Friday 25 September 2009

Trường thiên tản mạn lung tung đoạn

Hôm nay sinh nhật bạn Pi, tên chữ Tùng Quân. Định viết một cái gì đó cho bạn nhưng chưa có thời gian, nên tiếp tục tái bản một đoạn cũng trong bài trường thiên tản mạn trước đây để làm mồi. Đoạn này viết về cháu, sau đó sẽ dắt dây sang con. Những nhân vật trong bài này bây giờ đều cần được cộng thêm bảy tuổi.


***

Tôi có 3 đứa cháu, Bambi 10 tuổi, Remy 5 tuổi và cu Gôn 16 tháng. Cứ mỗi lần nhìn bất kỳ một đứa trẻ con nào ở Úc, là tôi lại nhớ chúng.

Bambi là một đứa bé đẹp sắc sảo và giàu tình cảm. Tôi không ngờ rằng nó đã khóc lúc tôi lên máy bay, lại khóc một trận nữa khi tôi gọi điện về nhà lần đầu mà mẹ nó không cho nó nói chuyện vì sợ tôi tốn tiến. Lúc Bambi 7 tháng, bố mẹ nó căng nhau lắm, suýt phải chia tay. Tôi ngồi uống nước mía trên vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng với thằng bạn thân nhất tuyên bố rằng nếu bố mẹ nó chia tay, tôi sẽ đưa cả hai mẹ con vào Sài Gòn và đi làm thêm để nuôi nó. May mà bố mẹ nó hòa, nên mãi đến năm thứ tư đại học tôi mới bắt đầu đi làm thêm để nuôi chính tôi và trang trải tình phí. Thằng bạn tôi hôm ấy gật gù nhận xét người ta có thể trở thành đàn ông chỉ vì một đứa bé. Tiên sư bố nó, triết lý gớm nhể!

Có một vài điều lý thú tôi nhớ về Bambi khi nó còn nhỏ. 18 tháng tuổi có lần nó đã vận hết sức bình sinh cắn phập vào ngón chân cái của tôi. Tôi lúc đấy đang rất cáu kỉnh đã trả đũa bằng cách cốc vào đầu nó. Nó khóc ré còn mẹ nó giận tôi mấy hôm. Tôi cũng giận chị tôi về việc đã rêu rao sự cố này với ba mẹ tôi. Thật làm mất uy tín tôi quá thể.

Lúc 2 tuổi có lần nó chạy ra sân vốc nắng vào tặng mẹ, hỏi mẹ có thơm không. Chị tôi sung sướng ôm choàng nó, còn tôi thì biết nó nhạy cảm và mơ mộng từ khi ấy. Con gái nhạy cảm quá, lớn lên sẽ khổ, nhất là khi nó còn đẹp nữa.

Một sự kiện nữa về Bambi làm tôi nhớ mãi, đó là khi nó 4 tuổi, thừa cơ mọi người trong nhà đều đang bận rộn, cúng hay giỗ gì đấy, nó đã trộn chè đậu xanh bột báng và cháo gà với nhau, ăn và khen ngon. Cả nhà vừa tức cười, vừa thấy tội nghiệp cho nó. Chao ôi, sao mà nó ngu thế, cháo gà trộn với chè, mới nghe đã thấy tởm, vậy mà nó khen ngon. Cái vị giác của nó đã bị các cô giữ trẻ làm hỏng mất rồi. Nó thì ăn chậm, mà các cô thì hay ép. Hậu quả là cái hột vịt lộn chưa nuốt xong thì cái bánh flan ùa tới. Nó trệu trạo ngậm một miệng. Có hôm tôi đón nó ở nhà trẻ, sau 30 phút len lỏi giữa phố chiều kẹt xe của Sài Gòn trên chiếc xe máy cà tàng, về đến nhà trong miệng nó vẫn còn nguyên.

Bambi 5 tuổi thì có em, em nó tên là Remy. Remy là một đứa bé đặc biệt. Nó tự động bỏ bú khi mới sáu tháng tuổi. Tôi cứ cắn nhằn chị, theo cách nuôi con hiện đại, chị phải cho nó bú đến năm hai tuổi. Chị tôi chống chế, nó tự bỏ đấy chứ. Nó phải uống sữa ngoài và ăn dặm bột từ rất sớm. Bố mẹ nó thời đấy có khi không kịp có tiền để mua sữa. Một hôm chị tôi nhờ tôi đi mua giùm. Tôi là một ông cậu tuyệt vời, cho nên tôi nhận lời. Đi mua đến chiều thì tôi về. Remy đói, khóc. Hóa ra chị tôi hết tiền, mà không nói tôi hay. Dù sao tôi vẫn tuyệt, vì tôi mua đúng loại bột Remy ưa thích. Ai sau này lấy tôi chắc hẳn phải sướng, vì tôi có nhiều kinh nghiệm nuôi trẻ con.

Remy có một trí nhớ tuyệt vời. 18 tháng đã thuộc bài “chú Cuội mê chị Hằng Nga, để trâu ăn lúa gọi cha ời ời”. Hai mắt nó tròn xoe, lúng liếng, trông rất yêu. Đến 2 tuổi thì Remy đã thuộc vài chục bài hát và thơ. 3 tuổi hát Quốc ca không sai một chữ. 4 tuổi thì thuộc cả Nam bộ kháng chiến, Vầng trời đông lẫn bài hát trong phim Vương triều Ung Chính (tiếng Tàu). Giọng nó khàn khàn và khoẻ. Nó hát đúng cả lời, cả nhạc, giữ nhịp rất tài. Tôi bảo nếu đầu tư cho nó nghiêm chỉnh sau này nó hát hay bằng Thanh Lam chứ không ít. Anh chị tôi hình như chưa suy nghĩ về hướng phát triển này.

Nó còn có tài kể chuyện. Nó thuộc cả chục cuốn truyện tranh mà mẹ nó vẫn đọc cho nghe, rổi kể lại bằng giọng rất diễn cảm. Kể xong, nó bắt cả nhà vỗ tay. Ai không vỗ tay nó sẵn sàng chỉ vào mặt và dõng dạc hét lên “Tại sao cô kêu vỗ tay mà không vỗ?”. Có khi, nó bắt chước ông ngoại nằm trên ghế salon, đầu gác lên thành ghế, hai tay giở truyện ra đọc rất diệu nghệ. Ai thoạt nhìn cứ tưởng nó biết chữ, nhìn kỹ mới thấy truyện cầm ngược!

Nếu như Bambi là một đứa bé rụt rè giữa đám đông như phần lớn các trẻ em Việt Nam khác, thì Remy cực kỳ dạn dĩ, sinh động, cởi mở, dễ hòa đồng, những phẩm chất khiến nó dễ dàng thu hút sự chú ý và yêu mến của mọi người. Tất cả khách đến nhà sẽ nhanh chóng trở thành bạn của Remy. Còn ở trường, Remy là trợ lý đắc lực của cô trong việc sắp chén, muỗng ra bàn ăn và kiểm tra tay các bạn sạch hay bẩn. Đến cơ quan mẹ ngày 1 tháng 6, khi được hỏi cháu nào hát tặng các bác, Remy lập tức xung phong và trèo lên bàn hát ngay một bài. Lớn lên, Remy chắc sẽ trở thành một thủ lĩnh giữa bạn bè, ngay cả việc trỏ thành thủ lĩnh của các phong trào thanh niên cũng hoàn toàn là điều có thể.

Khác với Bambi và Remy, cu Gôn là con trai và là con của anh tôi. Cu Gôn mới 16 tháng tuổi và tôi chỉ mới gặp nó có hai lần. Lần thứ nhất tôi về quê thăm nhà khi nó mới hai tháng tuổi. Lúc đấy nó mới chỉ có tên khai sinh, còn tên ở nhà thì chưa có. Mọi người cứ gọi là thằng cu, thằng cu. Ơ hay, gọi thế mãi chết tên người ta còn gì. Thế là tôi đã đi đến một quyết định hết sức cao cả, đó là hy sinh cái tên mà tôi ấp ủ dành riêng cho con trai tôi trong tương lai cho cháu. Cu Gôn, cu Gôn! Cái tên mới hay làm sao, vừa rất con trai, vừa phản ánh được sở thích của bố nó, mà lại rất hiện đại nữa. Vấn đề còn lại là tôi phải tiếp tục suy nghĩ để tìm một cái tên khác cho con tôi.

Tôi không rõ là tôi thích có con từ bao giờ. Càng nhìn cu Gôn, cái mặt xinh xắn của nó, cái cách nó đùa với tôi, mong muốn này trong tôi càng định hình rõ. Đôi khi tôi nghĩ, vợ thì không cần thiết lắm, nhưng con thì nhất định phải có. Bằng cách nào thì thú thật tôi chưa hình dung ra, nhưng chắc chắn phải có. Tôi không đặt ra kế hoạch cụ thể, vì như thế xui lắm. Gương nhãn tiền còn đó. Ng.H. một cô bạn của tôi (bạn bình thường) hồi còn học đại học đã tuyên bố làm gì thì làm đến năm 26 tuổi phải có một đứa con. Hai năm đã trôi qua kể từ sinh nhật thứ 26, tôi vẫn chưa nghe tin gì từ Ng.H cả.

Tôi thích có một đứa con trai. Tôi sẽ tò mò chờ xem nó giống tôi như thế nào. Nó có cao to đẹp trai giống tôi không, có yêu thích văn chương nghệ thuật không, chơi thể thao có giỏi không. Tôi sẽ đợi xem khi lớn lên nó tán gái như thế nào, liệu tôi có phải là người có phúc như ba tôi đã từng không. Tôi sẽ cho nó ăn những bữa ăn nhiều bơ sữa, cân đối thịt và rau, bớt cơm và giảm muối, và nhất thiết không có bột ngọt. Nó sẽ được ăn những chiếc bánh mì không nuớng bởi một anh bụng phệ ở trần đánh bột, những quả táo không cần gọt vỏ, rau sống không phải ngâm thuốc tím. Nó sẽ được dạy bơi từ tuổi lên ba, chơi tennis từ khi lên 4, học một loại nhạc cụ khi lên 5, và đến 10 tuổi thì nói tiếng Anh trôi chảy. Đương nhiên, nó sẽ được hưởng thụ nhiều thứ nữa, nhưng tôi cũng sẽ bắt nó bàn luận về lịch sử, để hiểu tại sao ông cố nó bị Tây đánh đến mức lao phổi, ông nội nó 8 tuổi phải bơ vơ kiếm sống, còn bố nó cũng khi 8 tuổi đã dũng cảm từ chối uống ly sữa đầu tiên trong đời vì “hôi quá”!


***

8 comments:

  1. Bạn Pi cũng tuổi con nhợn hả bác?

    ReplyDelete
  2. Anh GM vẫn giữ kế hoạch dạy con như thế đấy chứ? Cảnh tượng mong ước chả khác gì hồi em xem sách Tiếng Nga quyển 1, có những tranh minh họa về một thế giới sạch bóng, nơi những bạn Pi ăn táo không gọt vỏ và Masha tập balê mặc váy trắng muốt. :-)

    ReplyDelete
  3. TQ: giấc mơ bố đè nát cuộc đời con đúng không? :)

    ReplyDelete
  4. thời gian trôi nhanh như chó chạy, 7 năm roài.
    cái thời gian kia biểu hay quá.
    à, những bữa ăn cùa Pi ngày nay có được đúng như bác GM trù định không ạ?:)

    ReplyDelete
  5. Ai sau này lấy tôi chắc hẳn phải sướng, vì tôi có nhiều kinh nghiệm nuôi trẻ con << có thành tích cốc đầu cháu 18t mà phát biểu dõng dạc thế nhỉ :))) nói đùa 1/2 thôi, đọc chuyện kể về 3 cháu + 7T thích quá

    ReplyDelete
  6. Thấy bố Pi đặt nhiều kế hoạch cho Pi mà chạnh lòng thương Pi quá.

    ReplyDelete
  7. Em chào hòa thượng. Cái này hồi chưa có con ba hoa thế thôi chứ không phải kế hoạch cho bạn Pi đâu, em không để bạn ấy bị đè bẹp bởi giấc mơ của bố bạn đâu ạ.

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN