Monday 17 August 2009

Không ngủ được bốn đêm rồi

Em ơi
anh không ngủ được
bốn đêm rồi!

(Trần Dần)

Trong một entry gần đây, bác 5xu có bảo tôi đừng phàn nàn về tiếng Việt mới nữa, kẻo không lại trở thành người có định kiến với tiếng Việt, một thứ "sinh ngữ còn non trẻ”, theo lời bác ấy. Bác bảo thế làm tôi mất ngủ bốn đêm liền, hệt như Trần Dần:), cũng là người mà bác 5xu tôn vinh là một trong những người sáng tạo tiếng Việt thần kỳ nhất. Tất nhiên Trần Dần mất ngủ vì lý do khác.

Biết nói thế nào nhỉ, phàn nàn thì tôi vẫn phàn nàn thôi, phàn nàn cho vui ấy mà. Còn bảo tôi định kiến với tiếng Việt thì có phần oan ức, nếu không nói rất chi oan ức. Tôi không có định kiến với tiếng Việt; tôi chỉ “định kiến” với những người lẽ ra phải sử dụng tiếng Việt chuẩn mực mà không làm được như thế thôi. Mà nếu nói “đinh kiến”, thì chính những nhà ngôn ngữ học mới là và nên là những người “định kiến” nhất. Họ có đủ kiến thức và thẩm quyền để làm việc đó. Còn công việc kiếm cơm của tôi không dính dáng tới việc ngồi săm soi ai nói viết đúng sai thế nào.

Lúc bé, tôi có đọc được trong tủ sách của ba tôi một cuốn tên là Thuật viết văn của Nguyễn Văn Hầu, một tác giả miền Nam trước 75. Hình như gần đây cuốn này đã được Nhà xuất bản Trẻ tái bản. Cuốn này, theo như tôi nhớ, chỉ ra một số lỗi cơ bản trong cách hành văn, ví dụ tránh những trùng ngữ như ngày sinh nhật, cháu đích tôn, đề cập đến, hay cách tránh diễn tả ý bị động bằng từ bởi, cũng như tránh những lỗi thường thức như hoa phượng vỹ (chỉ có hoa phượng, không có hoa nào là hoa phượng vỹ) v.v. Cuốn sách này đã giúp tôi thận trọng khi viết lách, bất kể viết thứ gì. Cũng nhờ đọc cuốn này mà tôi có thói quen “xét nét” văn người khác. Xét nét là để cho chính mình, chứ không phải vì tôi dư thời gian:)

Tôi nghĩ bên cạnh các nhà văn, nhà thơ, dịch giả - những người sử dụng ngôn ngữ làm chất liệu nghệ thuật, thì chính báo chí, đài truyền hình v.v. là những nơi có trách nhiệm sử dụng tiếng Việt chuẩn mực. Quần chúng nhân dân thì không nói làm gì, vì ai cũng biết trong mọi lĩnh vực quần chúng chỉ là bầy cừu, phải có chó sủa mới chạy đúng hướng. Nhưng báo chí, đài truyền hình trung ương mà cũng nói, viết tiếng Việt ú ớ thì còn biết nhờ cậy ai để “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Ngoài ra, chúng ta, những người có sử dụng internet, có viết hoặc đọc blog, những người đã trót sử dụng bàn phím nhiều hơn cây búa, cái liềm, cũng nên nhận một phần trách nhiệm đối với tiếng Việt.

Để kết thúc entry này, tôi đưa ra hai ví dụ về việc sử dụng tiếng Việt chưa chuẩn xác để trao đổi. Tôi nói trước tôi nhặt ra không phải vì tôi giỏi tiếng Việt hơn những người rất đáng kính trọng có tên dưới đây, mà chỉ là tôi thấy thì tôi nói, còn người viết có lẽ sơ ý trong trường hợp cụ thể đó. Vả lại, viết hàng trăm trang có sai đôi chỗ thì cũng là chuyện bình thường, nhưng không sai thì tốt hơn:)

Ví dụ 1:

Trong trang đầu tiên của cuốn Moon Palace mà tôi chưa có tiền để mua mà cũng chưa ai tặng, dịch giả CVD aka blogger Nhị Linh yêu quý như trái bí của chúng ta có viết một câu trong đó dùng từ “suýt nữa”. Vì chỉ đọc lướt qua trong hiệu sách nên tôi không nhớ nguyên văn là gì. Trong một bài viết lâu rồi, giáo sư Cao Xuân Hạo đã chỉ ra suýt nữa tôi ngã chẳng hạn là một cách viết không chuẩn, nó chỉ là sự nhầm lẫn giữa hai mẫu câu “tôi suýt ngã” và “thiếu chút nữa tôi ngã”. “Suýt” bản thân nó có nghĩa là gần, gần đạt được, gần tới, hay almost trong tiếng Anh. Do đó, cụm từ có nghĩa tương đương với suýt là “thiếu chút nữa”, chứ “suýt nữa” thì thừa từ .

Ví dụ 2:

Trong truyện ngắn đăng trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần tuần vừa rồi, nhà văn Đoàn Lê có viết một câu như thế này: Nhờ công chúa Huyền Trân, người ân nhân cao quý đã bí mật tác thành cho đôi ta, giúp em gặp chàng đêm ấy trong vườn cấm. Vì có đoạn người ân nhân cao quý chen giữa nên ta có cảm giác câu này ổn, nhưng thật ra câu này thừa một từ: hoặc từ nhờ, hoặc từ giúp. Đặt trong mạch văn, có lẽ bỏ từ giúp hợp lý hơn.

Hi hi, thôi thế là thôi là thế đó, hết entry này không bắt các bác đọc về tiếng Việt nữa đâu, trừ phi đổi ý:)


21 comments:

  1. em đồ rằng hai bác Gỗ Mun và 5 xu đang âm mưu tăng page view cho nhau, cứ link qua link lại làm em chóng mặt quá, :)
    nói khéo thế mà dịch giả CVD aka blogger Nhị Linh yêu quí như trái bí không mang sách tặng thì "suýt vô tình" lắm, :)

    ReplyDelete
  2. hí hí bác Chu Chỉ Mỵ, em cũng hiểu ý bác GM chứ, nhưng bây giờ có tặng sách bác ý thì lại mang tiếng hối lộ, thành thử phải để bác ý tự kiếm tiền mà mua thôi

    :)

    ReplyDelete
  3. Kéo người ta lên bằng mình mà làm gì, Nhị Linh? Sao không dũng cảm mà rằng: ừ, thích thế đấy, thích "suýt nữa" đấy, thì đã sao?
    Hơi bị buồn bạn Nhị Linh đấy.

    ReplyDelete
  4. Bác TQ: về đoạn cuối đời CXH có chỉ ra một loạt cách ghép từ mà ông xếp vào lỗi tautology/pleonasm, dịch là "trùng ngôn". Tuy chưa hiểu lắm tại sao CXH lại xếp như thế, vì một ví dụ là "chí ít" thì theo tôi là lỗi ghép yếu tố Hán và yếu tố Việt chứ không phải trùng ngôn, nhưng các ý kiến đó vẫn rất đáng học tập. Còn thì mình viết sai là bình thường, có kinh nghiệm về ngôn ngữ đến mấy thì vẫn lúc lỗi này lúc lỗi kia, giá kể tìm được bình luận của CXH về "suýt nữa" thì cũng hay chứ. Đọc những cái như vậy, kể cả không nhất trí hoàn toàn thì cũng có được một lần cảnh tỉnh. Vì rằng dù sao thì những cái như "đề cập đến" hay "tham gia vào" thì đúng là sai chứ cãi là đúng để làm gì.

    ReplyDelete
  5. Haha, ai bảo NL hôm trước dám chỉ ra lỗi của GM 

    Mà bác GM ơi, bác vừa mới bảo hôm trước rằng ngôn ngữ luôn vận động đó sao, miễn là bàn dân thiên hạ đều hiểu suýt nữa = suýt nữa là được rồi. Theo tui thì hàng năm chúng ta cần phải phát hành từ điển tiếng Việt mới, các bác cứ dùng cái cuốn từ ngày nảo ngày nào thì có lẽ không ổn. Các bác già không hiểu được ngôn ngữ của các bác trẻ là tại các bác già chứ không phải tại các bác trẻ bẻ cong ngôn ngữ tiếng Việt.

    Tui chỉ quan tâm mỗi đến cách dùng câu của người viết, không thừa từ và rõ ràng là ok.

    ReplyDelete
  6. Em tra Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ do cụ Hoàng Phê chủ biên, thì thấy mục từ "suýt nữa", được định nghĩa là: "Như suýt (nhưng làm phần phụ cho cả câu)". Ví dụ: "May quá, suýt nữa thì vỡ cốc"."Suýt nữa thì nhỡ tàu". "Suýt nữa họ không gặp nhau".
    Từ điển baamboo của bác Tân cũng có mục từ "suýt nữa", với nghĩa "như suýt", ví dụ "chỉ suýt nữa là xảy ra tai nạn".

    Em nhớ bác Nguyễn Huy Thiệp có viết về bác Trần Mạnh Hảo là "làm việc gì chúng tôi cũng tra từ điển", để mỉa, tất nhiên. Nhưng em cũng hay tra từ điển, vì biết mình dốt tiếng Việt.

    Em thấy một số từ Hán - Việt vẫn được dùng theo kiểu thừa chữ, nhưng vẫn ổn. Ví dụ, người ta thường nói/viết: "Một cái chết bất đắc kỳ tử". Hoặc nói "anh A chết bất đắc kỳ tử", chứ không mấy khi dùng "anh A bất đắc kỳ tử".

    Một số trường hợp khác như "phối hợp với/cùng", "liên doanh với", "liên quan đến", nếu truy ra thì phải bỏ các chữ với, cùng, đến. Chỉ cần viết "Golmund phối hợp Nhăng dịch sách 5xu" là được. Nếu bác Goldmund không muốn, không thèm phối hợp (với) Nhăng thì bảo: "Tôi không liên quan vụ này".

    Nhưng trên thực tế, có thêm các chữ với/cùng, đến/tới vẫn ổn, và được tuyệt đại đa số chấp nhận. Thậm chí trong một số trường hợp, nếu không có những chữ đó thì có cảm giác câu bị cụt, thiêu thiếu.

    Từ ngữ, theo em hiểu thì là do cách dùng của đại đa số mà thành, được chấp nhận rộng rãi như thế nào thì nghĩa của nó sẽ là như thế ấy. Cho nên có hiện tượng sai mãi thành đúng, như trường hợp chúng cư - chung cư bác nêu ở entry trước. Đúng là "không thể chống lại thế lực của những kẻ ngu, vì chúng rất đông", hi hi, nhưng chính "chúng" lại thiết lập những chuẩn mực mới trong cách dùng ngôn từ, và cũng chính vì thế mà nhiều từ mới được sinh ra cho chúng ta dùng, chẳng theo sự áp đặt của ông A bà B gì cả. Tất nhiên ở trong những văn bản có tính chính thức, trang trọng, thì chắc là cứ phải dùng theo chuẩn mực hiện tại thôi ạ.

    Nhăng

    ReplyDelete
  7. Ôi em yêu cái comment của anh Nhăng quá !

    Cảm ơn các anh vì đã cãi nhau một trận khá hoành tráng, dù anh nào cũng bảo "Ơ tôi có cãi gì đâu, đấy là vì thế này thế nọ nên tôi thế này thế nọ..". Nhưng vậy cũng hay, làm em thêm yêu tiếng Việt và nhận ra kiến thức của mình về lĩnh vực này còn quá hạn hẹp.

    Hì hì, trí thức đấu nhau ghê thật, đau hết cả đầu..

    -Land-

    ReplyDelete
  8. hoho, nhà của bác Gỗ Mun càng lúc càng vui, mình bắt đầu thích bác Nhăng roài, hehe, bắt đầu tìm hiểu chàng đây.hí hí

    ReplyDelete
  9. NL: Nếu mình nhớ không lầm, cái lỗi "suýt nữa" là do một bác biên tập viên NXB Văn học chỉ ra cho CXH. NL tìm xem trong tập Tiếng Việt, văn Việt, người Việt có bài đó không.

    Về "chí ít", hình như CXH không xếp là trùng ngôn (hay trùng ngữ, bác này còn phân biệt cả trùng ngôn và trùng ngữ nữa cơ), mà cho rằng "chí" dùng để diễn tả cái tuyệt đối (chí lý, chí tình, chí công vô tư)chú không diễn tả cái cận tuyệt đối. Do đó, theo CXH, không được nói là "chí ít" mà phải nói là "ít ra". Nhưng mình thấy bảo đấy là lỗi ghép Hán Việt cũng hợp lý.

    ReplyDelete
  10. Hôm qua post xong entry, tối ngủ rất ngon, mới 9 giờ đã khò khò nên chưa trả lời comment được. Bây giờ trả lời tiếp bác Nhang và Aristole cùng lúc đây:

    Vâng, thì em cũng bảo ngôn ngữ là tài sản của nhân dân, đi mãi cũng thành đường. Đến một lúc nào đó thì các nhà ngôn ngữ học cũng chịu thua và nhường bước trước chuẩn mực "của nhân dân". Nhưng cũng nên xét xem mục đích của việc sử dụng ngôn ngữ là gì. Nếu chỉ để giao tiếp, thì "hiểu" là thành công. Ví dụ mình nói tiếng Anh với Mỹ có sai bét nhè mà nó hiểu là tốt rồi. Còn ngôn ngữ của văn học, khoa học, sách giáo khoa, văn bản hành chính v.v. thì phải đi theo một chuẩn mực cao hơn, cố gắng càng chính xác càng tốt.

    ReplyDelete
  11. Từ điển tiếng Việt 2008 của nhóm Vietlex cũng ghi "suýt nữa" là "như 'suýt'", tức là có ghi nhận sự tồn tại của "suýt nữa", nhưng nếu kỹ tính thì sẽ thấy ở đây có dấu hiệu pleonasm.

    Ở đây lại tiếp tục triển khai thêm: giả dụ như có biết "suýt nữa" là một trường hợp pleonasm nhưng vẫn cố tình dùng thì đó là một cách sử dụng có dụng ý, hoặc hàm ý phản đối việc coi đó là lỗi, nhưng nếu không biết mà dùng thì rơi vào trường hợp "ignorance". Theo quan điểm luật của bác GM thì ignorance không phải tội phải không ạ, nhưng ở nhiều lĩnh vực khác chí ít à quên ít nhất hehe đó cũng là một lỗi.

    Bác btv NXB kia chắc lại là Hướng Minh rồi.

    ReplyDelete
  12. Đúng rồi, bác btv kia là Hướng Minh, sao mình chưa nghe nói tên bác này bao giờ, trừ trong bài của CXH.

    Luật cũng thế thôi, ignorance is no defence. Không biết vẫn có tội như thường.

    ReplyDelete
  13. Trong ví dụ thứ 2 của bác Goldmund còn thừa một chữ nữa nhỉ, là chữ "người" trong "người ân nhân" (lỗi trùng ngữ).

    Từ "chí",theo CXH, trong tiếng Hán cũng như trong tiếng Việt đều không có ý nghĩa "cực cấp tương đối"(thường được diễn đạt bằng "hơn cả", "nhất" hay "tối"). Nó chỉ có ý nghĩa "cực cấp tuyệt đối", thường được diễn đạt bằng "rất", "lắm", như trong "chí phải", "chí lý", "chí tôn", "chí hiếu", "chí minh"... Vì vậy, CXH cho rằng kết hợp "chí" với "ít" thì ra một từ tổ "vừa lai căng vừa sai trái". Nôm na là không thể nói "ít rất".

    Tuy nhiên, em cũng không hiểu sao những từ như "hơn cả", "nhất", hay "tối" lại được CXH xếp vào dạng "cực cấp tương đối" (superlatif relatif hay relative superlative) nhỉ? Còn "rất", "lắm" lại được coi là "cực cấp tuyệt đối" (superlatif absolu, hay absolute superlative). Em tưởng phải ngược lại mới đúng. Bác nào thạo giải thích giúp với ạ.

    ReplyDelete
  14. À, ở trên kia em nói đến "chuẩn mực mới" với ý là chuẩn mực đó được cả xã hội công nhận, chứ không không chỉ được dùng ở phạm vi vỉa hè của "nhân dân anh hùng" nữa ạ.

    Ví dụ từ "chung cư" giờ đã đàng hoàng đi vào hệ thống văn bản chính thức của Nhà nước, cũng như xuất hiện trong hầu hết từ điển tiếng Việt. Có nhiều từ trong tiếng Hán khi sang sinh sống ở Việt Nam phải thay đổi một chút như vậy, để thích ứng với thói quen xã hội ở VN, đến nỗi đôi khi chúng ta không biết từ gốc của nó là gì nữa. Ví dụ, từ "cầu an" chúng ta đang dùng trước kia nguyên là "cẩu an". Từ "tiếp thu" nếu truy ra thì phải là "tiếp thụ".

    Thậm chí có những từ sau khi du nhập VN thì thay đổi hẳn về nghĩa. Một ví dụ khá cũ và chắc nhiều người biết là từ "đểu cáng". Bây giờ ai cũng hiểu "đểu" nghĩa là xỏ xiên, lừa đảo gì gì đó. Nhưng thực ra ban đầu "đểu" chỉ là một công cụ gánh nước, còn cáng là cái cáng (gần giống cái kiệu). Quân "đểu cáng" chỉ chung những phu gánh gồng, khiêng cáng, không có sắc thái chì chiết, mỉa mai.
    Ví dụ này khác với các ví dụ trên, nhưng túm lại thì đúng là "đi mãi thành đường".

    Nhưng em cũng nhắc lại quan điểm của em là không vì có những chuyện như thế mà không tôn trọng chuẩn mực. Chừng nào những cách dùng sai còn chưa trở thành chuẩn mực mới, thì các văn bản mang tính trang trọng, chính thức vẫn phải theo chuẩn mực hiện tại.

    ReplyDelete
  15. Xin hoan nghênh những đóng góp nhiệt tình của đồng chí Nhang. Mặc dù còn những khác biệt, chúng ta về cơ bản đã đạt được sự nhất trí trong những quan điểm chính. Hội nghị đã thành công tốt đẹp, tôi xin tuyên bố bế mạc:)

    Sớm nay dậy xem Arsenal đá sơ loại, xong rồi không ngủ lại được nên trả lời comment cho bác luôn. Bác ở cái xó xỉnh nào mà cũng dậy sớm thế?

    ReplyDelete
  16. Em xin góp comment cho dzui:
    1. Dùng từ điển như thẩm quyển cuối cùng cho nghĩa, cách dùng 1 từ là không ổn. Đó là lỗi ngụy biện khi cãi nhau. Lý do thì đơn giản thôi, chắc gì người mần từ điển 'biết' hơn... người cãi nhau !
    2. Quan điểm của 1 tác giả nổi tiếng ' ngôn ngữ học đồng đại chỉ chấp nhận một quan điểm duy nhất : quan điểm của người bản ngữ' tỏ ra vô dụng trong các cuộc tranh cãi về quan điểm ngôn ngữ học đồng đại giữa... những người bản ngữ. Do đó, các cách nói 'chúng ta đến từ...' (VTV), 'suýt nữa ngã' , 'suýt ngã' đều không chết ai (zero killed, OK) vì 'người bản ngữ' đều hiểu bất chấp một số nghe chịu không thấu (ai nghe thấy kỳ, thấy khó chịu thì...ráng chịu; còn ai hổng thầy kỳ thì cứ vô tư).
    Bàn về tính 'đúng đắn' của hai cách nói 'suýt' và 'suýt nữa' hay nhiều trường hợp tương tự, Rem thấy có 2 phe có 2 quan điểm tương ứng như vầy:
    - Một phe vận dụng từ nguyên (từ Hán-Việt theo etymology, ) hay cách dùng tiếng Việt xưa cũ.
    Vd 1: theo cách nói 'xưa' thì y= him, thị= her, không làm gì có ' y thị', thế những bà con vẫn 'không chết ai' khi nghe 'y thị' (=her)
    Vd 2: các từ 'chung cư', 'khuyến mãi' (gần đây tui mới thấy người ta nói cho 'chuẩn' thành 'khuyến mại') nhưng nói thét rồi quen, 'người bản ngữ' vẫn hiểu tốt ('khuyến mãi' thì giảm giá là cái chắc).
    - Lập luận của phe thứ 2 nằm ở chổ đó, cách dụng ngữ thay vì từ nguyên, chiết tự như phe thứ 1. Ngay cả phe 'từ nguyên' tỏ ra thắng thế thì phe thứ 2 vẫn không phục, họ còn thêm rằng 'ngôn ngữ luôn luôn vận động, biến đổi, sống động', 'đi mãi thành đường', cho nên phải chấp nhận những cách dùng mới và 'sáng tạo'.

    Kết quả là ngôn ngữ bị biến dạng và bóp méo. Dẫu thế, cũng 'không chết ai' vì tiếng nào cũng bị méo chớ đâu phải chỉ tiếng xứ mình. Ai mất ngủ thì cứ tự nhiên mất ngủ, ai không mất ngủ thì cứ vô tư...ngủ tiếp.

    ReplyDelete
  17. Tuy (chỗ này không xài "dù" được) hội nghị đã bế mạc nhưng đồng chí Rem vẫn nhiệt tình phát biểu. Hội nghị ghi nhận đóng góp của đồng chí Rem nhưng do đã hết bao thơ nên thôi bữa nào mời đồng chí Rem ăn cà rem ha.

    ReplyDelete
  18. "Vì có đoạn người ân nhân cao quý chen giữa nên ta có cảm giác câu này ổn"

    "người ân nhân" cũng không ổn :)

    (Hội nghị đã kết thúc, bạn Lilia mải đi chơi về muộn nên bây giờ mới mò được vào đây:))

    ReplyDelete
  19. Hội nghị ghi nhận đóng góp của đồng chí Lilia, lần sau đồng chí nên đến sớm một tí đế còn sắp xếp lại bàn ghế. Tuy nhiên, đồng chí Lilia không được ăn cà rem vì phát biểu mà không nhòm trước ngó sau lưng đồng chí Nhăng.

    ReplyDelete
  20. em xin lỗi hội nghị dưng mà làm sao tránh diễn tả ý bị động bằng từ bởi hở bác chủ tịch đoàn?

    ReplyDelete
  21. và tại sao cần phải tránh việc diễn tả ý bị động bằng từ bởi nữa(?), em xin lỗi đắp bờ.

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN