Đáng lẽ sẽ là Cầu, cầu, cầu nhưng như thế có khi bị chê là kém sáng tạo (lol), thế nên chuyển sang Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện cầu cho nó có hơi hướm parody. Cứ xét câu này mà nói, tôi thấy tiếng Việt hay hơn hẳn tiếng Anh. Vì nếu dịch ra tiếng Anh, chẳng biết nên dịch là What we talk about when we talk about bridges hay là What we talk about when we talk about restrooms. Nhân đây, công nhận bác Dương Tường dịch What we talk about when we talk about love thành Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình nghe rất chi là tình. Cái câu đơn giản ấy lại khó dịch cho hay. Tưởng tượng nếu ai đó dịch thành Chúng tôi nói chuyện gì khi chúng tôi nói về tình yêu thì cái nhan đề ấy sẽ không có cơ hội được parody, ít ra trên blog này. Dù sao đi nữa, chủ đề của hôm nay là cầu.
Con gái Alpha của tôi kém ba tháng thì ba tuổi. Kể ra Alpha hơi chậm nói. Hai tuổi cô nàng còn líu lô bài Ba chung chi cả ngày. Bài gốc là Ba thương con, nhưng Alpha parody thành ra Ba chung chi. Tôi bảo cả đời ba có chung chi cho ai đâu mà con cứ hát ba chung chi. Bây giờ cô nàng nói như két rồi, nói nhức cả đầu cả tai. Hồi chưa biết nói cứ mong cô nàng nói. Bây giờ nói sõi nhiều lúc chỉ mong cô nàng im mồm. Kể lại hết những chuyện cô nàng nói có mà gãy cả bàn phím. Chỉ kể lại một chuyện có liên quan đến chủ đề hôm nay như sau: Số là dạo này Alpha thấy ba mẹ có cái gì cũng hỏi cái này là cái gì, sau đó cô nàng sẽ thỏ thẻ Lớn lên mẹ mua cho con cái này nhé. Chẳng hạn thấy mẹ có bông tai, cô nàng bảo Lớn lên mẹ mua cho con bông tai nhé, thấy mẹ đeo dây chuyền, cô nàng cũng Lớn lên mẹ mua cho con dây chuyền nhé. Một hôm đi trên đường Nguyễn Văn Linh, cô nàng nhìn thấy cái cầu màu đỏ vồng lên rất đẹp. Cô nàng hỏi Mẹ ơi, đây là cái gì hả mẹ?. Mẹ của cô nàng trả lời: Đây là cái cầu, con à. Cô nàng thỏ thẻ: Mẹ ơi, lớn lên mẹ mua cho con cái cầu nhé. Cả nhà được một trận cười. Tôi nghĩ bụng cầu thì ba mẹ không mua được cho con rồi. Tuy nhiên, nếu con lớn lên và tích lũy được một số kỹ năng nhất định, con có thể ăn được nó. Ở nước mình không thiếu người có kỹ năng ăn được cầu, đường, hầm.v.v.. Nghĩ thế thôi chứ tôi không mong con và tốt hơn hết là bất kỳ ai tích lũy được cái kỹ năng siêu phàm này.
Lại nói về vần đề cầu. Cầu ở những nơi khác tôi không rõ, nhưng cầu ở Sài Gòn cũng mốt như con gái Sài Gòn. Mốt của cầu ở Sài Gòn bây giờ là nhất định ngay dưới chân cầu phải có một ngã ba, hoặc ngã tư, đèn xanh đèn đỏ nhấp nháy. Tôi cũng không có tài chê bai :), nhưng chắc các bạn cũng thừa nhận bố trí giao thông như thế những người có tài nhất định không làm được. Tưởng tượng một loạt xe máy dừng đèn đỏ ngay chân cầu, đồng thời là chân dốc, sau lưng là một cái xe tải hoặc xe buýt cao niên chẳng may đứt thắng. May tôi chưa gặp phải tình huống này bao giờ. Cầu trời cho tưởng tượng của tôi không bao giờ thành hiện thực. Chỉ có điều, hàng ngày đi trên những cái cầu như thế này, khi đang ngon trớn đổ dốc mả phải thắng lại cái cụp, tôi thấy hơi tưng tức. Cứ như sắp lên tới đỉnh mà phải rút ra. (Các chuyên gia bảo biện pháp này không an toàn lắm đâu nhé!) Chạy xe như thế quả thực thử thách bản lĩnh đàn ông lắm lắm.
Lại nói tiếp về vấn đề cầu. Theo tin ở đây, dự án vệ sinh môi trường lại đang làm cho môi trường mất vệ sinh. Các công nhân của dự án này buộc phải bài tiết thẳng xuống các con kênh vốn đã đen đen của thành phố. Tôi biết có công ty nọ tổ chức cho nhân viên của mình đi trồng rừng trong một khu vực heo hút ở Đồng Nai. Vậy mà người ta cũng chú ý thuê hẳn một nhà vệ sinh lưu động đem theo để nhân viên không phải vệ sinh ra thiên nhiên. Dĩ nhiên, công ty nọ có tiền để làm việc đó. Tuy nhiên, ai bảo dự án vệ sinh môi trường trên không có tiền. Vấn đề không nằm ở tiền, chắc chắn là như thế. Còn vấn đề nằm ở đâu, ở bụng, ở tim, ở mắt, ở đầu hay thậm chí ở miệng là tùy các bạn suy luận.
Bonus một bài hát ngộ nghĩnh đầu phim Mùi đu đủ xanh:
“Nào ta cùng chải răng răng răng
Lau mặt mũi tay chân chân chân chân
Rồi ta sẽ chải đầu đầu đầu đầu
Và ta sẽ đi cầu cầu cầu cầu”.
No comments:
Post a Comment