Thursday 23 June 2011

Đọc lại Thạch Lam

Tôi đọc Thạch Lam lần đầu năm lớp sáu hay bảy gì đó.  Lúc ấy, Thạch Lam vừa được in lại tập Gió đầu mùa. Hình như Thạch Lam là nhà đầu tiên trong Tự Lực Văn Đoàn được in lại, có thể vì ông là nhà văn hiện thực, đằng nào thì cũng gần gũi hiện thực XHCN hơn, nên in lại cũng dễ hơn.  Cùng thời gian ấy, Thơ Mới hình như cũng bắt đầu được in lại với một số bài trong cuốn nho nhỏ Thơ Tình bạn - tình yêu của NXB Giáo dục và tập Bài thơ thôn Vỹ có lời tựa rất hay của Chế Lan Viên. Ấn tượng ngày ấy là những truyện nghèo khổ như truyện lũ con nhà mẹ Lê mót lúa trên đồng sau mùa gặt, truyện anh chàng gì đói mà sĩ, rồi tất nhiên quang cảnh đìu hiu phố huyện có hai chị em ngồi ngóng những chuyến tàu qua.

Mãi đến gần đây tôi mới đọc được những bài có thể gọi là tiểu luận phê bình của Thạch Lam, vốn là những bài về quan niệm văn chương của ông đăng rải rác trên các báo.  Tôi thấy Thạch Lam qua những bài này có ý thức về nghề rất mạnh mẽ, và nhiều quan điểm của ông vẫn còn tìm được sự đồng cảm từ ngày hôm nay. Chẳng hạn, khi phê những người sòn sòn viết thơ, truyện, ông viết: "Làm thợ, đi buôn còn phải khó nhọc, còn phải học nghề; tại làm sao viết văn lại không muốn học, không muốn cố? Những người đó cái gì cũng viết, chỗ nào cũng đăng, làm cho ta chán nản. Andre Gide thật nói phải khi đã nói: Nếu họ viết ít đi, ta sẽ thấy thích viết hơn."  Những bài viết về tiểu thuyết của Thạch Lam có nhiều quan sát, nhận xét thú vị, nhất là phân tích tại sao đọc tiểu thuyết ("Tiểu thuyết dạy ta biết sống, nghĩa là dạy ta biết sung sướng"; "Ây chính tiểu thuyết sẽ đem sự phong phú dồi dào đến cho tâm hồn chúng ta") hay đoạn này: " Và tôi tưởng quyển tiểu thuyết hay nhất - hay công dụng nhất - là quyển tiểu thuyết sẽ làm cho người ta yêu, ham muốn yêu, không phải yêu một người, nhưng yêu mọi người; không phải một vật, nhưng yêu mọi vật."

Trong cơn mê kiếm tiền của xã hội Việt Nam hiện đại, tiểu thuyết bị rẻ rúng.  Sách bán chạy nhất hẳn là các loại sách dạy làm giàu hay sách dạy kỹ năng. Cùng với sự rẻ rúng tiểu thuyết, là sự khô cằn, vô cảm của con người.  Cách đây ít ngày, tôi được nghe kể toàn bộ giáo viên trong một khoa của một trường đại học khá lớn không biết Nỗi buồn chiến tranh là sách gì, trong khi đây là một trong ít ỏi tiểu thuyết thực sự và quan trọng mà toàn bộ nền văn chương Việt Nam có thể sản sinh ra.

7 comments:

  1. Ba thắc mắc:

    1. Nhận xét cuối cùng về Nỗi buồn chiến tranh là của riêng tác giả, hay của ai? Những người đọc nó hoặc ko đọc nó có thể ko đồng ý được ko?

    2. Đại học nào có giáo viên, và khoa là khoa nào? Chắc ko phải là khoa thể dục rồi

    3. Việc họ ko biết đến NBCT là minh chứng cho việc "tiểu thuyết bị rẻ rúng" hay "sự khô cằn, vô cảm của con người"?

    ReplyDelete
  2. Trùng hợp nhỉ. Mình cũng mới đọc xong NBCT đêm hôm qua, đến giờ vẫn còn ám ảnh.

    Mình thì biết NBCT lâu rồi nhưng không hiểu sao lại không đọc. Đến với NBCT như một hành trình ngược. Bắt đầu là đọc Tiếp sau nỗi buồn, sau đó đến Chuyện xưa kết đi được chưa. Rồi đến hôm qua mới đọc NBCT. Đọc xong rồi thì mới biết chuyện xưa cũng chưa kết được, nhỉ.

    Các bạn đang rầm rộ đòi đánh Tàu ngoài kia nên đọc NBCT.

    ReplyDelete
  3. Vô tri bất mộ đó anh. Họ đang tìm kiếm niềm vui trong sự hưởng thụ mà biểu đọc về "Nỗi buồn" làm sao có đủ can đảm. Với lại Bảo Ninh đâu có nổi tiếng trong làng Sao Việt nước nhà.

    ReplyDelete
  4. Trả lời 3 thắc mắc:

    1. Nhận xét đó của tác giả, không loại trừ trường hợp người khác có nhận xét tương tự. Những người đọc rồi tất nhiên có quyền không đồng ý. Khi phát biểu nhận xét đó, tác giả không đi tìm một sự đồng ý. Còn những người chưa đọc thì chẳng nói làm gì.

    2. Không phải khoa thể dục. Không nhất thiết phải nêu tên trường.

    3. Không minh chứng cho điều gì, mà cũng có thể minh chứng cho điều khác, không phải một trong hai điều trên. Tác giả cũng không rõ.

    ReplyDelete
  5. bác Des này có phải bác Des í không :p nếu đúng thì em chào bác

    theo nhiều nguồn tin hehe, Thạch Lam viết luận chiến, bút chiến hơi bị nhiều và cực kỳ tàn độc, dữ dội, có lần bị Trương Tửu gọi đích danh, nói đại í bên TLVĐ nhà các anh Nhất Linh thì ok chứ etc. etc.

    bút danh TL hồi í dùng là... Nhị Linh :dddd

    ReplyDelete
  6. Dear Nhị Linh who is not Thạch Lam - Welcome to my new blog, hehe

    Bác Des đúng là bác Des ấy, miệng đầy gang thép lẫn thế nào được

    Hay nhỉ, có ai đang làm một cách tổng tập Thạch Lam như Lại Nguyên Ân làm với LTL không?

    ReplyDelete
  7. tha hương ngộ cố tri, nhể hehe

    ai làm được gì thì làm nấy thôi, sắp tới các nhân vật sẽ được quan tâm nhiều là Đào Trinh Nhất, Kiều Thanh Quế và Ngọc Giao

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN