Thursday, 29 July 2010

Những ghi chép ở hiệu sách


1. Nếu bạn làm việc văn phòng, 8 tiếng một ngày dán mông vào ghế, mắt chằm chằm nhìn máy tính đắm đuối và mãnh liệt hơn nhìn vợ/chồng hay người yêu, đi hiệu sách vào cuối ngày làm việc là một ý tưởng không tồi. Ở hiệu sách, đặc biệt hiệu sách nước ta, bạn sẽ có cơ hội tập thể dục một cách toàn diện: bạn sẽ phải đứng lên, ngồi xuống, rướn người lấy những cuốn trên cao, bò ra sàn xem những cuốn dưới thấp - những động tác này đặc biệt tốt cho lưng, bụng, lườn, cơ đùi trước và đùi sau, cũng như cơ bắp tay; bạn lật những trang sách? - đó là cách hiệu quả để thư giãn những ngón tay sau một ngày rê chuột quá nhiều; khi mắt bạn nhìn gần đọc thử một trang, rồi nhìn xa lướt qua dãy kệ, nhân tiện ngó xem cô bán hàng hôm nay mặc áo dài màu gì, có đang nặn mụn hay ngoáy mũi, đích thị đó là một bài tập tốt cho mắt; còn nữa, nếu bạn e ngại khớp cổ bạn dạo này hơi cưng cứng, thì đừng lo lắng chi, vì các gáy sách ở Việt Nam chưa bao giờ thống nhất một chiều in: bạn sẽ ngoẹo trái để đọc gáy cuốn của nhà xuất bản này, và ngoẹo phải để đọc gáy cuốn của nhà xuất bản khác, chưa kể nếu sách để nằm ngửa, mà lại nằm dưới đáy một chồng sách nặng, nếu không muốn rút ra và làm đổ nguyên chồng sách, bạn chỉ còn cách xoay cổ về phía háng (của mình). Đấy là tập thể dục ở những tiệm sách mới như Fahasa hay Phương Nam. Còn nếu bạn muốn tập thêm bài hít đất, bạn có thể ghé một tiệm sách cũ, chẳng hạn 28 Đồng Khởi, nơi có khá nhiều sách ngoại văn cũ mà anh chủ tiệm nhất quyết không biết mình có những cuốn gì. Tất nhiên, nếu nguyên chồng sách ầm lên lưng bạn, thì bạn có quyền cho phép mình tưởng tượng thưởng thức một chầu massage body miễn phí.
2. Trong các hiệu sách Việt Nam, việc sách được sắp xếp theo thứ tự nào là một bí ẩn lớn lao. Nhìn chung, người ta có thể nhận ra sách được xếp theo lĩnh vực, chẳng hạn văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, kinh tế, chính trị, nông nghiệp, phong thủy. v.v. Nhưng trong từng lĩnh vực, liệu có một trật tự nào chăng? Đơn cử lĩnh vực mà tôi hay mon men nhất - văn học - tôi ngàn lần băn khoăn tại sao Istanbul của Pamuk nằm ở đầu này mà Tuyết cũng của Pamuk lại nằm tận đầu kia dãy kệ? Ở Fahasa Lottemart Quận 7, nơi từng có khá nhiều tiểu thuyết của Auster và Kundera, mỗi lần tôi ghé lại thấy những cuốn tôi từng nhìn thấy được chuyển sang vị trí khác. Có vẻ sách được xếp theo một trật tự ngẫu nhiên, bất định, khiến cho việc tìm được một cuốn sách hay ở đây mang lại cho ta một niềm vui thình lình khôn tả. Dẫu nói vậy, tôi không khỏi băn khoăn tại sao chưa có hiệu sách nào bắt chước các hiệu sách nước ngoài sắp xếp sách theo thứ tự tên tác giả trong bảng chữ cái?
3. Một băn khoăn khác là các nhân viên bán sách có đọc sách không? Hoặc nếu không đọc, ít ra họ có biết gì về những cuốn sách mà họ bán? Sau vài lần nhờ nhân viên nhà sách tìm giùm vài cuốn, tôi đồ chừng họ không biết gì về sản phẩm họ bán cả. Tôi cũng chưa thấy nhà sách nào ở Việt Nam có kệ Sách chúng tôi giới thiệu, kiểu như Recommended by Staff thường thấy ở các nhà sách nước ngoài. Kể cũng lạ, nếu bạn đi mua máy tính hoặc máy hút bụi, nhân viên bán hàng thường có khả năng chỉ dẫn bạn cặn kẽ về tính năng sản phẩm họ bán, còn khi đi mua sách, bạn không thể trông mong gì nhiều từ nhân viên bán sách.

Wednesday, 28 July 2010

Mười phút trước khi vào lớp

Dạo này nhận thêm project mới ở công ty nên bận hơi nhiều, khả năng sẽ khó viết cái gì dài dài. Có lẽ bắt chước bác Quốc Bảo mỗi ngày viết vài dòng ngăn ngắn.

Mười phút nữa phải vào môt lớp training hết cả ngày. Vẫn nghĩ về việc nhà văn viết thế nào.

Trong Movable Feast, Hemingway thú nhận có khi ông mất nguyên một buổi sáng để viết một câu văn. Mà câu của Hemingway thường gồm những từ đơn giản và ngắn tủn. Đọc lại The Sun Also Rises, mới thấy câu văn của Hemingway thật kinh khủng. Nghĩ lại, đó có thể là những câu văn mà mất nguyên một buổi Hemingway mới viết xong.

Trong Other Colors, Pamuk kể mỗi ngày ông làm việc mười tiếng. Mười tiếng đó trung bình ông viết được nửa trang đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của chính ông.

Thế cho nên, lúc nào nghe nhà văn nào đó tâm sự trên báo tôi viết cuốn này nhanh lắm, nửa tháng, 20 ngày, một tháng, không khỏi cười.

Viết nhanh thì cũng được quên nhanh thôi mà.

Hết giờ!




Tuesday, 27 July 2010

Lượm lặt đó đây

(những chi tiết vui vui, hoặc không vui vui nhưng là lạ, từ vài cuốn đọc tương đối gần đây)

Làm thế nào để phá hủy động cơ xe hơi một cách êm ái nhất?

Đáp: Rót vài lon Coca vào bình xăng. (Ref: The Brooklyn Follies của Paul Auster)

Muốn tự tử bằng cách đọc sách?

Đáp: Đọc Nghìn lẻ một đêm từ đầu tới cuối. (Ref: Other Colors của Orhan Pamuk)

(Ngoài lề: Muốn tự tử bằng cách đọc thơ? Hàng ngày vào tienve.org và đọc sạch các bài thơ trong đóJ)

Tứ mã phanh thây trong thời hiện đại diễn ra như thế nào?

Đáp: Thay ngựa bằng xe (rất rùng rợn - cấm trẻ em dưới 18 tuổi - Ref: Người trong bóng tối của Paul Auster)

Chỉ vì một trận bóng đá mà hai quốc gia lao vào đánh nhau (chiến tranh thật sự, 6.000 người chết)?

Đáp: El Salvador và Honduras, năm 1969 (Ref: The Soccer War của Ryszard Kapuscinski)

Tỷ lệ gái đĩ ở Hà Nội vào thời điểm 193x?

Đáp: Cứ 35 người có một người làm đĩ. (Ref: Lục xì của Vũ Trọng Phụng. Có ai biết số liệu hiện tại?)

Làm thế nào đã bay lên trời theo nhóm?

Đáp: Đứng thành vòng tròn, cùng đá chân qua trái, rồi lại qua phải (múa tập thể? Ref: The Book of Laughters and Forgetting - Milan Kundera)

........

Làm thế nào để biết một tác giả mới ra sách đang nghe ngóng dư luận nói gì về sách mình?

Đáp: Nhìn vào thống kê của blog, phần cụm từ tìm kiếm:)


Monday, 26 July 2010

Da

Hôm trước, trong lọat bài Vừa đi đường, vừa kể chuyện, tôi có kể chuyện nghe một nhà thơ Mỹ đọc thơ ở bar Green Mill. Tên anh chàng đó là Ryler Dustin. Tôi có liên hệ với Ryler xin được một bản bài thơ Skin, và xin phép dịch một số bài thơ của anh sang tiếng Việt. Ryler đồng ý, gửi cho tôi bài Skin. Nhưng khi bắt tay vào dịch tôi thấy dịch thơ thật khó. Thời may tôi tóm được một bạn dịch giùm. Mời các bạn đọc bài thơ Da của Ryler Dustin do Trần Minh Quân dịch. (Công lao duy nhất của tôi đối với bản dịch này là sửa lỗi chính tả:))


--------------------

Da

Da. Nó phủ kín toàn cơ thể tôi.

Da. Nó thật ra đâu phải màu của thịt.

Da. Nó có thể được tô bằng nhiều mức độ melatonin khác nhau.

Da. Nó mát như lụa.

Da. Ước gì tôi có thể bước ra khỏi da tôi để làm tình với bản thân mình.

Da. Da tôi kỳ diệu. Tôi muốn kẻ nào đó hãy sờ vào nó.

Da. Căng nó ra nó sẽ là một bản đồ khổng lồ.

Da. Đêm rồi mà cát bụi của mặt trời vẫn còn rơi lên mi.

Da. Mẹ tôi đã tạo ra nó.

Da. Nghĩ đến điều này hơi quái gở.

Da. Không nên nghĩ đến điều này lúc làm tình.

Da. Nhưng không! Chính tôi đã tạo nên bộ da tôi đang có

Vì da lúc nào cũng chết mòn rồi tự tái tạo.

Da. Toàn bộ của tôi. Nó làm nên tôi.

Da tôi muốn làm gì nó thì làm!

Da để ôm tôi để tôi ẵm em lên rồi thảy em xuống

ghế sofa.

Da tôi như chàng Spartan chống chọi không khí đầy vi khuẩn.

Da tôi để tôi xài dù để làm việc tốt hay việc ác.

Da tôi nó chỉ hiểu được riêng một ngôn ngữ loài da.

Da tôi nó có thể nói được bất cứ ngôn ngữ loài da nào.

Da tôi để tôi đến gần và lánh xa em.

Da tôi, tôi quên nó còn nói tiếng của những vành môi.

Da tôi, vì nó da em làm ánh trăng soi.

Da tôi, là cách để em tiếp cận những bộ phận trong cơ thể tôi

Chúng suốt đời chỉ nghe được lời đồn về ánh sáng mặt của trời.

Da tôi đang đứng một mình trên bậc thang đưa đến ngôi đền.

Da tôi là ranh giới giữa nơi này và thế giới bên kia.

Da mảnh dẻ, da khổ hạnh, da tôi trong ngôi nhà nhỏ bên bờ biển rộng.

(Trần Minh Quân dịch)


Nguyên bản tiếng Anh:


Skin

Ryler Dustin



Skin. It covers all of your body.
Skin. It is not actually flesh colored.
Skin. It may be shaded with varying levels of melatonin.
Skin. It feels like silk.
Skin. If only I could step out of me and make love to me.
Skin. My skin is magic. I want someone to touch it.
Skin. If I stretched my skin out it would make for a huge map.
Skin. At night the dust of suns still rains upon you.
Skin. My mother made my skin.
Skin. It is weird to think that my mother made my skin.
Skin. I must forget this when making love.
Skin. Ah, wait! I made the skin I have now
because skin is always dying and growing.
Skin. Fully my skin. Self-making skin.
Skin I shall do with as I will!
Skin to hold me while I pick you up and throw you
on the couch.
My skin like a Spartan against bacterial air.
My skin to serve me whether I do kind things or cruel things.
My skin that can speak no language but skin.
My skin that can speak any language of skin.
My skin which I move closer and farther from you.
My skin. I forgot it can also speak lips.
My skin, for whom your skin is a moon.
My skin, the closest you’ll get to my organs
which hear only rumors of day.
My skin standing alone on the steps of the temple.
My skin between this world and the next.
Gentle skin, hermit skin, my skin in its small shack by the sea.


Tuesday, 20 July 2010

Giải lao


Hôm nay giải lao, tạm ngưng cả Carver và Pamuk. Nhưng giải lao cũng không được đi đâu xa đấy nhé, đừng có nhân giải lao mà trốn luôn, hoặc lề mề câu giờ. Nói đến câu giờ, không biết bao giờ chúng ta mới cải thiện được tình trạng giờ giây thun. Cơ quan nhà nước thì thôi rồi, giờ họp bắt đầu từ 8 giờ, thì có nghĩa là 8 rưỡi hoặc 9 giờ trên thực tế. Có khi 10 giờ kém mới thấy có bác tay xỉa răng tay cầm tờ báo đủng đỉnh đi vào. Vào họp rồi lại rút điện thoại ra nói chuyện rõ to, cứ như mỗi mình mới có di động, hay chính xác hơn mỗi mình là người bận rộn. Công ty tư nhân tư bản như công ty tôi, họp 8 giờ thì cùng lắm 8 giờ 5 bắt đầu. Những người đẩy cửa vào muôn 5, 10 phút nhìn lại toàn là đồng bào mình cả. Buồn lắm ấy.

Nói giải lao không được đi đâu xa, là bởi không Carver hay Pamuk thì cũng liên quan đến sách thôi. Hôm trước đang phàn nàn dạo này không ai tặng sách, lại được tặng ngay mấy cuốn liền:

1) Nhím thanh lịch do Nhím tặng:) với lời đề tặng Ghi trên một cái gai nhím: thanh lịch đấy! Cảm ơn, cảm ơn. Nhìn lướt qua thấy văn có vẻ hay. Sẽ xếp vào chương trình đọc Quý 3 năm nay.

2) Mưa ở kiếp sau do cô chủ quán Lollybooks tặng. Mình với cô chủ quán vốn chưa gặp nhau bao giờ. Lần trước ra Hà Nội thì cô chuẩn bị bể bầu thế nên ngồi quán rồi mà không gặp được. Cái quán đấy xinh xắn dễ thương có nhiều sách, khoai tây chiên ngon và rẻ mỗi tội trà hơi đắt! Cô chủ quán chỉ vì đọc blog này mà nảy ra ý tặng sách cho chủ nhân. Sau một hồi mail đi mail lại thì thống nhất tặng cuốn thứ hai của Đoàn Minh Phượng là Mưa ở kiếp sau, vì tôi rất thích cuốn thứ nhất của chị Phượng là Và khi tro bụi - một cuốn tiểu thuyết viết bằng một thứ văn cực cùng tinh khiết. Cô chủ quán còn khuyến mãi thêm bộ truyện cổ tích của Nhã Nam. Rất vừa lúc vì hôm qua vừa mới quăng đi một bộ truyện cổ tích hẳn là truyện cổ Grimm của Đông A. Ngày xưa đọc không để ý, nay đọc lại mấy truyện này cho hai bạn Alpha và Pi thấy kinh quá nên quăng khẩn trương. Truyện Chú bé tí hon thì kể chuyện hai vợ chồng tiều phu nghèo quá nên đem con bỏ vào rừng, được nhà vua cho mười đồng tiền vàng, may nhờ thằng út là thằng tí hon mưu trí dẫn được sáu thằng anh về nên cả nhà sum họp, ăn hết mười đồng tiền vàng thì lại vứt con vào rừng tiếp. Cha mẹ gì mà lạ kỳ vậy, cứ không có đồ cho con ăn là vứt con vào rừng. Lại chưa nói đến cái thằng oắt tí hon kia bé tí mà độc ác, lừa cho lão yêu tinh ăn thịt bảy đứa con gái mình nữa chứ. Rùng rỡn vãi pee. Những truyện khác cũng bạo lực không kém: Ba chú heo con thì lừa cho sói rơi vào nồi nước sôi. Truyện Bảy chú dê con thì có chuyện dê mẹ mổ bụng sói, nhét đá vào bụng rồi khâu lại (còn hơn cả chuyện anh chàng học Ngoại thương chặt đầu người yêu đấy chứ!) cho sói chết chìm dưới sông. Truyện Cô bé quàng khăn đỏ cũng có chuyện bác thợ săn đập đầu sói vỡ toang đậu phụ văng tung tóe. Còn trụyện Chú mèo đi hia thì cổ vũ cho sự dối trá và lường gạt, mèo gì mà dám lừa cả nhà vua. Có lẽ phải cấm hai bạn Alpha và Pi không được đọc truyện cổ Grimm trước năm 18 tuổi.

3) Cuốn này chưa nhận được, nhưng cứ kể vào cho xôm tụ: Thời tiết đô thị của 5xu. Lão này hôm nọ gọi mình ra uống bia nhận sách. Hẹn 4g30 thì 6 giờ hơn mới vác xác đến - phẩm chất Việt Nam điển hình. Hỏi sách đâu bảo chưa có. Ý là sách bán đắt quá đấy:)) Hôm nay chửi lão thế này, nhưng chắc thế nào trước sau lão cũng tặng mình thôi. Chạy đâu cho thoát. Không đọc, không review, không giới thiệu mà yên thân với Xu béo à. Kinh lắm. Maphia a lắm.

4) Inner workings của Coetzee và Lột vỏ hành của Gunter Grass: cũng chưa nhận được - thằng cu này còn đang hú hí ở Vũng Tàu. Nhưng hồi hộp phết đấy. Tân ơi là Tân!

5) East, WestStep Across the Line của Salman Rushdie: Tự tặng mình thôi. Cũng chưa có, nhưng quyết hớt tay trên bạn Nhím!:) [Cập nhật: Hôm nay ra tiệm sách bạn Nhím chỉ không tìm được hai cuốn này vì sách lộn xộn quá, nhưng bù lại tìm được The Soccer War của Kapuscinski - mừng không kém!]

Hết giờ giải lao. Mai mốt lại Carver với Pamuk!




Sunday, 18 July 2010

Chuông reo là giật bắn

Không liên quan gì đến phim của Lê Hoàng, nhưng cứ giật cái tít thế cho nó máu, cạnh tranh với Vnexpress và Vietnamnet. Đặc biệt Vietnamnet!

Là một truyện dịch nữa trong chương trình Raymond Carver, dịch từ truyện Are you a doctor? trong tập Will you please be quiet, please? Truyện này có liên quan đến điện thoại. Đại khái đọc xong nghe chuông điện thoại có thể giật mình (quảng cáo tí:)).


-----------------

CÓ PHẢI ANH LÀ BÁC SĨ?

Raymond Carver



Mang dép lê, vận pi-ja-ma và áo choàng ngủ, anh lao vội khỏi phòng làm việc khi điện thoại bắt đầu reng. Vì lúc đó đã hơn 10 giờ, hẳn phải là vợ anh gọi. Đêm nào xa nhà, cô cũng điện thoại tầm này, sau khi uống vài ly. Cô là người phụ trách mua hàng, và cả tuần nay cô đi công tác.

“ A lô, em à,” anh nói. “A lô,” anh lặp lại.

“Đây là ai?” một phụ nữ hỏi.

“Hừm, đây là ai?” anh nói. “Chị muốn gọi số nào?”

“Đợi một phút,” người phụ nữ nói. “Số 273-8063.”

“Đó là số của tôi,” anh nói. “Sao chị có số này?”

“Tôi không biết. Tôi làm về và thấy nó ghi trên một mẩu giấy nhỏ," người phụ nữ nói.

“Ai ghi?”

“Tôi không biết,” người phụ nữ nói. “Chắc là cô trông trẻ. Hẳn là cô ấy.”

“Hừm, tôi không biết làm thế nào mà cô ấy có số của tôi,” anh nói, “nhưng đây là số của tôi, và tôi không đăng ký danh bạ. Chị có thể vứt nó giùm tôi được không? A lô? Chị có nghe không?”

“Có, tôi có nghe,” người phụ nữ nói.

“Còn gì nữa không?” anh nói. “Đã khuya và tôi đang bận.” Anh không có ý nói chuyện cộc lốc, nhưng người ta không thể mạo hiểm. Anh ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh điện thoại và nói, “Tôi không có ý nói chuyện cộc lốc. Ý tôi chỉ là đã khuya và tôi hơi lo ngại làm thế nào tình cờ chị có số tôi.” Anh thả dép ra và bắt đầu xoa xoa bàn chân, đợi câu trả lời.

“Tôi cũng không biết,” cô nói. “Tôi đã bảo anh tôi chỉ thấy số điện thoại được ghi lại, không có thêm dòng nào cả. Mai gặp Annette - tức là cô giữ trẻ - tôi sẽ hỏi. Tôi không có ý quấy rầy anh. Tôi chỉ thấy mảnh giấy thôi. Từ lúc đi làm về đến giờ lúc nào tôi cũng ở trong bếp.”

“Không sao,” anh nói. “Quên nó đi. Chỉ cần vứt nó đi và quên nó đi. Không có chuyện gì đâu, chị không phải lo.” Anh chuyển ống nghe từ tai này sang tai kia.

“Anh có vẻ là người dễ mến,” người phụ nữ nói.

“Thế à? Ừm, chị quá lời.” Anh biết giờ anh nên gác máy, nhưng nghe một giọng nói, kể cả giọng chính mình, trong căn phòng yên ắng khiến anh thấy hay hay.

“Ồ, vâng,” cô nói. “Tôi dám chắc.”

Anh buông bàn chân ra.

“Nếu anh không phiền liệu tôi có thể biết tên anh?” cô nói.

“Tôi tên Arnold,” anh nói.

“Và tên gọi thường của anh là gì?” cô nói.

“Tên gọi thường của tôi là Arnold,” anh nói.

“Ôi, xin lỗi,” cô nói. “Arnold là tên gọi thường của anh. Còn họ, Arnold? Anh họ gì?”

“Thực sự tôi phải gác máy,” anh nói.

“Arnold, thôi mà, tôi là Clara Holt. Bây giờ anh tên là Ông Arnold gì nữa?”

“Arnold Breit,” anh nói và vội thêm, “Clara Holt. Hay đấy. Nhưng tôi thực sự nghĩ là tôi phải gác máy, cô Holt. Tôi đang đợi điện thoại.”

“Xin lỗi, Arnold. Tôi không định làm mất thời gian của anh,” cô nói.

“Không sao,” anh nói. “Rất vui nói chuyện với chị.”

“Cảm ơn anh.”

“Chị giữ máy một phút được không?” anh nói. “Tôi kiểm tra cái này một chút.” Anh vào phòng làm việc lấy một điếu xì gà, mồi bằng hộp quẹt để bàn, rồi bỏ kính ra và ngắm mình trong gương qua lò sưởi. Khi quay lại chỗ để điện thoại, anh ngỡ rằng cô đã gác máy.

“A lô?”

“A lô, Arnold,” cô nói.

“Tôi tưởng chị đã gác máy.”

“Ồ, không,” cô nói.

“Về việc chị có số tôi đấy,” anh nói. “Không phải lo gì. Chỉ vứt nó đi thôi.”

“Tôi sẽ vứt, Arnold,” cô nói.

“Rồi, bye nhé.”

“Vâng, tất nhiên,” cô nói. “Chúc ngủ ngon.”

Anh nghe tiếng cô thở hắt.

“Tôi biết là tôi đường đột, Arnold, nhưng anh nghĩ liệu ta có thể gặp nhau đâu đó nói chuyện chút chăng? Chỉ vài phút thôi.”

“Tôi e không thể,” anh nói.

“Chỉ một phút, Arnold. Việc tôi tìm thấy số của anh và tất cả mọi sự. Tôi có cảm giác mãnh liệt về chuyện này, Arnold.”

“Tôi già rồi,” anh nói.

“Ồ, làm gì,” cô nói

“Thật đấy, tôi già mà,” anh nói.

“Liệu ta có thể gặp nhau đâu đó, Arnold. Anh biết không, tôi chưa kể cho anh hết. Còn chuyện khác nữa,” người phụ nữ nói.

“Ý chị là gì? ” anh nói. “Chính xác việc này là gì? A lô?”

Cô đã gác máy.

Khi anh sửa soạn đi ngủ, vợ anh gọi, anh đoán chị có vẻ hơi say, và họ tán chuyện một hồi, nhưng anh không đả động gì đến cuộc gọi kia. Lúc sau, khi anh đang kéo tấm phủ giường xuống, điện thoại lại reo.

Anh bắt máy. “A lô, Arnold Breit nghe đây.”

“Arnold, xin lỗi anh điện thoại bị ngắt. Như tôi nói lúc nãy, tôi nghĩ việc chúng ta gặp nhau quan trọng đấy.”



Chiều hôm sau khi đang tra chìa vào ổ khóa, anh nghe tiếng điện thoại reng. Anh bỏ cặp xuống, và vẫn nguyên mũ, áo khoác và găng, vội vàng đến bên bàn nhấc ống nghe.

“Arnold, xin lỗi lại quấy rầy anh,” người phụ nữ nói. “Nhưng anh phải đến nhà tôi đêm nay tầm chín giờ chín rưỡi. Anh có thể làm thế vì tôi, Arnold?”

Tim anh xáo động khi nghe cô gọi tên mình. “Tôi không thể làm thế,” anh nói.

“Đi nào, Arnold,” cô nói. “Thật sự quan trọng nếu không tôi đã không nài nỉ. Tôi không thể ra khỏi nhà tối nay vì Cheryl bị cảm lạnh và giờ tôi đang lo lây cho thằng bé.”

“Còn chồng chị đâu?” Anh đợi câu trả lời.

“Tôi không có chồng,” chị nói. “Anh sẽ đến chứ, phải không?”

“Tôi không hứa,” anh nói.

“Tôi xin anh đến," cô nói rồi vội đọc cho anh địa chỉ nhà rồi gác máy.

Tôi xin anh đến,” anh nhắc lại, vẫn còn cầm điện thoại. Anh chậm rãi tháo găng tay và rồi áo khoác. Anh cảm thấy phải thận trong. Anh đi rửa tay. Khi nhìn vào gương nhà tắm, anh nhận ra mình vẫn đội mũ. Chính lúc đó anh quyết định sẽ gặp cô, và anh bỏ mũ và kính ra rồi xát xà phòng lên mặt. Anh xem lại móng tay mình.



“Anh chắc đúng đường này?” anh hỏi người tài xế.

“Đúng con đường này và tòa nhà kia kìa,” người tài xế nói.

“Đi tiếp,” anh nói. “Cho tôi xuống phía cuối block nhà.”

Anh trả tiền cho người tài xế. Đèn từ những khung cửa sổ phía trên rọi sáng các ban công. Anh có thế nhìn thấy những chậu cây mắc trên các thanh chắn ban công và đây đó một vài bộ bàn ghế ngoài trời. Ở một ban công nọ một người đàn ông to cao mặc áo gió tì trên thành ban công dõi theo anh khi anh đi về phía cửa.

Anh nhấn cái nút bên dưới chữ C.HOLT. Chuông reo, và anh quay lại về phía cửa và bước vào. Anh thong thả leo cầu thang, ngừng để nghỉ một chút tại mỗi chiếu nghỉ. Anh nhớ cái khách sạn ở Luxemburg, năm cái tầng lầu mà anh và vợ từng leo cách đây nhiếu năm. Anh cảm thấy đau đột ngột bên hông, mường tượng tim anh, mường tượng chân anh khụyu lại, mường tượng một cú ngã nặng xuống chân cầu thang, Anh rút khăn tay ra và lau trán. Rồi anh tháo kính và lau tròng, đợi tim mình ổn định trở lại.

Anh ngó xuốnh sảnh. Khu căn hộ rất im ắng. Anh dừng trước cửa nhà cô, bỏ mũ ra, và gõ nhẹ. Cửa hé mở, một cô bé tròn trĩnh mặc pi-ja-ma thò ra.

“Bác là Arnold Breit?” cô bé hỏi.

“Đúng rồi,” anh nói. “Mẹ cháu có nhà không?”

“Mẹ cháu nói cho bác vào nhà. Mẹ cháu nói bảo với bác rằng mẹ ra hiệu thuốc mua xi-rô ho và aspirin.”

Anh khép cánh cửa sau lưng. “Cháu tên gì? Mẹ cháu có nói với bác, nhưng bác quên khuấy mất.”

Cô bé không nói gì nên anh thử một lần nữa.

“Cháu tên gì? Có phải là Shirley?”

“”Cheryl,” cô bé nói. “C-h-e-r-y-l.”

“À , giờ bác nhớ ra rồi. Mà bác nhớ cũng gần đúng, cháu có thấy thế.”

Cô bé ngồi trên một chiếc đôn bên kia phòng và nhìn anh.

“Vậy ra là cháu ốm, phải không?” anh hỏi.

Cô bé lắc đầu.

“Không ốm à?”

“Không,” cô bé đáp.

Anh nhìn quanh. Căn phòng được chiếu sáng bằng một cây đèn góc ánh sáng vàng thân có gắn một gạt tàn lớn và một giá để tạp chí. Một cái ti vi đế áp bức tường phía xa, đang mở, volume nhỏ. Một hành lang hẹp dẫn ra phần phía sau căn hộ. Lò sưởi được mở, không khí quẩn mùi thuốc men. Kẹp tóc và uốn tóc lăn lóc trên bàn uống trà, một cái áo choàng tắm màu hồng vắt trên ghế sô-pha.

Anh nhìn đứa bé lần nữa, rồi hướng mắt về phía bếp và những cánh cửa kính từ bếp ra ban công. Những cánh cửa chỉ khép hờ, và một luồng ớn lạnh thoáng qua người anh khi anh nhớ lại người đàn ông to cao mặc áo gió.

“Mẹ chỉ đi ra ngoài một chút,” đứa bé nói, như thể vừa đột ngột tỉnh giấc.

Anh nghiêng người về trước đè lên mấy ngón chân, mũ cầm tay, và nhìn cô bé. “Bác nghĩ là bác nên đi,” anh nói.

Có tiếng chìa xoay trong ổ khóa, cánh cửa bật ra, và một phụ nữ nhỏ người, xanh tái, nhiều tàn nhang bước vào tay cầm một túi giấy.

“Arnold! Rất mừng được gặp anh!” Cô liếc nhìn anh, vẻ hơi lo lắng, và lúc lắc đầu một cách lạ lùng trong lúc cầm túi đi vào bếp. Anh nghe tiếng cửa tủ bếp sập lại. Đứa bé ngồi trên chiếc đôn nhìn anh chăm chú. Anh khụy một chân, dồn trọng lượng trên chân này xong lại đổi sang chân kia, rồi đặt mũ lên đầu và lại bỏ mũ ra khi người phụ nữ quay lại.

“Có phải anh là bác sĩ?” cô hỏi.

“Không,” anh đáp, ngỡ ngàng. “Không, không phải.”

“Cheryl ốm, anh thấy đấy. Em ra ngoài mua mấy thứ. Sao con không cất áo khoác của ông này?” cô quay sang bảo đứa bé. “Bỏ qua cho nó. Bọn em không quen có khách.”

“Tôi phải đi đây,” anh nói. “Thật sự tôi không nên đến đây.”

“Anh ngồi xuống đi,” cô nói. “Chúng ta không thể đứng nói chuyện thế này. Để em cho con bé uống thuốc trước. Rồi chúng ta nói chuyện.”

“Thật sự tôi phải đi,” anh nói. “Nghe giọng chị, tôi tưởng có việc gấp. Nhưng thật sự tôi phải đi.” Anh nhìn xuống tay và nhận thức anh đang lóng ngóng.

“Em sẽ đặt nước pha trà,” anh nghe cô nói, như thể cô chẳng hề lắng nghe anh. “Rồi em cho Cheryl uống thuốc, và rồi chúng ta có thể nói chuyện.”

Cô tóm vai đứa bé và lùa nó vào bếp. Anh thấy người phụ nữ cầm một cái thìa lên, mở một chai gì đấy sau khi ngó qua nhãn, rồi rót hai thìa.

“Nào, giờ con chúc ông Breit ngủ ngon, con gái, rồi vào phòng nhé.”

Anh gật đầu chào đứa bé và sau đó theo người phụ nữ vào bếp. Anh không ngồi xuống cái ghế mà cô chỉ, thay vào đó cái đối diện ban công, hành lang và cái phòng khách nhỏ. “Tôi có thể hút xì gà được chứ,” anh hỏi.

“Anh cứ hút,” cô nói. “Em nghĩ nó sẽ không làm phiền em, Arnold. Hút đi.”

Anh quyết định không hút. Anh đặt hai tay lên gối và làm ra một vẻ mặt nghiêm túc.

“Chuyện này với tôi vẫn còn rất bí ẩn,” anh nói. “Nó khá không bình thường, tôi bảo đảm với chị.”

“Em hiểu, Arnold,” cô nói. “Chắc anh muốn nghe em kể chuyện làm thế nào em có số của anh.”

“Đúng là tôi muốn nghe,” anh nói.

Họ ngồi đối diện nhau chờ nước sôi. Anh nghe tiếng ti vi. Anh ngó quanh bếp rồi lại nhìn ra ban công. Nước bắt đầu sủi tăm.

“Chị định kể về về chuyện số điện thoại,” anh nói.

“Gì, Arnold? Xin lỗi,” cô nói.

Anh hắng giọng. “Kể tôi nghe chuyện làm thế nào chị có số của tôi,” anh nói.

“Em hỏi Annette. Cô trông trẻ ấy - nhưng dĩ nhiên là anh biết rồi. Dù sao, cô ấy kể điện thoại reng lúc cô ấy ở đây và có ai đó tìm em. Họ để số cho em gọi lại, và số cô ấy ghi lại hóa ra là số anh. Em chỉ biết đến thế.” Cô di cái cốc vòng quanh trước mặt. “Xin lỗi em không có gì hơn để kể.”

“Nước sôi rồi kìa,” anh nói.

Cô lấy thìa, sữa, đường ra và rót nước sôi lên túi trà.

Anh thêm đường và khuấy trà. “Chị nói có chuyện gấp nên tôi phải đến.”

“Ồ, chuyện đó, Arnold,” cô nói, quay mặt đi. “Em không biết cái gì khiến em nói vậy. Em không tưởng ra được em đã nghĩ gì.”

“Vậy không có gì à?” anh nói.

“Không. Ý em là .” Cô lắc đầu. “Điều mà anh nói, ý em thế. Không có gì.”

“Tôi hiểu,” anh nói. Anh tiếp tục khuấy trà. “Bất thường,” một lúc sau anh nói, gần như với chính mình. “Khá bất thường.” Anh mỉm cười yếu ớt, rồi đẩy cốc trà sang một bên và lấy khăn giấy chậm môi.

“Anh không định đi đấy chứ?” cô hỏi.

“Tôi phải đi,” anh nói. “Tôi đợi một cuộc điện thoại ở nhà.”

“Gượm đã, Arnold.”

Cô đẩy ghế ra sau và đứng dậy. Đôi mắt cô xanh nhạt, nằm sâu trên gương mặt xanh tái của cô và có những viền tối bao quanh mà thoạt tiên anh tưởng là trang điểm. Sợ hãi chính mình, biết sẽ tự ghét mình về việc này, anh đứng dậy vụng về vòng tay quanh eo cô. Cô thả người để được hôn, chớp chớp mắt rồi thoáng khép mi lại.

“Muộn rồi,” anh nói, buông cô ra, loạng choạng xoay đi. “Chị thật tử tế. Nhưng tôi phải đi, bà Holt ạ. Cảm ơn vì đã mời trà.”

“Anh sẽ đến đây nữa chứ, phải không, Arnold?” cô hỏi.

Anh lắc đầu.

Cô theo anh ra cửa, khi đó anh chìa tay ra. Anh có thể nghe tiếng ti vi. Anh đoan chắc volume đã được chỉnh tăng. Anh chợt nhớ đến đứa trẻ kia - thằng bé. Nó đã ở đâu?

Cô cầm tay anh, vội nâng lên môi. “Anh không được quên em đấy, Arnold.”

“Tôi sẽ không quên,” anh nói. “Clara, Clara Holt,” anh nói.

“Chúng ta đã chuyện trò vui vẻ,” cô nói. Cô gẩy một cái gì đó, một sợi tóc, hay một sợi chỉ, trên cổ áo anh. “Em rất mừng vì anh đã đến đây, và em cảm thấy chắc chắn anh sẽ quay lại”. Anh nhìn cô thật kỹ, nhưng bây giờ cô đang ngó mông lung như thể cô đang gắng nhớ việc gì. “Giờ thì - chúc ngủ ngon, Arnold,” cô nói, cùng lúc cô đóng sập cửa, suýt kẹt cả áo khoác anh.



“Lạ lùng,” anh nói khi bắt đầu bước xuống cầu thang. Anh hít một hơi dài khi anh xuống tới lề đường và ngừng trong chốc lát để nhìn lại tòa nhà. Nhưng anh không thể xác định được đâu là ban công nhà cô. Người đàn ông cao lớn mặc áo gió tì người trên ban công hơi nhúc nhích và tiếp tục nhìn xuống anh.

Anh bắt đầu cuốc bộ, hai tay thọc sâu trong túi áo khoác. Khi về đến nhà, chuông điện thoại đang reo. Anh đứng im lìm giữa phòng, mân mê chìa khóa giữa các ngón tay cho đến khi chuông ngừng reo. Rồi, khẽ khàng, anh đặt một tay lên ngực và cảm thấy tim anh thình thịch sau những lớp áo. Một lát sau anh đi vào phòng ngủ.

Gần như ngay sau đó điện thoại lại réo vang, và lần này anh bắt máy. “Arnold. Arnold Breit nghe đây,” anh nói.

“Arnold? Ối trời, tối nay ta khách khí thế!” vợ anh nói, giọng sang sảng, vẻ đùa cợt. “Em đã gọi liên tục từ chín giờ. Chơi bời tận hưởng tự do hả Arnold?”

Anh cứ im lặng và nghĩ ngợi về giọng của vợ.

“Arnold, anh còn đó chứ?” cô nói. “Nghe có vẻ không giống anh tí nào.”

Thursday, 15 July 2010

Nhen lửa (tiếp và hết)

Phần đầu


Ba người này ngủ và nằm mơ, trong khi bên ngoài trăng to dần lên và dường như băng ngang qua bầu trời cho đến khi ra phía ngoài biển, nhỏ dần và nhạt đi. Trong giấc mơ, Myers thấy ai đó mời anh một ly scotch, nhưng khi anh sắp sửa cầm lấy thì anh thức giấc ngoài mong muốn, mồ hôi đầm đìa, tim đập thình thịch.

Sol mơ thấy anh đang thay lốp xe tải và dùng cả hai tay.

Bonnie mơ thấy chị đang dẫn hai – à không, ba - đứa con đi công viên. Thậm chí chị còn có tên cho chúng. Chị đặt tên cho chúng trước chuyến đi công viên. Millicent, Dionne và Randy. Randy cứ muốn vùng ra khỏi chị và chạy đi.

Không lâu sau, mặt trời nhô lên phía chân trời và chim bắt đầu hót gọi nhau. Dòng Little Quilcene hối hả đổ xuống thung lũng, bắn vào chân cầu trên xa lộ, chảy hàng trăm thước nữa qua cát và những mỏm đá sắc nhọn rồi đổ ra biển. Một con đại bàng bay xuống thung lũng, qua cây cầu và bắt đầu lượn lên lượn xuống bãi biển. Có tiếng chó sủa. Đúng lúc đó, đồng hồ báo thức của Sol reo.

Sáng hôm đó Myers ở trong phòng mình đến khi anh nghe tiếng họ đi làm. Sau đó anh ra ngoài và pha một ly cà phê hòa tan. Anh nhìn vào tủ lạnh thấy có một ngăn đã được dọn sạch cho anh. Trên kệ dán một mẩu giấy nhỏ có ghi: Kệ của Myers.

Sau đó, anh đi bộ khoảng một dặm xuống thị trấn đến một trạm xăng nhỏ có bán tạp hóa mà anh nhớ trên đường đi từ tối hôm qua . Anh mua sữa, phô-mai, bánh mì và cà chua. Chiều đó, trước khi họ về nhà, anh đặt tiền thuê nhà trên bàn và quay về phòng mình. Khuya, trước khi đi ngủ, anh mở sổ ra và viết lên một trang trống: Không có gì.

Anh điều chỉnh thời gian biểu của mình theo thời gian biểu của họ. Buổi sáng anh ở trong phòng đến khi nghe tiếng Sol pha cà phê và chuẩn bị bữa sáng trong bếp. Sau đó anh nghe Sol gọi Bonnie dậy và họ ăn sáng với nhau nhưng không nói chuyện nhiều. Rồi Sol ra ga-ra và nổ máy chiếc xe tải nhỏ, lùi xe ra rồi lái đi. Một lúc sau, xe đón Bonnie dừng lại ngay trước nhà, có tiếng còi xe tút một cái và lần nào Bonnie cũng nói, tôi ra đây.

Khi đó Myers sẽ ra bếp, đặt nước pha cà phê, và ăn một bát ngũ cốc. Nhưng anh chẳng có hứng thú ăn uống lắm. Món ngũ cốc buổi sáng và cà phê đủ cho anh no gần như cả ngày. Đến chiều khi biết họ sắp về, anh sẽ ăn thêm một chút gì đó, thường là một cái sandwich, rồi lánh khỏi nhà bếp suốt những lúc họ có thể có mặt ở đấy hay xem ti vi trong phòng khách. Anh không muốn nói chuyện.

Việc đầu tiên khi về đến nhà là Bonnie sẽ vào nhà bếp ăn một chút gì đó nhè nhẹ. Rồi chị bật ti vi và đợi đến lúc Sol về, chị sẽ đứng dậy và nấu một cái gì đó cho hai người. Họ có thể nói chuyện với bạn bè trên điện thoại, hoặc có thể ra ngồi ngoài sân sau giữa ga-ra và cửa sổ phòng Myers trò chuyện về những việc trong ngày và uống trà đá cho đến khi đến giờ vào nhà và bật tivi. Một lần anh nghe Bonnie nói với ai đó trên điện thoại: Làm sao mà chị ấy mong đợi mình để ý đến cân nặng của Elvis Presley trong khi mình chẳng kiểm soát nổi cân nặng của chính mình cơ chứ?

Họ bảo anh có thể sang phòng khách ngồi xem tivi với họ bất cứ lúc nào. Anh cảm ơn nhưng nói, không, tivi làm tôi đau mắt.

Họ tò mò về anh. Nhất là Bonnie, một hôm chị về nhà sớm và làm anh bất ngờ trong nhà bếp, chị hỏi anh đã từng lấy vợ chưa và có con không. Myers gật đầu. Bonnie nhìn anh và chờ anh nói tiếp, nhưng anh chẳng nói gì.

Sol cũng tò mò. Anh làm gì nhỉ, anh hỏi. Tôi chỉ tò mò một chút. Chỗ này là một thị trấn nhỏ nên tôi biết hết mọi người. Tôi phân loại gỗ ở nhà máy. Làm việc này chỉ cần một cánh tay lành lặn thôi. Nhưng đôi khi ở đó cũng tuyển thêm người. Tôi có thể nói giúp một câu. Anh thường làm việc gì nhỉ?

Anh có biết chơi nhạc cụ nào không? Bonnie hỏi. Sol có một cây ghi-ta, chị nói.

Nhưng tôi không biết chơi ghi-ta, Sol nói. Ước gì tôi biết.

Myers ngồi trong phòng viết thư cho vợ. Đó là một lá thư dài và anh cảm thấy nó thật là quan trọng. Có lẽ đó là bức thư quan trọng nhất trong đời mà anh từng viết. Trong thư anh cố gắng nói với vợ rằng anh ân hận về những gì đã xảy ra và anh hy vọng một ngày nào đó vợ anh sẽ tha thứ cho anh. Anh sẽ quỳ xuống và cầu xin tha thứ nếu như điều đó là cần thiết

Sau khi Sol và Bonnie đi làm rồi, anh ngồi trong phòng khách chân gác lên bàn, uống cà phê hòa tan và đọc báo tối hôm trước. Đôi khi tay anh run run làm tờ báo kêu sột soạt trong căn nhà vắng. Chuông điện thoại thỉnh thoảng reo, nhưng anh không bao giờ nhúc nhích để bắt máy. Không phải điện thoại của anh, vì có ai biết anh ở đây đâu.

Qua cửa sổ sau nhà anh có thể nhìn lên thung lũng đến một dãy những ngọn núi dốc đứng đỉnh phủ đầy tuyết cho dù lúc đó là tháng tám. Dưới một chút, cây cối bao phủ những triền đồi và rìa thung lũng. Dòng sông băng qua thung lũng, bọt sủi tung trên những tảng đá và dưới gầm những bờ kè bằng đá gra-nít rồi bung ra ở cửa sông, chảy chậm lại một chút như thể đã tiêu hao quá nhiều sinh lực, rồi phục hồi lại được sức mạnh và lao ra biển. Những ngày khi Sol và Bonnie đi làm rồi, Myers ngồi phơi nắng trên cái ghế xếp ở sau nhà và nhìn lên thung lũng về phía những đỉnh núi. Một lần anh thấy một con đại bàng chao cánh xuống thung lũng, lần khác anh thấy một con hươu rón rén dọc bờ sông.

Một buối chiều anh đang ngồi bên ngoài như thế thì một chiếc xe tải to chở đầy củi dừng lại ngay lối đi.

Anh chắc là người thuê phòng của Sol, anh tài xế xe tải nói. Anh ta thò đầu qua cửa xe.

Myers gật đầu.

Sol nói cứ quẳng đống củi này xuống sân sau rồi anh ấy sẽ lo phần còn lại, anh tài xế nói.

Tôi sẽ tránh chỗ cho anh, Myers nói. Anh lấy cái ghế và đem vào bậc thang phía sau, đứng ở đó nhìn anh tài xế xe tải lui xe vào bãi cỏ, rồi kéo một cái cần nào đó trong cabin khiến cho sàn xe bắt đầu nâng lên. Trong chốc lát, những cây gỗ dài gần hai mét bắt đầu truợt khỏi sàn xe và chất thành đống trên mặt đất. Sàn xe nâng lên cao hơn và các cây gỗ còn lại lăn ầm ầm xuống bãi cỏ.

Anh tài xế kéo cái cần lần nữa thì sàn xe hạ xuống vị trí bình thường. Rồi anh ta rồ máy, nhấn còi rồi lái đi.

Anh định làm gì với đống củi ngoài kia? Tối hôm đó Myers hỏi Sol. Sol đang đứng xào nấu thơm phức trong bếp thì Myers bất ngờ bước vào. Bonnie đang tắm – Myers nghe tiếng nước chảy.

Sao anh hỏi vậy? Nếu từ nay đến tháng chín có lúc nào rảnh rỗi thì tôi định cưa chúng ra rồi xếp lại. Tôi định làm xong trước mùa mưa.

Có lẽ tôi giúp được anh đấy, Myers nói.

Anh đã bao giờ cưa củi chưa? Sol hỏi. Anh nhấc chảo xuống và lau mấy ngón tay trái bằng khăn giấy.

Tôi không thể trả cho anh đồng nào đâu, Sol nói. Dù gì thì đây cũng là việc tôi định làm. Ngay khi tôi được nghỉ cuối tuần.

Để tôi làm cho. Xem như tập thể dục một tí.

Thế anh biết sử dụng cưa máy không? Cả rìu và đục nữa?

Anh chỉ cho tôi, Myers nói. Tôi học nhanh mà. Đối với anh điều quan trọng là việc anh được cưa củi.

Sol đặt lại cái chảo dậy mùi lên bếp. Rồi anh nói, được, ăn tối xong tôi sẽ chỉ cho anh. Anh đã ăn gì chưa? Sao anh không mang gì lại ngồi ăn với chúng tôi luôn?

Tôi đã ăn một chút rồi, Myers nói.

Sol gật đầu. Để tôi mang đồ ăn ra bàn rồi chốc nữa ăn xong tôi chỉ cho anh.

Tôi ra phía sau đây, Myers nói.

Sol không nói gì nữa. Anh gật đầu với chính mình, cứ như đang nghĩ ngợi về một chuyện gì khác.

Myers lấy một cái ghế xếp ở đằng sau rồi ngồi xuống. Anh nhìn đống củi rồi nhìn lên thung lũng nơi những đỉnh núi tuyết ánh lên trong nắng. Chóp núi chọc vào mây. Sương mù dường như từ trên mây đổ xuống. Anh nghe thấy tiếng dòng sông cuộn qua những bụi cây dưới thung lũng.

Em nghe có tiếng nói chuyện, Myers nghe Bonnie nói với Sol trong nhà bếp.

Anh bạn thuê phòng đấy, Sol nói. Anh ta hỏi liệu anh ta có thể cưa đống củi sau nhà được không?

Anh ta đòi bao nhiêu? Bonnie hỏi. Anh có nói là chúng ta không thể trả nhiều tiền không?

Anh nói là chúng ta không thể trả đồng nào cả. Anh ta chỉ muốn làm không công thôi. Đấy là anh ta nói thế.

Không công ư? Chị im lặng một lúc. Rồi Myers nghe chị nói, em nghĩ là anh ta chẳng còn việc gì khác để làm.

Một lúc sau Sol ra ngoài, nói, chúng ta có thể bắt đầu được rồi, nếu anh vẫn còn muốn thử sức.

Myers đứng dậy vào đi theo Sol ra ga-ra. Sol mang hai cái giá cưa ra dựng trên bãi cỏ. Rồi anh mang một cái cưa máy ra. Mặt trời đã lặn khuất sau thị trấn. Trong ba mươi phút nữa thôi trời sẽ tối. Myers kéo tay áo xuống và cài cúc. Sol không nói gì trong khi làm việc. Anh lầm bầm trong miệng khi nhấc một khúc gỗ dài gần hai mét và đặt lên giá cưa. Rồi anh bắt đầu cưa đều đặn một hồi. Mạt cưa bắn tứ tung. Cuối cùng anh dừng lại và bước lui ra.

Anh thấy cách làm rồi đấy, Sol nói.

Myers cầm lấy cưa và dí lưỡi cưa vào đoạn Sol để lại. Anh tìm được một nhịp thích hợp và giữ nhịp đó. Anh cứ ấn xuống, đè vào cưa. Trong vài phút anh đã cưa xong mấy cây gỗ thành từng khúc ngắn rơi xuống đất.

Đúng rồi đấy, Sol nói. Anh sẽ làm được. Anh ôm hai khúc củi lên và mang chúng lại xếp dọc theo ga-ra.

Không nhất thiết khúc nào cũng làm, nhưng cứ chừng khúc thứ năm hay thứ sáu, anh hãy dùng rìu bổ ngay chính giữa, Sol nói. Anh không cần phải chẻ nhỏ ra để làm mồi nhen lửa. Tôi sẽ chẻ sau. Cứ năm hay sáu khúc thì bổ một khúc. Tôi sẽ chỉ anh. Sol dựng khúc củi lên, và chỉ cần một nhát rìu là khúc củi tách ra làm đôi. Anh thử làm đi, Sol nói.

Myers dựng một đầu khúc củi lên giống như Sol vừa làm, và anh bổ rìu xuống tách khúc củi ra.

Tốt rồi, Sol nói. Anh sắp những thanh củi dọc theo ga-ra. Xếp chúng cao đến chừng này, và bề ngang chừng này. Khi nào xong hết tôi sẽ phủ vài tấm vải nhựa lên trên. Nhưng không ai bắt anh làm việc này đâu nhé.

Không sao, Myers nói. Tôi muốn làm, nếu không tôi đã không đề nghị.

Sol nhún vai. Rồi anh quay vào nhà. Bonnie đứng ngay cửa, đang nhìn ra, và Sol cũng dừng ngay cửa, choàng tay ôm Bonnie, rồi cả hai đứng nhìn Myers.

Myers nhặt cưa lên và nhìn họ. Đột nhiên anh cảm thấy phấn khởi, và anh nhoẻn cười. Thoạt tiên Sol và Bonnie hơi ngạc nhiên. Sol cười đáp lại rồi Bonnie cũng vậy. Rồi hai người vào nhà.

Myers đặt một cây gỗ khác lên trên giá cưa và cưa liên tục cho đến khi mồ hôi trên trán bắt đầu hơi lành lạnh và mặt trời khuất hẳn. Đèn ở cổng được bật lên. Myers tiếp tục làm việc đến khi anh cưa xong cây gỗ đang cưa dở. Anh vác hai khúc gỗ vào ga-ra rồi vào nhà, tắm rửa, rồi ngồi vào bàn và viết vào sổ. Đêm nay mạt cưa vương trên ống tay áo mình. Một mùi thơm ngọt ngào.

Đêm hôm đó anh nằm thức một lúc lâu. Có lúc anh ra khỏi giường và nhìn ra cửa sổ, nhìn đống củi trong sân sau, rồi ánh mắt anh bị hút lên thung lũng về phía núi. Trăng bị mây che một phần, nhưng anh vẫn nhìn thấy những đỉnh núi và tuyết trắng, rồi khi anh đẩy cửa sổ lên, một luồng không khí ngọt và mát dịu tràn vào phòng, xa xa anh nghe thấy tiếng dòng sông chảy băng qua thung lũng.

Sáng hôm sau anh chỉ đợi đến lúc họ ra khỏi nhà là anh ra phía sau nhà và bắt đầu công việc. Anh thấy một đôi găng tay trên bậc thang phía sau hẳn là Sol để đấy cho anh. Anh khởi động máy cưa rồi đẩy tới đẩy lui, cưa và bổ củi cho đến khi mặt trời đứng bóng. Rồi anh vào nhà ăn một cái sandwich và uống một chút sữa.

Khi quay ra sân và tiếp tục làm việc, anh nhận thấy vai đau và ngón tay nhói nhói. Mặc dù đã đeo găng, anh vẫn bị mấy cái dằm găm vào tay và cảm thấy chúng bắt đầu sưng phồng lên, nhưng anh vẫn tiếp tục làm. Anh quyết cưa xong chỗ củi, bổ ra và xếp lại trước khi mặt trời lặn, và đó là vấn đề sinh tử của anh. Mình phải làm xong việc này, anh nghĩ, bằng không thì…Anh dừng lại lấy ống tay áo quệt mặt.

Tối hôm đó khi Sol và Bonnie về đến nhà - Bonnie về trước như thường lệ rồi Sol về sau – Myers đã làm gần xong. Một đống mạt cưa cao nằm giữa hai giá cưa, và trừ hai, ba cây gỗ còn nằm trong sân, tất cả đã được xếp chồng ngay ngắn tựa vào ga-ra. Sol và Bonnie đứng ở cửa không nói gì. Myers ngẩng lên một lúc, gật đầu chào, và Sol gật đầu chào lại. Bonnie chỉ đứng đó nhìn, thở bằng miệng. Myers tiếp tục làm việc.

Sol và Bonnie quay vào nhà bắt đầu ăn tối. Sau đó, Sol bật đèn cổng như đêm hôm trước. Khi mặt trời vừa lặn và trăng nhô lên khỏi núi, Myers bổ xong thanh củi cuối cùng và gom hai mảnh lại mang vào ga-ra. Anh cất giá cưa, cưa máy, rìu, cái nêm bằng thép và cái đục đi. Rồi anh đi vào.

Sol và Bonnie vẫn ngồi ngay bàn nhưng chưa bắt đầu ăn.

Anh ngồi xuống ăn với chúng tôi, Sol nói.

Ngồi xuống đi, Bonnie nói.

Tôi chưa đói, Myers nói.

Sol không nói gì. Anh gật đầu. Bonnie đợi một chút rồi với lấy đĩa.

Hình như anh làm xong cả rồi, Sol nói.

Myers nói, mai tôi sẽ thu dọn đống mạt cưa đó.

Sol đẩy dao tới lui trên đĩa như thể muốn nói, không cần đâu.

Một, hai ngày nữa tôi sẽ đi, Myers nói

Tôi cũng lờ mờ đoán như vậy, Sol nói. Tôi không biết tại sao tôi cảm thấy như vậy, nhưng tôi lờ mờ nghĩ từ khi anh mới đến rằng anh sẽ chẳng ở đây lâu.

Chúng tôi không trả lại tiền thuê đâu, Bonnie nói.

Thôi nào, Bonnie, Sol nói.

Không sao, Myers nói.

Không, không được, Sol nói.

Không sao mà, Myers nói. Anh mở cánh cửa vào buồng tắm, bước vào trong rồi đóng cửa lại. Khi anh mở cho nước chảy vào bồn, anh nghe tiếng họ nói chuyện ngoài kia, nhưng anh không nghe được họ nói gì.

Anh tắm, gội đầu, rồi mặc quần áo sạch vào. Anh nhìn đồ đạc của anh trong phòng mới lấy từ trong vali ra chỉ cách đây vài ngày hay một tuần, và nghĩ phải mất khoảng mười phút để xếp mọi thứ vào vali và ra đi. Anh nghe thấy tiếng tivi được bật lên phía bên kia nhà. Anh bước lại cửa sổ, chống cửa lên, rồi lại nhìn ra phía núi, trăng lơ lửng bên trên – bây giờ không có mây, chỉ có trăng và những ngọn núi tuyết phủ. Anh nhìn đống mạt cưa phía sau nhà và đống củi xếp ngay ngắn bên hốc tối của ga-ra. Anh lắng nghe tiếng dòng sông. Rồi anh bước lại bàn, ngồi xuống, mở sổ ra và bắt đầu viết.

Vùng quê nơi mình đang ở thật lạ. Nó gợi cho mình về một nơi nào đó mà mình đã từng đọc trong sách nhưng trước đây chưa bao giờ đến. Phía ngoài cửa sổ mình có thể nghe tiếng một dòng sông nước cuốn nhanh, và trong thung lũng sau nhà có cả rừng, vách đá và những đỉnh núi tuyết phủ. Hôm nay mình thấy một con đại bàng hoang và một con hươu, và mình đã cưa và bổ xong hơn bảy mét khối củi.

Anh bỏ bút xuống và lấy hai tay ôm đầu một lúc. Thoáng chốc anh đứng lên, cởi quần áo và tắt đèn. Khi đã nằm trong giường rồi anh mới nhận ra cửa sổ còn để mở. Nhưng anh không dậy, nghĩ thầm như thế cũng tốt.


Bánh mì kẹp và Ocean Vương