Tuesday 6 July 2010

Cái thú đọc sách

Tiếp tục chương trình Orhan Pamuk, tôi dịch một bài khác trong tập Other Colors. Bài này là The Pleasures of Reading. Tôi đã dịch qua một lượt và đang chỉnh sửa để post dần lên đây. Các bác ném đá thoải mái nhé. Tôi không hay dỗi lắm đâu:)


------------

Cái thú đọc sách



Hè này tôi đọc lại Tu viện thành Parma của Stendhal. Sau khi đọc xong vài trang cuốn sách tuyệt diệu này, tôi dời mắt khỏi cuốn sách cũ kỹ trong tay để ngắm những trang sách ố vàng từ xa. (Cùng một cách thức như vậy, lúc còn bé khi tôi uống món giải khát yêu thích nhất, đôi khi tôi sẽ dừng lại để trìu mến ngắm cái chai trong tay.) Mùa hè này khi tôi mang cuốn sách theo người, nhiều lần tôi tự hỏi tại sao chỉ cần biết cuốn sách ở bên đã thấy khoái như vậy. Rồi tôi tự vấn liệu tôi có khả năng nói về niềm vui thú đó – mà nếu làm vậy mà trước tiên không nói về bản thân cuốn tiểu thuyết thì cũng như nói về tình yêu dành cho người đàn bà tôi đem lòng yêu dấu mà lại không tả nhan sắc cô ấy trước. Đây là điều mà bây giờ tôi gắng làm. (Những ai muốn tách cuốn tiểu thuyết khỏi tình yêu đọc tiểu thuyết nên bỏ qua những ngoặc đơn dưới đây).
1. Khi theo dõi những sự kiện mô tả trong câu chuyện (trận chiến Waterloo, những âm mưu tình yêu và quyền lực trong một công quốc nhỏ), tôi bị choáng ngợp bởi những cảm xúc mãnh liệt. Nguồn cơn niềm hạnh phúc của tôi không nằm trong bản thân những sự kiện mà trong những phản ứng tinh thần và tình cảm chúng khơi gợi. Tôi trải nghiệm những sự kiện như là cảm xúc, một dạng hỗn giác. Tôi trải nghiệm niềm vui tuổi trẻ, ý chí sống, sức mạnh của hy vọng, sự trần trụi của cái chết, tình yêu, và sự cô đơn.
2. Khi thưởng thức sự tinh tế của nhà văn, sức mạnh trong giọng văn, khả năng quan sát, sự nồng nhiệt của ông, cách ông đi thẳng vào tâm điểm vấn đề, và sự sắc sảo của trí tuệ ông, tôi thấy như thể ông thầm thĩ tất cả sự thông thái của ông vào tai tôi, chỉ cho riêng tôi. Dù biết hàng triệu người đã đọc cuốn sách này trước tôi, tôi vẫn cảm thấy – vì những lý do không thể lý giải - trong cuốn sách này có nhiều đoạn, nhiều chi tiết vặt, những điểm tinh tế, những thấu hiểu mà nhà văn chia sẻ cùng tôi và chỉ hai chúng tôi có thể cảm kích. Đến gần như vậy trong trí óc và tinh thần của một nhà văn rỡ ràng dường này giúp tôi tự tin, và nhờ đó, như với mọi người hạnh phúc khác, niềm tự tôn trong tôi dâng trào.
3. Một số chi tiết về cuộc đời nhà văn (sự cô đơn của ông, những thất vọng trên tình trường, và sự thể là sách của ông không được ưa chuộng như ông mong ước) và câu chuyện nhuốm màu huyền thoại về việc viết cuốn tiểu thuyết này (nghe nói rằng Stendhal đã dựa vào một truyện biên niên cổ của Ý và đọc cho thư ký trong vòng năm mươi hai ngày) dường như trở thành câu chuyện riêng của đời tôi.
4. Không phải chỉ có sự tương đồng mà tôi cảm thấy với Stendhal để lại dấu ấn trong tôi; nhiều scene ông kể, những đoạn tả cảnh, những khắc họa của ông về thời kỳ đó (nội thất dinh thự, hình tượng Napoleon, những cái hồ ngoại vi Milan và quang cảnh chung quanh, phong cảnh dãy Alps phản chiếu qua tâm thức thị thành của tác giả, cũng như những lý luận, những vụ sát hại, và những âm mưu chính trị) cũng lưu lại trong tôi. Không như nhân vật của Proust, tôi không bao giờ nhập vào thân thế các nhân vật khác hoặc tin những sự kiện đó diễn ra với tôi. Tôi không hiện diện trong cuốn tiểu thuyết. Nhưng từ đầu tôi đã hưởng thụ sự hứng thú tham gia một không gian hoàn toàn khác thế giới thường ngày của tôi, và tôi săm soi thế giới nội tại của cuốn tiểu thuyết gần như cùng cách thức mà tôi từng săm soi thứ chất lỏng trong chai nước giải khát của tôi. Đó là nguyên do tại sao tôi mang cuốn sách theo mình.
5. Tôi đọc cuốn sách này (Tu viện thành Parma) lần đầu năm 1972. Khi nhìn lại những đoạn gạch dưới và những ghi chép bên lề khi đọc lần đầu, tôi bật cười, một cái cười buồn bã về sự nhiệt tình thanh xuân của tôi. Nhưng tôi vẫn thấy thương cảm cho chàng trai trẻ hồi đó đã cầm cuốn sách này lên và, để trải rộng tâm hồn đón nhận một thế giới mới và để trở nên một người tốt đẹp hơn, đã đọc nó thật háo hức. Tôi yêu quý chàng trai trẻ lạc quan và còn chưa trưởng thành đó, người ngỡ rằng anh có thể nhìn thấy mọi sự, hơn cái người đọc mà tôi đã trở thành. Nên bất cứ khi nào ngồi xuống đọc cuốn sách, chúng tôi là một hội: tôi hai mươi tuổi ngày ấy, bằng hữu Stendhal của tôi, các nhân vật của ông, và tôi. Tôi thích cái hội này.
6. Vì cuốn sách này nhắc tôi về cái con người mà tôi từng là, tôi trân quý cuốn sách này như một vật thể. Cái bìa in ẩu của nó đã te tua, và thỉnh thoảng tôi mân mê cái dải ruy-băng đánh dấu trang. Tôi đã ghi linh tinh trong bìa sau từ cách đây nhiều năm. Tôi cứ tần ngần đọc lại chúng.
7. Theo cách này, niềm vui thú mà tôi có được từ việc đọc sách hòa nhập với việc tôi hân hưởng cuốn sách với tư cách một vật. Đó là nguyên do tôi mang nó theo như một lá bùa hòng mang lại niềm vui cho tôi, ngay cả khi đi đến những nơi mà tôi sẽ không có thời gian để đọc. Nếu ở một nơi nào đó và cảm thấy buồn chán hay bực bội, tôi sẽ mở cuốn sách ở một chỗ ngẫu nhiên, đọc một đoạn, và bình tĩnh trở lại. Đến giờ những trang sách của cuốn này và bìa của nó cho tôi nhiều niềm vui như bản thân ngôn từ. Cuốn sách cho tôi nhiều niềm vui như khi đọc nó.
8. Khi, như thỉnh thoảng tôi vẫn làm trong một buổi tối ở Heybeliada, hòn đảo nhỏ nơi chúng tôi nghỉ hè, tôi ngồi xuống một băng ghế không ai khác đụng tới bên đường và bắt đầu đọc cuốn sách nhờ ánh sáng của ngọn đèn đường, tôi cảm thấy cuốn sách, y như mặt trăng, biển, những đám mây, cây cối, bụi rậm, và đá trên những bức tường, trở thành một phần của thế giới tự nhiên Có lẽ bởi vì được đặt trong một quá khứ xa xôi, cuốn sách dường như tự nhiên và thanh thản hệt như một cái cây hay cánh chim. Nó réo mừng tôi vì thật gần gũi với thiên nhiên, và tôi cảm thấy như thể cuốn sách làm tôi tốt hơn lên, thanh tẩy tôi khỏi những ô trọc xuẩn ngốc của cuộc đời.
9. Trong một phút giây hạnh phúc như thế, khi tôi ngắm nhìn cuốn sách từ một khoảng cách – thật ra không phải ngắm những trang sách ố vàng mà là những hàng cây và biển tối thẫm phía xa hơn – tôi tự vấn lòng mình cuốn sách này có ý nghĩa gì mà lại khiến tôi sướng vui đến thế. Nhận thức rằng hỏi câu hỏi này chẳng khác gì chất vấn ý nghĩa cuộc đời, tôi thấy như cuốn sách mang tôi lại sát gần hơn việc hiểu ý nghĩa đó, đủ gần để có thế nói đôi lời về chủ đề này.
10. Như hết thảy tiểu thuyết vĩ đại, ý nghĩa cuộc đời gắn kết gần gũi với hạnh phúc. Cũng như trong tiểu thuyết, trong cuộc đời cũng có một mong ước chân thành, một rung cảm, một cuộc đua về phía hạnh phúc. Nhưng còn có nhiều hơn thế. Nếu một người muốn phản ánh khao khát đó, rung cảm đó, thì một cuốn tiểu thuyết hay (như Tu viện thành Parma) hết sức phù hợp cho mục đích này. Nói cho cùng một tiểu thuyết tuyệt diệu trở thành một phần không tách rời của cuộc sống và thế giới quanh ta, mang ta lại gần hơn ý nghĩa cuộc đời; nó đến thế chỗ cho niềm hạnh phúc ta có thể chẳng bao giờ tìm thấy trong cuộc sống để trao ta niềm vui sướng xuất phát từ ý nghĩa của nó.
11. Điều làm tôi vui sướng bây giờ là đọc một trang sách trong khi vẫn lưu giữ những ý nghĩ này lẩn quất trong đầu – mặc cho sự thể là tôi bắt đầu cảm thấy như thể niềm vui sướng của tôi đe dọa hủy hoại sự bí ấn của cuốn tiểu thuyết.

29 comments:

  1. Tình hình này lại có một Giò nữa trắng tinh tươm :)) í là dịch giỏi ghê, thú nhất là chữ "hỗn giác"
    Hì hì, không dỗi thì thử edit nhá:
    * Đọan đầu:
    - "mắt tôi dời khỏi cuốn sách cũ kỹ trong tay để ngắm những trang sách ố vàng từ xa"
    =>"tôi dứt mắt khỏi cuốn sách cũ kỹ trong tay để có thể ngắm những trang sách ố vàng từ xa"

    - "Rồi tôi tự vấn liệu tôi khả năng nói về niềm vui thú đó - mà nếu làm vậy mà trước tiên không nói về bản thân cuốn tiểu thuyết thì cũng như nói về tình yêu dành cho người đàn bà tôi đem lòng yêu mến mà lại không tả nhan sắc cô ấy trước"

    => "Rồi tôi tự vấn liệu tôi khả năng nói về niềm vui thú đó nếu trước tiên không nói về bản thân cuốn tiểu thuyết - cũng như nói về tình yêu dành cho người đàn bà tôi đem lòng yêu dấu mà lại không tả nhan sắc cô ấy trước?

    *Đọan cuối(4) : ...Không như nhân vật của Proust, tôi không bao giờ nhập vào thân thế các nhân vật (khác) hoặc tin những sự kiện đó diễn ra với tôi...
    Chữ "khác" có thừa không đấy ???

    ReplyDelete
  2. hahaha, tôi không hay dỗi lắm đâu.

    ReplyDelete
  3. Teşekkür ederim. Senin çeviri gibi.

    But why "pleasures" becomes singular in Vietnamese? Đừng hà tiện, khi "thú" thì thú cho nhiều vào. :D

    ReplyDelete
  4. dịch hết rồi cuối năm ra sách đi thôi anh :D (Z)

    ReplyDelete
  5. còm rõ dài mà chả thấy đâu mất rồi

    ReplyDelete
  6. em thích cái ông này, và cái hội của ổng. :)

    ReplyDelete
  7. Chị So quay lại để đọc mấy cái edit ngon lành của mình chứ gì? Hôm nay blogspot điên, cái "còm rõ dài" lúc ẩn lúc hiện. Chị So cũng có cặp giò rất trắng trẻo, thỉnh thoảng mới khoe tí thôi. :)

    ReplyDelete
  8. Ối, giờ mới nhìn thấy còm của chị So! Đấy, còn đấy nhé không lại bảo là bị xóa:)

    mắt tôi dời khỏi -> sửa thành "tôi dời mắt khỏi" rồi nhé

    yêu mến - > sẽ sửa thành "yêu dấu", còn cái cấu trúc câu lòng thòng đấy em xin bảo lưu

    chữ "khác" không thừa đâu ạ

    Bac Orhan: Cảm ơn bác khích lệ. Số nhiều, số ít trong tiếng Việt hơi gay go. Em nghĩ chữ "thú" cũng là số nhiều chứ nhỉ?

    ReplyDelete
  9. Em cũng thích bài này trong Other Colours. Hồi xưa đọc Tu viện thành Pác mơ cứ nghĩ Pác mơ là một nơi hư cấu hay xa xôi lắm. Sau này mới biết nó là Parma, nơi có đội bóng của Hidetoshi Nakata :D (hồi bé em vẫn xem Serie A suốt). Cuốn này Huỳnh Lý dịch thì phải.

    ReplyDelete
  10. Anh cũng toàn biết tên các thành phố châu Âu qua các đội bóng. Hồi trước nói chuyện với mấy thằng bạn Đức cứ đọc vanh vách tên các thành phố ở Đức, bọn nó ngạc nhiên lắm, mới bảo tao toàn biết nhờ xem bóng đá đấy!

    ReplyDelete
  11. chữ "cái" trong tựa đề đọc không thích lắm!
    Bẽn lẽn giơ tay xin sửa là:
    "Thú đọc sách" hay "thú vui đọc sách" muốn hiểu số ít hay nhiều cũng được bác ợ.

    lh2501

    ReplyDelete
  12. Goldmund: cái cấu trúc câu lòng thòng í hay thế nào? giảng cho nhau nghe với - mình là mình thấy hơi bị nhiều "mà" :P

    Narcissus(he he bác H.H có đủ bộ đôi ở đây rồi nhá): ối giời mình không đời nào chen được vào đội Giò đâu, vì tiếng Tây tiếng Tàu mình không biết lấy một chữ bẻ đôi :((

    ReplyDelete
  13. lh2501: ấy chết, thêm được chữ "cái" ấy vào là em thú lắm đấy!

    Chị So: Em không cho là nó hay hơn, nó chỉ sát hơn so với cấu trúc chị đề nghị. Câu chị đề nghị nghe thuận tai hơn, nhưng em đọc đi đọc lại và không cảm thấy nó diễn đạt trọn vẹn câu trong bản tiếng Anh. Vì dịch từ tiếng Anh, chứ không phải tiếng Thổ (!), nên em cố gắng dịch càng sát càng tốt, e rằng khi dịch tiếng Thổ sang tiếng Anh, dịch giả đã vặn vẹo; rồi mình dịch sang tiếng Việt, vặn vẹo thêm một lần nữa, thì con gà rụng một sợi lông trong tiếng Thổ lại trụi lông trong tiếng Việt:). Em chấp nhận những trúc trắc về mặt cú pháp tiếng Việt hòng đạt được mức độ chính xác cao nhất có thể được.

    ReplyDelete
  14. Em cũng mới biết Munich bọn Đức nói là Munsen. :D

    ReplyDelete
  15. Cái số 11 nó cứ "thế lào" í.

    ReplyDelete
  16. "cái":danh từ,nghe thiên hạ nói Mun không thích tính từ phải không?hahaha

    lh2501

    ReplyDelete
  17. @lh2501: "Cái": mạo từ.

    ReplyDelete
  18. Thank you,Istanbul.
    Ý của mình là "cái+thú"=danh từ.Thật ra khoái chọc Mun cho vui chứ chữ nghĩa có nhiêu đâu mà bắt " giò xịn".Vẫn bảo lưu ý kiến là không thích chữ "cái"(cảm nghĩ cá nhân cuả người đọc chứ không dám nhận xét về kỹ thuật dịch) .hehe

    lh2501

    ReplyDelete
  19. Tôi tâm đắc đoạn số 2:

    " tôi thấy như thể ông thầm thĩ tất cả sự thông thái của ông vào tai tôi, chỉ cho riêng tôi. Dù biết hàng triệu người đã đọc cuốn sách này trước tôi, tôi vẫn cảm thấy – vì những lý do không thể lý giải - trong cuốn sách này có nhiều đoạn, nhiều chi tiết vặt, những điểm tinh tế, những thấu hiểu mà nhà văn chia sẻ cùng tôi và chỉ hai chúng tôi có thể cảm kích"

    Vì mỗi người cảm nhận tác phẩm theo một cách riêng, nên luôn có cảm giác chỉ có mình mình hiểu ý tác giả muốn nói gì.Tôi cũng thường bị cảm giác này,gần đây nhất là với tác giả Phan Việt.

    ReplyDelete
  20. Phan Việt cũng loanh quanh ở đây, bạn à. Bạn có cần tôi giới thiệu để hai người sẻ chia trực tiếp luôn không?:)

    ReplyDelete
  21. "tôi trân quý cuốn sách này như một vật thể. "
    thú thiệt mình không thích từ "trân quý" này lắm, nó điêu điệu và gia giả làm sao ý?
    Với lại bản thân quyển sách là một vật thể rồi, sao lại trân quý như một vật thể nữa, hay là mình hiểu sai chữ vật thể???

    ReplyDelete
  22. "Đến giờ những trang sách của cuốn này và bìa của nó cho tôi nhiều niềm vui như bản thân ngôn từ. Cuốn sách cho tôi nhiều niềm vui như khi đọc nó."
    Hai câu này có trùng ý không? Mình thấy hơi lấp vấp khi đọcnó bác Mun à...

    ReplyDelete
  23. Ý kiến tiếp: "hân hưởng" có phải là "tận hưởng" không ạ? nếu phải mình thích "tận hưởng" hơn, nghe xôi thịt nhưng mà rất đã..... hehehe, bác Mun cách tân nhiều từ quá, chắc mình chưa kịp quen... đừng dỗi nhé.

    ReplyDelete
  24. Xin được giải thích cùng bạn Mỵ:

    -"trân quý": tớ bình thường cũng ghét từ này, thậm chí còn từng giễu nó. Nhưng bản thân từ vô tội. Tớ dùng ở đây vì thấy nó phù hợp nhất. "trân quý cuốn sách như một vật thể" nghĩa là trân trọng yêu quý cuốn sách đó vì nó là một vật mang nhiều kỷ niệm (nhắc nhở tác giả về cái người đọc trẻ tuổi ngày xưa), bên cạnh việc yêu cuốn sách vì những gì viết trong đó. Do đó mới có chuyện mân mê dải ruy băng dù cuốn sách đã te tua.

    ReplyDelete
  25. "Đến giờ những trang sách của cuốn này và bìa của nó cho tôi nhiều niềm vui như bản thân ngôn từ. Cuốn sách cho tôi nhiều niềm vui như khi đọc nó"

    - Hai câu này không trùng ý, chỉ là sự phát triển ý. Câu đầu so sánh niềm vui có được từ trang sách và bìa (vật lý) và niềm vui có được từ ngôn từ (văn) bên trong. Câu thứ hai tiếp tục ý đó, so sánh niềm vui có được từ cuốn sách (một vật, như một lá bùa) và niềm vui có được từ việc đọc nó.

    ReplyDelete
  26. "hân hưởng" không phải là "tận hưởng", mà hưởng thụ một cách hân hoan, ha ha:) chưa quen thì làm quen đi

    góp ý nhiều nghĩa là đọc kỹ, thích lắm, dỗi gì:)

    ReplyDelete
  27. Anh, đọc bài anh dịch về thú đọc sách, thấy hay nên em cũng mua một quyển rồi :)

    ReplyDelete
  28. Vậy là anh đã vận động thành công được cả thảy hai người mua Other Colors rồi!

    ReplyDelete
  29. Mấy anh này chắc là thành viên sáng lập của Nhã Nam hay sao ấy!? Mà phải công nhận, sách của NXB này bán chạy ghê luôn.

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN