Monday, 13 July 2009

Much ado about something

Hôm nay Yahoo 360 đóng cửa. Thật ra tôi không quan tâm đến sự kiện này lắm, nhưng thấy khắp các nẻo mạng bà con nhiếc móc, mắng chửi, lưu luyến, hờn giận từ cả hơn tháng nay đâm ra không thể mũ ni che tai. Có người ví Yahoo 360 như người tình ngúng nguẩy, càng ân cần chiều chuộng nàng, thì nàng càng gắt gỏng, cau có, rồi đến một ngày nàng dứt áo ra đi mặc kệ người ta thề non hẹn biển ăn đời ở kiếp với nàng. Người ta trách móc mắng chửi nàng đủ điều. Có thể cũng vì người ta quá yêu nàng đấy thôi. Thương cho roi cho vọt, he he.

Nhiểu giả thuyết đặt ra về việc tại sao nàng ra đi, bỏ lại mấy trăm ngàn người tình chung thủy ở Việt Nam. Tôi không biết giả thuyêt nào đúng, nhưng tôi ngờ rằng nàng đi chỉ vì nàng quá thượng tôn pháp luật. Nàng không muốn thỏa hiệp, không muốn đặt mình vào thể khó xử. Thì phải đi thôi. Đưa người ta không đưa sang sông. Sao có tiếng sóng ở trong lòng. Dẫu không mấy mặn mà với nàng, không thể không bâng khuâng, thậm chí cảm phục nàng. À, cái từ cảm phục này đặt vào bài hát thì rất khó hát nhé. Đỗ Bảo trong bài Cánh cung, có hai câu rất hay “Em buông cánh cung, em không còn cảm phục”. Cậu Lê Hiếu có lẽ thấy hát mà phải phùng miệng một cái ục khó quá bèn sửa lại thành “em không còn hiền dịu” nghe chẳng ra sao cả.

Tôi đến Yahoo 360 vào tháng 9/2007 khi người tình thứ thiệt của tôi phải đi xa mấy tháng làm nhiệm vụ cân bằng tỷ lệ giới tính trong gia đình. Khi nàng trở về, cùng với một thanh niên hào hoa tuấn tú là anh cu Pi (avatar), thì tôi cũng chia tay Yahoo 360. Nếu coi Yahoo 360 là người tình, thì với tôi đấy chỉ là một cuộc tình ngắn ngủi, nhưng không phải không có ý nghĩa, kể cả những ý nghĩa mà không ngờ sẽ có. Những thứ viết linh tinh ở Yahoo 360 không ngờ một ngày lại có giá trị chứng cứ, liên quan (phần nào) đến hạnh phúc của một con người. Tương thuật chuyến đi ăn cưới ở Nha Trang của tôi ngày nào rất có thể giúp chứng minh một đám cưới là có thật. Lãnh sự quán Mỹ cũng oái ăm. Làm thế nào để chứng minh được một đám cưới thật là có thật? Làm sao để những người xét visa kia tin rằng có một cặp vợ chồng, vì không muốn đi những con đường tắt, vì muốn danh chính ngôn thuận, mà vẫn chịu cảnh xa nhau nửa vòng trái đất, để rồi cái hồ sơ rất chính quy của họ bị bác đi? Người xét visa có chịu trách nhiệm về sự đau khổ của người khác? Sự đau khổ không hẳn chỉ vì vợ chồng tiếp tục cách xa, mà trên hết là vì sự trung thực bị nghi ngờ.

Nói đi cũng nói lại, nếu những người xét visa kia không bị xí gạt nhiều lần vì những hồ sơ giả, nếu không có quá nhiều đám cưới trên giấy chỉ với mục đích di dân sang nước Mỹ thiên đường, thì hồ sơ của bạn tôi có thể đã không bị xét nét bằng một con mắt nghi ngờ. Có lẽ họ, những người gác cổng vào nước Mỹ, đã đối phó với sự lừa dối bằng cách giả định họ đang bị bị lừa, còn người nộp hồ sơ xin nhập cư buộc phải chứng minh rằng họ trung thực. Bạn tôi chỉ là nạn nhân của sự thiếu lòng tin. Bạn tôi chỉ là nạn nhân của hiện trạng xã hội chúng ta, một xã hội đang vận hành trên sự thiếu lòng tin.

Ai đã từng xem trận bán kết Champions League mùa giải vừa rồi giữa ChelseaBarcelona đều có thế thấy ông trọng tài thồi tồi như thế nào. Nhưng mặc dù thổi tồi đến thế người ta chỉ cho rằng đó là tai nạn chứ không nghĩ rằng ông thiên vị Barca. Bởi vì cái xã hội mà ông thuộc về người ta tin nhau. Và có cơ sở để tin nhau. Còn ông trọng tài Nguyễn Trọng Thư ở ta mới đây đã phải xin tạm nghỉ. Chuyện ông thổi đúng sai xin nhường các nhà chuyên môn, nhưng có thể thấy không ai tin ông Thư cả. Chuyện ông Thư có đáng tin hay không tôi không biết, vì tôi không quen biết ông, nhưng chắc chắn rằng báo chí, khán giả và dư luận không có sẵn một lòng tin để có thể dành cho ông, hay bất cứ trọng tài nào khác. Chúng ta đang không tàng trữ lòng tin.

Thế cho nên, tôi thấy đề thi tuyển sinh đại học môn văn năm nay hay. Nhà báo NVP có những phê phán ở đây. Tôi thấy những phê phán đó hợp lý, tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng đề hay. Haytrước hết vì nó khác đề những năm trước, cho thấy đã có sự thay đổi trong tư duy của người ra đề. Hay còn vì nó đã phần nào cho thí sinh cơ hội trình bày suy nghĩ về một trong những vấn đề căn bản của xã hội hiện tại.


Entry này cũng chưa đâu vào đâu hết, mà giờ nghỉ trưa của tôi thì hết rồi. Trên blog của NVP còn có ý kiến về vụ Google. Nhà văn Lý Lan cũng có ý kiến ở đây. Tôi có một comment ngắn về chuyện này ở blog bạn Marcus. Much ado about something.

4 comments:

  1. Bác có biệt tài viết chuyện nọ xọ chyện kia rất hay.

    Góp vui tí. Cái chuyện visa kia thì rất phức tạp. Đổ tại bọn ĐSQ thì hơi oan cho nó. Kết hôn ở bên Mỹ thì thủ tục đơn giản, còn kết hôn ở Việt Nam mà đợi đem sang bên này thì chết hẳn rồi. Tôi đoán chắc 2 người này chưa tìm hiểu kỹ thủ tục trước khi cưới nhau. Hàng năm USCIS có CAP cho loại visa này, phải đợi nó available mới có thể sang được. Tôi có đứa bạn gốc Thụy Điển, chuẩn bị cưới 1 anh Mỹ, 2 đứa muốn sang Nhật -nơi 2 đứa gặp nhau, tổ chức đám cưới, mọi thứ đã đặt hết rồi mà phải cancel chỉ vì phát hiện ra không thể quay lại Mỹ nếu visa chưa chuyển/ hoặc chưa có travel document. (Tức là 2 đứa nó phải đăng ký ở bên Mỹ trước rồi chuyển visa, lấy travel document, rồi mới sang Nhật làm lễ được được).

    Nói chung cái thủ tục nhập cư ở Mỹ vô cùng crazy.

    ReplyDelete
  2. Lung Vu: Tại vì không viết được cái gì ra đầu ra đũa nên phải chuyện nọ xọ chuyện kia. Đầu voi đuôi con dê, he he:)

    ReplyDelete
  3. Đọc cái đoạn này: "Sự đau khổ không hẳn chỉ vì vợ chồng tiếp tục cách xa, mà trên hết là vì sự trung thực bị nghi ngờ."... mắt mình lại cay cay

    ReplyDelete
  4. @bạn LungVu: thật sự là... đang khốn khổ vì không hiểu nổi cái thủ tục nhập cư ở Mỹ...hix

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN