Thursday, 24 December 2015

Mấy địa chỉ cho người yêu sách

Đôi khi có ai đó hỏi nơi mua sách. Đôi khi có ai đó hỏi cà phê sách. Đây là vài địa chỉ có thể đến để mua sách, trò chuyện về sách, hoặc chỉ đơn giản là nơi ngồi nhâm nhi chén trà, tách cà phê, nghe con chim kêu sau cơn mưa và ngắm cái kệ sách.

1. Kafka Bookstore: Ngày trước tôi hay phàn nàn ở Việt Nam khó tìm ra tiệm sách nào mà chủ tiệm có đọc sách. Như đọc được lời phàn nàn đó, tiệm Kafka ra đời. Chủ tiệm là một cô gái có gu đọc sách rất tinh, viết review sách cũng hay. Mua sách ở Kafka có cái thú là muốn mua cuốn nào thì nhắn chủ tiệm em ơi cuốn này có chưa, nếu có chủ tiệm sẽ gửi sách đến tận giường, chưa thì chủ tiệm sẽ ghi nhớ, rồi khi nào có cũng gửi đến tận giường. Kafka chủ yếu hoạt động online. Tuy nhiên, trụ sở chính của Kafka là một tiệm sách rất ấm cúng nằm trong một con hẻm nhỏ đường Kỳ Đồng. Đặc sản của tiệm Kafka ngoài sách còn có tranh, hoa tươi, và một bầy mèo huyền thoại.

2. Book Nest: Như tên gọi, đây là một cái tổ dành cho người yêu sách. Ở đây có sách cũ và mới, và những món phụ kiện dành cho sách ví dụ bìa da (mục đích khi đọc sách ở chỗ công cộng không cho người khác biết mình đọc gì.) Số đầu sách không quá nhiều, nhưng Book Nest tổ chức được những buổi ký tặng sách hay câu lạc bộ đọc sách. Ngoài ra ở đây còn có một bán một thứ không đâu có đó là nước hoa được sáng tạo do cảm hứng từ các nhân vật văn chương như Jane Eyre, Midori hay Humbert. Rất mong một ngày nào đó Book Nest sẽ tung ra nước hoa lấy cảm hứng từ Goldmund. Đã có nhiều bài báo viết về Book Nest nên ai quan tâm sẽ dễ dàng tìm được địa chỉ Book Nest trên mạng.

3. Dế Book Cafe (36 Nguyễn Thị Huỳnh, Q. Phú Nhuận): Tôi tình cờ tìm ra quán này trong một trưa đi lang thang. Thoạt nhìn, không biết đây là quán cà phê, vì biển hiệu chỉ bé bằng bàn tay. Sở dĩ quán thu hút sự chú ý của tôi vì nhìn bên ngoài trông như một ngôi nhà bỏ hoang. Bên trong chỉ kê vài bàn ghế cũ, và hình như chỉ có một phục vụ đồng thời là chủ quán. Quán có một kệ sách khoảng hai ba trăm cuốn. Quán khá vắng khách, tiện để trò chuyện, rút một cuốn sách ra lật vài trang và thưởng thức không khí hơi liêu trai.

4. Nhạc Lòng Năm Cũ (đường Đặng Hữu Phổ, Thảo Điền, Q.2): Quán trà cà phê thoáng đãng, cực kỳ xinh xắn, có không gian để uống trà và đọc sách trong nhà và ngoài vườn. Quán nằm trên một con đường nhỏ phường Thảo  Điền, quận 2, rất ít người qua lại, do vậy rất yên tĩnh. Trà và cà phê đều rất ngon. Có một kệ sách khá lớn trong phòng với nhiều cuốn sách hay cũ và mới: ở đây có thể tìm được từ Kafka, Chekhov cho đến Alice Munro hay Raymond Carver. Vợ chồng chủ quán là nhà văn và nhà báo.

5. Nhã Nam thư quán: Nơi này giờ quá nổi tiếng rồi. Ngoài việc mua được tất cả đầu sách Nhã Nam với giá chiết khấu ở đây, thì bây giờ Nhã Nam thư quán còn bán sách cũ và thường xuyên có những buổi trò chuyện về sách. Đến đây những buổi sáng cuối tuần còn có thể thường xuyên gặp giới giang hồ sách :).

----

Bản đăng Tuổi Trẻ có sửa đổi đôi chút:

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20160121/sai-gon-may-chon-di-ve-cho-nguoi-yeu-sach/1041673.html


Tuesday, 22 December 2015

Khúc tiêu đồng

Tên đầy đủ là Khúc tiêu đồng - Hồi ký của một vị quan triều Nguyễn. Sách của NXB Trẻ in năm 2014. Đây là một cuốn sách rất chi hay ho, vì:

- kể lại chân thực cuộc đời một viên quan xuất thân nhà nghèo, nhờ học hành chăm chỉ mà thi đỗ để làm quan, và làm quan cho đến khi triều Nguyễn chấm dứt năm 1945;

- cung cấp chi tiết về việc học hành, thi cử, làm quan từ góc độ một người kể chuyện mình vs. góc độ sử gia. Ta hay phê phán người Việt xưa nay học chỉ mong để làm quan. Cuốn này kể rõ về câu chuyện học để làm quan đó. Hoàn toàn có thể hiểu được và chấp nhận được vì thời đó xuất thân nhà nghèo muốn đổi đời không có cách nào ngoài con đường học hành. Ngoài ra, cũng ghi nhận rằng, thời phong kiến, nhưng cơ hội tiến thân có thể được mở ra với bất kỳ ai thông qua thi cử. (Tuy rằng thi cử cũng lắm gian lận, và chuyện làm bài thuê/làm bài hộ là việc bình thường).

- cho phép người đọc hiểu hơn nhiều điều về xã hội Việt Nam. Chẳng hạn, cho thấy tham nhũng ở Việt Nam có truyền thống lâu đời. Thi đậu thì được làm quan, nhưng muốn có những chỗ ngon thì phải chạy tiền là chuyện đương nhiên. Về chuyện này, tác giả nhận xét người Pháp công bằng hơn, xét người chủ yếu dựa vào năng lực chứ không phải quan hệ.

- bản thân tác giả là người thú vị, ở chỗ, ông không hẳn là người xuất sắc, vượt trội, nhưng là người có năng lực và chuyên nghiệp. Ông có cảm tình với người làm chính trị, làm cách mạng, nhưng xác định bản thân không đủ can đảm để làm cách mạng, chỉ làm quan để kiếm sống. Coi việc làm quan là một nghề, ông hành nghề một cách tử tế, chuyên nghiệp, làm trọn phận sự của mình. Ông thanh liêm, tuy rằng không quá thanh liêm, nói chung, ông khá thực tế, những chuyện quà cáp nếu là tục lệ thì ông nhận, còn thì không đòi hỏi, không nhũng nhiễu dân. Chính ra, bây giờ ta rất cần những ông quan như thế này.

Friday, 18 December 2015

Nghe gió hát

Nghe gió hát tức là Hear the Wind Sing, tiểu thuyết đầu tay của Murakami.

Hôm nọ đi công tác, họp hành túi bụi chẳng có thời gian chui vào bất cứ tiệm sách nào. Thường, mỗi khi đến một thành phố, tôi hay bỏ ra môt buổi đi lang thang, chủ yếu ngắm sách chứ dạo về sau không mua mấy, vì nhà cửa chật chội quá rồi. Lần này, bận, nên mãi khi ra sân bay có mới có chút thời gian ngơi. Ghé một tiệm, tính kiếm cuốn The Sympathizer mà không có, mắt lại va phải cuốn của Murakami, đúng ra là hai cuốn, Hear the Wind SingPinball in chung theo kiểu ngược xuôi, mặt này là Hear the Wind Sing, lật mặt kia là Pinball. Sách in đẹp quá, cầm lòng không đậu, đành mua, mặc dù sách ở Sin, đặc biệt tại sân bay, khá đắt. Cùng cuốn ấy nếu nhập về bán tại Fahasa bao giờ cũng rẻ hơn. (Hiện tại Fahasa Nguyễn Huệ đang bán một loạt sách Picador Classic, in rất đẹp, giá chỉ 150 nghìn/ cuốn; rẻ hơn sách nội.)

Hear the Wind Sing là cuốn đầu tay của Murakami. Nội dung như thế nào thì giờ quên mất rồi, nhưng đại khái nhớ chàng viết đơn giản, không chiêu trò màu mè, đọc xong  còn nhiều dư vị. Pinball thì chán hơn nhiều, vì chàng bắt đầu giở trò, những là ngủ với chị em sinh đôi, vừa làm tình vừa nghe Handel và trích dẫn Kant, cùng những tổ chức lễ tang cho một cái bảng công tắc gì đấy. Nói chung là nhảm.

Nhớ nhất từ Hear the Wind Sing, tuy vậy, không phải là câu chuyện hay nhân vật nào, mà chuyện Murakami kể mình đã tìm kiếm phong cách viết văn như thế nào. Đại khái Murakami kể mình viết xong cuốn đầu tay, đọc lại tự thấy chán quá, vì thấy mình viết nhang nhác các nhà văn Nhật khác, thế là chàng vứt, viết lại từ đầu. Lần này, chàng nảy ra ý viết bằng tiếng Anh. Mà tiếng Anh của chàng chỉ ở trình vừa phải, nên chàng chỉ sử dụng những từ đơn giản, viết câu ngắn, không dùng từ hoa hòe hay đặt câu dây cà dây muống. Được vài chương, chàng nhận ra mình  có thể để diễn đạt được điều mình muốn nói bằng những từ và câu đơn giản, vậy tại sao không làm y như vậy bằng tiếng Nhật. Thế là chàng lóc cóc dịch ngược những chương đã viết ra tiếng Nhật, rồi viết tiếp cho xong, thành Hear the Wind Sing. Chàng nhận ra mình đã tìm được phong cách viết cho mình, khác biệt với các tác giả Nhật khác.

Có lẽ vì vậy mà, nghe đồn rằng, dịch tiểu thuyết của Murakami ra tiếng Anh khá dễ dàng, vì ông cố tình viết đơn giản, mà cũng còn vì có thể ông tư duy bằng tiếng Anh.

Thursday, 17 December 2015

Bao người chờ đợi

Đọc và thích mê Cuộc sống ở trước mặt của Romain Gary từ lâu, mà đến 5 năm sau tôi mới đọc cuốn thứ hai của ông là Lời hứa lúc bình minh, một tuyệt tác khác. Quyết định không buông tha cho Romain Gary nữa, tôi đọc ngay luôn Bao người chờ đợi qua bản dịch của Lê Vui, một cuốn sách cũ mèm và rách nát do NXB Thuận Hóa in năm 1989, nằm mốc trên kệ sách từ khá lâu. Cuốn này, nếu dịch sát thì phải là Nền giáo dục châu Âu.

Romain Gary viết xong cuốn này năm 1943, tức là trước cả kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai. Đây là câu chuyện về những người du kích Ba Lan trong chiến tranh thế giới thứ hai, trốn tránh trong rừng, và chiến đấu chống lại phát xít Đức. Cuốn sách không tập trung vào cuộc chiến đấu, mà thiên về mô tả cuộc đời của những người du kích ấy. Không có một nhân vật trung tâm, tuy nhiên có thể nói cậu thiếu niên 14 tuổi Janek được dành nhiều đất nhất. Con trai của một bác sĩ, cậu được cha mẹ cho trốn trong rừng để tránh số phận bi thảm của hai người anh trai. Cậu mau chóng nhận thấy cha sẽ không bao giờ quay lại chỗ trốn của mình trong rừng. Cậu ở lại, sống bằng tình yêu dành cho những bản nhạc, niềm hy vọng về chiến thắng của trận Stalingrad, và tình yêu của cô bé 15 tuổi Zosia. Quanh cậu, là những số phận khác, bằng những cách khác nhau trải nghiệm cái gọi là "giáo dục châu Âu": đói, lạnh, giết chóc. Văn của Romain Gary, tuy đọc qua bản dịch, lúc nào cũng cảm động.

Nếu thấy cuốn này đâu đó ở một tiệm sách cũ, bạn chớ nên bỏ qua.

Tôi vẫn còn đang kiếm cuốn thứ tư của Romain Gary được dịch ra tiếng Việt là Chó trắng, nhưng mãi vẫn chưa tìm được.

Wednesday, 16 December 2015

Yêu bà già

Năm vừa rồi, tôi yêu hai bà già. Chỉ gần đến cuối năm tôi mới phát hiện ra hai bà và đã gần như lập tức yêu hai bà đắm đuối. Hôm nay nói một chút đến bà thứ nhất.

Bà tên là Szabó Magda, người Hungary, sinh năm 1917, mất năm 2007. Tác phẩm đầu tiên và duy nhất của bà được dịch ra tiếng Việt, in trong năm 2015 vừa rồi, là Cánh cửa. Tiểu sử của bà cho biết bà là một trong những nhà văn hàng  đầu Hungary. Đất nước Hungary nhỏ bé thế mà sinh ra bao nhiêu nhà văn lớn, chắc nhờ vào phẩm chất đế quốc một thời (đế quốc Áo Hung tồn tại đến năm 1918). Đã dịch ra tiếng Việt thì có Marai Sandor (Những ngọn nến cháy tàn, Bốn mùa - trời và đất, v.v.), Imre Kertesz (Kinh cầu cho đứa trẻ chưa ra đời, Không số phận); chưa dịch ra tiếng Việt thì có Antal Szerb, Peter Nadas, và nhà văn có tên rất khó nhớ là László Krasznahorkai, chủ nhân giải Man Booker International 2015. Cả bốn người trên đều đã được dịch ra tiếng Anh nhiều. Còn Szabó Magda, kể cả trong thế giới Anh ngữ vẫn chưa được biết nhiều lắm. Cuốn Cánh cửa, được dịch ra tiếng Anh lần đầu 1995, nhưng mãi đến khi New York Review Book Classics đưa vào series của mình thì mới được đọc rộng rãi. Năm 2015, The Door được New York Times chọn là 1 trong 10 cuốn sách hay nhất trong năm.

Cánh cửa chắc chắn là một trong những tiểu thuyết hay nhất mà tôi đọc được  năm rồi. Nếu nói cuốn sách kể về cái gì, thì nghe có vẻ rất tẻ nhạt, bởi trên bề mặt nó chỉ kể về mối quan hệ giữa hai người đàn bà, một là nhà văn - xưng tôi, người kia là một bà già giúp việc nhà. 

Tuy nhiên, Emerence, tên bà già giúp việc, ắt là một trong những nhân vật văn học ấn tượng nhất, giàu cá tính nhất mà tôi từng biết. Bà lập dị, hẳn nhiên; bà lững lững, cả về tinh thần lẫn thể xác. Bà có một năng lực gần như siêu nhiên, đó là năng lực điều khiển chó, mèo,  (phải mở ngoặc con chó đực mang tên cái Viola cũng là một trong những con chó đáng nhớ nhất trong văn chương), thậm chí cho phép ai, bao gồm bản thân, được  chết hay không. 

Cái tôi thích ở Cánh cửa đó là cách mà tác giả chấm phá về lịch sử Hungary, những biến cố đất nước này trải qua, cả về chế độ chính trị, bằng cách gần như, có vẻ như chỉ tập trung vào mối quan hệ giữa hai người đàn bà. Một cuốn tiểu thuyết có thể rất chính trị, nói được nhiều điều về một đất nước,  trong khi bề ngoài có vẻ đơn giản, thậm chí tẻ nhạt. 

Riêng về Emerence, có một điểm trong tính cách của bà làm tôi nhớ tới một nhân vật trong một tiểu thuyết khác mà tôi cũng rất thích, đó là Zorba trong Tay chơi Hy Lạp. Sự liên tưởng này có vẻ hơi kỳ quái, nhưng nếu ai đọc cả hai cuốn rồi chắc sẽ đoán ra tôi muốn nói tới điểm nào.

Monday, 14 December 2015

Đọc tiểu thuyết: Trường hợp Suối nguồn

Gần đây tôi hay nhìn thấy một số ý kiến liên quan đến cuốn Suối nguồn, tức The Fountainhead, của Ayn Rand. Đại để, Suối nguồn là một trong những cuốn tiểu thuyết đáng đọc nhất, gây ảnh hưởng lớn nhất đối với người đọc abcd, hay Suối nguồn phải xếp ngang hàng với Tội ác và trừng phạt của Dos, Trăm năm cô đơn của G.G. Marquez, Âm thanh và cuồng nộ của Faulkner, hay Núi thần của Thomas Mann v.v. Có ý kiến còn cho rằng phải đạt một trình độ nhất định mới thưởng thức được Suối nguồn.

Bản thân tôi có một kỷ niệm hết sức sâu sắc về Suối nguồn. Đó là một lần đi chơi với bạn gái, giận dỗi gì đó, tôi bèn đem cuốn sách mang theo bên mình khi ấy, tình cờ là The Fountainhead, ra đọc liền một mạch 200 trang. Sau 200 trang đó thì thôi, vì cuộc giận kia đã kết thúc. Từ đó, chưa một lần tôi đọc tiếp hay đọc lại Suối nguồn. Tuy vậy, không cần phải đọc hết một cuốn sách mới biết cuốn sách ấy như thế nào.

Đáng đọc hay không, hoặc ảnh hưởng thế nào đến cá nhân, xin không bàn, vì đó là cảm nhận riêng của mỗi người. Nhưng có một điều cần nói rõ, đó là Suối nguồn không phải là tiểu thuyết văn học đích thực, do đó không thể xếp ngang hàng với các cuốn nhắc trên.

Bản chất của tiểu thuyết là đa nguyên, tinh thần của tiểu thuyết là sự phức tạp. Suối nguồn làm ngược lại tinh thần này. Nó đơn giản hóa mọi sự, bởi lẽ Ayn Rand viết cuốn này để minh họa cho tư tưởng của bà. Suối nguồn do đó là một loại văn nghệ minh họa, không khác gì nhiều tác phẩm văn nghệ minh họa khác mà chúng ta quá quen thuộc, duy chỉ minh họa cho một tư tưởng khác mà thôi.

Thích hay không thích xin tùy ý, nhưng về mặt khách quan, vạn vật đều có chỗ của nó.


Tuesday, 27 October 2015

Chậu hoa trong phòng làm việc



Trong phòng làm việc của tôi có một chậu hoa.

Ngày chưa có chậu hoa, đồng nghiệp bước vào phòng, hỏi dăm ba câu, hoặc bàn luận công việc, rồi đi. 

Một hôm, tôi phát hiện ra mình có quyền đề nghị đặt một chậu hoa trong phòng. Thế là chậu lan được mang đến.

Căn phòng có chậu lan như sáng hơn, nhẹ nhõm hơn. Ai bước vào phòng cũng nhận ra chậu hoa có mặt. Ai cũng trầm trồ. Ai cũng nhắc đến chậu hoa trước khi bàn công việc.

Đều đặn khoảng ba, bốn tuần một lần, những người tạp vụ lại vào phòng thay chậu hoa sắp tàn bằng một chậu hoa mới. Nhờ thế, quanh năm phòng lúc nào cũng có hoa tươi.

Nhưng không còn ai để ý đến chậu hoa có mặt. Đồng nghiệp ghé phòng bàn công việc rồi đi, dĩ nhiên không nhắc gì đến chậu hoa nữa. Họ đã quen thuộc với hiện diện của chậu hoa. Cả tôi, tôi cũng quên phòng mình có hoa.

Nhớ hay quên, thì chậu hoa vẫn ở đó thôi, trên kệ, sau lưng tôi, gần cửa sổ. Có phải vì không được để ý tới mà chậu hoa thôi hiện diện đâu? Có phải vì không được để ý tới mà chậu hoa thôi giúp cho căn phòng sáng hơn, nhẹ nhõm hơn đâu?

Quanh đời ta, thật ra có rất nhiều chậu hoa.

Tuesday, 2 June 2015

Sách đọc 2014


Theo truyền thống, cuối năm nào cũng tổng cái sự đọc trong năm. Năm nay, không còn là full time reader như năm trước, dĩ nhiên đọc ít đi hơn.  Tuy nhiên, sự khoan khoái không vì thế mà bớt lại. Những cái khoan khoái nhất được ghi lại dưới đây, theo thứ tự đọc, không phải theo thứ tự khoái:
  1. Alice ở xứ sở thần tiên (Lewis Caroll): Kể cũng hơi xấu hổ, đây là lần đầu tiên đọc trọn cuốn này, nhờ đọc cho Alpha và Pi. Trước đó, chỉ đọc bản rút gọn. Truyện cho trẻ con mà bố thấy hay, sự không phải bàn thêm.

  2. Alexis Zorba – Con người hoan lạc (Nikos Kazantzaki, Dương Tường dịch): Đọc lần thứ hai. Lần đọc sau thấy cuốn sách làm mình yêu đời hơn lần trước. Đây sẽ là cuốn sách cứ hai, ba năm cần đọc lại một lần.
  3. Kaputt (Curzio Malaparte): Chiến tranh thế giới thứ hai qua mắt một nhà báo Ý, nhưng đây không phải là tác phẩm báo chí mà là tác phẩm văn học. Tôi thích cuốn này vì sự khốc liệt, thông minh và hài hước của nó.
  4. Đời tôi (Marcel Reich-Ranicki, Lê Chu Cầu dịch): Cuốn sách này nói với tôi hai điều: Thứ nhất, một tình yêu, ở đây là tình yêu văn chương, có thể giúp người ta vượt qua qua những quãng thời gian đọa đày nhất như thế nào; thứ hai, làm một nhà phê bình văn học đích thực nghĩa là thế nào. Quyển sách này nhất định rất có ích cho các nhà văn.
  5. The spy who came from the cold (John le Carré, đã có bản dịch tiếng Việt hình như là Người về từ miền đất lạnh): Đỉnh cao thể loại tiểu thuyết gián điệp.
  6. The road (Cormac McCarthy): U tối và đầy ám ảnh, đồng thời cũng là câu chuyện tuyệt đẹp về cha và con trai.
  7. Memet, chàng mảnh khảnh (Yaşar Kemal, Trần Dần dịch từ bản tiếng Pháp): Thiên anh hùng ca về một tướng cướp xuất thân nông dân. Văn chương khoái hoạt vô cùng, bản dịch của Trần Dần cũng tuyệt diệu. Mười lăm, mười sáu tuổi mà đọc được cuốn này thì mơ làm tướng cướp mất thôi. May mà đã qua tuổi đó.
  8.  Tình cuồng (Raymond Radiguet, Huỳnh Phan Anh dịch): Một tuyệt phẩm nho nhỏ về tình yêu. Điều kinh ngạc nhất là làm thế nào Raymond Radiguet có thể viết cuốn này khi mới mười bảy tuổi.
  9. Chúa tể những chiếc nhẫn (J.R.R. Tolkien, nhóm dịch giả Nhã Nam): Có lẽ không cần nói thêm gì về bộ truyện này vì nó quá nổi tiếng.
  10. Thương (Toni Morrison, Hồ Như dịch): Nhiều khi đọc tiểu thuyết chỉ là để nhớ một cảnh như thế này: một bà mẹ da đen cầm cưa, cưa đứa con mười mấy tháng tuổi của mình để nó khỏi rơi vào cảnh nô lệ.
  11. Mù lòa (José Saramago, Phạm Văn dịch): Chuyện gì xảy ra khi tất cả chúng ta đều mù? Con người sẽ đối xử với nhau như thế nào? Trong tuyệt vọng, man dã, rốt cuộc cũng có những điểm sáng. Con người tuy tệ, nhưng vẫn không đến mức phải mất hết cả lòng tin vào con người.
  12. Lời hứa lúc bình minh (Romain Gary, Nguyễn Duy Bình dịch): Tuyệt.
(Note này viết cuối năm rồi.)

Sunday, 29 March 2015

Henry Miller nơi quán cóc

Kể từ ngày phát hiện ra quán cóc gần công ty, nằm trong con hẻm cụt, và dưới một gốc cây, trông giống như cây si nhưng còn nhỏ, khép nép nằm sát mép tường, hầu như trưa nào tôi cũng ăn thật nhanh, rồi lững thững cầm cuốn sổ tay sang ngồi ở đấy. Khó có thể nói rằng quán có gì đặc biệt. Trưa nào, ngoài tôi chỉ có mấy cậu hẳn cũng làm công ty nào gần đấy, kéo đến làm ly cà phê, rít điếu thuốc, đánh ván cờ, hoặc hí hoáy trên smartphone. Hết giờ nghỉ trưa mọi người kéo nhau đi, nhanh như lúc kéo đến. Cà phê ở quán không tệ, nhưng còn lâu lắm mới bén gót thứ cà phê Arabica bạn Quyên thửa riêng cho tôi bên cafesieusach. (Ờ, cà phê ngon nên nhắc đến, chứ bản thân những nhãn hiệu hay quảng cáo có chữ siêu sạch này ngầm ẩn một nỗi buồn, buồn hơn rất nhiều so với nỗi buồn vu vơ khi ngắm mưa rơi, đợi từng giọt nâu rơi và lòng ai chơi vơi. Gần đây tôi phỏng vấn một số sinh viên luật năm cuối để tuyển tập sự cho bộ phận Pháp chế của công ty (tôi ghét từ pháp chế này ghê gớm, nhưng đây là ví dụ tiêu biểu về việc chung sống hòa bình với những thứ mình ghét, vì cứ ghét mà đạp đổ rất dễ xảy ra chiến tranh), các em đều sắp tốt nghiệp từ lớp Chất lượng cao. Một mặt, tôi hiểu nhu cầu trường Luật muốn tạo ra một nhóm sinh viên đặc tuyển, có khả năng đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường lao động; một mặt, tôi nghĩ đó là chuyện bất thường.  Rất khó hình dung một lớp cử nhân chất lượng cao ở một đại học nước ngoài, xa như của Mỹ, Úc, hay gần như láng giềng Singapore chẳng hạn, nơi bác Lý vừa mới qua đời đã dấy lên một loạt tranh luận ở Việt Nam thay cho tranh luận về chặt cây hay ôm cây, tranh luận này, đến lượt nó thay thế cho tranh luận về có ruồi hay không có ruồi, mà chắc chắn nếu không có ruồi thì tôi đã viết một tiểu thuyết vĩ đại ngang ngửa 2666 của Roberto Bolano hay xa hơn, Tristram Shandycủa Laurence Sterne, cả hai đều có hằng hà sa số những đoạn ngoại đề, ngoại đề thôi chứ không trữ tình, cuốn đầu, đọc xong đã có thể coi là một thành tựu vĩ đại, vì bản tiếng Anh đã dài hơn 900 trang ken đặc chữ, thỉnh thoảng chèn vào những liên tưởng lạ lùng, đôi khi từ thần thoại Hy Lạp, đôi khi từ Kinh Thánh, đôi khi từ một thế giới khác, có lẽ vì bản thân Bolano không chỉ là tiểu thuyết gia mà còn là nhà thơ, và ông coi mình là nhà thơ hơn là tiểu thuyết gia, và ông cũng nói cuốn sách duy nhất của ông không làm ông đỏ mặt khi nhắc tới lại là Antwerp, một cuốn sách khổ nhỏ, mỏng dính, chưa tới trăm trang, về hình thức là văn xuôi nhưng về tinh thần lại gần với thơ hơn, vì vậy khó đọc do chứa đựng quá nhiều hình ảnh khó nắm bắt, tuy tôi có thể nuốt hơn một cuốn 900 trang như 2666 hay gần 700 trang như The Savage Detectives, nhưng không thể nào đọc quá ba trang cuốn Antwerp này mà không bỏ sách xuống, một tình trạng rất khác tình cảnh khi đọc 2666, bởi đọc 2666 có muốn bỏ sách xuống cũng khó, vì ngay khi nảy ra ý định đó thì người đọc đã tê tay, một vấn đề cho thấy để đọc sách ngoài việc ham đọc, muốn đọc, người ta còn phải có thể lực tốt, đó có thể là lý do mà nhiều bạn bè tôi, sau khi tốt nghiệp đại học đã trở nên xa lạ với sách, cụ thể họ không đọc nữa, việc họ không đọc có nhiều nguyên nhân, tôi đoán thế, nhưng một trong các nguyên nhân có thể  là họ sa sút về thể lực, nên nhấc cuốn sách lên và giữ nó trên tay hàng giờ là một đòi hỏi quá khắc nghiệt về mặt thể chất, mà để nghiền ngẫm sự sa sút về thể chất đó, họ thà ngồi hàng giờ ở quán cà phê thả từng vòng khói vào hư không, về nguyên tắc là vô định, còn cuốn thứ hai, tức cuốn của Laurence Sterne, có thể coi là một ông tổ về tiểu thuyết, thì mất hàng trăm trang mà chưa kể xong sự ra đời của mình, motif này được nhìn thấy lại trong Những đứa con của nửa đêm của Salman Rushdie, phải gần hai trăm trang sách khổ to và chữ nhỏ, khoảng cách giữa các chữ hẹp, thì nhân vật tôi mới kể xong chuyện mình chào đời, mà sự chào đời ấy đã được mở ra theo phong cách cổ tích ngay từ dòng đầu tiên của cuốn sách, vốn nằm trên kệ nhà tôi từ rất lâu, nếu nói đến bản tiếng Anh thì còn lâu hơn nữa, tôi vốn có sở thích chất sách quanh nhà, bụi bặm tuy khó tránh khỏi nhưng được bao quanh bởi sách là một thú vui, chưa kể, băn khoăn chọn đọc cuốn nào vào thời điểm nào lại là một thú vui khác, chẳng hạn mới ăn cơm xong thì đọc cuốn gì, trước khi đi ngủ thì đọc cuốn gì, và trong ba mươi phút nghỉ trưa thì có thể đọc cuốn gì, đến mệnh đề này thì tôi đã đi rất gần đến chủ đề của bài viết, nhưng rất có thể những gì tôi viết sẽ không đâu vào đâu, nếu chỉ chăm chăm đi tìm mục đích, rất nhiều khi ta quá chăm chú đến mục đích mà quên mất đường đi, trong khi đường đi là cả một niềm vui lớn, chẳng hạn mới gần đây, rất gần, cụ thể là hôm kia, tôi hoàn thành một việc, rất tình cờ việc ấy đã lấy mất của tôi chín tháng mười ngày, hoặc cũng có chỉ thể chín tháng chín ngày, dĩ nhiên tôi rất vui, rất nhẹ nhõm khi xong việc, nhưng liệu có thể nào tôi đợi đến những chín tháng mười ngày, hoặc cũng có thể chín tháng chín ngày, để hưởng một niềm vui, biết rằng niềm vui ấy không kéo dài quá hai mươi tư tiếng, ắt không, vì cho dù chín tháng mười ngày hoặc chín tháng chín ngày, tôi sẽ không kiên nhẫn đến thế nếu trên đường đi tôi không bỏ qua chút cơ hội nào tận hưởng từng giây phút lăn lê bò toài trên đường, mở rộng tầm mắt, trao đổi với bạn bè, đào sâu suy ngẫm, làm quen với những người bạn mới, và những thứ thu lượm trên đường đi như thế, vô hình hay hữu hình, đều quý giá, mang lại cho tôi sự sảng khoái không kém hơn sự sáng khoái khi hoàn thành công việc, hay ví như việc đọc sách, nhất là tiểu thuyết, đọc tiểu thuyết để làm gì, nhiều người đặt câu hỏi, rất lạ nhiều người hay hỏi như thế, về phương diện này với tư cách một môn nghê thuật tiểu thuyết có vẻ bị đối xử kém công bằng so với hội họa hay âm nhạc, vì giả dụ nếu ai đó hỏi người khác nghe bản nhạc này để làm gì hẳn thế nào cũng bị ném cho một tia nhìn nghi hoặc hoặc khinh khi. Henry Miller, người đồng hành cùng tôi trong suốt hơn hai tháng qua, người cùng tôi ngồi trong góc quán hoặc dưới gốc cây, một thứ cây gần giống cây si nhưng còn nhỏ, tán không quá xum xuê, chỉ đủ để làm dịu một chút cái nắng chang chói của tháng ba, đã bảo nếu ông đọc được một đoạn hay trong một cuốn sách, thì ông sẽ không đọc tiếp, ông sẽ ngưng lại, sẽ đi ra đường, sẽ ngửa mặt nhìn trời, nghe chim hót, hít một hơi thở dài, để cho âm hưởng của đoạn văn đẹp đẽ hoặc sáng láng ấy ngân nga trong đầu, chẳng lý gì mà phải vội vã  lao sang trang tiếp theo, lao về đoạn kết, cái đẹp cần được chắt chiu và tận hưởng. Tôi học ngay bài ấy và áp dụng với chính ngay sách của ông, nên gần hai tháng qua mà sách ông tôi chưa đọc xong, vì cứ đọc được vài đoạn, hoặc nhiều lắm một hai trang là tôi dừng lại, ngẩng mặt lên trời nhìn trần nhà, hoặc nếu đang dưới gốc cây thì nhìn tán cây, hít một hơi dài trong lúc chân gõ nhịp theo giọng Sơn Tùng MTP, hoặc đơn giản nhấc ly cà phê luôn luôn là cà phê đá, cũng được quảng cáo là cà phê sạch nhưng không phải cafesieusach, làm một ngụm. Ghép chữ sạch, hoặc siêu sạch, vào thương hiệu hay quảng cáo của mình rõ ràng không phải phát minh của các bạn chủ cafesieusach. Trước đó, ta đã có nước mía siêu sạch, tôi không biết nên viết hoa hay viết thường, nhưng tôi ý muốn nói đến các tủ nước mía thường xuất hiện tại các trung tâm thương mại, giá bán một ly tầm từ mười bảy đến hai mấy nghìn đồng. Và dĩ nhiên, ta còn có rau sạch, thịt sạch, hải sản sạch, đậu hũ sạch, nước tương không 3-MCPD (một đỉnh cao). Và ta còn có xe buýt mẫu, tuyến đường văn minh, khu phố văn hóa. (Tôi đau lòng biết bao khi thấy bao nhiêu khu dân cư thuần hậu, nhất là ở miền quê, cũng bị dựng lên một cổng sắt vô tri dương dương tấm bảng khu phố văn hoá.) Và giờ thì cử nhân chất lượng cao. Câu hỏi đặt ra đơn giản là: Vậy, phần còn lại thì sao? Rau độc, thịt ôi, nước tương có thể có 3-MCPD và cử nhân chất lượng dấu chấm hỏi? Khi cái đáng lẽ ra là quy chuẩn, là thông thường, lại được quảng bá như yếu tố tạo sự khác biệt, thì ấy là điều bất thường. Điều đáng nói là người tiêu dùng đang phải trả một cái giá cao hơn để được hưởng thụ những dịch vụ, hàng hóa với những tiêu chuẩn lẽ ra là thông thường ấy. Pay the premium to get the standard, not pay the premium to get the premium.) Hôm đầu tiên đến quán, tôi đi một mình. Tôi phát hiện ra quán này sau một bữa trưa lang thang đi ăn một mình. Tôi hay đi ăn trưa một mình không phải vì không tìm ra ai đi cùng, mà vì ít ai chịu đi bộ xa như tôi, vả lại đi một mình cũng tốt, có thể suy nghĩ không bị ai quấy rấy. Trong lúc khoái trá nhâm nhi cà phê, tôi đã kịp vẽ ra kế hoạch mình sẽ làm gì với quán cà phê này trong những ngày sắp tới. (Kế hoạch ấy là, như đã nói, ăn trưa thật nhanh rồi ra đây ngồi tầm 30-40 phút, cầm thêm một cuốn sách. Để cầm sách đi ra đi vào công ty mà không bị ai thắc mắc, tốt nhất kẹp vào một cuốn sổ. Tôi nhớ đã có sẵn một cuốn sổ bìa da, đúng hơn là giả da, trong văn phòng. Sổ năm 2012 hay 2013 gì đó, loại in sẵn ngày tháng năm trên từng trang. Tôi sẽ gỡ hết đống ruột vô dụng bên trong và kẹp sách vào là đã có thể ngụy trang hoàn hảo cho cuốn sách.) Đến lúc gọi tính tiền, sờ túi, thì mới phát hiện ra mình không mang ví theo. Anh chủ quán khoác tay nói bữa sau tính. Bữa sau tôi tự khai, chứ anh chủ quán không thấy đâu, mà chị chủ quán cũng không biết tôi là con nợ. Bữa sau là bữa tôi ngồi với Vĩnh, nên thật ra cũng chưa mang sách theo. (Về Vĩnh: Tôi mới gặp Vĩnh lần thứ hai, mặc dù anh em đọc nhau trên mạng đã lâu. Vĩnh không hay viết về văn chương sách vở như tôi. Vĩnh xuất thân làm  toán, chuyển sang làm báo, rồi giờ làm đậu phụ, hay có những kiến giải về thời sự mà tôi chia sẻ. Ngoài đời, Vĩnh không hoạt ngôn như trên mạng, tôi cũng thế, đâm ra anh em ngồi với nhau chủ yếu nhìn trời, thỉnh thoảng buông một câu, như cà phê thỉnh thoảng rơi một giọt. Vĩnh cũng rất thích cái quán mà tôi phát hiện ra. Có lẽ vì cũng như tôi, ngồi trong những quán như thế này, Vĩnh nhìn ra tinh thần của hẻm Sài Gòn. Tinh thần ấy là gì, đừng hỏi tôi. Cũng hệt như trong nhiều lần tán dóc với bạn bè, mỗi lần tranh luận về dịch thuật, tôi hay nói rằng trong dịch tiểu thuyết, quan trọng nhất là chuyển tải đúng “tông” tác phẩm. Cũng đừng hỏi tôi “tông” là cái gì, làm sao thì biết đúng “tông” hay không đúng “tông”. Chẳng phải thứ gì cũng đo đếm, định lượng được đâu. Ảnh chứng minh nhân dân chụp đúng từng nét một, không bỏ qua cả cái một cái nốt ruồi e thẹn nằm lấp ló, thì vẫn chỉ có thể là ảnh chứng minh nhân dân chứ chẳng thể nào là ảnh nghệ thuật được.) Phải đến bữa sau nữa thì cái kế hoạch mà tôi vẽ ra từ hôm đầu tiên đến quán mới bắt đầu được thực hiện. Cuốn sách tôi chọn mang theo là cuốn tôi đã bắt đầu đọc từ khá lâu, nhưng mỗi ngày chỉ đọc được hai, ba trang, chủ yếu trước giờ đi ngủ. Đó là một cuốn tuyển tất cả những gì Henry Miller viết về viết văn, trích ra từ những cuốn sách khác của ông. Sách do một nhà Henry Miller học biên soạn (kiểu như nhà Văn Cao học, hay nhà Vũ Trọng Phụng học). Tôi biết đến cuốn này nhờ vào cuốn Con đường sáng tạo của Nguyễn Hữu Hiệu, trong đó Nguyễn Hữu Hiệu có dịch một bài viết của Henry Miller. Đây là một cuốn sách thích hợp để đọc vào những giờ nghỉ trưa ngắn ngủi, mỗi lần vốn chỉ đủ thời gian đọc vài trang và cũng chỉ nên đọc vài trang, vì ta có thể mở bất cứ trang nào và đọc bất cứ đoạn nào, hoàn toàn không cần dùng bookmark. (Tiện thể, vài năm gần đây, mua sách thường được tặng kèm bookmark, thật là cái phong hoá sách của ta bây giờ đã bằng năm bằng mười năm ngoái.) Hầu như trang nào cũng có vài câu khiến tôi phải dừng lại, đọc lại, hoặc dừng lại hẳn, như thể trưa hôm đó với tôi đọc được câu đó thôi là đủ, mặc dù văn của Henry Miller là thứ văn cực kỳ trôi chảy, như một dòng sông không ngừng tuôn, biết rằng để viết được dòng văn tuôn chảy ấy, Henry Miller đã trải qua những năm vật vã như thế nào. Ông đã viết văn chuyên chú trong bảy năm trời liên tục mà không xuất bản được bất kỳ một cuốn sách nào. (Yên tâm nhé bạn, hai cuốn tiểu thuyết nhét trong hộc tủ chưa là gì, mặc dù trường hợp của bạn sách không ra được lý do có khác.) Ông đã học được rằng, người ta phải viết nhiều, rất nhiều, trước khi ký tên của mình lên một cuốn sách. Ông đã học được rằng, để trở thành nhà văn, người ta phải từ bỏ mọi thứ và không làm bất cứ gì khác ngoài viết, rằng người ta phải viết và viết và viết, kể cả khi tất cả mọi người trên thế giới khuyên bạn nên bỏ cuộc, bảo bạn rằng văn chương của bạn là thứ rác rưởi, không ai tin bạn cả. Ông đã nhận ra rằng không phải ngủ một đêm dậy là người ta trở thành nghệ sĩ, mà trước hết, “bạn phải bị nghiền nát, để cho những quan điểm trái ngược của bạn bị huỷ diệt. Bạn phải bị xoá sạch với tư cách một con người để tái sinh như một cá thể.” Ông cũng học được rằng chỉ cần mỗi ngày viết đều đặn hai hay ba tiếng đồng hồ thôi thì người ta có thể viết được những cuốn sách dày cỡ nào cũng được, không nhất thiết phải đính mông vào ghế mười tiếng một ngày. Một chiến lược tương tự có thể áp dụng cho việc đọc: đều đặn đọc mỗi ngày hai tiếng, người ta có thể đọc được hầu hết những gì đáng để đọc. Đừng hỏi lấy đâu ra hai tiếng một ngày. Nếu có thời gian xem tivi, uống bia, chém gió, lướt web, lên facebook, đi ra đi vô không làm gì, thì tất có thời gian để đọc. Vấn đề là muốn hay không mà thôi. Ở quán cà phê cóc này mỗi trưa tôi đọc Miller. Anh chị chủ quán rất ý tứ, hôm nào tôi ngồi ngoài sân thì thôi, hôm nào tôi ngồi trong nhà dẫu đang mở Sơn Tùng hay Bằng Kiều anh chị sẽ chuyển sang nhạc không lời hoặc tắt hẳn. Thật ra có để nhạc có lời tôi cũng không phiền. Tôi đọc Miller và tôi xiết bao mong những người bạn viết của tôi cũng được đọc cuốn này. Bạn viết, tức là bạn có viết lách, không phải bạn viết theo nghĩa bạn văn. Tôi chưa bao giờ coi tôi là người viết cả. Tôi đặc biệt nhớ tới Đức. Tôi nghĩ nếu quẳng nó sang Paris bảy năm chắc nó sẽ viết được như Miller, vì nó có những phẩm chất khá giống Miller. Chẳng hạn những chuyện nó viết đều là tự truyện. Miller cũng thế. Một thời điểm nào đó ông quyết định rằng ông chỉ có thể viết về những gì mà ông biết rõ, mà biết rõ nhất là cuộc đời của chính mình, vì vậy toàn bộ sách ông biết đều là tự truyện. Ông rẻ rúng văn chương, ông đặt cuộc đời lên trên văn chương, hơn một lần ông nói rõ điều đó. Tất nhiên, có những nhà văn ông yêu thích và chịu ảnh hưởng, nhưng những người ông ngưỡng mộ hơn cả là Jesus, Lão Tử, Thích Ca, Ramakrishna, Krishnamurti, vì ảnh hưởng của họ đối với cuộc đời. Ông nói: “Thước đo duy nhất tôi sử dụng là cuộc đời: con người ta đứng thế nào trong mối tương quan với cuộc đời.” Và nói: “Các thiên tài đều là những con đĩa hút chung thứ máu: cuộc đời.” Máu sẵn có, vấn đề ta có biết cách hút hay không thôi. Tôi mong người viết, cho dù tài tử hay chuyên nghiệp, như Đức đọc được cuốn sách này. Nhưng Đức không thạo tiếng Anh, mà chỉ giỏi tiếng Nga. Có lẽ tôi sẽ dịch cuốn sách này, Henry Miller on Writing, sang tiếng Nga cho nó.

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN