Friday, 4 April 2025

Những tiệm sách nhỏ

Nhiều năm trước, khi bắt đầu blog này, tôi hay than phiền biết lấy đâu ra những tiệm sách mà người bán sách có đọc sách. Ngày ấy, các hiệu sách chủ yếu bán kèm nước tương, dầu gội đầu, thú bông, nồi cơm điện và văn phòng phẩm. Sách thì có một ít và xếp lộn tùng phèo, một cuốn như Bữa sáng ở Tiffany's rất dễ được xếp vào kệ sách Nấu ăn.

Giờ thì khác nhiều rồi. Có những người từ chỗ đọc sách, mê sách đã đứng ra mở tiệm sách. Can đảm hơn, có những bạn hoàn toàn chuyên bán sách ngoại văn, và không hề là những cuốn trinh thám, young adult hay best seller mà là những cuốn triết và văn học rất chọn lọc, rất có gu. Tôi biết ít nhất có hai nơi như thế: một là Sleepy Cat ở Hà Nội và hai là Tiệm sách Quýt ở Sài Gòn. Cả hai chủ tiệm thỉnh thoảng dịch những đoạn ngắn hay review ngắn rất ấn tượng. Bạn chủ Tiệm sách Quýt có hôm còn match những cuốn sách bạn yêu thích nhất với các bản nhạc cổ điển. Bạn tạo cảm hứng cho tôi mua và đọc lại The Blind Owl, tức Con cú mù. Nhiều năm trước, tôi đọc Con cú mù chắc đang trong lúc mệt mỏi thế nào ấy, toàn ngáp. Nhưng lần đọc lại này thì tôi thấy mình đã chạm vào được một kiệt tác.

Sự tồn tại của những tiệm sách nhỏ này cho thấy rõ ràng có một lớp độc giả rất chăm chú đọc tinh hoa hay những tác phẩm mới nhất trên thế giới từ bản gốc hoặc ít nhất qua tiếng Anh hay Pháp. Họ đọc thật sự, vì sách ba, bốn trăm ngàn một cuốn thì mua về chỉ có đọc thôi, chứ có phải sách giảm giá 50-70% đâu mà kéo về cho chật nhà. Tôi chỉ băn khoăn không biết các tiệm sách nhỏ này "sống" như thế nào: nhập sách thì vất vả, bán thì rõ là không nhanh như bán quần áo hay mỹ phẩm, lời cũng không thể nào nhiều. Dẫu sao, sự hiện diện của các bạn đúng là kiểu "may mà có em, đời còn dễ thương." 

Ngày xưa tôi hay mua sách từ nước ngoài. Nhưng như thế thì khá lôi thôi, có lúc phải đi khai hải quan, có khi thì mất sách. Giờ tôi hay mua ở mấy tiệm này. Các bạn có thể tìm sách và đặt mua giùm luôn, rất tiện. Cả hai tiệm nói trên đều có Facebook và trang web, tìm một phát ra ngay, nên không cần để link làm gì. 

Thursday, 3 April 2025

The Dry Heart - Natalia Ginzburg

Natalia Ginzburg là  nhà văn Ý, sinh năm 1916, mất năm 1991. Đây là cuốn đầu tiên của bà mà tôi đọc. 

Cuốn sách mở đầu như sau:

'Tell me the truth,' I said.
'What truth?' he echoed. He was making a rapid sketch in his notebook and now he showed me what it was: a long, long train with a big cloud of black smoke swirling over it and himself leaning out of a window to wave a handkerchief.
I shot him betwen the eyes.


Nhân vật xưng tôi là người vợ, cũng là người kể chuyện. Đây có lẽ là một trong những đoạn mở đầu gây sốc nhất tôi từng đọc. Thật ra tôi chưa nhớ ra một đoạn mở đầu gây sốc tương tự.

Sau đó, qua lời người vợ, ta sẽ dần biết được cô là người như thế nào, đã quen chồng như thế nào, đã hẹn hò rồi lấy nhau và sống với nhau như thế nào, và hiểu vì sao đến một ngày cô rút súng đòm ngay trán chồng một phát. Khi tôi nhắc tới cuốn này trên FB, nhiều bạn nữ đã rất quan tâm đến cuốn sách.

Đọc cuốn này, tôi quan tâm tới cách viết của bà hơn là câu chuyện. Lối viết của Giznburg đơn giản, trực diện nhưng hiệu quả rất bùng nổ. Bà viết câu ngắn, dùng từ đơn giản (tất nhiên qua bản dịch tiếng Anh, nhưng tôi đồ rằng nguyên bản tiếng Ý cũng vậy), không kỹ thuật gì rườm rà hay màu mè, gần như không tả cảnh hay sa đà vào các chi tiết. Nhân vật đi dạo thì chỉ nói là đi dạo, chứ không nói bầu trời thế này, đường phố thế kia. Nhân vật làm tình thì chỉ nói làm tình, không có tả chấm ba chấm. Có thể nói là đây là một lối viết tối thiểu nhưng mang lại một hiệu quả tối đa. Không biết trong các cuốn khác thì bà viết thế nào, hay lối viết này chỉ áp dụng cho cuốn này? Có một nhận xét về cuốn này của độc giả tôi thấy đáng lưu ý: lối viết đơn giản này thể hiện góc nhìn hạn hẹp của người vợ (môt phụ nữ không có gì đặc sắc, đến hai sáu tuổi không có mốt tình nào, quan hệ xã hội cũng rất hạn chế chỉ có một hai người bạn.)

Tôi dự định đọc tiếp All Our Yesterdays của bà.

Wednesday, 2 April 2025

Tuyển tập ca khúc thiếu nhi Sài Gòn bao nhớ - Đàm Hà Phú

Tương tự bài này, đây là bài thứ hai trong tổng số hai bài tôi đã đóng góp cho trang điểm sách theo phong cách rất nghiêm túc và thiếu hiểu biết Danh Mục Sách.

Tương truyền, khi Đàm Hà Phú vừa nổi lên, ông hoàng show biz Đàm Vĩnh Hưng đã ngửa mặt lên trời, đấm ngực bành bạch mà than rằng: Trời sinh Hưng sao còn sinh Phú?

Tất nhiên, mọi giai thoại/huyền thoại đều rất khó biết sự thật thế nào, nhưng cũng tất nhiên, mọi giai thoại/huyền thoại/ truyền thuyết đều cho ta ít nhiều chỉ dấu. Dẫu gì truyện Sơn Tinh Thủy Tinh cũng cho ta biết từ ngàn xưa việc tranh giành gái đẹp con nhà giàu lúc nào cũng khốc liệt. Dẫu gì chuyện Thánh Gióng ăn bảy nong cơm ba nong cà cũng cho ta biết thời ấy cà chua/pháo chưa thấm đẫm thuốc bảo vệ thực vật như bây giờ, ăn thế chứ ăn nữa cũng không sao.
Trở lại giai thoại của Đàm Hưng, rất khó biết chính xác Đàm Hưng vỗ ngực, mông, hay bộ phận khác. Nhưng có thể chắc chắn rằng, Đàm Hưng, bằng tất cả kinh nghiệm show biz và sự nhanh nhạy qua rèn luyện của mình, đã nhận ra rằng Đàm Phú chính là địch thủ tám lạng nửa cân của mình.
Quả vậy, Đàm Phú, xuất thân thợ câu cá (Đàm Hưng xuất thân thợ hớt tóc), đã nhanh chóng nổi lều phều ngay sau khi anh cho in tuyển tập ca khúc thiếu nhi đầu tiên “Chuyện nhỏ Sài Gòn”. “Chuyện nhỏ Sài Gòn” bao gồm các bài hát viết cho thiếu nhi mà Đàm Phú viết từ khi anh đặt chân đến mảnh đất Sài Gòn. Tựu trung, đó là các bài hát trong sáng, vui tươi, dễ nghe, dễ nhớ, vào phòng karaoke không cần tập trước vẫn có thể hát dễ dàng. Thừa thắng xông lên, ba năm sau, Đàm Phú, bấy giờ đã là một nhạc sĩ thời danh, ấn hành tuyển tập ca khúc thứ hai, “Sài Gòn bao nhớ”. Dư luận chia làm hai phe: một phe bảo tập này nhàm, không mới; một phe ca ngợi rằng tập này thậm chí dễ hát hơn tập trước. Âu cũng nhờ có tranh luận sôi nổi giữa cộng đồng mạng như thế, mà tập ca khúc của anh bán rất chạy.
Thói thường, nhạc sĩ là người đứng sau ca sĩ, ca sĩ làm CD bán mới tốt, chẳng ai ngờ Đàm Phú, chỉ in lời ca khúc, mà sách của anh lại bán chạy như tôm tươi. Bình luận về hiện tượng Đàm Phú, nhận định của các học giả DMS là: ca khúc của Đàm Phú về phần nhạc tuy không có gì đặc sắc, nhưng phần lời gần gũi với các em thiếu nhi, bởi lẽ lời ca khúc của anh chắp nhặt lời ăn tiếng nói thường dùng của các em, đôi chỗ nhang nhác đồng dao, nên vì thế các em rất yêu thích. Trong thời đại trẻ em là tiếng nói quyết định cho đồng tiền của bố mẹ, tuyển tập ca khúc của anh thành best seller là điều không khó lý giải. Chưa kể, lắm người mua sách của anh rất có thể chỉ vì mê vợ anh!
Tuyển tập ca khúc thiếu nhi “Sài Gòn bao nhớ” của Đàm Hà Phú do vậy là một hiện tượng văn hóa nghệ thuật đặc sắc của đời sống nghệ thuật Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung những năm gần đây. Việc Đàm Phú hạ bệ ngôi vị ông hoàng show biz của Đàm Hưng ắt sẽ diễn ra trong một tương lai không xa. Ắt vì dự đoán điều ấy mà Đàm Hưng mới ngửa mặt nhìn trời tự thán.

Thursday, 27 March 2025

My best reads of 2024

Liệt kê không theo thứ tự nào:


1/ If Beale Street Could Talk, James Baldwin

2/ Viên cảnh sát thứ ba, Flann O’Brien, Nguyễn Thị Thanh Trúc dịch

3/ Tiếng thét câm lặng, Kenzaburo Oe, Vương Hải Yến dịch

4/ Đường hẹp lên miền Bắc thẳm, Richard Flanagan, An Lý dịch

5/ Biển, John Banville, Trịnh Lữ dịch

6/ The Honorary Consul, Graham Greene

7/ The Quiet American, Graham Greene

8/ The Seven Madmen, Robert Arlt

9/ Go Tell It on the Mountain, James Baldwin

10/ A Passage to India, E.M. Forster

11/ Bồ câu cô đơn, Larry McMurtry, Trần Đĩnh dịch

12/ The Love of Singular Men, Victor Heringer

13/ A Schoolboy’s Diary and Other Stories, Robert Walser

14/ Xứ tuyết, Yasunari Kawabata, Uyên Thiểm dịch

15/ Cặp song sinh kỳ ảo, Agota Kristof, Hiếu Tân dịch

Sunday, 23 March 2025

Gối đầu lên cỏ - Natsume Soseki

 Trong Gối đầu lên cỏ, có những câu như thế này:

+ [Tả tiếng con chim chiền chiện] "Dường như con chim ấy phải hót cho hết những ngày xuân êm ả, hót cả ngày lẫn đêm. Nó cứ không ngừng lên cao, cao mãi.  Hẳn là nó chết trong mây trời. Có lẽ nó cứ lên cao mãi rồi lẩn vào trong những đám mây, và hình hài tan biến trong trạng thái bồng bềnh đó, chỉ còn tiếng hát vang vọng giữa bầu trời."

+ "Dòng sông không rộn lắm. Mà lòng sông cũng không sâu. Nước sông chảy lững lờ. Chúng tôi cứ tựa vào mạn thuyền này, trôi trên mặt nước này đến tận nơi đâu? Có lẽ là cứ trôi mãi qua lúc xuân tàn, trôi đến chỗ ồn ào đông đúc  - nơi mà người ta cơ hồ muốn va chạm vào nhau."

+"Hoa rơi nhẹ đến mức tôi không biết là chúng rơi trên mặt đất hay là rơi xuống mặt ao."

+"Và những ngọn cỏ mùa xuân có còn nhớ đến người đã ngồi với chúng ngày xưa không nhỉ?"

Để tìm hiểu về vẻ đẹp Nhật Bản trong văn xuôi Nhật, nhất thiết chúng ta phải tìm tới những người như Soseki hay Kawabata, mà chắc chắn không phải là Murakami. 


Friday, 21 March 2025

Bức xúc không làm ta vô can - a review?

Hồi trước mấy ông bạn tôi lập ra trang Danh Mục Sách, chuyên review sách một cách tào lao. Đại để lấy một cuốn sách ra review, nhưng thực chất nói chuyện tếu táo, không liên quan gì tới cuốn sách cả. Tôi có tham gia hai bài. Đây là một bài trong hai bài đó, "review" cuốn Bức xúc không làm ta vô can của Đặng Hoàng Giang.


Có vĩ nhân nói rằng, một thành phố vượng lên là khi thành phố ấy có nhiều gái đẹp. Lại có vĩ nhân khác nói rằng, không có người đàn bà xấu, chỉ có người đàn bà chưa qua dao kéo. Xâu chuỗi danh ngôn của hai vĩ nhân trên lại với nhau, ta có mệnh đề một thành phố (có thể mở rộng ra thành đất nước) vượng lên khi có nhiều đàn bà qua dao kéo. Kéo giãn mệnh đề trên, ta sẽ có mệnh đề mới: một đất nước thịnh vượng không thể thiếu các bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ tài giỏi.
Tất nhiên, như thế nào là tài giỏi là đề tài gây tranh cãi. Có người cho rằng bác sĩ chỉ cần có khả năng làm biến mất một nốt ruồi mọc không đúng chỗ đã là giỏi, có người lại bảo nốt ruồi thì khó gì, phải làm biến mất nguyên một người đàn bà mới giỏi (case reference: Cát Tường). Cãi nhau như thế, chả có luận điểm gì, thì chả khác nào bọn dở hơi biết bơi hay cãi nhau trên Facebook. Các học giả DMS, với châm ngôn hoạt động “rất nghiêm túc và thiếu hiểu biết” không bao giờ sa đà vào các tranh luận vô bổ như thế. Thay vì cãi nhau, DMS xin đưa ra ví dụ một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ giỏi, có thể nói là xuất sắc, chỉ cần nghe tên ông là các đám cãi cọ đều im bặt. Xin thưa, nhân vật chúng tôi muốn giới thiệu chính là Tiến sĩ Bác sĩ Giải phẫu thẩm mỹ Đặng Hoàng Giang, người đã tu nghiệp và hành nghề 20 năm tại một trong những thành phố đẹp nhất thế giới: Viên.
Bác sĩ Đặng Hoàng Giang (xin tránh nhầm lẫn với ông trùm sân khấu Doãn Hoàng Giang và ông trùm xuất bản Vũ Hoàng Giang), sau 20 năm tu nghiệp và hành nghề tại Áo, đã trở về Việt Nam với khát khao nâng cấp vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam (tiện tay thì có thể nâng cấp cả nhan sắc đàn ông). Ông không chỉ trực tiếp hành nghề, mà còn thực hiện nhiều nghiên cứu lâm sàng về nhan sắc. Các bài báo khoa học của ông, sau khi đã đăng các tạp chí hàng đầu thế giới, đã được ông đích thân dịch ra tiếng Việt và tập hợp lại thành tập khảo cứu “Bức xúc không làm ta vô can”.
Lần đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu nhan sắc Việt, có người (tức ông Giang) đã chỉ ra rằng thói quen sinh hoạt có một mối liên hệ chặt chẽ với nhan sắc, từ đó, ông đưa ra phương pháp phẫu thuật không can thiệp (nguyên văn tiếng Anh: non-intervention surgery). Ví dụ, qua theo dõi một số phụ nữ Hà Nội trung niên có môi trên hơi dẫu đến trung tâm thẩm mỹ do ông sáng lập yêu cầu phẫu thuật chỉnh môi, ông nhận thấy môi họ dẫu có hai nguyên nhân: (i) thói quen phun nước bọt ra đường khi đi xe máy; (ii) thói quen cong cớn mọi lúc mọi nơi. Từ quan sát này, ông đưa ra hướng giải quyết tiêm một liều thuốc ức chế tuyến nước bọt, dẫn đến nước bọt chỉ có thể tiết ra một lượng nhỏ khi ăn mà thôi. Thuốc phát huy hiệu quả 72 giờ sau khi tiêm và có hiệu quả trong 3 năm. Một ví dụ khác, với các phụ nữ có yêu cầu phẫu thuật giảm mỡ bụng, qua theo dõi một lượng mẫu khả tín, ông kết luận rằng những phụ nữ này tích mỡ là do lạm dụng…cáp treo. Họ đi cáp treo lên núi Yên Tử, lên đỉnh Phăng xi pang, thậm chí, cáp treo từ tháp Bút sang Cột Cờ, và từ Ciputra ra Vincom. Giải pháp của ông đơn giản là cắt, không phải mỡ, mà là cáp.
Đôi lúc, bác sĩ tiến sĩ Đặng Hoàng Giang tỏ ra hơi cực đoan. Ông đòi hỏi thay đổi chẳng những về hành vi, mà còn cải tổ về quy hoạch, du lịch, xã hội, văn hóa. Ông cho rằng những yếu tố trên có liên quan sâu xa đến nhan sắc. Chẳng hạn, ông chủ trương cấm xe máy, vì cho rằng việc dạng chân khi ngồi xe máy ảnh hưởng đến xương chậu, khiến cơ thể mất cân đối; ông phản đối mẫu quảng cáo cho rằng sừng tê giác tương đương móng tay, vì ông e ngại người ta chuyển sang gặm móng tay thay vì mài sừng tê, mà gặm móng tay không những làm hỏng móng tay, mà còn hỏng cả răng và môi nữa.
Những nghiên cứu và khảo sát của ông Giang mang tính tiên phong. Có thể, đôi chỗ ta không đồng ý với ông, nhưng không thể không công nhận ông là người nặng lòng với nhan sắc Việt. Những bài viết của ông tuy rất khoa học, hàn lâm, nhưng không khó đọc, nếu không nói có tác dụng thư giãn như một bài phiếm đàm. Chính vì lẽ đó, “Bức xúc không làm ta vô can” là một tác phẩm khiến độc giả bâng khuâng khi đọc xong, và cùng mơ tưởng đến một vẻ đẹp Việt ngày càng rạng rỡ.

Monday, 17 March 2025

Nối đuôi nhau đến vô cùng - Nguyễn Hải Việt

1. Không có truyện nào trong tập truyện này, mang tên Nối đuôi nhau đến vô cùng.

2. Không có truyện nào trong tập này cho ta biết chuyện xảy ra ở đâu, không có Huế, Sài Gòn, Hà Nội, Singapore hay San Francisco. Không có một không gian cụ thể. Chỉ có những không gian mơ hồ: ở một xứ nọ, một vương quốc nọ, một thành phố nọ, một quán cà phê nọ…

3. Không có truyện nào trong tập này cho ta biết câu chuyện xảy ra ở mốc thời gian nào.

4. Không nhân vật nào có tên. Chỉ có một nhà thơ, một tiểu thuyết gia, một ông thầy cúng, một người đàn ông, chàng, hắn, gã, tôi…À, trừ một truyện có Pinocchio.

5. Hiệu ứng tấm gương: nếu đặt hai tấm gương đối diện nhau, sẽ nhìn thấy vô tận những tấm gương. Một số truyện trong tập này có cấu trúc đó, nhưng chỉ một số.

6. Theo Goodreads, đây là cuốn sách 64 tôi đọc trong năm 2024. Một bàn cờ vua có 64 ô. Có một bài toán nổi tiếng: hãy cho một hạt thóc vào ô thứ nhất, gấp đôi vào ô thứ hai, gấp đôi số hạt thóc của ô thứ hai vào ô thứ ba, gấp đôi số hạt thóc của ô thứ ba vào ô thứ tư, cứ tiếp tục như vậy, hỏi cần mấy kho thóc để lấp đầy bàn cờ vua?

7. … 

Những tiệm sách nhỏ