Wednesday 22 August 2012

Vịt xiêm


Tôi là người yêu loài vật, tất nhiên, trừ những con mà tôi ghét. Trong những con tôi ghét, có những con mà tình cảm của tôi đối với chúng thay đổi từ thái cực này sang thái cực kia nếu tình trạng của chúng thay đổi: chẳng hạn, từ trạng thái hung hãn truy đuổi tôi sang trạng thái ngoan ngoãn ngậm một quả ớt hoặc ngậm một bông hoa cà rốt tỉa tót cẩn thận nằm trên đĩa, hoặc hay hơn nữa thì hóa thân vào tô bún. Hơi dông dài, nhưng thực ra là tôi muốn nói tới con ngan, mà vùng tôi sống thường được gọi là vịt xiêm.

Vì sao tôi ghét ngan? Có hai lý do: Lý do thứ nhất, hồi còn bé, nhà tôi có nuôi một đàn ngan, trong đó có một đực cực kỳ hung hãn. Nó đã từng rượt tôi chạy rớt cả dép vào tận giường, bất chấp việc tôi là con của ba tôi, tức chủ của nó. Lý do thứ hai, ngan là nhân vật chính trong thiên truyện đồng thoại Văn Ngan tướng công của nhà văn Vũ Tú Nam. Trong truyện này, ngan chỉ giỏi mấy thứ: làm biếng, ăn tục và phóng uế bậy. Chỉ một trong ba tính đó đủ làm tôi ghét rồi, huống gì cả ba gộp lại.

Sau này, tôi biết tôi không phải là người duy nhất ghét ngan ở dạng chưa nấu chín. Ắt là nhiều người khác sau khi đọc Văn Ngan tướng công cũng đã nhất quyết không nuôi ngan nữa. Trong tập Viết về bè bạn, nhà văn Bùi Ngọc Tấn có kể lại chuyện ngày xưa có người lý luận rằng cuốn truyện của Vũ Tú Nam nói xấu ngan nên làm cho mọi người, nhất là thiếu nhi, không yêu ngan.  Trong khi đó, thời ấy Đảng vừa mới ra một nghị quyết về phát triển nông nghiệp. Trong nông nghiệp có gia súc, gia cầm. Ngan là một loại gia cầm.  Làm cho mọi người ghét ngan là thủ đoạn tinh vi của nhà văn Vũ Tú Nam đánh thẳng vào Nghị quyết  của Đảng!

Tôi không nhớ đích xác thời điểm Văn Ngan tướng công bị đánh, hình như khoảng năm sáu mấy bảy mươi. Cứ cho là năm bảy mươi, tính đến giờ phải bốn chục năm có lẻ. Cái tư duy con ngan ấy, tưởng chỉ còn tồn tại trong truyện cười, gần đây lại trở về.  Nhờ có sự vụ này, tôi đọc bài thơ Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân vài lần. Có vẻ như nếu không có sự sốt sắng của nhà văn trẻ nọ thì bài thơ này cũng sống một cuộc đời như đại đa số bài thơ khác: trôi vào quên lãng.  Chút xôn xao mà bài thơ gây ra, tôi ngờ rằng là vì mấy cây dầu cổ thụ kia mọc nhầm chỗ. Giả như những cây dầu ấy mọc ở chợ, trường tiểu học, trạm xe buýt  hay trụ sở ủy ban bảo vệ phụ nữ và trẻ em thì bài thơ sẽ trở thành Lời những cây dầu cổ thụ ở chợ/trường tiểu học/ trạm xe buýt/ trụ sở ủy ban bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Khi ấy chắc chắn không có cô nhà văn nào, dù sốt sắng đến mấy, ngan đến mấy, biết  báo cáo gì với tuyên giáo.

4 comments:

  1. Doc blog cua Go Mun thuogn xuyen nhung hom nay phai len tieng vi thich cach dan dat cau chuyen cua anh lam. Chuc vui.

    ReplyDelete
  2. ha ha ha đọc cái tựa giật mình, tưởng GM chửi mình.

    ReplyDelete
  3. thời nay vẫn có vụ như này sao , haizz :-(

    ReplyDelete
  4. để search xem mụ ngan nào mà gớm ghiếc vậy ? :-P

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN