Ngọn gió, và những ghi chép rất vụn vặt bên bờ hồ
Diều cao nhờ gió lên ngôi
Gío nâng bao cánh chim vời trời xanh
Luôn nghe hơi gió bên mình
Thướt tha như váy bồng bềnh cỏ tơ
Suốt ngày dài gío reo ca
Những bài ca gió ngân nga suốt ngày
Biết bao việc gió làm đây
Mà sao gío cứ che tay giấu mình?
Gió rộn ràng gió rung rinh
Mà sao chẳng thấy bóng hình gió ơi
Suốt ngày dài gió reo vui
Những bài ca gió chơi vơi suốt ngày
Gió già, hay trẻ thơ ngây?
Mà sao mạnh mẽ, mà đầy cách xa?
Gió là quỷ cánh đồng hoa?
Hay là cậu bé lắm trò nghịch thôi?
Suốt ngày dài gió reo chơi
Những bài ca gió rền vui suốt ngày.
Cách đây mấy hôm, một chiều ngồi bên bờ hồ, không hiểu lơ tơ mơ thế nào nhớ lại bài này. Đó là một trong những ngày rách việc cuối cùng, tôi đi lang thang một mình trong khuôn viên trường. Chiều thứ sáu, còn trong đợt nghỉ đông nên trường rất vắng. Tôi chầm chậm thả bộ men theo đường Sir Fred Schonell, băng qua bãi cỏ rộng, nơi những cây tôi không biết tên đang đỏ và rụng lá. Tôi cứ thong dong như thế, vừa đi vừa nhẩn nha ngắm, thỉnh thoảng dừng lại chụp mấy kiểu ảnh, rồi lần lần ra đến ven hồ lúc nào không hay.
Bờ hồ luôn là nơi ít nguời qua lại, mặc dù đẹp. Có lẽ vì nó ở khá xa những toà nhà chính. Ven hồ có một chiếc ghế gỗ, tôi buông mình xuống đấy, và ngồi im. Sau lưng tôi là triền cỏ, dưới chân tôi là cỏ, và trước mặt tôi là hồ nước. Nước hồ sẫm màu, trông hơi huyền bí, nhất là khi trời đang tối dần. Ngày không nắng lắm, nên khi trời tối dần, tôi cũng không bị hụt hẫng. Tôi cũng không được thấy một hoàng hôn kiểu mặt trời xuống dần, vài tia nắng xuyên qua mây, rồi óng lên mặt nước. Không, tôi không thấy như thế.
Thật ra tôi cũng không thấy gì nhiều, vì tôi không cố tình nhìn ngắm. Tôi ngả người vào ghế, hai tay thoải mái tì hai bên. Ghế rộng, mà chỉ mình tôi ngồi. Tôi đăm đăm nhìn vào mặt hồ, thỉnh thoảng cũng ngước mắt nhìn ra phía xa bên kia. Tôi không đeo kính, nên bờ hồ bên kia đâm rất mờ ảo. Nhưng tôi biết chắc có rất nhiều chim bên đấy. Cứ nghe tiếng xao xác thì biết.
Trong khuôn viên trường tôi có rất nhiều chim. Nhiều nhất là quạ, những con quạ to, đen và ồn ào, luôn nhảy thoăt thoắt từ các cành cây xuống sân, rồi đâm bổ ngược lên khi có nguời tới gần . Chúng tránh người chắc chỉ vì lòng tôn trọng, chứ không phải để tự vệ, vì ở đây không ai tấn công chim cả, mặc dù nguời thì có. Cách đây mấy tháng, trường có thông báo về một trường hợp một nữ sinh viên bị tấn công khi đi tắt qua chính khu bờ hồ này, nhưng cô ấy chạy thoát.
Tôi muốn nói thêm về những con quạ ở đây, nhìn kỹ chúng không có vẻ gian giảo mấy, trông bệ vệ là đằng khác. Dù vậy, tôi cũng không ưa chúng. Chúng luôn ồn ào hơn mức có thể chịu đựng được: lúc mới sang, nhiều buổi sáng tôi đã bị đánh thức vì sự lắm mồm của chúng. Tôi còn một lý do khác, cơ bản hơn để không thích quạ. Lúc bé, tôi đã trót đọc quá nhiều truyện không hay về chúng. Bây giờ, tôi không thể nhớ chính xác chúng đã làm gì xấu trong những truyện tôi đã đọc, nhưng ấn tượng xấu về chúng trong tôi vẫn không phai. Có lẽ những gì đã in dấu vào tuổi thơ đều khó phai như thế, cho dù khi lớn lên, ta tiếp xúc với những môi trường hoàn toàn khác, kinh nghiệm những cái hoàn toàn khác những thứ mà chúng ta đã biết khi còn nhỏ. Có thể cách nhìn nhận vấn đề sẽ thay đổi theo thời gian, theo môi trường sống, nhưng cái phần gốc, phần cơ bản nhất của tính cách, đã hình thành từ khi còn bé, và bất biến. Chẳng những bất biến, nó còn chi phối mạnh mẽ đến cách nhìn nhận thế giới về sau này.
***
Tôi đang làm một việc khá lạ lùng đối với chính tôi, là ghi lại nhưng cảm xúc của mình bằng văn xuôi. Tôi ít khi viết văn xuôi, trừ những bài tập làm văn lúc bé và những bài nghị luân lúc lớn. Tất cả đều được viết khi bị bắt buộc. Thật ra, tôi cũng đã từng có vài cuốn nhật ký. Vào những giai đoạn khác nhau, tất cả các cuốn nhật ký này đều được viết dày đặc trong khoảng một hai tuần đầu, thưa dần trong vài tuần kế, và sau hai tháng thì đều bị quẳng vào một xó. Tôi lười. Vả lại tôi khó chịu với chính mình khi đọc lại những suy nghĩ của mình. Tôi đấy ư? Làm sao tôi lại có thể suy nghĩ vớ vẩn, cải lương như thế được.
Tôi thích diễn đạt cảm xúc của mình bằng thơ hơn. Tôi làm bài thơ đầu tiên năm lớp một, chính xác là khi 5 tuổi, vì tôi học miễn tuổi. Bài thơ đấy bây giờ tôi vẫn nhớ, khá buồn cười.
Nhà tôi có vườn, tuy không rộng lắm nhưng cũng đã quá nhiều đối với bố tôi, một giáo viên trường làng không còn được dạy học từ sau giải phóng, dù ông là người sáng lập ra trường học ở vào cái lứa tuổi mà tôi bắt đầu biết viết thơ tặng con gái. Bố tôi thường vác cuốc ra vườn, cuốc xới một cái gì đấy, ngày nào cũng thế chừng vài tiếng. Tôi, 5 tuổi, chắc là rất bé, vác một cái cuốc bé xíu.luỡi cuốc chắc to bằng bàn tay tôi lúc đấy, cũng ra vuờn và đứng “cuốc đất” bên cạnh ông. Đó hoàn toàn là một công việc tự nguyện, và tôi tự hào vì đã biết lao động chân tay là vinh quang từ khi học đánh vần, mặc dù khi thật sự có khả năng cầm cuốc thì tôi luôn kiếm cớ trốn tránh bằng cách làm bài tập. Vậy mà khi đó, anh tôi và chị tôi đã cả gan dám trêu tôi. Tôi quyết định phải dạy cho họ một bài học.
Nhà tôi có một cái bảng to treo giữa nhà, vì cả bố và mẹ tôi đều là giáo viên. Sau này cả anh và chị tôi đều là giáo viên nốt, cho dù họ không muốn. Còn tôi thì đã muốn, nhưng rốt cuộc không trở thành giáo viên. Lúc đó, tôi đã biết viết. Tôi viết lên giữa bảng bốn câu xiêu vẹo như thế này:
“Cuốc đất là một việc cần nhất
Vì cuốc đất làm ta khoẻ mạnh
Thì nuớc ta lại càng giàu mạnh
Nuớc khác không dám động đến nuớc ta”.
Viết xong, tôi nắn nót viết bằng chữ in tựa đề bài thơ, LAO ĐỘNG.
Thế đấy, tôi, 5 tuổi, đã quán triệt được mối quan hệ giữa lao động chân tay và sự phát triển kinh tế và khả năng quốc phòng của đất nuớc. Tôi có thể khẳng định rằng tôi yêu nuớc từ khi còn rất bé, bây gìơ vẫn còn yêu, dù rằng tôi không cho rằng “cuốc đất là một việc cần nhất” nữa.
Cả nhà nửa tin nửa ngờ khi tôi tuyên bố tôi mới làm một bài thơ. Bố mẹ anh chị tôi đều đọc. Hình như cả nhà được một bữa cười, nhưng hình như tôi cũng được anh chị tôi kính nể vài phần. Mẹ tôi bắt tôi chép bài thơ vào một tờ giấy đôi. Tôi được khuyến khích làm thơ, đọc thơ từ đó. Tôi bắt đầu đọc Tố Hữu, Giang Nam (bài Quê huơng là bài đầu tiên tôi thuộc lòng và chưa bao giờ quên một chữ) rồi sau đó là Trần Đăng Khoa.
Bạn văn chương của tôi hồi đó bao gồm một cô giáo dạy văn cấp hai và một cô giáo dạy văn cấp ba. Cô giáo cấp hai tặng tôi cuốn thơ Trần Đăng Khoa. Thỉnh thoảng cô đem tôi vào trường giới thiệu với các giáo viên khác, hỏi tôi những câu hỏi kiểu Đường lên đỉnh Olympia, đại loại Tố Hữu có mấy tập thơ, Nguyễn Trãi làm đến chức quan gì.v.v. Khi tôi học đến lớp 7, tôi nhớ cô gặp tôi dọc đường và than phiền với tôi rằng sách tiếng Việt cải cách buồn cười lắm, ai đời lại ghép từ “tình hình” và “trạng thái” thành từ “tình thái” bao giờ. Tôi rất thông cảm và chia sẻ với cô. Cô giáo cấp ba tặng tôi muốn cuốn sổ nhỏ, giấy trắng tinh với 4 câu thơ ở trang đầu:
Tặng Vũ cuốn sổ nhỏ
Làm ngôi nhà cho thơ
Những bài thơ dẫu ngắn
Đừng để mất bao giờ
Cuốn sổ đó thay thế những tờ giấy đôi, bây giờ ở trên kệ sách nhà bố mẹ tôi.
Làm thơ, đối với tôi bây giờ dễ hơn viết văn xuôi rất nhiều, dù những năm gần đây tôi viết rất ít. Tôi sẽ ngồi lặng yên, đôi khi nhắm mắt, lắng nghe câu chữ đến. Câu chữ, vần điệu, ý tứ tự nó đến, đến một cách xôn xao nhưng trật tự, tôi chỉ việc ghi lại thật nhanh những gì đến với tôi lúc đó. Văn xuôi đối với tôi khó hơn nhiều. Mà tôi lại cảm thấy viết văn xuôi quá rủi ro, người đọc dễ dàng hiểu những gì tôi viết, nhìn thấu cả tôi. Thế nên tôi vẫn thường thích viết thơ hơn, cho dù khi làm thơ tôi cũng cô đơn hơn rất nhiều. Ngừơi đọc, cho dù bất kỳ đấy là ai, bạn bè, gia đình hay người lạ, thường chẳng hiểu tôi hoặc hiểu sai tôi. Và thường những bài tôi thích nhất thì bị cho là dở. Còn những bài được nhiều người thích thì bản thân tôi thấy chán.
(hình như là chưa hết)