Wednesday, 15 January 2025

Đi họp phụ huynh

Sáng thứ bảy bị vợ đùn đi họp phụ huynh cho con gái. Vẫn hoàn thành cữ chạy buổi sáng, nhưng thay vì ung dung ăn sáng uống cà phê thì chàng vắt chân lên cổ để đến trường cho kịp giờ. Trường mới của con nội quy khó khăn lắm, con đi học trễ hai phút cũng bị trừ điểm hạnh kiểm, ấy là còn đi xe đưa rước. Sợ đi họp phụ huynh mà trễ bị trừ điểm hạnh kiểm thì nguy. Vì vậy 8 giờ họp 7:59 chàng đã đua tới cổng trường. Vào đến lớp thì tròn 8 giờ, chàng hồ hởi nhủ thầm: giờ có trừ điểm hạnh kiểm tôi bằng mắt! Nhưng hóa ra, cô giáo vẫn chờ các phụ huynh khác, đến 8:15 mới chính thức bắt đầu.

Yên vị rồi, chàng bắt đầu thấy khát. Do 12 km bào cầu Sài Gòn buổi sáng đây. Thường, khi chạy hằng ngày chàng không uống nước, chỉ bù nước sau khi chạy. Sáng nay vội quá, không uống đủ nước rồi. Nhìn quanh, nhìn quất, chẳng có chai nước nào trên bàn. Liếc ra góc phòng, thấy có bình nước chắc dành cho học sinh, nhưng chẳng có cái ly nào cả, chàng đành nuốt nước bọt nhìn cô giáo phổ biến nội quy. Cái này thì chàng biết rồi: không được nghỉ học vào trước hay sau lễ (đã có kinh nghiệm cay đắng khi xin cho con nghỉ học ngày 31/12), không được nhuộm tóc (nhỡ tóc vàng sẵn thì phải báo cáo từ trước), không được xăm (chúng nó xăm vào mông thì kiểm tra kiểu gì), không được mang ba lô (chỉ được mang cặp táp có quai giống ba lô), không được để chai nước trên bàn (con gái báo cáo: con toàn để nước dưới chân bàn, mà công nhận đi rất dễ đá phải)....

Xong phần phổ biến nội quy, cô giáo báo cáo kết quả học tập. Lớp có 31 em, 30 em đạt học sinh giỏi, 1 em loại khá. Chàng lẩm bẩm: chúng mày ăn gì mà giỏi thế, thời của bố mày, trầy vi tróc vẩy mới được trung bình trên tám phẩy nhé, cả khối 12 chỉ mình bố mày được thôi. Đang hồi tưởng quá khứ huy hoàng đồng thời hoài nghi thực chất dạy và học của các cô và các cháu, chàng chợt thấy một vị phụ huynh bàn đầu phát biểu dõng dạc: các cháu học thế là tốt, nhưng sang học kỳ 2 các cháu phải phấn đấu 100% học sinh giỏi. Các phụ huynh khác gật gù tán đồng. Chàng len lét cúi đầu, vẫn nhớ ra mình đang khát.

Xong phần báo cáo của giáo viên chủ nhiệm, sang phần của đại diện hội cha mẹ học sinh. May thay, phần này nhanh, gọn, nhẹ, bởi nội dung chỉ thông báo các khoản tiền cần đóng. Hội nghị nhanh chóng đồng thuận. Ai sao mình vậy, chàng không thắc mắc gì.

Tối hôm trước con gái đã dặn: ba đừng làm cho con bị chú ý đấy nhé. Thế nên, chàng nín thinh suốt buổi, không phát biểu câu nào. Kết thúc buổi họp, ra về, cả hạnh kiểm và đức hạnh của chàng vẫn còn nguyên vẹn.

Đọc một bài thơ

Tôi có một thằng em. Tôi không nói tên nó đâu nhưng nó làm thầy giáo mà lại khổ, khổ thật hay khổ vờ không chắc, nhưng cứ tạm gọi nó là giáo khổ. Giáo khổ thỉnh thoảng hỏi những câu làm tôi đớ người ra. Nhiều hôm đang bận bỏ mẹ nó nhắn tin, anh ơi câu này, đoạn này hiểu thế nào, dịch thế nào. Tôi nhòm vào thấy một đoạn tiếng Anh rất hard core, nó không hiểu được thì tôi cũng chả hiểu, hoặc muốn hiểu phải bỏ thời gian nghiên cứu, tâm tư, mà tất nhiên ấy là việc bọn tư bản không thích.

Nhưng hôm nay, giữa lúc tôi đang xì chét, nó nhắn cho tôi một khổ thơ, anh ơi đoạn này hiểu thế nào. Đoạn ấy như sau:
Long I lingered in the bud,
Doubting of the season
Winter’s cold had chilled my blood— I was ripe for treason
Cậu ấy đang bí chỗ I was ripe for treason – tôi đang chín muồi cho sự phản bội, thế là thế nào. Cố nhiên tôi cũng chả hiểu gì. Nhưng tò mò, tôi bảo gửi tôi nguyên bài xem:
Trust me spring is very near
All the buds are swelling
All the glory of the year
In those buds is dwelling
What the open buds reveal
Tells us—life is flowing;
What the buds, still shut, conceal,
We shall end in knowing.
Long I lingered in the bud,
Doubting of the season
Winter’s cold had chilled my blood— I was ripe for treason.
Now no more I doubt or wait
All my fears are vanished,
Summer’s coming dear, though late,
Fogs and frosts are banished.
Đó là một bài thơ của James Clerk Maxwell, một nhà vật lý hay toán học gì đấy.
Tôi đọc bài thơ năm, bảy lần, rồi nhắn cho cậu giáo khổ:
Anh hiểu đây như là một bài thơ ca ngợi bí mật của sự sống. Key words nằm ở đoạn 2, những chồi non bung ra thì cho ta biết cuộc sống đang sinh sôi, nhưng những chồi chưa bung che giấu những gì thì phải đến tận cùng ta mới biết. “End in knowing” có thể là tận cùng mới biết, mà cũng có thể biết là hết, là không còn bí mật nữa. Do vậy sang đoạn ba mới có đoạn lưu luyến với chồi non, ngờ vực thay đổi của mùa, của thời gian. “Ripe for treason” chắc hẳn là mong muốn chống lại quy luật của thời gian, vì nếu thời gian cứ trôi đi thì chồi sẽ bung ra, không còn bí mật gì nữa. Ở đoạn kết, mùa hè tới, thì không còn gì nữa rồi, bung bét cả. Kết luận: Đời chỉ đẹp khi còn bí mật, cũng như tình chỉ đẹp khi còn dang dở.
Tất nhiên đấy là cách hiểu của tôi. Mỗi tác phẩm lớn đều mở đường cho nhiều cách hiểu khác nhau.
Hiểu được bài thơ, tôi cảm thấy khoan khoái chi lạ, nên đã toan dịch. Cậu giáo khổ đẩy đưa, anh dịch đi, em trợ hứng anh bằng chai vang. Tôi gõ luôn. Bản dịch đầu tiên như sau:
Hãy tin anh, xuân đang đến
Bao chồi non đang căng tràn
Bao vinh quang năm tháng ấy
Trú trong chồi đợi mùa sang
Chồi nào mở bung hé lộ
Ta hay cuộc sống tuôn trào
Chồi nào hãy còn khép kín
Giấu điều chi biết đâu nào.
Anh lưu luyến trong chồi ấy
Có chuyển mùa hay là không
Giá băng khiến anh dễ chịu
Chẳng đành bỏ lại mùa đông
Giờ đây hết nghi, chẳng đợi
Mọi sợ hãi đều biến tan
Em ạ, hè sang, dẫu muộn
Giá sương tuyệt chẳng mơ màng.
Tạm xong, nhưng chưa hài lòng, bởi hai câu cuối khổ ba, thoát ý quá và trở thành diễn dịch của tôi rõ quá. Ăn trưa xong, tôi sửa lại. Có tí cơm trong bụng nó khác:
Hãy tin anh, xuân đang đến
Bao chồi non đang căng tràn
Bao huy hoàng năm tháng ấy
Trú trong chồi đợi mùa sang
Chồi nào mở bung hé lộ
Ta hay cuộc sống tuôn trào
Chồi nào hãy còn khép kín
Tận cùng mới tỏ ra sao
Anh lưu luyến trong chồi ấy
Nghi ngại chuyển mùa hay không
Giá băng khiến anh êm ái
Đã nuôi bội phản trong lòng
Giờ đây hết nghi, chẳng đợi
Mọi sợ hãi đều biến tan
Em ạ, hè sang, dẫu muộn
Giá sương tuyệt chẳng mơ màng.
Lần này, thì tôi hài lòng vì hai câu cuối khổ ba bám sát được nguyên tác hơn, mà vẫn giữ nguyên sự khó hiểu của nó.
Chẳng có bản dịch nào hoàn hảo, huống hồ một bản dịch chơi. Nhưng trò chơi hôm nay khiến tôi cực kỳ khoan khoái.

Ladakh trip 8/2023

Cách đây ba tháng, ông thiền sư bạn tôi rủ rê mọi người đi Ladakh, tôi còn chưa biết nơi này nằm ở đâu trên bản đồ. Thông tin sau đó ông ta cung cấp, đây sẽ là một chuyến trekking và leo núi trên dãy Himalaya, phần thuộc Ấn Độ. Nghe hay hay, tôi bảo bạn cùng nhà, ui, đi chuyến này đã có ông thiền sư tổ chức, mình chỉ cần nhắm mắt đưa chân. Thế là chúng tôi hủy kế hoạch đi Lào, đu theo ông thiền sư.

Công nhận ông thiền sư rất mát tay: tất cả những người ông rủ rê ban đầu đều tham gia, rồi người này rủ thêm người kia, rốt cuộc chốt đoàn đến tận 16 thành viên. Tất cả đều từng có kinh nghiệm du lịch bụi, trekking hoặc leo núi, chịu ngủ bờ, ngủ bụi, ở dơ và hành xác. Nếu không có những điểm chung đó, khó để 16 con người hầu hết chỉ biết nhau chút chút trước đó, hình thành một đoàn “chịu đựng” nhau trong 10 ngày. 

Ba tháng chuẩn bị trôi qua rất nhanh, hầu như không ngày nào không có tin nhắn của nhóm chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị thể lực, mua sắm đồ đạc (khá nhiều, bởi lẽ điểm đến khá lạnh, nếu lên đỉnh núi có thể âm 15 độ), xin visa, mua bảo hiểm, thuốc men v.v. Duy nhất một thứ biết trước mà không chuẩn bị được, trừ việc mua thuốc, đó là đương đầu với AMS.

AMS là viết tắt của acute mountain sickness, nôm na là say độ cao. Biểu hiện của chứng này đa dạng, từ nhức đầu, chóng mặt, nôn mửa, tiêu chảy, mệt mỏi, đến trường hợp nặng có thể gây xuất huyết não. AMS có thể xuất hiện ở độ cao trên 2500 mét, phổ biến hơn ở độ cao trên 3500 mét, 20% dân số thế giới có thể mắc chứng này. AMS phổ biến ở nam hơn nữ. Điều kỳ quái của AMS là không thể rèn luyện thể lực để đối phó với AMS, vận động viên chuyên nghiệp vẫn có thể bị AMS, trong khi “bánh bèo” có thể lại miễn nhiễm với chứng này. Nói kỹ về AMS, vì rồi tôi sẽ là nạn nhân của nó, và vì vậy không thể summit (lên đỉnh).

Ngày khởi hành đến, sau năm tiếng bay từ Sài Gòn đến Delhi, chúng tôi vạ vật sân bay Delhi tầm sáu tiếng trước khi nối chuyến đến Leh. Thời gian bay tới Leh chỉ hơn một tiếng, nhưng chúng tôi phải ngồi trên máy bay mất gần một tiếng nữa vì sân bay Leh rất nhỏ, phải đợi có chiếc cất cánh máy bay chúng tôi mới vào được sân đỗ.

Có lẽ tôi và các bạn đồng hành chưa bao giờ chăm chú theo dõi độ cao từng điểm đến như trong chuyến đi này. Khi cơ trưởng thông báo máy bay chuẩn bị hạ cánh, tôi thấy một điều thú vị là độ cao đo được theo đồng hồ Garrmin của mình từ 2900 mét tăng dần lên 3500 mét khi đáp. 3500 mét chính là độ cao của Leh, thành phố thủ phủ Ladakh. Từ Leh, chúng tôi sẽ lên điểm cắm trại đầu tiên gần hồ Tso Moriri, làng Karzok, độ cao 4.500 mét. Sau đó, sẽ trek lên điểm hạ trại thứ hai ở chân núi Mentok Kangri, độ cao 5.200 mét. Cuối cùng, đỉnh Mentok Kangri, đích đến cuối cùng của đoàn, có độ cao 6.250 mét. Đoàn sẽ có bảy ngày làm quen độ cao trước khi chinh phục đỉnh Mentok Kangri, tuy nhiên, rồi sẽ chỉ 5/16 thành viên trong đoàn chinh phục thành công đỉnh núi này.

Ngay buổi chiều đầu tiên đến Leh, sau bữa trưa no đẫy tại một nhà hàng Tibet mà tôi đã rất tự tin gọi một món đặc Ấn, chicken masala ăn cùng bánh naan, thì tôi thấy trong người lạ dần. Sau khi ghé thăm một tu viện nhỏ, quay về khách sạn, ngang căn bếp nồng mùi cà ri, thì tôi không kìm được nữa, lao vội vào phòng tắm nôn thốc nôn tháo. Cả đêm đầu tiên đó, tôi cho chó ăn chè tới sáu bảy bận, mặc dù những lần sau không còn chè nữa, chỉ nước suông, nhưng vẫn cho ra. Tới sáng hôm sau, tuy vẫn e ngại tác dụng phụ của thuốc chống AMS, tôi đành phải nuốt luôn hai viên. Cảm thấy khá hơn chút, nhưng trong lúc cả đoàn đi trekking nhẹ và chơi dù lượn, thì tôi nằm bẹp. Tôi nghĩ thầm trong bụng, kiểu này chắc phải ở lại Leh tĩnh dưỡng suốt 5 ngày tới, trong lúc chờ đoàn leo núi rồi quay về. May thay, sáng ngày thứ ba, nhờ thuốc mà tôi khá hơn nhiều, cùng đoàn tiếp tục hành trình.

Đường từ Leh đến làng Karzok, điểm hạ trại đầu tiên, khoảng 220km. Hai phần ba đầu, đường tuy hẹp, mỗi bên chỉ một làn xe, nhưng mặt đường còn được trải nhựa tương đối tốt. Càng đi, càng vắng bóng dân cư, vắng bóng cả cây, chỉ lác đác doanh trại quân đội dọc theo những triền núi đá. Con đường ngoằn nghèo chạy trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, một bên là núi đá với kết cấu không bền vững, nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào, một bên là dòng suối hối hả, chảy xiết. Con đường thách thức thần kinh tài xế và du khách này là một phiên bản hard core gấp đôi, gấp ba chặng đường Mèo Vạc - Hà Giang qua đèo Mã Pí Lèng huyền thoại. Trên đường, có nhiều bảng tuyên truyền giao thông khá duyên dáng, tôi chép lại cho quan chức đường bộ nước ta tham khảo:

Speed thrills but kills (Tốc độ thì hấp dẫn, nhưng chết cũng nhanh lắm)

Fast drive could be last mile (Lái nhanh cho cố, tới số)

Donate blood but not on road (Hiến máu đáng tuyên dương, nhưng đừng hiến trên đường)

Feel the curves, don’t hug them ( Cảm nhận đường cong, chớ có ôm chầm)

Drive don’t fly (Chạy, đừng bay)

On the bend go slow friend ( Vô cua chậm nha bồ)

Drive on horsepower not on rum power (Lái xe nhờ mã lực, chớ không phải tửu lực)

If you sleep your family will weep (Nếu bạn buồn ngủ gia đình bạn lãnh đủ)

Road is hilly don’t drive silly ( Đường đèo dốc đừng lái như thằng ngốc)

You booze you cruise you lose (Nhậu rồi phóng là chán sống)

Accident brings tears safety brings cheers (An toàn cả nhà vui, tai nan lệ tuôn rơi)

Over speed is a knife that cuts life (Lái quá tốc độ là dao cắt cổ)

Fast won’t last (Nhanh thì không bền)

Better late than never (Thà muộn còn hơn không bao giờ)

Alert today alive tomorrow (Hôm nay cẩn trọng để ngày mai còn sống)

Một phần ba sau, đường không còn là đường, nhiều lúc có cảm giác tài xế chỉ nhắm hướng mà chạy. Hình như lâu rồi tài xế mới chạy lại con đường này, nên anh đã lạc đường đến ba, bốn lần. Mỗi lần anh phát hiện ra mình lạc đường, de xe, quay đầu, nhất là khi trời đã tối, là tim tôi lại nhộn nhạo. Mặt đường lồi lõm như bề mặt mặt trăng, lỡ sa xuống hố thì không biết qua đêm ở đâu, nhất là khi càng lúc trời càng lạnh.

Hơn 8 giờ tối, chúng tôi cũng tới được bãi trại. Lều đã được dựng rồi, nhưng mệt nhoài và lạnh, nên dẫu đói, chúng tôi cũng chỉ nuốt qua loa bữa tối muộn rồi lăn ra ngủ trong tiếng gió ầm ào. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi nghe thấy tiếng lục lạc lanh canh khi xa khi gần, đôi lúc lại nghe như có tiếng chuông chùa ngân rung trong sương đêm.

Sáng hôm sau, nắng lên từ rất sớm, chui ra khỏi lều, chúng tôi mới bắt đầu chiêm ngưỡng phong cảnh chung quanh. A ha, chúng tôi đang trên dãy Himalaya, những túp lều vàng của nhóm chúng tôi nằm rải rác trên một bãi cỏ xanh, bên dòng suối thì thào tuôn chảy. Dọc theo suối, lác đác những cụm hoa vàng li ti. Bên kia suối, vài chú ngựa nhởn nhơ gặm cỏ - tác giả những tiếng lục lạc trong đêm đây rồi. Vây quanh chúng tôi là núi đá. Thì ra, đây là một thung lũng, hèn nào đêm gió lùa rất ghê. Ngày hôm đó, vẫn uống thuốc chống AMS, phục hồi phần nào công lực, tôi bám theo đoàn trek nhẹ nhàng về hồ Tso Moriri, hồ nước mặn trên cao lớn nhất Ấn Độ. Trong vài ngày sau đó, chúng tôi còn có nhiều dịp ngắm hồ từ các độ cao khác nhau.

Ngày kế tiếp, chúng tôi nhổ trại và bắt đầu leo lên base camp nằm ở độ cao 5.200 mét. Quãng đường từ trại thứ nhất tới trại thứ hai chỉ hơn 7 cây số và độ dốc tăng thêm 700 mét, nhưng ngốn mất của tôi tám tiếng đồng hồ. Các bạn đi khỏe hơn trong đoàn mất sáu tiếng, nhưng cũng có vài bạn khác mất tới 11 tiếng. Riêng trong buổi chiều, đồng hồ tôi đo được quãng đường di chuyển là 2.5km, độ dốc 330 mét, thế mà tôi đi mất 4 tiếng 50 phút. Thường, khi chạy ở núi Dinh chẳng hạn, thì với quãng đường và độ dốc tương đương, tôi chạy khoảng 25-30 phút. Gần như trên chặng trek này, cứ bước chừng chục bước là tôi đứng thở một, hai phút. Lên tới base camp, tôi không còn chút sức lực nào. Bạn cùng nhà, đã lên tới base camp trước tôi hai tiếng, hỏi tôi mấy câu, mất nửa tiếng sau tôi mới đủ hơi để trả lời. Tôi biết mình nên dừng chân ở đây. Cơ thể tôi tuy có nhồi thuốc nhưng vẫn không thích nghi kịp với độ cao. Ở độ cao trên 5.200 mét này, sức lực tôi chỉ còn tầm 1/10 bình thường, chỉ cần loay hoay đóng cửa lều, hay ngồi xuống đứng lên (vâng, là nói tới khâu đó) đã thở hồng hộc, đi từ lều mình tới lều ăn phải dừng lại thở hai, ba lần, nên chuyện chinh phục đỉnh Mentok Kangri 6.250 mét là chuyện quá xa vời. Vả chăng, nhìn lại, tôi thấy mình đã không chuẩn bị nghiêm túc cho việc leo núi, thật ra thì tôi chẳng biết gì về leo núi cả, trong đầu tôi chỉ nghĩ đây là một chuyến trekking.

10/16 thành viên trong đoàn rồi sẽ băng vào màn đêm giá buốt với nỗ lực summit. Một nửa trong số đó phải quay về sau 1/3 hay 1/2 quãng đường vì những lý do khác nhau. Chỉ 5 thành viên summit thành công. Đó là một nỗ lực phi thường.

Buổi sáng ngày summit, khi các bạn mình đang loay hoay đâu đó trên đường chinh phục Mentok Kangri, tôi dậy sớm, lấy một tách trà nóng ôm trong tay rồi ngồi trên một tảng đá thừ người ngắm hồ Tso Moriri. Hôm ấy trời nhiều mây hơn mấy hôm trước, mãi mà mặt trời chỉ có thể yếu ớt rọi vài tia sáng qua những áng mây dày. Bên kia hồ, những dãy núi đá, trên đỉnh phủ tuyết trắng xóa, có độ lồi lõm khác nhau, tạo thành những mảng khối màu đậm nhạt đan xen, trông như những nhát cọ của một họa sĩ thiên tài. Phía trái dãy núi lại chạy đổ dài xuống mép hồ, mở ra một khoảng rộng trông từ xa không khác gì một bãi biển. Mặt hồ Tso Moriri tuyệt đối tĩnh lặng. Từ độ cao này, nhìn mặt hồ không chút gợn sóng, rõ ràng là một tấm gương khổng lồ in hình rặng núi tuyết phía sau. Vẻ huy hoàng tráng lệ của dãy núi, sự tĩnh lặng tuyệt đối của gương hồ, cái đẹp của thiên nhiên vĩ đại làm choáng ngợp tôi, chiếm hữu tôi, làm tôi như nghẹt thở. Bất giác, tôi thấy mình ứa nước mắt.

Chuyến đi rồi sẽ kết thúc. Chúng tôi rồi sẽ trở về với thế giới có nước nóng để tắm, có toa lét đàng hoàng, có kết nối Internet. Qua chuyến đi này, dù có lên đỉnh thành công hay không, tôi tin mỗi người trong chúng tôi sẽ tìm thấy những ý nghĩa khác nhau. Với tôi, những giờ phút ngắm hồ, ngắm núi, hít thở không khí tuyệt đối trong trẻo trên dãy Himalaya đã là một trong những giờ phút lãng mạn nhất của đời mình.

(Vài dòng gõ trên điện thoại trong lúc vật vờ tại sân bay Delhi.)

Bài tập cho trí nhớ

Bây giờ là 5 giờ sáng một ngày chủ nhật. Lẽ ra tôi còn phải đang khò khò, nhất là đêm hôm trước còn hơi quá chén, nhưng tôi lại đang bật laptop và gõ những dòng này. Thời gian thật nghiệt ngã. Ở tuổi hai mươi, người ta có thể ngủ tới chín, mười giờ sáng và vẫn thấy thèm ngủ. Ở tuổi hai mươi người ta có thể thức xuyên đêm đọc một cuốn sách và mười năm sau vẫn nhớ rành mạch từng chi tiết trong cuốn sách đó. Ở tuổi khi đã có con sắp bước vào tuổi hai mươi, người ta, tức tôi, không còn thèm ngủ nhiều như xưa, và mau chóng quên đi những gì mình đã đọc. Chính vì vậy, một yêu cầu nho nhỏ của nhà Z, hãy kể lại một năm đọc sách của mình, đâm ra thành một thách thức. Tôi chấp nhận thách thức đó, bằng cách cố nhớ lại những cuốn sách nào đã gây ấn tượng cho mình trong năm qua, mà không giở lại bất kỳ trang sách nào.

Hãy bắt đầu bằng một bộ phim, phim truyền hình thì đúng hơn (ngoài lề 1: tôi vẫn kinh ngạc khi thấy cho tới bây giờ một số bậc thức giả vẫn không phân biệt được phim truyền hình và phim điện ảnh, và vẫn nồng nhiệt khen chê lẫn lộn trên mặt báo) (ngoài lề 2: series, thời tiếng Anh chưa phổ biến như thời nay, vẫn được gọi là phim truyền hình nhiều tập, giờ đây, ngang nhiên được gọi là “loạt phim”, một Netflix series được gọi là “loạt phim Netflix”, thật quái gở), Six Feet Under. Mỗi tập phim này bắt đầu bằng một cái chết. Một tập phim khởi đầu với cảnh bà vợ đang chuẩn bị ăn sáng cho chồng, chiên trứng, rót nước cam, bày đĩa trước mặt chồng, trong khi đó, ông chồng thao thao bất tuyệt về một chuyện gì đó. Khi xem, tôi đang băn khoăn, ông này nói cái gì chán thế, thì trên ti vi, bà vợ không nói không rằng, lấy cái chảo vừa mới chiên trứng xong, quật một phát thật lực vào đầu ông chồng, và đó là cảnh mở đầu tập phim này. Ý nghĩ đến ngay trong đầu tôi ngay lúc đó là, ồ, cảnh này thật là tiểu thuyết. Tôi hoàn toàn không có ý nói cảnh đó giả tưởng, không tin được, mà ngược lại, nó rất đáng tin, và đó là một phẩm chất của tiểu thuyết.

Tiểu thuyết, theo tôi, là loại hình nghệ thuật nói được những sự thật không thể nói ra, diễn tả được những khía cạnh bất định của hiện hữu, nhìn thấy được sự đa dạng của cuộc sống mà ở đó cách suy nghĩ, hành xử của mỗi con người được lèo lái bởi những động cơ bên trong không dễ gì nhìn thấu. Những tiểu thuyết đích thực giúp người đọc hiểu hơn một chút về con người, nhưng đồng thời nếu đọc xong một tiểu thuyết mà ta thấy hoang mang hơn về con người thì ấy có thể là dấu hiệu của tiểu thuyết đích thực. Chính vì lẽ đó, mối quan tâm lớn của tôi trong sự đọc là tiểu thuyết. Tôi vẫn đọc khảo cứu, tiểu luận, non-fiction nói chung, nhưng tiểu thuyết mới là thứ mà tôi dành thời gian cho nhiều nhất, trong quỹ thời gian ít ỏi còn lại của tôi sau chục tiếng văn phòng hằng ngày, sau những buổi chạy bộ, leo núi, và trong sự chống chọi mạng xã hội cùng những “loạt phim Netflix”.

Tôi nhớ mình dự định năm nay sẽ dành thời gian đọc lại là chủ yếu, nhưng như nhiều dự định khác, đây là một trong những dự định bất thành. Dù sao đi nữa, tôi nhớ đã bắt đầu năm đọc sách của mình bằng Người xa lạ của Camus. Đây là lần thứ ba hay thứ tư tôi đọc cuốn sách mỏng dính này qua các bản dịch khác nhau và lần nào tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm giác lãnh một cú đấm vào mặt. Tôi không nghĩ anh chàng nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết này vô cảm. Anh ta không xử sự theo cách mà đa số mọi người mong đợi, không tỏ vẻ buồn đau, khóc than khi mẹ mất, không hẳn là anh ta không có cảm xúc. Đó là chỉ là một cách ứng xử khác trong vô số cách ứng xử có thể có, nhưng người ta thường nghĩ rằng trong một tình huống A thì cách ứng xử nhất định phải là B, hễ thế này thì nhất định thế kia, nhưng ở đây nhân vật lại ứng xử theo kiểu Z. Tôi cũng không thấy có gì phi lý trong cách nhân vật chính vô cớ giết người. Rất có thể cái chết của mẹ anh ta tác động tới anh ta nhiều hơn anh ta tưởng, và mặt trời chói chang, cái nóng hay con dao của gã Ả rập chỉ là điểm kích hoạt cho hành động có vẻ như bột phát của anh. Dĩ nhiên, đây chỉ là một giả thuyết. Việc Camus chưa bao giờ giải thích động cơ cho hành vi này khiến cho cuốn tiểu thuyết mãi mãi mang một vẻ bí ẩn.

Khi đọc Một chủ nhật khác của Thanh Tâm Tuyền, tôi thấy có hơi hướm của Người xa lạ, mặc dù tôi có nghe nói rằng Thanh Tâm Tuyền khoái Malraux chứ không phải phải Camus. Trong Một chủ nhật khác, có chuyện Trung úy Kiệt, trong một lần được xả trại đã leo lên một chiếc xe đò đi thẳng xuống một tỉnh miền Tây thuê phòng trọ nằm ngủ một mình một đêm thay vì về nhà với vợ. Về sau, vợ Kiệt phát hiện ra chuyện này, Kiệt buộc phải bịa chuyện là mình ngoại tình thì được vợ tin và tha thứ, chứ còn chuyện thuê phòng trọ nằm một mình bởi không muốn gặp gỡ ai, không muốn trò chuyện với ai thì không bà vợ nào tin được. Cũng giống như trong Người xa lạ, nhân vật chính được trông đợi là phải buồn đau khi mẹ mất, ở đây, Kiệt được [vợ] trông đợi là phải ngoại tình. Họ được trông đợi ứng xử theo những mẫu hình khuôn khổ, có thể đoán định được. Nhưng tiểu thuyết là phải bắt được những cách ứng xử không theo khuôn, bởi con người là một động vật cực kỳ phức tạp, đâu có thể dễ dàng quy giản? Một chủ nhật khác cũng là cuốn sách tôi đọc hai lần gần như liên tục.

***

Những chuyến bay thường là thời gian đọc sách lý tưởng nhất, bởi khi đó ta không bị quấy rầy bởi email, tin nhắn và nhất là Facebook. Khi bay, tôi thường mang theo Kindle. Đó cũng là một lựa chọn lý tưởng, vì Kindle gọn, nhẹ, chứa được nhiều sách nên đỡ phải băn khoăn mang cuốn gì theo trước khi bay. Cũng nhờ Kindle tôi có thể mua sách từ nước ngoài chỉ mất vài giây. Với những cuốn sách không được phát hành rộng rãi hoặc đã tuyệt bản, thì Kindle quả là cứu tinh. Tôi đã đọc Night Prayers của Santiago Gamboa, một nhà văn Colombia, tập truyện ngắn Sáng tác mới 2023 do ZZZ review tuyển chọn và Mùa biển động của Nguyễn Mộng Giác bằng Kindle và hầu như trên những chuyến bay.

Tôi còn chưa nghe tên Santiago Gamboa khi đọc Return to the Dark Valley của ông hồi năm ngoái. Vì một lý do nào đó, Amazon “recommend” ông cho tôi. Cái nhan đề cuốn hút, cộng thêm mác nhà văn Colombia với phong cách gần giống Roberto Bolaño khiến tôi nhắp chuột ngay tắp lự, để rồi sau đó nhắp chuột lần nữa, tải Night Prayers về Kindle. Dường như tình dục, chính trị và bạo lực là đặc sản của các nhà văn Mỹ La tinh. Tất cả món này có trong Night Prayers, câu chuyện về một cậu sinh viên triết học vướng vào vận chuyển ma túy nên phải ngồi tù ở Bangkok và người chị tìm mọi cách để cứu cậu ra. Nhưng cũng như trong các tiểu thuyết của Bolaño, Night Prayers có rất nhiều digression – ngoại đề hay chuyện ngoài lề. Một trong những đoạn ngoài lề bàn về bạo lực ở Colombia mà tôi thích thú đó là khi một nhân vật nói đại ý rằng hòa bình mà ta thấy ở châu Âu ngày hôm nay (sách viết trước khi chiến tranh Nga – Ukraina nổ ra) chỉ có được sau hai nghìn năm giết chóc, và các quốc gia châu Âu khi cùng tuổi với Colombia ở thời điểm hiện tại tàn sát lẫn nhau, máu chảy thành sông, nội chỉ việc Hồng quân chiếm Berlin vài tuần đã khiến nhiều người chết hơn cả một thế kỷ xung đột ở Colombia, bạo lực là một phần của lịch sử và Colombia sẽ tiến tới hòa bình nhanh hơn, và ít đổ máu hơn châu Âu. Cũng nhân vật đó cho rằng châu Âu không có tương lai. “Đó là một châu lục mệt mỏi, xấu tính cố gắng dạy dỗ người khác phải sống thế nào, nhưng lại trở nên đông cứng do tự ngắm mình quá nhiều trong gương.” Night Prayers có phải là cuốn xuất sắc hay không? Tôi nghĩ là không. Nhiều chỗ nó ly kỳ một cách không cần thiết, hơi giống các phim truyền hình Tây Ban Nha hay Mexico với các nhân vật hay hoa tay múa chân và nói sùi bọt mép, nhưng được cái nhịp độ nhanh nên không buồn ngủ.

Các truyện ngắn trong số Sáng tác mới 2023 do ZZZ Review tuyển chọn mang tới cho tôi nhiều bất ngờ. Nếu tại thời điểm này hỏi lại truyện nào của ai viết gì thì tôi chịu, nhưng ấn tượng chung khi đọc là các truyện đều mới mẻ. Cái cách các tác giả dựng truyện, chủ đề họ theo đuổi, ngôn ngữ họ sử dụng ít thấy dấu vết  của các tác giả Việt Nam thế hệ trước. Đọc họ, thấy ảnh hưởng của các nhà văn nước ngoài nhiều hơn, và có vẻ như họ còn đọc trực tiếp nguyên tác không qua bản dịch. Điều này cũng thể hiện phần nào trong cách họ hành văn. Người khó tính sẽ cho đó là văn thiếu chỉn chu. Người không khó tính lắm có thể cho rằng mỗi thế hệ có cách diễn đạt riêng của họ, và nhóm các tác giả này đã tìm được cách diễn đạt phù hợp với thời họ đang sống.

Một thành tựu trong năm của tôi là đã đọc xong bộ trường thiên tiểu thuyết năm tập Mùa biển động của Nguyễn Mộng Giác bằng Kindle. Vâng, với sự cạnh tranh khốc liệt của các “loạt phim Netflix” thì cày vài “loạt phim” không phải chuyện gì to tát, nhưng đọc xong mấy nghìn trang của một cuốn sách nhất định phải tự coi đó là thành tựu. Do cách dàn trang, format không chuẩn của các file Kindle mà tôi đã đọc tập 3, tập về Mậu Thân, cũng là tập hay nhất, trước tiên rồi mới quay lại đọc tập 1, tập 2. Giả như tôi đọc thì tập 1 thì chưa chắc tôi đã hoàn thành. Có lẽ vì định bụng viết trường thiên tiểu thuyết nên tác giả dàn cảnh hơi lâu, điều này hoàn toàn hiểu được, khoảng hai, ba chương đầu của tập 1 chưa hứa hẹn gì. Tôi nghĩ viết tiểu thuyết dài cũng giống như chạy marathon, nếu khởi đầu hăng quá thì mau đuối sức. Nguyễn Mộng Giác rõ là người chạy marathon tốt.

Câu chuyện của Mùa biển động xoay quanh một nhóm bạn và các thành viên gia đình của họ, bắt đầu tại Huế khoảng năm 65-66, rồi theo chân các nhân vật đến Quy Nhơn, Buôn Mê Thuột rồi Sài Gòn vắt qua mốc 75 kèo dài đến khoảng năm 80. Một không gian rộng lớn và một quãng thời gian khá dài như thế nên Mùa biển động đương nhiên có nhiều câu chuyện, nhiều sự kiện, chủ đề: phong trào đấu tranh của sinh viên Huế, sự kiện Mậu Thân, chuyện văn giới miền Nam, quân Việt Nam Cộng Hòa thất thủ ở cao nguyên và Huế, trại cải tạo, vượt biên.v.v. Tôi đặc biệt quan tâm những chương viết về tranh luận, đối đầu giữa ba người bạn thân Ngữ, Tường, Ngô. Qua họ, ta có thể hình dung ra các trí thức trẻ miền Nam trước đây đã suy nghĩ, băn khoăn, lựa chọn hướng đi ra sao. Rõ ràng họ có quyền lựa chọn hướng đi, trong mối tương quan với các trí thức trẻ miền Bắc cùng thời kỳ; rõ ràng không ai chọn hướng đi giùm họ, nhưng sự tự do lựa chọn không bảo đảm gì họ có một lựa chọn đúng đắn. Dẫu gì thì họ đã được sống và trả giá bằng lựa chọn của  chính mình, nên đấy cũng là một niềm an ủi.

Mùa biển động có những trang viết về tình yêu thật đẹp, tôi nghĩ thuộc loại đẹp nhất trong văn chương Việt Nam. Mùa biển động cũng có những đại cảnh được viết lại dựa trên các hồi ký (của Hoàng Khởi Phong và Cao Xuân Huy) nên rất sống động. Tuy không nên so sánh giữa tiểu thuyết và hồi ký, nhưng phần viết lại Tháng ba gãy súng của Cao Xuân Huy trong tập 4 của Miền biển động tôi thấy hay hơn sách của họ Cao. Mùa biển động, chắc chắn là một trong những tiểu thuyết xuất sắc nhất của văn học Việt Nam, cùng với Sông Côn mùa lũ.

***

Quãng thời gian cuối năm, tôi muốn dành thời gian cho cổ điển. Đó là lý do tôi quyết định bắt đầu đọc Giáo dục tình cảm của Flaubert qua bản dịch Lê Hồng Sâm. Tôi rất thẹn thùng tiết lộ rằng tôi đã định đọc cuốn này từ 10 năm trước, thế nhưng, dẫu biết rằng lao đầu vào các tác phẩm cổ điển sẽ được tưởng thưởng xứng đáng, thực tế tác phẩm cổ điển đồng thời  cũng tạo ra một nỗi ngán ngại. Ta có đủ thời gian cho nó không? Ta có kiên nhẫn lật dở từng trang của cuốn sách dày cộp không khi còn bao sách chất đống quanh nhà?  Thời gian trôi rất vội, bữa ăn trưa chỉ có năm phút, mà tác giả thì tỉ mỉ, kể lể chi tiết từng hoa văn trên váy áo, từng món xốt trên bàn tiệc, từng vết cào trên da. Trong khi đó, như bao người khác, tôi còn dễ bị dẫn dụ bởi bao nhiêu sách vở, phim ảnh bình thường, tầm thường, ngớ ngẩn hoặc chỉ để giải trí. Bước vào một tác phẩm cổ điển, tuy không đến nỗi phải tắm rửa dọn mình, nhưng ít ra cần toàn tâm, toàn ý, dành thời gian cho nó. Thực tế, tôi mất khoảng 4 tuần mới đọc xong Giáo dục tình cảm.

Giáo dục tình cảm quả nhiên là đỉnh cao của nghệ thuật tiểu thuyết. Hầu hết các tiểu thuyết gia lớn đều giữ khoảng cách với nhân vật của mình, nhưng tôi nghĩ, với Flaubert, ông đã đạt tới sự khách quan tuyệt đối với các nhân vật tiểu thuyết. Tôi nhận thấy ông không bao giờ tỏ ra yêu, ghét, giận dữ, thương mến, hay bất kỳ tình cảm nào với các nhân vật của mình, dù họ đáng yêu hay đáng khinh đến mức nào.

Ông tả cái sự mê gái hay thôi rồi. Khi say một người con gái, say làn da lộng lẫy, vóc dáng quyến rũ, hay những ngón tay thanh tú đã đành. Nhưng cái sự say mà ông miêu tả, nó đi sâu và xa làm sao. Say là say cả đồ vật người ta sở hữu, là tò mò, muốn biết tất tần tật về cuộc đời người ta: “Anh nhìn giỏ đồ khâu của nàng với niềm kinh ngạc, như một vật phi thường. Nàng tên gì, ở đâu, cuộc đời nàng, quá khứ của nàng ra sao? Anh ước mong biết được đồ đạc trong phòng nàng, mọi áo váy nàng đã mặc, những người nàng giao du; và ham muốn chiếm hữu thể chất thậm chí cũng tan biến dưới một khao khát sâu xa hơn, trong một nỗi tò mò đau đớn vô biên.” Đúng là đỉnh về say mê.

Tôi tìm hiểu một chút thì biết được Flaubert đã mất năm năm nghiên cứu để đảm bảo các chi tiết lịch sử trong sách chân thực tối đa. Chẳng hạn như trong sách có viết cuộc bạo loạn đã đốt năm đống lửa trong cung điện, thì trong thực tế lịch sử đã có năm đống lửa, chứ không phải bốn, hay sáu được đốt. Đây là một gợi ý cho các nhà văn khi viết về lịch sử, có hư cấu thế nào thì cũng phải đảm bảo các chi tiết lịch sử chính xác.

Giáo dục tình cảm là một tiểu thuyết lớn, nên tôi nghĩ tôi cần đọc lại nó sau ba hay năm năm nữa. Đọc, là để đọc, để quảng cáo cho bạn bè đọc, chứ viết gì về nó tôi cũng thấy nông cạn.

***

Những cuốn trên đây cơ hồ là những cuốn tôi nhớ nhất trong năm nay. Cũng có những cuốn khác, khi đọc, tôi thấy hay, thậm chí rất thích, nhưng đến giờ hỏi tôi cuốn sách ấy viết về cái gì thì chịu. Trí nhớ tôi quả thật rất suy tàn. Tuy vậy, nhờ Goodreads nhắc, tôi biết tôi đã đọc và thích những cuốn sau: Một chỗ trong đời của Annie Ernaux, Người cô độc của Christopher Isherwood, Tiếng núi của Kawabata (rất hay), Sậy của Thuận (tôi thích cuốn này nhất trong những cuốn gần đây của Thuận) và Hành trình yêu của Alain de Botton.

Cũng xin thú nhận, nếu nói bài viết này là bài tập cho trí nhớ, thì bài tập này đã thất bại. Tôi đã không nhớ tên nhân vật chính trong Người xa lạ nên phải đi tra. Cũng như để có những đoạn trích trong Night Prayers hay Giáo dục tình cảm tôi buộc phải lần lại những trang đã đánh dấu.

Để kết thúc bài một năm đọc sách, tôi muốn trích một đoạn thơ trong một cuốn sách ra đời lặng lẽ tháng cuối năm, lặng lẽ như chính tác giả của nó, cuốn Thơ Phan Đan.

“Những cành cây/hai lần chết chém

Những đám mây/hai lần bị bắn

Và nụ cười tôi/hai lần bị treo cổ/cái màu đỏ điên rồ/khi tôi đón em.”

Tập thơ này có 160 bài, hơn 400 trang. Hầu hết các bài đều viết đã lâu, như rượu được ủ nhiều năm. Mỗi ngày, tôi nhấm nháp một ít, tự thưởng cho mình (vì đã vâng lời chị Z).

  

The Hour of the Star - Clarice Lispector

Cuốn sách mỏng The Hour of the Star của Clarice Lispector làm tôi sửng sốt. Clarice Lispector là nhà văn Brazil. Bà sinh ra ở Ukraina và di cư sang Brazil từ nhỏ. Bà sinh năm 1925 và mất năm 1977. Bà được coi là một trong những nhà văn giàu ảnh hưởng nhất của Brazil. Đây là cuốn đầu tiên tôi đọc của bà. Tôi từng cầm lên cầm xuống một cuốn khác, The Passion according to GH, nhiều lần nhưng chưa thật sự bắt tay vào đọc. Không phải nó không hay, chỉ là chưa phải lúc. Đọc sách, quan trọng là đọc đúng lúc. Có rất nhiều sách trên đời, cũng có rất nhiều sách trong nhà, đọc cuốn nào vào thời điểm nào còn là duyên. Duyên đưa đẩy tôi đến cuốn sách mỏng này, vào những ngày có lẽ cuối cùng của đợt phong tỏa khắc nhiệt nhất quả đất.

Cuốn sách viết về một cô gái Brazil nghèo, xấu, ít học, một nhân vât bên lề xã hội. Cô chẳng có gì, ngoài một gã bạn trai cà chớn mà cô cũng mất nốt. Cuốn sách viết về cái gì, do vậy không phải là điều đáng kể, mà vấn đề là cuốn sách đã được viết như thế nào. Nó đã được viết trong sự giằng xé về sự viết. Vừa kể chuyện, người kể chuyện lại liên tục tự tra vấn, giằng xé chính mình, tại sao tôi viết như thế này, tại sao nhân vật tôi như thế này, tôi sắp sửa làm gì với nhân vật của tôi. Tác giả, thông qua người kể chuyện, như vậy không ngừng thông báo sự hiện diện của mình trong cuốn tiểu thuyết. Kỹ thuật này làm tôi nhớ tới Kundera và Sự bất tử. Nhưng Lispector viết cuốn này sớm hơn nhiều, quãng giữa thập kỷ 70.

Thật ra, tôi chỉ định copy đoạn mở đầu của cuốn sách, mà tôi thấy được viết rất tuyệt. Dĩ nhiên đây là bản dịch tiếng Anh. Bản gốc là tiếng Tây Ban Nha.

"Everything in the world began with a yes. One molecule said yes to another molecule and life was born. But before prehistory there was prehistory of prehistory and there was the never and there was the yes. It was ever so. I do not know why, but I do know that the universe began."

Còn đây là đoạn kết:

"And now - now it only remains for me to light a cigarette and go home. Dear God, only now am I remembering that people die. Does that include me?
Don't forget, in the meantime, that this is the season for strawberries. Yes."

Tản mạn những ngày AODOYOD

Suốt những ngày ai ở đâu ở yên đó, trời Sài Gòn trong veo. Chỉ số ô nhiễm trên Air Visual thường xuyên xanh ngắt. Trên app, Sài Gòn xanh như Sydney, như Montreal, như London. Chiều chiều, sau giờ làm việc, tôi hay ra ngồi ban công. Nhìn sang các căn hộ khác, cũng có nhiều người ngồi ở ban công, những ban công vốn thường chỉ là nơi phơi quần áo.

Có tiếng đàn piano chập chững từ căn hộ nào đó vọng sang. Trước kia, hiếm khi nghe âm thanh từ hàng xóm. Một phần, có lẽ khu căn hộ này cách âm tương đối tốt, phần khác, khi bận rộn với những âm thanh của riêng mình, ta ít khi nghe được những âm thanh khác từ bên ngoài.

Đêm, côn trùng dường kêu to hơn. Hay có lẽ chúng cũng kêu to như bình thường - chúng chưa từng chịu đựng cảnh bị giam trong bốn bức tường - chỉ có đôi tai ta là nhạy cảm hơn. Có một lần, tôi choàng dậy vào nửa đêm vì tiếng côn trùng inh ỏi, vớ tay lấy điện thoại để ghi âm dàn hợp xướng côn trùng. Sáng dậy xem lại máy, thấy không có bản ghi âm nào cả. Hay ai đó đã thức dậy trong đêm, không phải tôi? Lẽ nào lũ côn trùng không có thật.

Cách đây hai hôm, sáng mới ngủ dậy, vận hết lòng dũng cảm, tôi đi bộ hơn hai trăm mét ra đầu ngõ. Lần đầu tiên sau hơn hai tháng tôi đi xa nhà tới thế. Nhìn tới lui không thấy bóng đồng phục nào, chỉ vài xe tải con chở hàng lao vun vút, tôi dấn thêm một chút, băng hẳn qua bên kia đường, tiến sát tới mé sông. Con sông còn đó, vẫn bồng bềnh chảy, vài cánh chim chao liệng trên mặt nước. Tôi hít một hơi dài không khí mát mẻ buổi sớm mai, rồi lại một hơi dài, một hơi dài nữa. Yên chí dòng sông vẫn còn đó, chưa bị mang đi cách ly tập trung, tôi khấp khởi trở về nhà.

Bạn nhắn tin, nói vừa được đặc cách đi một vòng thành phố. Những bậc thềm trước bưu điện trung tâm nơi khách du lịch thường chen chân check-in, học sinh cuối cấp hay tụ tập chụp ảnh lưu niệm, giờ phủ đầy rêu xanh, các khe đá cỏ mọc lún phún. Giãn cách thêm ít bữa, biết đâu cây mọc thành rừng, thú dữ về trú ngụ, bạn đùa. 

Vài hôm nữa, gặp nhau, ta sẽ nói gì?  Không biết giọng có cất lên thành tiếng, hay lời chưa ra khỏi miệng lại bị nuốt vào trong, như một nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư? 

Bao giờ cho đến tháng Mười

Hà Giang là vùng đất gây nghiện. Tôi biết tới Hà Giang hơi muộn nhưng kể từ khi biết thì 4 năm liền tôi đều có những chuyến đi tới đây, và khi rời đi rồi thì vẫn mong quay trở lại, đi nhiều hơn, đi sâu hơn, ở lâu hơn, vào những thời điểm khác nhau trong năm.

Chính vì mê Hà Giang như thế mà trong một chuyến bay ra Hà Nội gần đây tôi chọn xem phim Chuyện của Pao, để được xem lại cảnh vật Hà Giang, xem ngôi nhà mà tôi từng tới nhiều năm sau khi bộ phim được quay. Ngôi nhà ấy thật đẹp, và bộ phim thật dở. Ấy vậy mà hình như nó đã từng đoạt một cái giải gì đấy. Cô diễn viên chính Hải Yến đóng xuất sắc vai một cô gái Kinh khoác lên người bộ váy áo H'Mông. Cô chẳng bao giờ thuộc về phong cảnh ấy, vùng đất ấy, và nét mặt của cô thể hiện điều đó thật rõ ràng, khiến ta không một chút mảy may nghi ngờ rằng cô chỉ là một cô gái dưới xuôi ghé thăm bộ phim trong chín mươi phút. Là tôi đồ rằng thế, chứ phim dở như thế tất nhiên tôi sẽ không xem hết. Tôi thật sự rất ngại những đoạn thoại rõ mồn một, đều đều, không cảm xúc, như đọc kịch bản trên đài phát thanh, chứ không phải do người thường nói. Cảnh nọ chuyển cảnh kia toàn cắt cụp, cắt cụp, rất dễ gây mất hứng, mà tôi không thích bị mất hứng trong mọi hoàn cảnh.

Trên chuyến bay về, tôi chọn xem một bộ phim Việt Nam khác, Bao giờ cho đến tháng Mười. Đó là một lựa chọn hoàn toàn ngẫu nhiên, chỉ vì tôi luôn nhớ cái tựa phim đã trở thành thành ngữ này, mà chưa bao giờ xem. Quá may mắn, vì đó là một bộ phim tuyệt hay. Hiếm có bộ phim Việt Nam nào chân thực và xúc động như thế, mặc dù phim đen trắng, làm từ năm 84, xem trên môi trường máy bay thì cũng không phải là lý tưởng. Lê Vân quá đẹp và diễn xuất xuất sắc, người xem tưởng có thể chết chìm trong đôi mắt cô. Các vai phụ, kể cả vai quần chúng, đều diễn rất tốt, không gây ra cảm giác bực mình thường có hay xem phim Việt. Điểm trừ duy nhất của phim là âm nhạc, nó phô trương và ồn ào vô cớ, về nhà tìm hiểu thêm thì hóa ra nhạc của Phú Quang.

Chuyến bay hạ cánh khi phim chưa kết thúc nên về nhà tôi vội trèo lên Youtube xem tiếp. Cho tới giờ này trên Youtube vẫn còn bộ phim ấy, mọi người nên xem. Cơn cuồng Bao giờ cho đến tháng Mười của tôi đã lây sang housemate của tôi, thế nên cô ấy lập tức post một status về bộ phim mà tôi hoàn toàn cam đoan rằng đó là ý tưởng của tôi.

Trở về thung lũng tối

Đọc tiểu thuyết giống như du hành: nếu đi đến phương xa, ngắm một cảnh đẹp, thưởng thức một món ăn ngon, có cảm giác thích thú thế nào, thì khi người đọc tiểu thuyết tìm được một cuốn sách lạ và hay từ một nền văn học xa xôi cũng sảng khoái như vậy.

Colombia không quá xa lạ với người đọc Việt Nam. Tình yêu thời thổ tảTrăm năm cô đơn cùng nhiều cuốn khác của Garbiel Garcia Marquez là món quen của người đọc văn học Việt. Thậm chí tôi nghe đồn tác giả Chết trong ngày Chúa nhật đọc Trăm năm cô đơn không dưới mười lần. Hay tôi nhầm, là nhân vật của anh ta chăng, trong Chung một cuộc tình? Dù sao đi nữa, thì Nguyễn Nguyên Phước là số rất ít nhà văn mà tôi luôn mong chờ tác phẩm. Thật đáng hổ thẹn cho nền phê bình Việt Nam khi chưa lấy có một bài viết tử tế về Một chuyến đi Nhà máy sản xuất linh hồn. Và cũng thật hổ thẹn cho nền xuất bản Việt Nam, vì bất cứ lý do gì, không in được Chết trong ngày Chúa nhật. Nhưng ngoài G.G. Marquez ra thì ta biết gì về Colombia? Vaderrama tóc bồng bềnh hay Escobar phản lưới nhà trả giá bằng sinh mạng? Cả hai, tiếc thay không viết tiểu thuyết.
Một ngày đẹp trời nọ (dạo này trời thường đẹp, có lẽ vì ít người ra đường, ít xe cộ đua nhau nhả khói khiến trời cứ xanh ngăn ngắt), hoặc cũng có thể không đẹp lắm, quan trọng gì đâu khi đã cắm đầu vào màn hình, sau khi hì hục tìm mãi không ra password Amazon của mình, reset kiểu gì cũng không được, tôi đành đăng ký tài khoản mới để kết nối với cái Kindle mới được tặng (đa tạ). Trời xui đất khiến thế nào mà đập vào mắt là một cuốn e-book giá chỉ 2.99 đô, "Return to the Dark Valley" của Santiago Gamboa. Nhìn lướt qua phần giới thiệu, thấy bảo Gamboa chịu ảnh hưởng Roberto Bolano. Không đắn đo, tôi nhấp chuột, tải về Kindle và đọc luôn.
Santiago Gamboa, sinh năm 1965, học văn chương tại Bogota, triết ở Tây Ban Nha và văn chương Cuba ở Sorbonne, đã viết đâu đó chừng chục cuốn, và Trở về thung lũng tối là cuốn mới nhất của chàng, cũng là cuốn đầu tiên tôi đọc. Theo một cách nào đó, những chủ đề của Trở về thung lũng tối gần gũi với những cuốn nặng ký nhất của Bolano, 2666 và The Savage Detectives: bạo lực, tình dục, thi ca, và vì chàng là người Colombia, nên truyện của chàng còn có rất nhiều ma túy.
Có nhiều hơn một người kể chuyện (narrator) trong cuốn này: một cô gái bị cha dượng hiếp, tìm cách ra khỏi nhà để vào học ở một trường nữ tu, sa lầy ở đó, rồi sau lại trở thành một thi sĩ; một nhà văn vì một tin nhắn bí hiểm mà bay từ Rome sang Madrid để rồi chứng kiến một vụ khủng bố rồi sa vào một cuộc đánh nhau ngoài đường; một gã tân Nazi tự xưng là con trai Giáo hoàng ấp ủ ước mơ thành lập một nền cộng hòa thanh sạch; một giáo sĩ có quá khứ bạo lực. Và xen vào chuyện của các nhân vật trên là câu chuyện về cuộc đời của nhà thơ thấu thị Arthur Rimbaud. Các nhân vật trên, thoạt đầu như chẳng dính dáng gì tới nhau, về sau dần giao thoa, hội tụ, đương đầu với quá khứ, rồi nhiều người trong số họ cùng nhau trở về Harrar, nơi Rimbaud từng sống vài năm cuối đời.
Cấu trúc truyện phức tạp nhưng mạch lạc, gọn ghẽ. Cách kể chuyện cuốn hút. Văn viết chừng mực, tuy có khá nhiều xen bạo lực, tình dục, nhưng tuyệt nhiên không có những miêu tả gớm ghiếc kiểu Đất mồ côi của Tạ nhà văn. Lẫn vào trong đó là những suy ngẫm về thi ca, về những khủng hoảng của xã hội hiện đại, về nguồn gốc của tội ác. Trên hết, ta nhìn thấy mong muốn quên đi, dàn hòa với quá khứ, tha thứ và mong muốn trở về một nơi chốn thanh thản cho tâm hồn.


Gà đang gáy trưa bên sông

Lần cuối cùng nghe gà đang gáy trưa bên sông là khi nào, tôi không còn nhớ lắm. Nhưng chỉ cần khép hờ mắt lại, tôi sẽ tưởng tượng ra. Phải là một miền quê nào đó yên ắng lắm. Nắng trưa lấp loáng mặt sông. Nóng. Cơ hồ không có ai ngoài đồng, hay trên đường. Mọi hoạt động tạm thời dừng lại. Cả cây cối cũng cơ hồ thiu thiu ngủ. Giữa khung cảnh gần như tuyệt đối yên tĩnh đó, chợt vang lên tiếng một chú gà giở quẻ, làm náo động một thoáng không gian trưa.

***

Cách đây vài tuần, hai chị em tôi đánh xe đưa ba má về quê sau mấy tuần an dưỡng ở Sài Gòn. Những chuyến đi khác, nếu đi cùng sắp nhỏ và sắp to, tôi thường mở những thể loại nhạc sôi động hơn, phù hợp với tuổi hoa niên thời đại phôn khôn, như Imagine Dragons, hoặc Sơn Tùng MTP. Nhưng lần này, để chiều chuộng cái tai của người U90, tôi mở Văn Cao, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn – Từ Linh. Chính trong chuyến đi này chúng tôi nghe lại Mùa xuân đầu tiên.

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
một trưa nắng cho bao tâm hồn

Bài hát ra đời năm 1976, sau khi kết thúc chiến tranh. Phải không còn tiếng súng, tiếng bom, thì mới có những buổi trưa làng quê yên ắng đến nỗi ta có thể nghe được tiếng “gà đang gáy trưa bên sông.”

Giữa bao tưng bừng của những ca khúc ca ngợi thống nhất thì ít mà chiến thắng thì nhiều, Mùa xuân đầu tiên dìu dặt một mình một cõi. Âm nhạc vẫn có nét vui, nhưng không vui theo kiểu hồ hởi, phấn khởi, mà là cái vui lẫn trong cái ngùi ngùi. Nhạc sĩ vẫn gọi mùa xuân ấy là “mùa vui”, nhưng đồng thời cũng gọi ấy là “mùa bình thường”.  Phải rất lớn, thì mới có thể nhìn nhận mùa xuân đầu tiên sau chiến tranh là điều bình thường, và phải là, nên là “mùa bình thường”, chứ không phải mùa của tự hào hay mùa của quang vinh. Và điều cần làm, nên làm khi ấy là “từ nay người biết yêu người…”. Giai điệu ấy, lời nhạc ấy, tuy đằm thắm, sâu xa, nhưng lạc quẻ, khiến bài hát bị cất đi một thời gian khá lâu.

***

Bây giờ, không cần phải đợi xuân về ta mới nghe hay hát Mùa xuân đầu tiên. Bất cứ lúc nào muốn ta cũng có thể ngâm nga:

Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.
Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.

Điều đáng buồn là, bây giờ tuy không còn bom rơi, đạn nổ, nhưng tiếng gà gáy trưa đã trở nên quá xa xỉ. Thường, buổi trưa, ta chỉ có thể nghe tiếng đục đẽo, tiếng xe rồ máy, hay tiếng karaoke.

 

 

Đi họp phụ huynh