Tuesday 29 January 2013

Sách xưa kỷ niệm (II)



Nếu sách là bạn, thì sách cũ ắt phải là bạn cũ, và niềm vui khi gặp lại những quyển sách thân quen của của một thời xa xôi nào đó chính là niềm vui "ngộ cố tri". Đây là chân dung vài người bạn cũ của tôi, mới gặp lại.

Phía núi bên kia, là cuốn sách tôi nhắc tới trong bài tạp bút về tiểu thuyết bốc mùi nhất mọi thời đại. Chuyện kể về mấy cậu bé lớn lên trong một làng quê rất nghèo, rồi trở thành văn công trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hồi nhỏ, tôi đọc cuốn này nhiều lần, không hẳn vì nó hay tuyệt vời, mà vì cả tủ sách của tôi hồi đó đều chung số phận. Nhưng đây là một trong vài cuốn tôi nhớ hơn cả, và mỗi khi nhớ về cuốn này, là tôi lại nhớ cái nhà cũ của ba má tôi, cái khung cửa sổ mục bên ngoài có bụi dong riềng hoa trắng muốt thơm hăng hắc mà tôi vẫn thường vắt vẻo ngồi trên đó tay cầm quyển sách trong khi dưới chân ngay trong sàn phòng khách là lúa mới gặt đập đang phơi và ngay trước hiên là một đống rơm còn ướt thi thoảng sâu và nhớt vẫn bò ra và ba má tôi những giáo viên chuyên nghiệp nông dân nửa mùa chân lấm tay bùn đôi khi lấm lem quá mức cần thiết chạy tới chạy lui hò hò hét hét không khí cả nhà trong những ngày thu hoạch lúa từ hai mảnh ruộng một lớn sau nhà một bé trước sân nhà vui như hội. Khi tôi lớn lên rồi đi xa nhà, tủ sách bị tản mát dần.  Sau một thời gian dò hỏi, tôi mới kiếm lại được cuốn này. (Thực ra tôi kiếm được hai bản in khác nhau, nhưng bản này chính là bản tôi từng có).

Cuốn Dành cho các em trai dưới 16 tuổi là cuốn cẩm nang cho các thiếu niên trai của Liên Xô chị tôi mua cho tôi. Đây là một cuốn sách rất hữu ích không chỉ cho tuổi thiếu niên mà cho sau này  tuy tôi làm theo chưa quá  được một phần mười những gì sách bày. Tôi nghĩ đây là một cuốn rất nên được tái bản nhưng chưa thấy được tái bản. Tôi mua lại cuốn này để làm kỷ niệm và để dành cho bạn Pi, người chắc chắn sẽ đam mê máy móc kỹ thuật hơn tôi.  Nói thế cho vui chứ bạn Pi lớn lên thì có khối thứ khác hay ho cho bạn, chẳng sờ đến một cuốn sách đen bụi bặm làm gì.

Cuốn thứ ba, Yết Kiêu, là một cuốn tiểu thuyết lịch sử. Tôi chưa bao giờ sở hữu cuốn này. Nó là một món quà của bác tôi ở Đà Nẵng gửi một người bạn ở Đơn Dương. Ngày ấy bác thường gửi sách cho nhà tôi và một số người bạn khác. Tôi đương nhiên có phần của mình, nhưng lại ham cả phần người khác nữa. Tôi mượn cuốn này về đọc và ao ước nó là của mình.  Đúng là tham lam vốn sẵn tính trời. Chú thích thêm, ao ước hồi nhỏ thôi, chứ bây giờ kiếm được rồi, thì chỉ để trên kệ , không dám đọc lại.

Gặp bạn cũ, trong vui vui lại có ngùi ngùi, mà chính ngùi ngùi nên mới vui.






7 comments:

  1. khi yêu tình chỉ là tình, khi xa mới ngộ thình lình là mê ;p

    ReplyDelete
  2. Tầm năm 2000-2001, em vào hàng sách cũ, gặp một cuốn "Dế mèn phiêu lưu ký" giống hệt cuốn mà em cho thằng bạn cùng lớp cấp 1 mượn rồi không đòi được (còn bị nó chửi và đánh). Em cầm lên xem thử thì thấy tên cái thằng nhợn đấy ghi lù lù ở trang 3. Em lúc đó đã có cuốn Dế khác đẹp hơn nhưng vẫn mua chính cuốn đó về, để cho (cái tên) thằng nhợn một phát chém ngang lưng, cũng là để bớt đi một nỗi tiếc nuối. Kết thúc coi như có hậu, vậy mà em vẫn không hết thù thằng kia.

    ReplyDelete
  3. ở nhà mình một thời cũng có cuốn dành cho tuổi 16 kia, nhưng nó đã bị ai đó đã mượn mất :(

    ReplyDelete
  4. tản máT nhé bác :)

    ReplyDelete
  5. Em có đọc cuốn Yết Kiêu một lần hồi nhỏ xíu, lúc đó đọc hầu như không hiểu gì, bây giờ nghĩ lại không nhớ mấy. Mấy cuốn sách như vậy chắc không được kêu là bạn cũ. Chắc kêu là là người quen cũ thôi.

    ReplyDelete
  6. em cũng đọc cuốn Yết kiêu mượn của thư viện :D

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN