Thursday, 25 June 2009

Thế là tôi lại được vinh quang

Thế là sau sáu tháng được kích cầu, kể từ 1.7, tôi lại tiếp tục thực hiện nghĩa vụ vinh quang của mình: đóng thuế cho Nhà nước. Quốc hội đã quyết định như thế vào ngày họp cuối cùng của phiên họp vừa rồi. Thật ra, quyết định của Quốc hội hoàn toàn có thể đoán trước. Vào ngày họp cuối cùng, Chính phủ chỉ trình một phương án duy nhất, Quốc hội muốn có ý kiến gì khác cũng khó. Quốc hội xuân thu nhị kỳ, giả sử không thông qua chả lẽ đợi đến mùa thu.


Sau quyết định của Quốc hội, môt điều tôi biết chắc là tài khoản hàng tháng của tôi sẽ sụt đi một con số nhất định. Ấy là con số mà tôi gọi là nghĩa vụ vinh quang mà tôi phải thực hiện. Có điều, tôi chưa biết chắc, thực tế số thuế mà tôi được miễn trong năm 2009 là bao nhiêu, bởi vì quyết định của Quốc hội còn nhiều điều chưa rõ. Có thể đọc thêm blog của nhà báo Nguyễn Vạn Phú hay báo Tuổi Trẻ hôm nay để biết thêm thông tin về chuyện chưa rõ ràng này. Đại để, miễn thuế 6 tháng đầu năm, nghĩa là miễn thuế cho thu nhập phát sinh trong 6 tháng đầu năm, hay miễn thuế cho thu nhập được chi trả trong 6 tháng đầu năm, hay có nghĩa là chia đều thu nhập cả năm cho 12 tháng rồi miễn 6 tháng. Rồi tiền thưởng cuối năm có được miễn một nửa thuế không khi tiền thưởng đấy là thưởng cho cả năm làm việc? Cách hiểu khác nhau sẽ dẫn đến số thuế phải nộp khác nhau, cho nên, người đóng thuế như tôi, dù được kích cầu vẫn phải kiềm nén cái “cầu” của mình lại. Lại phải chờ đến khi cơ quan thuế “giải thích” hy vọng những câu hỏi đang lửng lơ kia mới thông.


Đến đây có hai chuyện để nói.


Chuyện thứ nhất, ta thấy rằng quyết định của Quốc hội sẽ không thể thực hiện được nếu như không được “giải thích” bởi Chính phủ/Bộ Tài Chính/ Tổng cục Thuế. Chuyện luật ban hành rồi không thực hiện được nếu như chưa có Nghị định của Chính phủ hay Thông tư của các Bộ không phải chuyện lạ. Vấn đề là năm 2008 Quốc hội đã thông qua một đạo luật hết sức tiến bộ, được coi là “Luật của luật”, là Luật ban hành văn bản pháp luật. Điều 8 của Luật này quy định văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi văn bản đó có hiệu lực thì thi hành được ngay. Dễ thấy quyết định của Quốc hội về thuế thu nhập cá nhân không đạt được tiêu chí này.


Chuyện thứ hai, việc cơ quan thuế “giải thích” luật như thế nào sẽ ảnh hưởng khá lớn đến số thuế phải đóng. Hệ thống luật Anh Mỹ có khái niệm ultra vires, nghĩa là “beyond the powers”. Khái niệm này có nghĩa nhau trong những ngành luật khác nhau. Trong ngành luật hiến pháp, nó có thể có nghĩa là một văn bản ban hành bởi một cơ quan cấp dưới chỉ được phép diễn giải những nguyên tắc chính sách thể hiện trong văn bản của cơ quan cấp trên, không được phép đặt ra những nguyên tắc hay chính sách mới. Nếu văn bản của cơ quan cấp dưới đưa ra những quy định mà văn bản của cơ quan cấp trên chưa đề cập đến, văn bản đó có thể bị coi là ultra vires và do đó vô hiệu. Luật Việt Nam tuy không có khái niệm ultra vires nhưng Hiến pháp và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có những quy định gần giống. Trong vấn đề về thuế thu nhập cá nhân này, lẽ ra cơ quan thuế chỉ được quyền quy định chi tiết về cách thức thực hiện, thủ tục giấy tờ, thì cơ quan thuế chắc chắn sẽ phải ra những quy định mang tính luật. Nói cách khác, lẽ ra cơ quan thuế chỉ được quy định như thế nào thì nay cơ quan thuế sẽ phải (hay được) quyền quy định cả cái gì được miễn, một việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội và lẽ ra Quốc hội phải làm điều đó. Như thế có ultra vires không? Chắc chắn có, nhưng phải thông cảm, vì nếu cơ quan thuế không ultra vires thì dân tình càng ú ớ nữa. Tuy nhiên, nếu những sự việc tương tự cứ tiếp tục, thì những nguyên tắc cơ bản của pháp luật sẽ bị phá vỡ. Hệ quả là, à mà thôi, có cần cứ phải nói tuốt tuồn tuột ra không?


Nói tóm lại, tôi, với tư cách một người dân đóng thuế cần mẫn trên từng đồng tiền kiếm được của mình, sẽ tiếp tục được vinh quang. Những trưa hè mất điện mồ hôi rơi lả tả hay những ngày mưa xối xả đường phố hóa thành sông, tôi sẽ lại có cơ hội gặm nhấm niềm vinh quang của mình trong cay đắng. Ôi những đồng tiền bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ biết chảy về chốn nao? Cũng nhiều lần tôi tự hỏi bao nhiêu người, chẳng hạn những người sở hữu cùng lúc năm bảy biệt thự ở Phú Mỹ Hưng hay nguyên một tầng khu căn hộ the Manor có chia sẻ niềm vinh quang cùng tôi, một người làm công ăn lương, tuy có ăn lương của tư bản nhưng vẫn chỉ mơ về một biệt thự Phú Mỹ Hưng như mơ về nơi xa lắm?


À, mà tôi phải hỏi Tuổi Trẻ xem có phải nhuận bút của tôi đã bị trừ 10% tiền thuế không? Nếu đúng có lẽ nhuận bút trước thuế của tôi lên đến 600.000 đồng. Có kẻ cứ dèm pha tôi lãnh nhuận bút loại bét!


PS: Cái luật thuế mới này không có nhiều cơ hội để planning. Luật chỉ quy định một khoản khấu trừ cá nhân 4 triệu đồng một tháng và khấu trừ cho người phụ thuộc 1.600.000 đồng một tháng. Muốn tăng khấu trừ chỉ có cách đẻ thêm con, mà đẻ thêm thì vi phạm chính sách dân số của Nhà nước. Cách thứ hai, tăng khấu trừ nhiều hơn, là cloning chính bản thân:)

5 comments:

  1. Hà hà, anh yên tâm là số ấy chưa phải nhuận bút hạng bét (của các loại bét) đâu :D Cứ nên tự hào ầm ầm cho bõ cái lúc cay đắng. :)

    ReplyDelete
  2. Tuổi Trẻ trừ thuế từ rất lâu trước khi có luật rồi cơ bác ạ. Bác cứ yên tâm là chính thức bác được 600.000, thôi cũng an ủi được tí chút nhề

    ReplyDelete
  3. Nếu đúng thế thì gay go nhỉ, sao trong thời gian giãn thuế mà lại khấu trừ thuế?

    ReplyDelete
  4. Trước đây nhuận bút trên 500.000 thì bị trừ 10% tiền thuế nhưng 6 tháng đầu năm nay thì không trừ anh ơi.
    Về vụ "hạng bét", thế anh có tin lời dèm pha không? Tuyệt đối không nhé! ;)

    ReplyDelete
  5. chắc là cũng không đến nỗi hạng bét bác ạ, vì chắc là có nhiều hạng lắm, phải tự tin bác ơi

    đợt trước cái bài gì của em bây giờ cũng chẳng nhớ bị TT trừ mất 300.000 tiền thuế xót ơi là xót

    :-(

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN