có lần thậm chí tôi còn nghe cả tiếng Alexander Scourby đọc Great Expectations.

Đôi khi, nếu không ngủ được – trong khi vợ nằm bên cạnh ngủ và trôi dạt vào những giấc mơ – tôi trèo ra khỏi giường và lên gác, ngồi ở bàn và lắng nghe nhạc hoặc băng đọc truyện của chị, và chờ đến khi chị đi ngang sau tấm màn hoặc đến khi tôi thấy bóng chị sau mành cửa sổ. Thỉnh thoảng chuông điện thoại bất chợt reo vào lúc sớm tinh mơ, nhưng chị luôn luôn nhấc máy sau hồi chuông thứ ba.

Tôi biết được tên của bọn trẻ là Michael và Susan. Trong mắt tôi chúng không có gì khác những đứa trẻ hàng xóm khác, trừ một điều là khi nhìn chúng tôi nghĩ chúng là những đứa trẻ may mắn vì chúng có một bà mẹ hát cho chúng nghe. Chúng không cần có cha. Một lần chúng gõ cửa nhà tôi bán xà phòng tắm, lần khác đến bán hạt giống. Chúng tôi không có vườn, dĩ nhiên không – làm gì có cây cối nào mọc nổi nơi chúng tôi ở - nhưng tôi vẫn mua một ít, khỉ thật. Và vào dịp lễ Halloween chúng gõ cửa nhà tôi, luôn đi cùng với cô trông trẻ - mẹ chúng bận đi làm, dĩ nhiên – và tôi cho chúng vài thanh kẹo và gật đầu chào Rosemary Bandel.

Vợ chồng tôi sống ở vùng này lâu hơn bất kỳ ai. Chúng tôi chứng kiến hầu hết mọi nguời đến rồi đi. Vợ chồng con cái nhà Mary Rice dọn đến cách đây ba năm. Chồng chị làm thợ đường dây cho một công ty điện thoại, và anh thường ra khỏi nhà lúc bảy giờ sáng và về nhà lúc năm giờ chiều. Rồi một hôm anh không về nhà lúc năm giờ. Anh về nhà sau đó, hoặc chẳng về nữa. Vợ tôi cũng để ý thấy vậy.

Nàng bảo: “Ba ngày rồi em không thấy anh ta về nhà”

Tôi bảo: “Anh cũng không thấy”. Một sáng nọ tôi nghe nhà bên đấy to tiếng, rồi một hay cả hai đứa trẻ cùng khóc.

Ngoài chợ, vợ tôi nghe bà hàng xóm phía bên kia nhà Mary Rice kể rằng vợ chồng Mary đã chia tay. Bà này nói: “Nó bỏ vợ con đi rồi. Cái thằng khốn đấy!”

Rồi không lâu sau, cần phải kiếm tiền vì chồng đã bỏ việc và dọn đi, Mary Rice đi làm trong một nhà hàng phục vụ cocktails, và rồi bắt đầu thức suốt đêm nghe nhạc và băng đọc truyện. Và đôi khi hát và đôi khi ngâm nga. Cũng bà hàng xóm kia bảo Mary đã ghi danh hai lớp học hàm thụ ở trường đại học. Bà bảo Mary đang khởi dựng một cuộc đời mới, và cuộc đời mới này bao gồm hai đứa con của chị.

Khi mùa đông gần đến tôi quyết định lắp cửa chống bão lên. Lúc tôi đang loay hoay ở trên thang, bọn trẻ hàng xóm, Michael và Susan, cùng với con chó phóng ra khỏi nhà làm cho cái cửa sập đánh rầm sau lưng chúng. Chúng mặc áo khoác chạy xuống vỉa hè, đá tung những đống lá.

Mary Rice ra cửa để trông chừng chúng. Rồi chị nhìn qua phía tôi.

“Chào anh”, chị nói. “Có vẻ nhà anh đã chuẩn bị cho mùa đông rồi”

“Vâng”, tôi nói. “Cũng sắp đến rồi còn gì.”

“Ừ, sắp đến thật”, chị nói. Rồi chị ngừng một chút, như thể định nói thêm điều gì. Rồi chị nói, “Rất vui khi nói chuyện với anh.”

“Tôi cũng vậy”, tôi trả lời.

Lúc đó gần đến Lễ Tạ ơn. Vợ chồng tôi đã dời trở lại phòng ngủ từ giữa tháng chín, khi trời dịu đi. Một sáng tôi lên gác mang cà phê và nuớc trái cây vào phòng ngủ cho vợ, tôi thấy nàng đã ngồi dậy, sẵn sàng kể lại giấc mơ của nàng. Nàng vỗ vỗ vào thành giường, và tôi ngồi xuống.

“Chuyện này đáng để ghi vào sổ đây”, nàng nói. “Nếu anh muốn nghe một chuyện gì đó thì hãy lắng nghe em kể.”

“Kể đi”, tôi bảo. Tôi nhấp một ngụm cà phê trong cốc của nàng rồi đưa cho nàng. Nàng ấp hai bàn tay quanh cốc như thể tay nàng đang lạnh.

“Em thấy mình đang ở trên một cái tàu”, nàng nói.

“Mình chưa bao giờ đi tàu”, tôi nói.

“Em biết rồi, nhưng em thấy mình ở trên một cái tàu, một cái tàu lớn, em nghĩ là du thuyền. Mình đang nằm trên giường, một cái giường tầng hay đại loại như vậy, thì có nguời gõ cửa mang vào một khay bánh nướng. Họ vào, để khay bánh lại rồi đi ra. Em bước xuống giường để lấy một cái bánh. Em đang đói, anh biết đấy, nhưng mới chạm vào bánh thì nó làm em phỏng cả mấy đầu ngón tay. Rồi ngón chân em tự nhiên cong lại – thường khi sợ thì ngón chân cong lại đúng không? Sau đó em quay lại giường thì bắt đầu nghe tiếng nhạc. Nhạc của Scriabin, rồi có tiếng ai đó làm vỡ ly loảng xoảng, hàng trăm cái, có khi đến hàng ngàn cái ly, tất cả vỡ cùng một lúc. Em đánh thức anh dậy để kể lại, anh nói anh sẽ ra xem thử có gì. Khi anh đi rồi em nhớ em nhìn thấy trăng đi ngang bên ngoài, ngang qua khung cửa, rồi hình như con tàu rẽ, hay sao đấy. Rồi trăng lại đi ngang một lần nữa, thắp sáng cả căn phòng. Rồi anh quay lại, cũng vẫn mặc bộ pajamas, chui vào giường ngủ lại ngay mà không nói năng gì. Trăng vẫn sáng rực ngoài cửa sổ và mọi thứ trong phòng đều lóng lánh, nhưng anh vẫn chẳng nói gì. Em nhớ cảm thấy hơi sờ sợ vì anh chẳng nói gì, mấy ngón chân em lại bắt đầu cong lại. Thế rồi em ngủ mất - và bây giờ em ở đây. Anh nghĩ sao? Có phải đó là mơ không? Chúa ơi, anh nghĩ sao chứ? Anh chẳng mơ thấy gì cả, đúng không?” Nàng nhấp một ngụm cà phê rồi nhìn tôi.

Tôi lắc đầu. Tôi không biết phải nói gì, nên tôi chỉ nói rằng nàng nên ghi lại vào cuốn sổ của nàng. “Tốt hơn là em ghi lại đi.”

“Chúa ơi, em không biết nữa. Chúng ngày càng trở nên kỳ quặc. Anh nghĩ sao?”

“Em ghi vào sổ đi.”

Chẳng mấy chốc đã đến Giáng sinh. Chúng tôi mua một cây thông, dựng lên và vào sáng hôm Giáng sinh chúng tôi trao đổi quà. Dotty mua cho tôi một đôi găng mới, một quả địa cầu và phiếu đăng ký dài hạn tạp chí Smithsonian. Tôi tặng nàng một lọ nuớc hoa – mặt nàng ửng hồng khi mở gói quà – và một cái áo ngủ mới. Nàng ôm ghì lấy tôi. Rồi chúng tôi lái xe băng qua thị trấn ăn tối với mấy người bạn.

Trời lạnh hơn trong khoảng giữa Giáng sinh và đầu năm mới. Tuyết rơi, rồi tuyết lại rơi. Một hôm Michael và Susan ra ngoài trời khá lâu để đắp người tuyết. Chúng nhét một quả cà rốt vào miệng người tuyết. Ban đêm tôi có thể trông thấy ánh sáng ti vi hắt ra từ cửa sổ phòng ngủ của chúng. Đêm nào Mary Rice cũng đi đi về về, Rosemary đến trông bọn trẻ, và đêm nào đèn cũng sáng phía nhà bên đấy.

Đêm giao thừa chúng tôi lại lái xe băng qua thị trấn đến nhà bạn ăn tối, chơi bài, xem ti vi và đúng nửa đêm thì khui một chai sâm banh. Tôi bắt tay Harold và hút chung một điếu xì gà. Rồi Dotty và tôi lái xe về nhà.

Nhưng – và đây bắt đầu phần nặng nề của câu chuyện - khi chúng tôi về đến khu của mình, hai xe cảnh sát đã chắn ngang đường. Đèn trên mui xe quay không ngừng. Nhiều chiếc khác của những kẻ hiếu kỳ cũng dừng lại, và người ta đổ ra khỏi nhà. Hầu hết mọi người ăn bận chỉnh tề và có áo khoác ngoài, nhưng cũng có vài người mặc đồ ngủ và áo choàng hẳn là được trùm lên vội vàng. Hai chiếc xe cứu hỏa đỗ ven đường. Một chiếc ngay trước sân nhà chúng tôi, chiếc kia ngay lối vào nhà Mary Rice.

Tôi xưng tên mình với một viên cảnh sát và nói rằng chúng tôi sống ở đó, cái chỗ xe cứu hỏa đang đỗ. "Chúng đỗ ngay trước nhà mình!" Dotty thốt lên – còn viên cảnh sát bảo chúng tôi đỗ xe.

"Chuyện gì xảy ra vậy?", tôi hỏi.

"Tôi đoán là một trong mấy cái máy sưởi bắt lửa. Có người nói vậy. Mấy đứa trẻ còn trong nhà. Ba đứa, tính cả cô giữ trẻ. Cô bé thoát ra ngoài. Mấy đứa kia thì không, tôi nghĩ là không. Bị ngạt khói. "

Chúng tôi bắt đầu bước về phía nhà mình. Dotty đi sát tôi, nắm lấy cánh tay tôi. “Ôi lạy Chúa”, nàng thì thào.

Gần đến nhà Mary Rice, nhờ ánh sáng hắt lên từ mấy xe cứu hỏa, tôi thấy trên nóc nhà một người đang đứng, tay cầm vòi cứu hỏa. Nhưng bây giờ nước chỉ chảy nhỏ giọt. Cửa sổ phòng ngủ đã bị đập vỡ, và tôi thấy trong phòng một người đang di chuyển, cầm cái gì trông như cái rìu. Rồi một người bước ra phía cửa trước bế vật gì trên tay, tôi nhận ra đó là con chó của bọn trẻ. Và tôi chợt rùng mình.

Một xe truyền hình lưu động của một trong các đài địa phương đã có mặt, và có một người đang quay bằng máy quay đeo trên vai. Hàng xóm túm tụm xung quanh. Xe cứu hỏa vẫn đang nổ máy, thỉnh thoảng qua loa có tiếng người nói. Nhưng những người đứng xem không ai nói gì. Tôi nhìn họ, nhận ra Rosemary đang há hốc mồm đứng cạnh bố mẹ cô. Rồi họ, những người lính cứu hỏa, những anh chàng lừng lững đi bốt, đội mũ và mặc áo bảo hộ, những người trông như bất khả xâm phạm, như có thể sống cả trăm năm nữa, cáng bọn trẻ ra. Họ ra ngoài, mỗi đầu cáng một người, mang theo bọn trẻ.

“Ôi không”, những người đứng xem bật kêu. Và lại “Ôi không, không”, ai đó kêu lên.

Họ đặt cáng xuống nền tuyết gần chỗ xe cứu thương. Một người bận com-plê, đội mũ len bước tới – có lẽ ông là bác sĩ - nghe tim từng đứa trẻ bằng ống nghe rồi gật đầu ra hiệu cho các nhân viên cứu thương bước tới khênh cáng lên.

Đúng lúc đó một chiếc xe nhỏ trờ tới và Mary Rice nhảy ra khỏi xe. Chị chạy thẳng về phía những người đang định đặt cáng vào xe cứu thương.

“Đặt xuống!”, chị gào lên. “Đặt xuống!” Và các nhân viên cứu thương dừng lại, đặt cáng xuống rồi đứng lui ra. Mary Rice đứng cạnh các con và tru lên – đúng thế, không có từ nào diễn tả đúng hơn. Mọi người lùi lại, rồi lại nhích tới khi chị khuỵu xuống quỳ trên tuyết bên cạnh cáng, hai tay sờ mặt đứa này rồi tới mặt đứa kia.

Người đàn ông bận com-plê đeo ống nghe lúc nãy nghe nhịp tim bọn trẻ bước tới và quỳ bên cạnh Mary Rice. Một người khác – chắc là trưởng hay phó đội cứu hỏa, một trong hai người đó – ra hiệu cho các nhân viên cứu thương và rồi bước tới chỗ Mary Rice đỡ chị đứng dậy và choàng tay qua vai chị. Người bận com-plê cũng đứng cạnh nhưng không chạm vào chị. Cậu bé lái xe đưa chị về nhà bây giờ mới bước lại gần xem chuyện gì đang xảy ra, nhưng cậu ta chỉ là một đứa trẻ trông có vẻ sợ sệt, chắc là phục vụ bàn hay rửa bát gì đấy ở chỗ làm của chị. Cậu không có quyền có mặt ở đó để chứng kiễn nỗi đau của Mary Rice và cậu biết điều đó. Cậu đứng tách xa khỏi mọi người, dõi mắt nhìn theo những cái cáng khi người ta đặt chúng vào khoang xe cứu thương

“Không!”, Mary Rice gào lên và lao về phía khoang xe khi người ta đặt cáng vào xe.

Tôi bước lại chỗ chị - mọi người không ai nhúc nhích - nắm lấy cánh tay chị bảo “Mary, Mary Rice”.

Chị quay ngoắt lại nhìn tôi, nói: “Tôi không biết anh, anh muốn gì?”. Chị rụt tay lại rồi giáng vào mặt tôi một cái tát. Rồi chị trèo lên xe cùng với các nhân viên cứu thương, và chiếc xe cứu thương ngoặt ra phố, lướt đi, còi hụ ầm ĩ, mọi người dạt ra tránh đường cho nó.

Đêm đó tôi ngủ không yên. Dotty ú ớ trong giấc mơ và cứ trở mình liên tục. Tôi biết chắc nàng đang nằm mơ. Tôi biết cả đêm nàng ở chốn nào đấy xa xôi. Sáng hôm sau, tôi không hỏi nàng mơ thấy gì, mà nàng cũng không tự nguyện kể. Nhưng khi tôi mang cà phê và nước trái cây vào cho nàng, nàng đã có quyển sổ và cây bút trên đùi. Nàng gài cây bút vào cuốn sổ và nhìn tôi.

“Nhà bên kia thế nào rồi?”, nàng hỏi.

“Không thấy gì”, tôi nói. “Nhà tối om. Vết bánh xe đầy trên tuyết. Cửa sổ phòng bọn trẻ vỡ toang. Thế thôi. Không có gì khác. Nếu không có cái cửa sổ đó, chẳng ai biết đã có một vụ cháy. Chẳng ai biết hai đứa trẻ đã chết.”

“Tội nghiệp chị ấy,” Dotty nói. “Chúa ơi, chị ấy thật bất hạnh. Chúa phù hộ chị. Và cả cho mình.”

Cả sáng hôm đó những người chạy xe ngang nhà chị đều đi chậm lại để ngó vào nhà. Cũng có người đến trước cửa nhà, nhòm vào cửa sổ, nhìn xem tuyết đã bị xới tung lên như thế nào phía trước nhà, rồi đi tiếp.

Gần trưa tôi ngó ra cửa sổ thấy một chiếc xe tải nhỏ đỗ xịch lại. Mary Rice và chồng cũ của chị, cha của bọn trẻ, bước ra và đi vào nhà. Họ bước chậm, và anh ta đỡ cánh tay chị khi bước lên bậc thang. Cánh cổng vẫn mở từ tối qua. Chị bước vào trong. Rồi anh ta vào theo. Tôi thấy đèn phòng khách bật sáng

Đêm hôm đó trên bản tin địa phương chúng tôi xem mọi chuyện diễn ra một lần nữa. "Em không thể xem được," Dotty nói, nhưng rồi nàng vẫn xem, cùng với tôi. Truyền hình chiếu cảnh nhà Mary Rice và một người đàn ông trên mái nhà cầm vòi xịt nước qua khung cửa vỡ. Rồi bọn trẻ được mang ra ngoài, và chúng tôi lại xem cảnh Mary Rice khuỵu xuống. Rồi lúc mấy cái cáng được đưa vào xe cứu thương, Mary Rice ngoảnh đầu quát ai đó, “Anh muốn gì?’.

Giữa trưa ngày hôm sau, chiếc xe tải nhỏ lại đỗ trước nhà Mary Rice. Xe vừa đỗ, ngay trước cả khi anh ta tắt máy, Mary Rice đã bước xuống cầu thang. Anh ta bước ra ngoài, nói “Chào Mary”, rồi mở cửa xe cho chị. Họ đi đến đám tang.

Sau đám tang, anh ta ở lại bốn đêm, rồi sáng hôm cuối cùng khi tôi thức dậy, sớm như thường lệ, chiếc xe tải nhỏ đã không còn ở đó và tôi biết rằng anh ta đã đi trong đêm.

Sáng hôm đó Dotty kể lại giấc mơ tối qua. Nàng thấy mình ở trong một ngôi nhà ở vùng quê và một con ngựa trắng chạy đến nhìn nàng qua cửa sổ. Rồi nàng thức dậy.

“Em muốn làm một cái gì đó để bày tỏ tấm lòng chúng mình”, Dotty nói. Tôi biết nàng đang nghĩ về Mary Rice. “Có lẽ em muốn mời chị ấy đến ăn tối.”

Nhưng nhiều ngày trôi qua mà cả Dotty và tôi chẳng ai đả động gì đến chuyện mời chị sang ăn cơm. Mary Rice đi làm trở lại, chỉ có điều bây giờ chị đi làm ban ngày, trong một văn phòng, và tôi thấy chị ra khỏi nhà vào buổi sáng và về nhà khoảng sau 5 giờ chiều. Đèn sẽ tắt khoảng 10 giờ tối. Tấm mành phòng bọn trẻ luôn được kéo xuống, và mặc dù không biết chắc, tôi cho rằng cửa phòng luôn được đóng chặt.

Một ngày thứ bảy khoảng gần cuối tháng 3, tôi ra bên ngoài nhà tháo những cánh cửa chống bão xuống. Tôi nghe tiếng động và trông thấy Mary Rice đang loay hoay đào xới mảnh đất sau nhà. Chị mặc quần ở nhà, áo len, mũ rộng vành. “Chào chị”, tôi lên tiếng.

“Chào anh”, chị đáp. “Như thế này kể cũng hơi sớm, nhưng tôi rỗi và không biết làm gì, vả lại trên vỏ hộp cũng nói phải gieo vào mùa này trong năm.” Chị lấy trong túi ra một hộp hạt giống. “Năm ngoái mấy đứa trẻ nhà tôi đi lòng vòng trong xóm bán hạt giống. Tôi bắt gặp mấy cái hộp này lúc lau chùi mấy cái ngăn kéo.” Tôi không nhắc đến mấy hộp hạt giống trong ngăn tủ bếp nhà tôi.

“Vợ chồng tôi mấy lần định mời chị sang nhà ăn tối”, tôi nói. “Hôm nào chị sang được không. Nếu được, tối nay chị sang luôn nhé.”

“Chắc là được. Vâng. Nhưng tôi còn chưa biết cả tên vợ chồng anh.”

Tôi nói tên vào bảo: “Sáu giờ được không chị?”

“Mấy giờ? À, sáu giờ cũng được.” Chị nắm lấy cán xẻng và ấn xuống.

Tôi quay vào nhà bảo với Dotty về bữa ăn tối. Tôi lấy mấy cái đĩa xuống và bộ đồ ăn bằng bạc ra. Khi tôi nhìn ra ngoài, Mary Rice đã từ vườn quay vào nhà.

Goldmund dịch từ nguyên bản tiếng Anh Dreams.

5 comments:

  1. Truyện này hay lắm.
    Cách viết giống như một cuốn phim, nhiều tình tiết đắt giá.
    Thanks bác

    ReplyDelete
  2. Cám ơn Anh!
    Xúc động quá !

    ReplyDelete
  3. Em lại xin phép anh cho share cái link!
    Cám ơn anh ạ!

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN