Thursday 11 June 2009

The Professor (tiếp theo và hết)

Đoạn trước

Cho dù hết sức mê Mũi Né, bảo rằng nếu có thời gian sẽ ở Mũi Né cả tuần, giáo sư vẫn muốn quay lại Sài Gòn để đi thăm địa đạo Củ Chi. Giáo sư chỉ có ba ngày ở Việt Nam. Giáo sư rất muốn nhìn thấy hệ thống địa đạo lừng danh, muốn hiểu vì sao Mỹ đã thua ở Việt Nam. Giáo sư nói, chỉ có mỗi Việt Nam mày là thắng được Mỹ thôi. Đúng là như thế thật, tôi bảo, nhưng cái giá chúng tao phải trả rất đắt, mày có biết hơn ba triệu người Việt đã ngã xuống trong hai mươi năm chiến tranh không? Mỹ thua trận nhưng chỉ có 58.000 người chết, người Mỹ sang đây nhặt từng bộ xương mang về, còn chúng tao, chúng tao có cả một đất nước tan hoang, có những vết thương không bao giờ hàn gắn, và đến bây giờ, vẫn còn những hận thù không nguôi. Giáo sư bảo đó là một cuộc chiến không cần thiết. Có cuộc chiến nào là cần thiết không hả giáo sư của tôi? Nhân dân có bao giờ cần chiến tranh, chỉ có một số ít người “cần” nó…

Để tránh kẹt xe trong nội thành, tôi chở giáo sư theo đường Nguyễn Văn Linh ra quốc lộ 1A rồi ra đường Xuyên Á, tuy xa hơn tí nhưng không gặp thảm cảnh nhích từng mét một như hôm đi Mũi Né. Đường Xuyên Á khá tốt, nhưng tốc độ cho phép cũng chỉ có 50km/h.

Củ Chi, một vùng quê xanh mướt dần hiện ra trong mắt chúng tôi. Hứng nửa triệu tấn bom trong chiến tranh, Củ Chi đã từng là đất trắng. Tất cả cây cối nơi đây chỉ mọc lại từ sau chiến tranh kết thúc. Đi giữa rừng rậm, tôi hỏi giáo sư nếu mày là lính Mỹ mày có dám đến đây không? Giáo sư lắc đầu, lè lưỡi.
Giáo sư kinh ngạc thật sự khi biết rằng hệ thống địa đạo dài đến 250km, có chỗ sâu đến 10m, gồm 3 tầng, tầng trên cùng để sinh hoạt và chiến đấu, tầng thứ hai dự trữ lương thực và vũ khí, tầng thứ 3 sâu nhất đế tránh bom. Ở tầng dưới cùng, đường hầm có những đoạn eo để lính Mỹ có vào đến đó cũng không thể chui qua được. Nhưng tôi nghĩ, chắc là khó có lính Mỹ có thể vào đến đây mà còn sống sót. Cái nắp hầm trên mặt đất, nếu phát hiện ra cũng khó có thể chui vào, chưa kể nhấc nắp hầm lên sẽ có nguy cơ trúng mìn mà người du kích cuối cùng vào hầm đã cài lại. Còn qua khỏi cửa hầm, nếu không dính đạn cũng rơi vào hầm chông. “Cái hầm chông là điều nhân đạo nhất” (Chế Lan Viên). Hãy thử hình dung một anh lính Mỹ to béo ngắc ngoải không sống mà chưa chết giữa hầm chông!

Sau khi tham quan một số đoạn tiêu biểu của hệ thống địa đạo như hầm chỉ huy, hầm cứu thương, hầm hội họp, bếp Hoàng Cầm .v.v., giáo sư, hẳn lúc đấy bụng đang diễn ra phản ứng phức tạp giữa tôm hùm và trái cây nhiệt đới, đột nhiên hỏi cậu hướng dẫn viên, ngày xưa du kích muốn đi toa-let thì đi đâu, làm bên trong này luôn hay ra ngoài. Tôi thấy giáo sư ngu chi lạ! Ra ngoài để mà ăn kẹo đồng à? Du kích Củ Chi anh hùng gan dạ mưu trí, không lẽ chết vì một lý do lãng xẹt. Cậu hướng dẫn viên, con trai một cựu du kích Củ Chi từng bị thương trong chiến tranh, kiên nhẫn giải thích rằng người ta sẽ đào một ngách nhỏ, sau đó đổ tro vào lấp lại. Tôi biết người ta có thể đào một cái ngách, hoặc một cái lỗ, nhưng không chắc người ta có đủ thời gian lấp lại hay không. Giáo sư sau khi đã được giải thích tường tận, thỏa mãn trèo ra ngoài đi kiếm restroom. Tôi ngồi ở canteen nhấm nháp một que kem Kinh Đô. Lúc sau, giáo sư đi ra, nhìn trước nhin sau rồi thì thào với tôi, chết rồi mày ơi, lúc nãy không để ý tao vào nhầm toa-lét nữ!

Ngoại trừ tai nạn nho nhỏ đó, giáo sư rất phấn khởi với chuyến tham quan. Giáo sư nói tao hết sức khâm phục dân tộc mày đã xây dựng được một hệ thống địa đạo tài tình như thế chỉ với một cây cuốc nhỏ. Bây giờ tao hiểu sao Mỹ phải thua ở Việt Nam. Chiến tranh ở nước mày thật sự là chiến tranh nhân dân.
Nghĩ ngợi một hồi, đột nhiên giáo sư hỏi, nhưng sao hồi đó bọn mày xây dựng được một hệ thống địa đạo vĩ đại như vậy, mà bây giờ bọn mày chưa xây dựng được một đường cao tốc tử tế? Giáo sư hỏi câu hỏi khó, tôi không trả lời được. Cũng như tôi đã không trả lời được câu hỏi tại sao có nhân viên một công ty dịch vụ xuất hiện ở của khẩu đề nghị làm giúp visa với giá 100 đô, mà nếu không chịu làm giáo sư chỉ có nước lên máy bay về nước ngay tức khắc.

Buổi tối cuối cùng, giáo sư đến nhà chúng tôi ăn tối. Chúng tôi tặng giáo sư một khăn trải bàn thêu tay xem như là quà cưới cho giáo sư. Sáng hơm sau giáo sư bay đi Melbourne. Ổn định công việc ở Melbourne, giáo sư sẽ phải đón cô vợ mới cưới người Trung Quốc sang. Giáo sư nói bọn Úc thế mà lề mề, visa vợ chồng mà mất đến những ba tháng mới xong. Tuy nhiên tôi tin, cho dù mất ba tháng, giáo sư sẽ không bị bắt chẹt. Như đã từng bị bắt chẹt trên một sân bay lạ.

4 comments:

  1. Còn có vĩ thanh nữa chứ? :-)

    ReplyDelete
  2. duyên dáng ghê, rất chuẩn xác đời sống của giới trung lưu đi xe Civic và ăn kem King Đô, không những thế còn chơi con tôm hùm rõ đại tướng

    mình chỉ thở dài tiếc không phải là giáo sư và cầm hộ chiếu Tây để được leo lên Civic đi chơi rong ruổi học thêm được bao điều mới lạ

    vì khi mình ở đó Civic có chịu chạy từ khu chung cư trung lưu mới về Xì Ghềnh đâu

    racist quá đáng

    ReplyDelete
  3. Chứ không phải vì nhà phê bình nhớn quá bận rộn với các fan của mình à? Chị So đã mách cả rồi nhá.

    Nhà phê bình nhớn cũng không nên mặc cảm với công cụ lao động của bọn tư bản đang giãy chết. Bọn ấy sớm muộn cũng chết, vấn để chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Bây giờ đã có người đặt câu hỏi nước Mỹ đi về đâu mà.

    ReplyDelete
  4. :D học thêm được một chữ.

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN