Monday 13 February 2012

Không đầu không đuôi 1-10


1.       Tôi mới đi ăn đám cưới về. Bao giờ cũng thế, ngồi trong đám cưới sợ nhất là nghe MC ba hoa, vì thế nào tôi cũng nổi da gà. “Diễn văn” của họ bao giờ cũng ken đặc sáo ngữ và những lời ngớ ngẩn, quái gở. Đi đám cưới, chỉ vui ở chỗ gặp những bạn bè lâu ngày không hoặc ít gặp, còn lỡ mà đi phải đám cưới không quen biết ai thì đúng là cực hình.

2.       Có những người có khả năng viết rất dễ dàng về bất cứ thứ gì. Họ viết gần như không cần một nỗ lực nào, hoặc ít ra, đọc văn họ ta có cảm giác họ không cần nỗ lực gì khi viết. Roberto Bolano là một người như thế. Tôi ganh tị với ông. Nhưng ông không thể ganh tị với tôi, vì ông đã chết rồi, lúc mới có 50 tuổi. Thế cũng đã là thọ hơn Whitney Houston. R.I.P, diva của một thời si mê.

3.       Tôi vẫn chưa đọc 2666 của Bolano, nhưng trừ vài phần trong The Savage Detectives, tôi không thích các tiểu thuyết và truyện ngắn  khác của ông tôi mấy.  Hơi monotone.  Nhưng các bài viết ngắn của ông đọc lúc nào cũng thích, rất thông minh và luôn luôn dí dỏm, kể cả những chỗ cay độc. Nhất là những chỗ cay độc. Nhờ dí dỏm mà bớt cay độc.

4.       Cái thiếu nhất và cũng có thể là yếu nhất của tiểu thuyết Việt Nam không phải là khả năng nói lên một cái gì đó trọng đại mà là khả năng đi vào ngóc ngách tâm hồn con người. Các nhà tiểu thuyết Việt Nam thiếu chi tiết, hay vội vàng, ưa khái quát hóa, lười quan sát, nên nhân vật tiểu thuyết thường giản đơn, nhợt nhạt.  

5.       Từ lâu lắm rồi tôi không còn đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh. Không biết sau này thì sao, chứ trước đây nhân vật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh chưa bao giờ thủ dâm. Thật lạ lùng, truyện viết cho thiếu niên mới lớn mà không bao giờ có chuyện thủ dâm. Vậy mà truyện vẫn bán chạy, thật là lạ lùng.

6.       Giữa Osamu Dazai và Yukio Mishima, tôi khoái Mishima  hơn. Dazai đến cả tự sát mà làm cũng không nên thân, phải năm lần mới thành, đấy là chưa kể tự sát kiểu gì mà người mình rủ rê tự sát thì chết mà mình thì sống. Mishima “làm việc” hiệu quả hơn, seppuku một lần là xong.

7.       Đoạn 6 nói nhảm, bỏ qua. Nhưng tôi vẫn thích tiểu thuyết của Mishima hơn Dazai. Người thủy thủ bị biển khước từ rất tuyệt nhé, Kim các tự cũng thế, và cả Lời thú tội của mặt nạ nữa.

8.        Đọc truyện ngắn Trong tiếng reo hò của lửa của Lê Minh Phong trên SGTT. Tôi khá có cảm tình với tác giả này sau lần đọc bài trả lởi phỏng vấn của bạn ấy. Nhưng cái truyện này, đọc ba câu đầu đã thấy có vẻ hỏng. Ráng đọc hết truyện thì thấy hỏng thật. Gồng quá.  Cái gì mà “kết nối với người nào đó ngoài ông” với “duy trì hành động”?  Rồi hình ảnh những người đàn bà bán hàng rong đánh lửa bằng cuội, tay soát vé liên tục tự tát vào má, chuyến tàu không có người thức, .v.v. quả là một kết hợp gượng gạo của những ẩn dụ gượng gạo.

9.       Tôi đang tính mua một cái Kindle. Có lẽ phải thế thôi chứ không lẽ đóng thêm kệ sách hoài. Vả lại, có nhiều cuốn chỉ có e-book, mà không có Kindle thì chẳng thể nào đọc được, nhất là những thể loại sách quái gở của mấy tay nhà văn lười nhác chả chịu chấm câu với xuống dòng.

10.   Dòng này là đúng 12 giờ đêm.

19 comments:

  1. Nhắn thêm nữa, nếu bác thấy có cuốn nào của Mishima thì vợt giúp tôi nhé, cuốn nào cũng được.

    ReplyDelete
  2. Cái idea mua Kindle rất là cool đó anh. Mấy bạn/anh/chị ở nhà cứ chê Kindle, cứ nhất nhất phải đọc sách in cơ. Nhưng thiệt tình là đọc sách bằng Kindle là 1 thứ experiment rất đáng trải nghiệm.

    Đáng nhất là em đỡ tốn tiền shipping. Sách trên Amazon không đắt, nhưng ship về đến Aus thì... xót xa. Nói vậy nếu định cư ở Mỹ thì đọc sách in sướng nhất :))

    Trường hợp em là vì em không thể na cái tủ sách ở nhà theo mình đi lang thang nữa. Nhưng quên chuyện đó đi thì Kindle vẫn tiện lợi nhiều thứ khác. Ví dụ: mình có quởn lên đọc "dzâm/sến thư" thì cũng không ai biết (ở nhà mọi người judging quá) vì không lộ hàng "bìa sách" mà, hehe.

    Ít nhất là cái "quyền đọc cùng lúc nhiều cuốn sách" được support. Khi quay lại cuốn đó, nó sẽ mở ra đúng số trang lần trước mình rời đi. Em thấy chức năng này... dễ thương.

    Có 3 loại Kindle, theo em thì Kindle classic là ổn nhất, giống như cầm một cuốn sách khổ nhỏ, cầm nhẹ tay. Còn Kindle touch thì hơi nặng. Kindle có physic keyboard thì hơn bự.

    Hơi sớm, nhưng chào mừng anh đến với thế giới file.prc và file.mobi
    Hehe

    ReplyDelete
    Replies
    1. Quyết tâm mua Kindle từ nhân dân đã rõ, chỉ còn chờ Quốc hội thông qua chủ trương:))

      Delete
  3. À, tuy em thích Kindle nhưng không phải là... không có Kindle thì không đọc được ebook :D Em nghĩ anh biết vụ này chứ! Đọc trên computer thôi, bằng Mobipocket Reader :D Chỉ có điều ai cũng biết là đọc trên computer chán òm.

    ReplyDelete
  4. Quốc hội còn trong giai đoạn họp bàn ba chủ trương Ipad, Ultrabook và Kindle. Vì chủ trương số một đã thông, các chủ trương còn lại có nguy cơ tắc tị.:-)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hình như Quốc hội của bác GM là Quốc hội thiệt, hông phải Quốc hội rubber stamp:D

      Delete
    2. Quốc hội ời, kindle cả Chính phủ, Quốc hội và Nhân dân cùng dùng được, còn Ipad chỉ nhân dân khoái thôi ;p

      Delete
  5. Mềnh không đọc Nguyễn Nhật Ánh, sau này cũng sẽ gạ Tí hem đọc :-P

    ReplyDelete
  6. Chào mừng bác đến với thế giới Ebook. Hy vọng sắp tới sẽ đặt hàng bác review nhiều ebook để bù đắp lại tất cả kinh phí mà bác (hay lớn hơn là Quốc hội) đã thông qua để mua Kindle :). Tớ đảm bảo là còn có lãi nữa cơ, bác cứ trình QH cái đề án kinh doanh ấy là đảm bảo ổn :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. vầng, các bác chịu khó vận động Quốc hội thật hăng vào giúp:)

      Delete
  7. Đọc cái số 5 suýt té ghê :))

    ReplyDelete
  8. I like number 4. Bác N.N.A thì nghe đồn lâu rồi bây giờ bí mật mới lòi ra hehe...

    ReplyDelete
  9. Quốc Hội sao lại "nặc danh" ? ;)

    Cơ mà em đồng ý với Quốc-Hội-nặc-danh là chọn iPad, nhưng nếu mà thông qua thì nên đợi vì trong vòng 1 tháng nữa sẽ xuất hiện iPad 3, iPad 1 và 2 sẽ giảm giá, lúc đó mua iPad có lợi hơn nhiều :)

    -Land-

    ReplyDelete
  10. Em tặng bác GM một mớ sách PRC phòng thân nè!

    https://skydrive.live.com/?cid=8afd44d7f66c4838&sc=documents&id=8AFD44D7F66C4838%213726#cid=8AFD44D7F66C4838&id=8AFD44D7F66C4838%211080&sc=documents

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN