Cha tôi
Orhan Pamuk
Đêm
đó tôi về nhà muộn. Người ta bảo tôi rằng cha tôi đã mất. Cùng với cơn nhói đau
đầu tiên hiện về trong tôi một hình ảnh từ thời thơ ấu: cặp chân gầy tong của
cha tôi trong chiếc quần soóc.
Hai
giờ sáng tôi đến nhà ông để nhìn ông lần cuối. Người ta nói, “Ông nằm trong
phòng đằng sau.” Tôi vào trong. Vài giờ sau khi tôi quay trở ra đại lộ
Valikonaği, ngay trước bình minh, những con phố của Nişantaşı vắng hoe và lạnh
cóng, và cửa sổ các cửa tiệm lờ mờ sáng mà tôi đã dạo ngang năm mươi năm nay
trông dường như xa xăm và lạ lẫm.
Suốt
buổi sáng, không ngủ và như thể còn trong một giấc mơ, tôi nói chuyện trên điện
thoại, tiếp khách, ngập đầu trong các thủ tục tang lễ; và sau một hồi tiếp nhận
các lời nhắn, yêu cầu, lời cầu nguyện, giải quyết vài tranh cãi nho nhỏ và viết
cáo phó tôi chợt hiểu tại sao trong mọi tang lễ nghi thức trở nên quan trọng
hơn người đã khuất.
Buổi
tối, chúng tôi đến Nghĩa trang Edirnekapı chuẩn bị cho việc chôn cất. Khi anh
tôi và người em họ vào trong tòa nhà hành chính nhỏ của nghĩa trang, tôi nhận
ra mình ngồi một mình với tài xế trên ghế trước taxi. Lúc đó người tài xế bảo
tôi rằng anh ta biết tôi.
“Cha tôi mất,” tôi bảo anh ta. Không suy
nghĩ trước, và ngạc nhiên với chính mình, tôi bắt đầu kể anh ta nghe về cha
tôi. Tôi kể với anh ta rằng cha tôi là một người rất tốt bụng, và quan trọng
hơn, tôi yêu ông. Mặt trời bắt đầu lặn. Nghĩa trang vắng vẻ, im lìm. Những tòa
nhà xám đổ bóng xuống nghĩa trang đã mất vẻ ảm đạm thường ngày; chúng phản xạ một
thứ ánh sáng kỳ lạ. Trong khi tôi nói, một luồng gió lạnh mà chúng tôi không
nghe thấy tiếng làm đong đưa đám cây tiêu huyền và cây bách, và hình ảnh này khắc
ghi vào tâm trí tôi, như cặp chân gầy tong của cha tôi.
Khi
rõ là còn phải chờ rất lâu, người tài xế, lúc này đã bảo với tôi rằng hai chúng
tôi có tên giống nhau, vỗ lưng tôi hai cái, mạnh và đầy chia sẻ, rồi đi. Những
gì tôi kể với anh, tôi không kể với ai khác. Nhưng một tuần sau, điều này trong
tôi hòa lẫn với ký ức và nỗi buồn của tôi. Nếu tôi không chép lại thành ngôn từ,
nó sẽ lớn dần lên và làm tôi bải hoải đau đớn.
Khi
nói với người tài xế rằng, “Cha tôi chưa bao giờ cáu giận tôi dầu chỉ một lần,
chưa bao giờ la mắng tôi, chưa bao giờ đánh tôi,” tôi đã nói mà không suy nghĩ
mấy. Tôi đã quên không đề cập những hành vi tử tế vĩ đại nhất của ông. Khi tôi
còn nhỏ, cha tôi luôn xem mọi bức tranh tôi vẽ với vẻ ngưỡng mộ nhiệt thành; khi
tôi hỏi ý kiến, ông sẽ nghiên cứu từng câu văn nguệch ngoạc của tôi như thể đó
là kiệt tác; ông sẽ cười ha hả với những chuyện đùa nhạt nhẽo và ngốc nghếch nhất
của tôi. Nếu không có niềm tự tin ông trao, sẽ khó hơn rất nhiều để tôi trở
thành nhà văn, để chọn viết lách làm nghiệp. Sự tin tưởng ông dành cho chúng
tôi, và cách ông dễ dàng thuyết phục anh tôi và tôi rằng chúng tôi là những đứa
trẻ xuất sắc và độc đáo, xuất phát từ sự tự tin vào trí tuệ của chính ông. Theo
cách thức ngây thơ trẻ con của ông, ông thành thực tin rằng chúng tôi chắc chắn
phải xuất sắc, chững chạc, và thông minh như ông, đơn giản chỉ vì chúng tôi là
con trai ông.
Ông
là người trí tuệ nhạy bén: Ông có thể ngay lập tức đọc thuộc lòng một bài thơ của
Cenap Şahabettin, đọc số pi tới số lẻ thứ mười lăm, hoặc đoán đúng một cách xuất
sắc cái kết bộ phim chúng tôi đang cùng xem. Ông không khiêm tốn lắm, ông thích
kể lại những chuyện cho thấy ông thông minh như thế nào. Ví dụ, ông thích kể
cho chúng tôi nghe chuyện khi ông còn đang học cấp hai, hồi đó vẫn còn mặc quần
soóc, làm thế nào mà giáo viên toán gọi ông vào một lớp học cùng những đứa lớn
nhất trong trường, và cách mà - sau khi cậu bé Gündüz lên bảng giải một bài
toán mà bọn trẻ con hơn cậu ba tuổi đều bí còn giáo viên đã phải xuýt xoa “Giỏi
lắm” - cậu bé xoay sang đám trẻ kia nói, “Có vậy thôi!” Trước ví dụ ấy, tôi thấy
mình lấn cấn giữa sự ganh tị và niềm mong ước được giống ông hơn.
Tôi
cũng có thể nói như vậy về vẻ bảnh bao của ông. Ai cũng nói tôi giống ông, trừ
mỗi việc ông đẹp trai hơn. Như cái gia tài cha ông (ông nội tôi) để lại mà ông
chưa bao giờ làm cho khánh kiệt được bất chấp bao lần thất bại trong kinh
doanh, vẻ bảnh bao cũng giúp ông sống một cuộc đời vui vẻ, thoải mái, nên ngay
cả trong những ngày tồi tệ nhất, ông vẫn lạc quan một cách ngây ngô, bồng bềnh
với những dự định tốt đẹp và một niềm tự tôn không lay chuyển, không gì sánh nổi.
Với ông, đời không phải để kiếm sống mà là để thụ hưởng. Thế giới không phải là
chiến trường, mà là hí trường, là sân chơi, và khi nhiều tuổi hơn ông bắt đầu
thấy hơi bực mình những lúc chứng kiến tiền của, trí tuệ, và vẻ bảnh bao mà ông
hưởng thụ trọn vẹn thời trẻ chẳng khiến danh tiếng hay quyền lực của ông được
phóng to tới mức ông có lẽ đã mong muốn. Nhưng, cũng như trong mọi trường hợp
khác, ông không lãng phí nhiều thời gian lo lắng về điều này. Ông có thể rũ bỏ
mọi bực tức với cùng phong cách thoải mái trẻ thơ lúc ông gạt đi bất kỳ ai, hay
vấn đề hay của cải nào mang lại cho ông rắc rối. Nên ngay cả khi đời ông xuống
dốc từ sau ba mươi tuổi, thất vọng kế tiếp thất vọng, tôi chưa bao giờ nghe ông
phàn nàn. Khi tuổi đã cao, có lần ông ăn tối với một nhà phê bình có tiếng, sau
này tôi gặp lại ông ấy, ông ấy thốt lên với chút phật ý, “Cha anh chẳng biết mặc
cảm là gì!”
Phong
cách lạc quan theo kiểu Peter Pan của ông tránh cho ông khỏi những cơn giận dữ
và ám ảnh. Cho dù ông đọc nhiều sách, mơ trở thành nhà thơ, và từng dịch một số
bài thơ của Paul Valéry, tôi tin là ông quá thoải mái trong trong cái vỏ của
mình và quá chắc chắn về tương lai, nên sự say đắm thiết yếu cần cho sáng tạo
văn chương chưa bao giờ bám rễ vào ông. Thời trẻ ông có một thư viện khá oách,
về sau ông vui vẻ cho tôi tiếp quản nó. Tuy nhiên ông không đọc sách như kiểu
tôi, ngấu nghiến và quay cuồng vì phấn khích; ông đọc sách chỉ cho vui, hay để
giải trí, và nhiều khi ông bỏ dở chừng. Trong khi các ông bố khác có thể nói bằng
cái giọng nghiêm nghị của các vị tướng hay lãnh tụ tôn giáo, thì cha tôi kể cho
tôi nghe chuyện ông cuốc bộ trên đường phố Paris nhìn thấy Sartre hay Camus (thể
loại nhà văn mà cha tôi ưa thích), những chuyện đó gây ấn tượng sâu đậm với
tôi. Nhiều năm sau này, khi tôi gặp Erdal İnönü (một người bạn thuở thiếu thời
của cha tôi và là con trai tổng thống thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ, sau Atatürk) tại
buổi khai trương một phòng tranh, ông mỉm cười kể tôi nghe về một bữa ăn tối tại
dinh tổng thống ở Ankara mà cha tôi khi đó mới hai mươi tuổi có tham dự; khi
Ismet Pasha chuyển sang đề tài văn chương, cha tôi đặt câu hỏi, “Tại sao chúng
ta chẳng có tác giả nổi tiếng thế giới nào?” Mười tám năm sau khi tôi xuất bản
tiểu thuyết đầu tiên, cha tôi có phần ngượng ngùng trao cho tôi một cái va li
nhỏ. Tôi biết rất rõ tại sao khi tìm thấy trong đó nhật ký, những bài thơ, ghi
chép và những viết lách văn chương của ông tôi cảm thấy bất an: Đó là hồ sơ -
là bằng chứng - của một đời sống nội tâm. Ta không muốn cha chúng ta là những
cá nhân, ta muốn họ chồng khít vào cái hình mẫu lý tưởng của ta về họ.
Tôi
thích những khi ông dẫn tôi đi xem phim, và tôi thích thú lắng nghe ông bình luận
về những bộ phim chúng tôi xem với những người khác; tôi yêu thích những lời
nói đùa của ông về những kẻ ngu ngốc, xấu xa và không có tâm hồn cũng ngang bằng
sự thích thú khi nghe ông nói về một loại trái cây mới, một thành phố ông đã viếng
thăm, tin tức mới nhất, hay cuốn sách mới nhất; nhưng trên cả tôi thích được
ông ôm tôi vào lòng âu yếm. Tôi thích được ông chở đi chơi bằng ô tô, bởi vì ngồi
cùng nhau trong xe, ít nhất trong một lát tôi có cảm giác tôi không đánh mất
ông. Khi ông lái xe, chúng tôi không thể nhìn vào mắt nhau nên ông nói chuyện với
tới như với một người bạn, động đến những vấn đề khó khăn tinh tế nhất. Sau một
lúc, ông dừng lại để kể chuyện tiếu lâm, dò sóng radio, rồi nói chuyện về bất cứ
thứ âm nhạc nào lọt đến tai chúng tôi.
Nhưng
tôi thích nhất là được gần gũi ông, sờ nắn ông, ở ngay bên cạnh ông. Khi còn là
học sinh trung học, và ngay cả những năm đầu đại học, trong những ngày chán nản
nhất, bất chấp bản thân, tôi mong ông đến nhà để ngồi xuống với tôi và mẹ, và
nói gì đó để vực tinh thần chúng tôi dậy. Khi còn nhỏ, tôi thích trèo lên lòng
ông hay nằm cạnh ông, ngửi mùi của ông, và sờ nắn ông. Tôi nhớ khi còn rất nhỏ
ông dạy tôi bơi trên đảo Heybeliada: Khi tôi chìm xuống đáy, vùng vẫy kịch liệt,
ông sẽ tóm lấy tôi khiến tôi mừng vui, không chỉ vì tôi có thể hít thở lại mà
còn vì tôi có thể vòng tay ôm lấy người ông, và kêu khi không muốn chìm lại xuống
đáy, “Bố ơi, đừng bỏ con!”
Nhưng
ông có bỏ rơi chúng tôi. Ông đi xa, đến những quốc gia khác, những nơi chốn
khác, những xó xỉnh trên thế giới xa lạ với chúng tôi. Khi ông duỗi người trên
sofa đọc sách, có lúc ánh mắt ông sẽ trượt ra khỏi những trang sách và ý nghĩ của
ông sẽ vẩn vơ. Đó là khi tôi biết bên trong người đàn ông mà tôi biết là cha
tôi, có một con người khác mà tôi không với tới, và đoán chừng ông đang mơ mộng
về một cuộc đời khác, tôi trở nên bất an. “Cha như viên đạn được bắn khỏi nòng
không nguyên cớ,” đôi khi ông nói thế. Tự nhiên điều này làm tôi nổi giận. Có
khá nhiều điều khác có thể làm tôi nổi giận. Tôi không biết ai đúng. Có lẽ đến
lúc đó chính tôi cũng mong muốn đào thoát. Nhưng tôi vẫn thích thú khi ông bật
băng Giao hưởng số 1 của Brahms, say sưa chỉ huy một dàn nhạc tưởng tượng bằng
một cây đũa tưởng tượng. Tôi chỉ bực mình khi sau một đời tìm kiếm thú vui và lảng
tránh âu lo, ông lại than thở rằng sống buông thả thì chẳng mang lại ý nghĩa gì
ngoài bản thân nó và bắt đầu kiếm cớ chỉ trích người khác. Những năm hai mươi
tuổi, có khi tôi tự nhủ, “Đừng để mình theo gót ông ấy.” Có những thời điểm
khác tôi lại phiền muộn vì mình không thể vui vẻ, thoải mái, vô tư và đẹp trai
như ông.
Mãi
về sau này, khi gác tất cả những điều ấy lại, khi giận dữ và ghen tuông không
còn che mờ cách tôi nhìn về người cha chưa bao giờ la mắng tôi, chưa bao giờ cố
áp đặt tôi, tôi từ từ nhìn thấy - và chấp nhận - nhiều điểm tương đồng không
tránh khỏi giữa tôi và ông. Nên bây giờ, mỗi khi tôi càu nhàu về một kẻ ngốc
nào đó, hay phàn nàn với người hầu bàn, hay cắn môi trên, hay quẳng mấy cuốn
sách đọc dở vào góc nhà, hay hôn con gái, hay móc tiền khỏi túi, hay đón chào
ai đó bằng một lời nói đùa nhẹ nhàng, tôi nhận thấy mình bắt chước ông. Điều
này không bởi vì tay, chân, cổ tay tôi hay nốt ruồi trên lưng tôi giống ông. Mà
là điều gì đó khiến tôi hoảng sợ - thậm chí kinh sợ - và nhắc nhở tôi về những
ngày thơ ấu khi tôi mong muốn được giống ông nhiều hơn. Cái chết của mỗi con
người khởi đầu từ cái chết của cha họ.
(Trích tập sách Những màu khác, Orhan Pamuk, Lâm Vũ Thao dịch từ bản tiếng Anh)