Quang Dũng là một trong vài nhà thơ yêu thích nhất của tôi, và Mắt người Sơn Tây là một trong vài bài của Quang Dũng mà tôi mê nhất, nên không lạ khi vừa nhận được tập Mắt người Sơn Tây - thơ văn tinh tuyển do Nhã Nam ấn hành là tôi giở ngay bài này ra. (Vầng, lại được tặng đấy, các bác gì đừng ganh tỵ quá nhé, hại cho sức khỏe!:)
Trong tập này, trang 46 là bài Mắt người Sơn Tây như bấy lâu nay vẫn phổ biến trên giang hồ. Nhã Nam đã cẩn thận chú thêm các dị bản, ấy là việc nên làm vì thơ Quang Dũng vốn lưu truyền qua chép tay nhiều không tránh khỏi tam sao thất bản, ngay cả một thời gian dài tên bài thơ này cũng được chép thành Đôi mắt người Sơn Tây, bản thân Quang Dũng còn từng bị miền Nam đồn đoán thành con trai Tản Đà! Ngoài ra, trang 193 của sách còn có thủ bút bài này của Quang Dũng. Bản thủ bút có vài chỗ khác biệt so với bản ở trang 46. Đáng chú ý nhất là câu thứ hai, khổ thứ nhất là "Tôi từ đêm ấy cũng chia ly" thay vì "Tôi từ chinh chiến cũng ra đi"; câu thứ hai, khổ thứ hai là "Mắt em như nước giếng thôn làng" thay vì "Mắt em dìu dịu buồn Tây phương"; và câu thứ ba khổ thứ năm là "Thương vườn ruộng khôn khuây" thay vì "Buồn viễn xứ khôn khuây". Hơi thắc mắc vì sao đã có thủ bút thế này mà bản ở trang 46 vẫn là bản cũ như lâu nay ta vẫn biết, mặc dù, tôi vẫn quen thuộc với bản đó hơn, và thấy bản đó hay hơn bản theo thủ bút.
Tôi chép lại toàn bài thơ theo thủ bút Quang Dũng dưới đây:
Mắt người Sơn Tây
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ đêm ấy cũng chia ly
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì.
Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em như nước giếng thôn làng
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?
Mẹ tôi em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng em bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông
Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ơi lại nối điêu tàn
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan.
Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Thương vườn ruộng khôn khuây
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng.
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?
1949
Xong cuốn này, cơ hồ Nhã Nam đã "trả nợ" xong cho các thi sĩ miền Bắc. Những ai cần và đáng làm tuyển xem như đã làm xong: Trần Dần, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Duy, Hoàng Cầm, Quang Dũng (cuốn Lê Đạt nhà nào làm tôi không nhớ rõ, nhưng nói chung có rồi). Bao giờ đến lượt các thi sĩ miền Nam? Mở màn đã có Bùi Giáng, nhưng Bùi Giáng thì không gây háo hức lắm vì thơ Bùi Giáng vẫn được in đều đều bao năm nay. Sẽ rất sướng vui nếu được thấy tuyển của Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Bắc Sơn, Tô Thùy Yên, .v.v.
Em thì có thể cảm được hai cái câu "Mắt em như nước giếng thôn làng" và "Thương vườn ruộng khôn khuây" vì nó rất là Sơn Tây, hơn nữa cảnh lưu lạc để làm "vườn không nhà trống" thì đúng là thương vườn ruộng nó lớn hơn cái buồn viễn xứ. dìu dịu buồn Tây Phương thì tiểu tư sản quá, không hợp lắm :D
ReplyDeleteMấy câu không theo thủ bút đấy có khi nào các bạn biên tập bỏ sót không nhỉ? Vì căn cứ vào những đoạn chú thích dị bản thì có thể đoán các bạn Nhã Nam chủ ý in lại bài thơ theo như thủ bút. Nhưng nếu có chủ ý như vậy mà để lọt nhiều câu như bác GM chỉ ra thì lỗi lớn quá. Chắc là các bạn NN có lý do khác.
ReplyDeleteps: bác GM có một từ viết nhịu trong bài thơ chép ở trên
từ "diều" đúng không? đã sửa.
DeleteMình nghĩ NN có ý khác, chứ không phải lỗi đâu. Có thể thủ bút nhưng không phải là bản cuối cùng chẳng hạn?
Lê Đạt: tập "Đường chữ", Bách Việt in cách đây mấy năm.
ReplyDeletethủ bút đó thực ra chỉ là Quang Dũng chép lại (về sau) thôi. (Quang Dũng là người hiền lành, dễ thỏa hiệp.) Và chép lại theo hướng cải biên và tự kiểm duyệt cho nó đỡ "tiểu tư sản" nên mức độ tin cậy không cao tí nào. Không hay bằng những bài trước đã truyền khẩu - có sáng tác in làm bằng.
ReplyDeletemỗi lần đọc bài thơ này hay nghe bài hát là em chỉ muốn quăng hết đi "ngó lúa vàng".
ReplyDeleteem thích "thương vườn ruộng" hơn là "buồn viễn xứ".
chắc phải đi mua cuốn này quá.
Tây Phương, là tên chùa ở Sơn Tây. Miền Nam có mấy người viết văn làm thơ cùng quê với Quang Dũng, và cũng đã từng gặp ông trước 1954, thí dụ PLP, bà con họ hàng với PHT, Trẩn Lê Nguyễn...
ReplyDeleteTheo hồi ký Phạm Duy thì năm 1949 có thể Quang Dũng đã sơ tán về Liên khu IV nên nếu mà bài thơ này sáng tác năm 1949 thì câu "Buồn viễn xứ khôn khuây" cũng hợp lý.
ReplyDeletekể cả không đọc hồi ký Phạm Duy thì câu kia vẫn hợp lý:)
Delete"Mắt em dìu dịu buồn Tây phương" vẫn hay hơn chứ, nó có sự riêng biệt của nhà thơ (là nét buồn dìu dịu ở chùa Tây phương)câu kia "đại chúng" quá.
Delete