Sunday, 18 July 2010

Chuông reo là giật bắn

Không liên quan gì đến phim của Lê Hoàng, nhưng cứ giật cái tít thế cho nó máu, cạnh tranh với Vnexpress và Vietnamnet. Đặc biệt Vietnamnet!

Là một truyện dịch nữa trong chương trình Raymond Carver, dịch từ truyện Are you a doctor? trong tập Will you please be quiet, please? Truyện này có liên quan đến điện thoại. Đại khái đọc xong nghe chuông điện thoại có thể giật mình (quảng cáo tí:)).


-----------------

CÓ PHẢI ANH LÀ BÁC SĨ?

Raymond Carver



Mang dép lê, vận pi-ja-ma và áo choàng ngủ, anh lao vội khỏi phòng làm việc khi điện thoại bắt đầu reng. Vì lúc đó đã hơn 10 giờ, hẳn phải là vợ anh gọi. Đêm nào xa nhà, cô cũng điện thoại tầm này, sau khi uống vài ly. Cô là người phụ trách mua hàng, và cả tuần nay cô đi công tác.

“ A lô, em à,” anh nói. “A lô,” anh lặp lại.

“Đây là ai?” một phụ nữ hỏi.

“Hừm, đây là ai?” anh nói. “Chị muốn gọi số nào?”

“Đợi một phút,” người phụ nữ nói. “Số 273-8063.”

“Đó là số của tôi,” anh nói. “Sao chị có số này?”

“Tôi không biết. Tôi làm về và thấy nó ghi trên một mẩu giấy nhỏ," người phụ nữ nói.

“Ai ghi?”

“Tôi không biết,” người phụ nữ nói. “Chắc là cô trông trẻ. Hẳn là cô ấy.”

“Hừm, tôi không biết làm thế nào mà cô ấy có số của tôi,” anh nói, “nhưng đây là số của tôi, và tôi không đăng ký danh bạ. Chị có thể vứt nó giùm tôi được không? A lô? Chị có nghe không?”

“Có, tôi có nghe,” người phụ nữ nói.

“Còn gì nữa không?” anh nói. “Đã khuya và tôi đang bận.” Anh không có ý nói chuyện cộc lốc, nhưng người ta không thể mạo hiểm. Anh ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh điện thoại và nói, “Tôi không có ý nói chuyện cộc lốc. Ý tôi chỉ là đã khuya và tôi hơi lo ngại làm thế nào tình cờ chị có số tôi.” Anh thả dép ra và bắt đầu xoa xoa bàn chân, đợi câu trả lời.

“Tôi cũng không biết,” cô nói. “Tôi đã bảo anh tôi chỉ thấy số điện thoại được ghi lại, không có thêm dòng nào cả. Mai gặp Annette - tức là cô giữ trẻ - tôi sẽ hỏi. Tôi không có ý quấy rầy anh. Tôi chỉ thấy mảnh giấy thôi. Từ lúc đi làm về đến giờ lúc nào tôi cũng ở trong bếp.”

“Không sao,” anh nói. “Quên nó đi. Chỉ cần vứt nó đi và quên nó đi. Không có chuyện gì đâu, chị không phải lo.” Anh chuyển ống nghe từ tai này sang tai kia.

“Anh có vẻ là người dễ mến,” người phụ nữ nói.

“Thế à? Ừm, chị quá lời.” Anh biết giờ anh nên gác máy, nhưng nghe một giọng nói, kể cả giọng chính mình, trong căn phòng yên ắng khiến anh thấy hay hay.

“Ồ, vâng,” cô nói. “Tôi dám chắc.”

Anh buông bàn chân ra.

“Nếu anh không phiền liệu tôi có thể biết tên anh?” cô nói.

“Tôi tên Arnold,” anh nói.

“Và tên gọi thường của anh là gì?” cô nói.

“Tên gọi thường của tôi là Arnold,” anh nói.

“Ôi, xin lỗi,” cô nói. “Arnold là tên gọi thường của anh. Còn họ, Arnold? Anh họ gì?”

“Thực sự tôi phải gác máy,” anh nói.

“Arnold, thôi mà, tôi là Clara Holt. Bây giờ anh tên là Ông Arnold gì nữa?”

“Arnold Breit,” anh nói và vội thêm, “Clara Holt. Hay đấy. Nhưng tôi thực sự nghĩ là tôi phải gác máy, cô Holt. Tôi đang đợi điện thoại.”

“Xin lỗi, Arnold. Tôi không định làm mất thời gian của anh,” cô nói.

“Không sao,” anh nói. “Rất vui nói chuyện với chị.”

“Cảm ơn anh.”

“Chị giữ máy một phút được không?” anh nói. “Tôi kiểm tra cái này một chút.” Anh vào phòng làm việc lấy một điếu xì gà, mồi bằng hộp quẹt để bàn, rồi bỏ kính ra và ngắm mình trong gương qua lò sưởi. Khi quay lại chỗ để điện thoại, anh ngỡ rằng cô đã gác máy.

“A lô?”

“A lô, Arnold,” cô nói.

“Tôi tưởng chị đã gác máy.”

“Ồ, không,” cô nói.

“Về việc chị có số tôi đấy,” anh nói. “Không phải lo gì. Chỉ vứt nó đi thôi.”

“Tôi sẽ vứt, Arnold,” cô nói.

“Rồi, bye nhé.”

“Vâng, tất nhiên,” cô nói. “Chúc ngủ ngon.”

Anh nghe tiếng cô thở hắt.

“Tôi biết là tôi đường đột, Arnold, nhưng anh nghĩ liệu ta có thể gặp nhau đâu đó nói chuyện chút chăng? Chỉ vài phút thôi.”

“Tôi e không thể,” anh nói.

“Chỉ một phút, Arnold. Việc tôi tìm thấy số của anh và tất cả mọi sự. Tôi có cảm giác mãnh liệt về chuyện này, Arnold.”

“Tôi già rồi,” anh nói.

“Ồ, làm gì,” cô nói

“Thật đấy, tôi già mà,” anh nói.

“Liệu ta có thể gặp nhau đâu đó, Arnold. Anh biết không, tôi chưa kể cho anh hết. Còn chuyện khác nữa,” người phụ nữ nói.

“Ý chị là gì? ” anh nói. “Chính xác việc này là gì? A lô?”

Cô đã gác máy.

Khi anh sửa soạn đi ngủ, vợ anh gọi, anh đoán chị có vẻ hơi say, và họ tán chuyện một hồi, nhưng anh không đả động gì đến cuộc gọi kia. Lúc sau, khi anh đang kéo tấm phủ giường xuống, điện thoại lại reo.

Anh bắt máy. “A lô, Arnold Breit nghe đây.”

“Arnold, xin lỗi anh điện thoại bị ngắt. Như tôi nói lúc nãy, tôi nghĩ việc chúng ta gặp nhau quan trọng đấy.”



Chiều hôm sau khi đang tra chìa vào ổ khóa, anh nghe tiếng điện thoại reng. Anh bỏ cặp xuống, và vẫn nguyên mũ, áo khoác và găng, vội vàng đến bên bàn nhấc ống nghe.

“Arnold, xin lỗi lại quấy rầy anh,” người phụ nữ nói. “Nhưng anh phải đến nhà tôi đêm nay tầm chín giờ chín rưỡi. Anh có thể làm thế vì tôi, Arnold?”

Tim anh xáo động khi nghe cô gọi tên mình. “Tôi không thể làm thế,” anh nói.

“Đi nào, Arnold,” cô nói. “Thật sự quan trọng nếu không tôi đã không nài nỉ. Tôi không thể ra khỏi nhà tối nay vì Cheryl bị cảm lạnh và giờ tôi đang lo lây cho thằng bé.”

“Còn chồng chị đâu?” Anh đợi câu trả lời.

“Tôi không có chồng,” chị nói. “Anh sẽ đến chứ, phải không?”

“Tôi không hứa,” anh nói.

“Tôi xin anh đến," cô nói rồi vội đọc cho anh địa chỉ nhà rồi gác máy.

Tôi xin anh đến,” anh nhắc lại, vẫn còn cầm điện thoại. Anh chậm rãi tháo găng tay và rồi áo khoác. Anh cảm thấy phải thận trong. Anh đi rửa tay. Khi nhìn vào gương nhà tắm, anh nhận ra mình vẫn đội mũ. Chính lúc đó anh quyết định sẽ gặp cô, và anh bỏ mũ và kính ra rồi xát xà phòng lên mặt. Anh xem lại móng tay mình.



“Anh chắc đúng đường này?” anh hỏi người tài xế.

“Đúng con đường này và tòa nhà kia kìa,” người tài xế nói.

“Đi tiếp,” anh nói. “Cho tôi xuống phía cuối block nhà.”

Anh trả tiền cho người tài xế. Đèn từ những khung cửa sổ phía trên rọi sáng các ban công. Anh có thế nhìn thấy những chậu cây mắc trên các thanh chắn ban công và đây đó một vài bộ bàn ghế ngoài trời. Ở một ban công nọ một người đàn ông to cao mặc áo gió tì trên thành ban công dõi theo anh khi anh đi về phía cửa.

Anh nhấn cái nút bên dưới chữ C.HOLT. Chuông reo, và anh quay lại về phía cửa và bước vào. Anh thong thả leo cầu thang, ngừng để nghỉ một chút tại mỗi chiếu nghỉ. Anh nhớ cái khách sạn ở Luxemburg, năm cái tầng lầu mà anh và vợ từng leo cách đây nhiếu năm. Anh cảm thấy đau đột ngột bên hông, mường tượng tim anh, mường tượng chân anh khụyu lại, mường tượng một cú ngã nặng xuống chân cầu thang, Anh rút khăn tay ra và lau trán. Rồi anh tháo kính và lau tròng, đợi tim mình ổn định trở lại.

Anh ngó xuốnh sảnh. Khu căn hộ rất im ắng. Anh dừng trước cửa nhà cô, bỏ mũ ra, và gõ nhẹ. Cửa hé mở, một cô bé tròn trĩnh mặc pi-ja-ma thò ra.

“Bác là Arnold Breit?” cô bé hỏi.

“Đúng rồi,” anh nói. “Mẹ cháu có nhà không?”

“Mẹ cháu nói cho bác vào nhà. Mẹ cháu nói bảo với bác rằng mẹ ra hiệu thuốc mua xi-rô ho và aspirin.”

Anh khép cánh cửa sau lưng. “Cháu tên gì? Mẹ cháu có nói với bác, nhưng bác quên khuấy mất.”

Cô bé không nói gì nên anh thử một lần nữa.

“Cháu tên gì? Có phải là Shirley?”

“”Cheryl,” cô bé nói. “C-h-e-r-y-l.”

“À , giờ bác nhớ ra rồi. Mà bác nhớ cũng gần đúng, cháu có thấy thế.”

Cô bé ngồi trên một chiếc đôn bên kia phòng và nhìn anh.

“Vậy ra là cháu ốm, phải không?” anh hỏi.

Cô bé lắc đầu.

“Không ốm à?”

“Không,” cô bé đáp.

Anh nhìn quanh. Căn phòng được chiếu sáng bằng một cây đèn góc ánh sáng vàng thân có gắn một gạt tàn lớn và một giá để tạp chí. Một cái ti vi đế áp bức tường phía xa, đang mở, volume nhỏ. Một hành lang hẹp dẫn ra phần phía sau căn hộ. Lò sưởi được mở, không khí quẩn mùi thuốc men. Kẹp tóc và uốn tóc lăn lóc trên bàn uống trà, một cái áo choàng tắm màu hồng vắt trên ghế sô-pha.

Anh nhìn đứa bé lần nữa, rồi hướng mắt về phía bếp và những cánh cửa kính từ bếp ra ban công. Những cánh cửa chỉ khép hờ, và một luồng ớn lạnh thoáng qua người anh khi anh nhớ lại người đàn ông to cao mặc áo gió.

“Mẹ chỉ đi ra ngoài một chút,” đứa bé nói, như thể vừa đột ngột tỉnh giấc.

Anh nghiêng người về trước đè lên mấy ngón chân, mũ cầm tay, và nhìn cô bé. “Bác nghĩ là bác nên đi,” anh nói.

Có tiếng chìa xoay trong ổ khóa, cánh cửa bật ra, và một phụ nữ nhỏ người, xanh tái, nhiều tàn nhang bước vào tay cầm một túi giấy.

“Arnold! Rất mừng được gặp anh!” Cô liếc nhìn anh, vẻ hơi lo lắng, và lúc lắc đầu một cách lạ lùng trong lúc cầm túi đi vào bếp. Anh nghe tiếng cửa tủ bếp sập lại. Đứa bé ngồi trên chiếc đôn nhìn anh chăm chú. Anh khụy một chân, dồn trọng lượng trên chân này xong lại đổi sang chân kia, rồi đặt mũ lên đầu và lại bỏ mũ ra khi người phụ nữ quay lại.

“Có phải anh là bác sĩ?” cô hỏi.

“Không,” anh đáp, ngỡ ngàng. “Không, không phải.”

“Cheryl ốm, anh thấy đấy. Em ra ngoài mua mấy thứ. Sao con không cất áo khoác của ông này?” cô quay sang bảo đứa bé. “Bỏ qua cho nó. Bọn em không quen có khách.”

“Tôi phải đi đây,” anh nói. “Thật sự tôi không nên đến đây.”

“Anh ngồi xuống đi,” cô nói. “Chúng ta không thể đứng nói chuyện thế này. Để em cho con bé uống thuốc trước. Rồi chúng ta nói chuyện.”

“Thật sự tôi phải đi,” anh nói. “Nghe giọng chị, tôi tưởng có việc gấp. Nhưng thật sự tôi phải đi.” Anh nhìn xuống tay và nhận thức anh đang lóng ngóng.

“Em sẽ đặt nước pha trà,” anh nghe cô nói, như thể cô chẳng hề lắng nghe anh. “Rồi em cho Cheryl uống thuốc, và rồi chúng ta có thể nói chuyện.”

Cô tóm vai đứa bé và lùa nó vào bếp. Anh thấy người phụ nữ cầm một cái thìa lên, mở một chai gì đấy sau khi ngó qua nhãn, rồi rót hai thìa.

“Nào, giờ con chúc ông Breit ngủ ngon, con gái, rồi vào phòng nhé.”

Anh gật đầu chào đứa bé và sau đó theo người phụ nữ vào bếp. Anh không ngồi xuống cái ghế mà cô chỉ, thay vào đó cái đối diện ban công, hành lang và cái phòng khách nhỏ. “Tôi có thể hút xì gà được chứ,” anh hỏi.

“Anh cứ hút,” cô nói. “Em nghĩ nó sẽ không làm phiền em, Arnold. Hút đi.”

Anh quyết định không hút. Anh đặt hai tay lên gối và làm ra một vẻ mặt nghiêm túc.

“Chuyện này với tôi vẫn còn rất bí ẩn,” anh nói. “Nó khá không bình thường, tôi bảo đảm với chị.”

“Em hiểu, Arnold,” cô nói. “Chắc anh muốn nghe em kể chuyện làm thế nào em có số của anh.”

“Đúng là tôi muốn nghe,” anh nói.

Họ ngồi đối diện nhau chờ nước sôi. Anh nghe tiếng ti vi. Anh ngó quanh bếp rồi lại nhìn ra ban công. Nước bắt đầu sủi tăm.

“Chị định kể về về chuyện số điện thoại,” anh nói.

“Gì, Arnold? Xin lỗi,” cô nói.

Anh hắng giọng. “Kể tôi nghe chuyện làm thế nào chị có số của tôi,” anh nói.

“Em hỏi Annette. Cô trông trẻ ấy - nhưng dĩ nhiên là anh biết rồi. Dù sao, cô ấy kể điện thoại reng lúc cô ấy ở đây và có ai đó tìm em. Họ để số cho em gọi lại, và số cô ấy ghi lại hóa ra là số anh. Em chỉ biết đến thế.” Cô di cái cốc vòng quanh trước mặt. “Xin lỗi em không có gì hơn để kể.”

“Nước sôi rồi kìa,” anh nói.

Cô lấy thìa, sữa, đường ra và rót nước sôi lên túi trà.

Anh thêm đường và khuấy trà. “Chị nói có chuyện gấp nên tôi phải đến.”

“Ồ, chuyện đó, Arnold,” cô nói, quay mặt đi. “Em không biết cái gì khiến em nói vậy. Em không tưởng ra được em đã nghĩ gì.”

“Vậy không có gì à?” anh nói.

“Không. Ý em là .” Cô lắc đầu. “Điều mà anh nói, ý em thế. Không có gì.”

“Tôi hiểu,” anh nói. Anh tiếp tục khuấy trà. “Bất thường,” một lúc sau anh nói, gần như với chính mình. “Khá bất thường.” Anh mỉm cười yếu ớt, rồi đẩy cốc trà sang một bên và lấy khăn giấy chậm môi.

“Anh không định đi đấy chứ?” cô hỏi.

“Tôi phải đi,” anh nói. “Tôi đợi một cuộc điện thoại ở nhà.”

“Gượm đã, Arnold.”

Cô đẩy ghế ra sau và đứng dậy. Đôi mắt cô xanh nhạt, nằm sâu trên gương mặt xanh tái của cô và có những viền tối bao quanh mà thoạt tiên anh tưởng là trang điểm. Sợ hãi chính mình, biết sẽ tự ghét mình về việc này, anh đứng dậy vụng về vòng tay quanh eo cô. Cô thả người để được hôn, chớp chớp mắt rồi thoáng khép mi lại.

“Muộn rồi,” anh nói, buông cô ra, loạng choạng xoay đi. “Chị thật tử tế. Nhưng tôi phải đi, bà Holt ạ. Cảm ơn vì đã mời trà.”

“Anh sẽ đến đây nữa chứ, phải không, Arnold?” cô hỏi.

Anh lắc đầu.

Cô theo anh ra cửa, khi đó anh chìa tay ra. Anh có thể nghe tiếng ti vi. Anh đoan chắc volume đã được chỉnh tăng. Anh chợt nhớ đến đứa trẻ kia - thằng bé. Nó đã ở đâu?

Cô cầm tay anh, vội nâng lên môi. “Anh không được quên em đấy, Arnold.”

“Tôi sẽ không quên,” anh nói. “Clara, Clara Holt,” anh nói.

“Chúng ta đã chuyện trò vui vẻ,” cô nói. Cô gẩy một cái gì đó, một sợi tóc, hay một sợi chỉ, trên cổ áo anh. “Em rất mừng vì anh đã đến đây, và em cảm thấy chắc chắn anh sẽ quay lại”. Anh nhìn cô thật kỹ, nhưng bây giờ cô đang ngó mông lung như thể cô đang gắng nhớ việc gì. “Giờ thì - chúc ngủ ngon, Arnold,” cô nói, cùng lúc cô đóng sập cửa, suýt kẹt cả áo khoác anh.



“Lạ lùng,” anh nói khi bắt đầu bước xuống cầu thang. Anh hít một hơi dài khi anh xuống tới lề đường và ngừng trong chốc lát để nhìn lại tòa nhà. Nhưng anh không thể xác định được đâu là ban công nhà cô. Người đàn ông cao lớn mặc áo gió tì người trên ban công hơi nhúc nhích và tiếp tục nhìn xuống anh.

Anh bắt đầu cuốc bộ, hai tay thọc sâu trong túi áo khoác. Khi về đến nhà, chuông điện thoại đang reo. Anh đứng im lìm giữa phòng, mân mê chìa khóa giữa các ngón tay cho đến khi chuông ngừng reo. Rồi, khẽ khàng, anh đặt một tay lên ngực và cảm thấy tim anh thình thịch sau những lớp áo. Một lát sau anh đi vào phòng ngủ.

Gần như ngay sau đó điện thoại lại réo vang, và lần này anh bắt máy. “Arnold. Arnold Breit nghe đây,” anh nói.

“Arnold? Ối trời, tối nay ta khách khí thế!” vợ anh nói, giọng sang sảng, vẻ đùa cợt. “Em đã gọi liên tục từ chín giờ. Chơi bời tận hưởng tự do hả Arnold?”

Anh cứ im lặng và nghĩ ngợi về giọng của vợ.

“Arnold, anh còn đó chứ?” cô nói. “Nghe có vẻ không giống anh tí nào.”

19 comments:

  1. Anh ơi..anh ơi..
    Sao lúc mở cửa cho Arnold là cô bé, mà gần cuối truyện ông ta lại nhắc đến THẰNG BÉ? Mà anh lại cố tình in nghiêng cái chữ này nữa. Ngay cả lúc nói chuyện bảo Arnold đến cô ta cũng nói là đang lo cho "thằng bé"?

    Lý giải hộ em cái. Em tù mù tò mò quá..:(

    ReplyDelete
  2. VL: Hai đứa khác nhau. Một đứa là cô bé Cheryl chắc chắn có thật, còn thằng bé là một đứa khác, chỉ được nhắc đến và không biết chắc là có hay không. Anh mới thêm chữ "lây" vào cho rõ hơn.

    ReplyDelete
  3. Mot cau chuyen la lung. The mystery and strangeness of the whole thing kinda drugs the main character's sense and calls forth something deep in his mind/soul.

    ReplyDelete
  4. Chẳng có gì lạ. Vợ thử chồng chơi chút.

    ReplyDelete
  5. Neu vo thu chong choi mot chut thi gia tri nhan van cua truyen nam dau nhi :-?? Co the "mo mat" cho em dc ko?

    ReplyDelete
  6. Truyện thú vị, lạ lùng. Bản dịch trôi chảy. Hài lòng vì bác đã giữ quy tắc ngoặc kép của Mỹ: dấu phẩy và dấu chấm cho vào trong, trước khi đóng ngoặc kép. Tuy nhiên, để được nhất quán, đề nghị bác replace vài chỗ (như: “Cảm ơn anh”. / “Tôi không hứa”, anh nói. / “Không”, cô bé đáp. / anh sẽ quay lại”. Anh nhìn cô) :) [nsc]

    ReplyDelete
  7. Done! Thanks bác, bây giờ đã sạch như nau như ni:)

    Truyện này tôi đọc lần thứ nhất, thấy lạ. Lần thứ ba, thấy thích. Lần thứ năm, thấy rất thích. Từng chi tiết một bản thân nó là một câu chuyện. Mà thích nhất chắc phải là chi tiết đóng sập cửa suýt kẹt cả áo khoác của anh kia!:)

    ReplyDelete
  8. Hì hì, phải. Vài chi tiết nữa: "Anh nghiêng người về trước đè lên mấy ngón chân... Anh khụy một chân, dồn trọng lượng trên chân này xong lại đổi sang chân kia..." Ngây ngô, ngộ nghĩnh. "Cô gẩy một cái gì đó, một sợi tóc, hay một sợi chỉ, trên cổ áo anh." Ôi, rất đàn bà, đặc biệt đàn bà biểu lộ một chút chủ quyền riêng tư: về đến nhà chàng già vẫn còn đờ đẫn, tuy rằng "em" Clara không đẹp :) [nsc]

    ReplyDelete
  9. Còn vài cái: “Cảm ơn anh”. / “Rồi, bye nhé” / “Thật đấy, tôi già mà” anh nói. / “A lô, Arnold Breit nghe đây”. / việc chúng ta gặp nhau quan trọng đấy”. / “Tôi không hứa”, anh nói. / “Gượm đã, Arnold”. À, lần này ngắn đều nhể :)) [nsc]

    ReplyDelete
  10. Ngắn thế mà nó cứ thò ra ngoài, vất vả mãi mới nhét tất vào trong ngoặc kép được!:)

    ReplyDelete
  11. Câu đâu tiên thiếu một dấu nặng. Hết

    ReplyDelete
  12. Truyện này hay mà đúng lạ lùng. :)

    ReplyDelete
  13. Truyện này hay mà đúng lạ lùng. :)

    ReplyDelete
  14. Nhiều người khen Raymond Carver hay nhỉ! (tiếng Việt đa nghĩa vãi chưởng)

    ReplyDelete
  15. Mình đọc truyện này và không thích lắm (không thích bằng những truyện khác của RC; công nhận truyện của RC truyện nào cũng lôi cuốn). Lờ mờ đóan rằng tòan bộ câu chuyện do cô vợ "set up" để thử chồng, không biết đúng không.

    ReplyDelete
  16. Mình thì rất thích những chi tiết trong truyện này. "Set up" cũng là một khả năng, nhưng không có gì chắc chắn cả.

    ReplyDelete
  17. Trong cùng tập truyện(WYPBQP), mình rất ấn tượng với truyện đầu tiên "Fat". Truyện chả có gì, chỉ là nói về một gã mập ăn nhiều, vậy mà mình thấy hay kinh khủng. Mình thấy mình nợ một lời cám ơn vì nhờ blog này mà mình biết đến RC và yêu thích kinh khủng (hihi lại kinh khủng).

    ReplyDelete
  18. Truyện hay quá ! cảm ơn anh nhiều

    ReplyDelete

Bánh mì kẹp và Ocean Vương