Wednesday 1 July 2009

Chưa thuộc bài


Mấy ngày gần đây, việc ông Trần Bảo Minh, phó tổng giám đốc Vinamilk rời Vinamilk được nhiều báo đưa tin. Sài Gòn Tiếp Thị viết một bài khá dài về ông Minh ở đây. Cách đây năm sáu năm, tôi cũng đọc một bài khác về ông, khi đấy ông đang là phó tổng giám đốc Pepsi Việt Nam. Qua báo chí, tôi được biết ông Minh là doanh nhân có tài. Ông khá thành công với Vinamilk, từ việc xây dựng đội ngũ nhân sự, xây dựng thương hiệu đến xử lý khủng hoảng. Hẳn là ông đã học được rất nhiều bài học kinh doanh quý giá khi làm việc cho Pepsi.


Tuy nhiên, cuối bài báo trên Sài Gòn Tiếp Thị có thông tin làm tôi băn khoăn: Ngoài ra, ông Minh có công ty quảng cáo riêng “thầu” quảng cáo của Vinamilk, mặc dầu với giá cạnh tranh nhất.


Hầu hết các tập đoàn đa quốc gia đều có một bộ quy tắc ứng xử (Code of Conduct). Tất cả nhân viên của công ty đều được huấn luyện về các quy tắc ứng xử này và được trông đợi phải hành xử theo bộ quy tắc đó. Bộ quy tắc ứng xử được coi như là nền tảng cho đạo đức kinh doanh của công ty. Nội dung cụ thể từng bộ quy tắc ứng xử của từng công ty có thể khác nhau, nhưng các nguyên tắc chính thì tương tự. Một trong những nguyên tắc cơ bản của bộ quy tắc ứng xử là tránh xung đột quyền lợi (conflict of interest).


Xung đột quyền lợi, nói một cách đơn giản nhất, là những tình huống mà trong đó quyền lợi cá nhân hoặc gia đình mâu thuẫn với quyền lợi của công ty. Khi một nhân viên có quyền lợi cá nhân mâu thuẫn với quyền lợi công ty thì cá nhân đó khó lòng ra quyết định vì lợi ích cao nhất của công ty được. Do vậy, thông thường, khi vừa gia nhập công ty, hoặc ngay khi có tình huống mâu thuẫn quyền lợi xuất hiện, nhân viên được yêu cầu phải khai báo với công ty. Mục đích của việc khai báo là nhằm minh bạch thông tin và đặt nhân viên ra khỏi tình huống mâu thuẫn quyền lợi đó. Việc loại trừ xung đột quyền lợi giúp đảm bảo lợi ích cho công ty, đồng thời, bảo vệ danh tiếng của chính cá nhân liên quan. Ví dụ, A là nhân viên mua hàng của công ty N. Công ty A đang cần mua mặt hàng X. Trong khi đó, vợ A sở hữu một công ty cung cấp mặt hàng X và vợ A muốn tham gia vào quá trình đấu thầu cung cấp mặt hàng X cho công ty N. Trong trường hợp này, A đã ở trong tình trạng xung đột quyền lợi. Việc A cần làm là trình bày toàn bộ sự việc với công ty. Giải pháp có thể là vợ A vẫn được tham gia đấu thầu, tuy nhiên, A không tham gia vào quy trình xét thầu và chấm thầu của công ty N. Giải pháp này sẽ tránh cho A được xung đột quyền lợi thực tế (actual conflict of interest).


Tất nhiên, xung đột quyền lợi thực tế đương nhiên cần phải tránh. Nhưng có những trường hợp khác, chẳng những phải tránh xung đột quyền lợi thực tế, mà còn phải tránh cả những xung đột quyền lợi theo cảm nhận (perceived conflict of interest). Quay lại ví dụ nêu trên, nếu A không phải là một nhân viên mua hàng bình thường, mà là một vị trí cao cấp trong công ty, chẳng hạn trưởng phòng mua hàng hoặc giám đốc tài chính, thì ngay cả khi A không tham gia quy trình ra quyết định, tức quy trình xét thầu và chấm thầu, xung đột quyền lợi theo cảm nhận vẫn còn tồn tại. Lý do là những nhân viên tham gia quy trình xét thầu và chấm thầu có thể chịu ảnh hưởng hoặc sức ép từ A, cho dù có thể A hoàn toàn không cố ý gây ảnh hưởng đến kết quả thầu. Xung đột quyền lợi trong trường hợp này không phải là xung đột quyền lợi thực tế mà là xung đột quyền lợi theo cảm nhận của mọi người nói chung. Giải pháp trong trường hợp này chỉ có thể là loại vợ A khỏi danh sách các công ty tham gia đấu thầu.


Việc ông Minh có công ty quảng cáo riêng và công ty đó “thầu” quảng cáo của Vinamilk chắc chắn đã xảy ra mâu thuẫn về quyền lợi. Cho dù công ty riêng của ông Minh có chào giá cạnh tranh nhất, và cho dù ông Minh có thể không tham gia vào quá trình ra quyết định, khó có thể nói rằng những người chấm thầu ở Vinamilk không nghĩ đến ông Minh khi cho công ty riêng của ông Minh thắng thầu quảng cáo. Việc công ty riêng của phó tổng giám đốc thắng thầu chắc chắn sẽ không xảy ra tại các tập đoàn đa quốc gia đề cao đạo đức kinh doanh. Từng là phó tổng giám đốc của Pepsi, chắc chắn ông Minh phải biết điều này.


Xem ra, ông Minh đã học được rất nhiều bài học kinh doanh từ các công ty đa quốc gia, nhưng bài học về đạo đức kinh doanh thì ông chưa thuộc lắm. Hoặc thuộc nhưng không muốn áp dụng.

3 comments:

  1. Ở xứ mình, thực hiện cái điều "conflict of interest" trong đạo đức kinh doanh còn mang tính cách "tự nguyện" hơn là "pháp lý". Có nghĩa là nếu tôi có "chưa thuộc bài" thì cũng OK...chứ không như ở xứ người là phải mất chức hoặc ngồi tù...vân vân..
    Chúng ta cũng không nên trách ông Minh "chưa thuộc bài" mà chỉ buồn cho phép nước không nghiêm...Bởi vì NẾU phép nước mà ngiêm thì ông Minh dù muốn dù không thì cũng phải học bài...Và xứ mình sẽ không có cái chuyện cha làm giám đốc "nhà đèn", con đi thầu "điện kế"...cũng sẽ không xãy ra những chuyện chồng làm "PMU18", vợ cho nhà thầu PMU18 thuê văn phòng...Phải không?

    ReplyDelete
  2. Bài báo trên SGTT là 1 chiêu bài của MKL & đồng bọn. Việc tung chiêu này thật là đáng hổ thẹn với 1 người có địa vị xã hội như vậy, nhưng đó là suy nghĩ của người ngoài cuộc, chúng tôi quá quen với MKL, nên không xa lạ gì "Ms.Cam Kết Lụi"

    Trong khi TBM đã đóng góp rất nhiều cho VNM trong 3 năm qua, vậy mà người ta mới ra đi thì đã nói xấu. kết quả đạt 80% lợi nhuận của năm 2009 sau 6 tháng kinh doanh ở đâu mà ra? Ms.cK Lụi & đồng bọn chỉ vì không dễ dàng lấy tiền từ VNM nên mới ra tay với Anh Minh.

    Chúng tôi, những người VNMilk đây, mong 1 ngày mà chính phủ thanh tra toàn diện để đưa đám người này ra toà án. mà chắc CP cũng được lại quả hết rồi

    ReplyDelete
  3. Ai sẽ là người tiếp theo sau Mr.MInh?

    Với cái gương là Mr.Minh, những người thực tài khác sẽ không về VNMilk nữa, và sau sự kiện này, MKL sẽ biết cách quản lý power cho những ekip làm thuê khác nếu đầu quân về VNMilk. Vậy thì tương lai VNMilk sẽ đi về đâu? quay về điểm 2006 sao? và tiếp tục cuộc chiến không cân sức với D.lady, một đối thủ QUốc tế có hằng trăm năm kinh nghiệm Sales-MKTing? và những nông dân nuôi bò sữa? những công nhân nhà máy? những sales man? họ & gia đình sẽ thế nào?

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN