Saturday, 29 October 2011

Ai nói, giơ tay lên!

Đầu tiên phải cảm ơn bạn nào đã mách cho tôi bộ Nguyên Ngọc tác phẩm. Lúc trước tôi chỉ bị đọc Đất nước đứng lênRừng Xà nu, ngoài ra có đọc Rẻo cao vì tình cờ trong nhà có cuốn ấy. Ngoài ra, chỉ đọc các bản dịch của bác - thường rất mướt và rất mạch lạc. Trong số những người dịch Kundera ở Việt Nam chắc Nguyên Ngọc là người dịch hay nhất:)

Báo và tiểu luận của ông trước đây tôi chỉ đọc rải rác, nên không thật sự chú ý lắm. Đọc bộ tác phẩm này tôi mới biết Nguyên Ngọc viết nhiều và rộng về các đề tài văn học, văn hóa, nghệ thuật xã hội. Và viết rất hấp dẫn. Có nhiều người viết ý tưởng độc đáo, nhưng đọc chán [như con gián]. Còn các bài viết của Nguyên Ngọc không phải lúc nào ý tưởng cũng độc nhưng lúc nào đọc cũng thú [như con tu hú] do cách trình bày rõ ràng, cuốn hút (làm tôi nhớ một người khác, viết sử kinh tế nhưng rất cuốn hút, đó là Đặng Phong).  Tôi thích những bài ông viết về  văn hóa (như bài Quảng Nam trên hành trình dân tộc), giáo dục,  dịch thuật, văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng. Hẳn Nguyên Ngọc rất quan tâm đến tiểu thuyết nên mới dịch Nghệ thuật tiểu thuyết của Kundera và viết tương đối nhiều về tiểu thuyết.

Tuy vậy, bộ sách này dường như chỉ là tập hợp tác phẩm của ông mà không được biên tập một cách thích đáng. Chẳng hạn, một số bài viết người đọc cần biết thời điểm ra đời của nó mới hiểu tại sao vấn đề trong bài được nêu ra, nhưng lại không thấy ghi viết khi nào, đăng lần đầu tiên ở đâu, v.v..  Đặc biệt, có một nhầm lẫn của Nguyên Ngọc, mà lẽ ra phải được nhìn thấy và sửa, vì nó liên quan đến hai bài được xếp khá gần nhau trong tập 2. Ta biết Nguyên Ngọc dịch cả Kundera lẫn Roland Barthes, nên không lạ khi ông hay trích dẫn hai ông này, và cũng không lạ khi ông lẫn giữa hai ông này. Ở bài "Đôi điều về chuyện dịch" (trang 330), ông dẫn Roland Barthes: "tiểu thuyết là một kiểu hình chiếu phẳng của một thế giới cong và nối liền". Liền sau đó, bài "Suy nghĩ nhân đọc thơ dịch của Khương Hữu Dụng", ông lại dẫn y chang câu đó, nhưng lần này người nói là Milan Kundera!

Tóm lại, Kundera hay Barthes, ai nói, giơ tay lên!

Còn theo kiểu Sát thủ đầu mưng mủ thì ta có thể đặt ra thành ngữ mới: Lẩm cẩm như...Nguyên Ngọc tác phẩm.:)



Thursday, 27 October 2011

Chênh vênh trên mép vực



Trong thời đại của nữ quyền, có lẽ tôi không nên và không được nói rằng Nhã Thuyên là một người làm thơ nữ, mà chỉ là một người làm thơ. Nhưng, vì là đàn ông, có lẽ thế, tôi không thể tránh khỏi nhìn ngược về lịch sử để xem có bao giờ một người làm thơ nữ nào ở Việt Nam truy tầm ngôn ngữ quyết liệt riết róng đến thế, đau đáu với chữ đến thế, và nhất là nghĩ nhiều đến thế, nhất thời tôi không nhớ ra (không dám nói là không có.)

Trong lúc đọc Rìa vực, tập thơ mới nhất của Nhã Thuyên (NXB Giấy Vụn 2011), tôi luôn tự hỏi cái gì khiến tập thơ mỏng manh này lại tiềm tàng nhiều hiểm nguy như vậy. Tự hỏi rồi tự trả lời: vì chất chứa nhiều suy nghĩ quá.  Với những bài như “24 nảy”, “Trôi trong xứ mặt trời”, tên bài thơ đã báo hiệu bất ổn đã đành, ngay cả trong những bài thơ anh anh em em, ta cũng không được bình an: Vừa mới “Em chiêm bao gương mặt anh, anh đứng đó, im lặng như một trò chơi không bao giờ kết thúc…. Em chiêm bao lời anh, những lời lặp lại, những lời hôn mãi vành tai áp vào cỏ lẩy bẩy xanh trong tiếng sấm ràm rạp” hãy còn rất mực hiền lành thì ngay sau đã miên man như lên đồng “Em chiêm bao cơ thể anh, cơ thể đã ôm siết em, em chiêm bao cơ thể anh, em chiêm bao cơ thể anh, chiêm bao cơ thể anh” để rồi “Chúng ta im lặng mãi như một trò chơi không bao giờ kết thúc trong giấc ngủ đã cũ lời anh chỉ còn là tiếng thở khô và lạnh của khuôn ngực nơi quả tim đã bị thời gian và bàn tay hoen ố móc rỗng” (bài “Hiện hữu anh”) - những “khô”, “lạnh”, “móc rỗng” kia khiến ta không khỏi rùng mình.  Còn mùa thu, mùa truyền thống của mơ mộng, mùa dễ say người vì những cảm xúc có độ tuổi nghìn năm, thì trong thơ Nhã Thuyên đã thành như thế này: “im! đừng nhìn chiếc lá- nó đang cần hấp hối một mình. sao giết được nỗi khuya khoắt nhớ nhung? mùa thu, trời quá rộng: cành cây thốt tên nhau gió úp mặt dưới lá kinh hoàng. không hiểu đã làm gì tiêu rụi những những xanh.” Thôi, thế là tàn đời một mùa thu!

Rìa vực có rất nhiều thơ về thơ, thơ về viết, thơ về ngôn ngữ.  Nhiều đến mức gần như đậm đặc. Gần như bài nào cũng có thể trích ra được những câu, những chữ , trực tiếp hoặc gián tiếp, Nhã Thuyên suy tư về đề tài này. Dù không nên trích ra quá nhiều nhưng không thể không nhặt ra những câu như “thơ/đi đến cùng/nhưng đi đâu” (bài “Tiếng nói”), hay “Tôi là Thơ. Một sự đi không mong đến” (bài “Trôi trong xứ mặt trời”), hay “Mãi không đi hết miệng chén tôi trong xứ Chén/ Muốn viết? Phải bất chấp cả lố bịch. Sẵn sàng nhập vai con rối mặt hề/ Tôi truy tôi. Tôi ruổi ngày đang bỏ chạy” (bài “24 nảy”) để thấy Nhã Thuyên nặng lòng với thơ, với chữ như thế nào.

Thơ, vốn chẳng bao giờ quá nhiều độc giả.  Trong số không quá nhiều độc giả ấy tôi ngờ rằng cũng không nhiều người sẵn lòng lao qua cái hàng- rào- an-toàn- chữ Nhã Thuyên dựng lên chỉ để mon men trên rìa vực; tuy nhiên, nếu chấp nhận phiêu lưu với Nhã Thuyên, ta sẽ thấy chênh vênh rìa vực là một cảm giác không phải không thú vị, và nhất là nếu chẳng may trượt chân rơi xuống vực thì ta cũng biết rằng : “ở đáy vực có thể còn thơ dành cho kẻ cần đến, giác mút thơ hút chặt không cho ta trượt ngã và bật khỏi vòng xoáy tít của trò chơi lộn nhào” (bài “Trôi trong xứ mặt trời”).

Tuesday, 25 October 2011

Muôn thu ngơ ngác đứng bên đời..



Hai bài thơ của Joseph Huỳnh Văn trích trong tập Thơ Joseph Huỳnh Văn (Giấy Vụn 2011). Câu thơ trên, Muôn thu ngơ ngác đứng bên đời, có lẽ tiêu biểu cho giọng thơ của Joseph Huỳnh Văn trong tập này.


Vô Đề 1


Trời xanh ngập ngừng như muốn nói
Ngàn năm ấp úng dáng mây trôi
Lòng tôi e có chi muốn hỏi
Muôn thu ngơ ngác đứng bên đời...




Tôi Ngồi Rất Vắng Bóng Tôi


Tôi ngồi nhuộm máu sân liêu
vì em trầm tụng kinh chiều khóc tôi
tôi ngồi đắm đuối không thôi
vì em  thắp nến chờ tôi hiện về
tôi ngồi đâu?
tỉnh hay mê?
Chao ôi, ai cột tóc thề trong mưa
tôi ngồi xế bóng thu xưa
vì em liều với nắng mưa theo người


Tôi ngồi, đợi tóc xanh tươi
sáng rất hiu hắt, ai
cười hắt hiu...
tôi ngồi rất vắng bóng tôi




-------------


Ké một "bài thơ" của bạn Pi làm nhân dịp Pi đòi mở máy lạnh còn Alpha đòi mở quạt: "Máy lạnh là bạn của con, còn quạt là bạn của Alpha, còn ai là bạn của ba?"

Sunday, 23 October 2011

Cả nể

Đã thành lệ, chiều thứ bảy và chiều chủ nhật là khoảng thời gian most productive của tôi. Tóm lại thì tôi có hai ngày nghỉ cuối tuần, trong hai ngày đó buổi sáng là thời gian dành cho ba cái đuôi, buổi chiều tống ba cái đuôi đi ngủ thì tôi có thời gian yên ổn mà làm việc của mình. Có một project mà tôi làm thêm cả năm nay (ngoài công việc chính) dần sắp đến đoạn kết - project này lấy của tôi khá nhiều thời gian và sức lực đấy là chưa kể tăng thời gian sử dụng máy tính dẫn đến hỏng hóc một số cái trên người. Xong project này tôi phải nghỉ xả hơi một thời gian.

Trong thời gian làm project kia, tôi lại còn cả nể mà làm thêm vài thứ khác. Cả nể cho nên sự dở dang/ Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng/ Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc/ Phận liễu sao đà nẩy nét ngang.  May tôi không là phận liễu nên không nảy cái nét ngang nào, nhưng, chẳng hạn như chiều nay có một cuộc nhậu vỉa hè hoành tráng, thì trước khi đi tôi phải cố cho xong một cái deadline nho nhỏ.

Chẳng phải tình cờ mà tôi nghĩ đến thơ Hồ Xuân Hương. Nhân là sáng nay đi tìm truyện "Tội ác và trừng phạt" của Nguyễn Huy Thiệp cho bác TV, tôi lôi NHT ra đọc lại. Vì không nhiều thời gian nên vừa hò hẹn với Ms Quế Chi (WC) tôi vừa đọc, hò hẹn xong cũng vừa đọc xong Chút thoáng Xuân Hương - truyện thứ nhất. Xong bất giác cười tủm tỉm. Xuân Hương trong truyện thứ nhất này không hề xuất hiện; người đọc chỉ biết đến nàng thông qua ấm nước vối nàng sửa soạn, hình ảnh một cái bàn thờ được dọn sạch sẽ và một mâm bánh trôi. Người không ra mặt nhưng bóng dáng luôn phảng phất quanh nhà - đích thị là "chút thoáng." Quả nhiên tài tình. "Trong cõi nhân gian này, tất cả mọi sự nghiêm chỉnh cũng là khôi hài, nên có cơ hội cần phải cười ngay, thế nhưng không hiểu tại sao ông không cười được." Đây là câu NHT viết về Tổng Cóc.  Hóa ra tôi không phải là Xuân Hương mà là Tổng Cóc!





Thursday, 13 October 2011

Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện Murakami







Tôi vừa phát hiện ra Haruki Murakami và tôi có vài điểm chung. Ít nhất là hai.

Thứ nhất, nhịp tim của Murakami và tôi tương đương nhau: lúc bình thường khoảng năm mươi. Đó là nhịp tim của một người chạy bộ. Ai đã đọc Tôi nói khi nói về chạy bộ của Murakami đọc câu này của tôi hẳn sẽ ngỡ rằng tôi là một chuyên gia chạy marathon như ông nhà văn người Nhật.  Vì tôi là người hết sức trung thực nên tôi nói ngay: Không phải đâu. Có một thời gian tôi chạy khá đều đặn vào mỗi buổi sáng, nhưng nhiều nhất chừng  5 ki lô mét. Chứ còn Murakami là một tay chạy marathon thực thụ, chưa kể có lần ông còn tham gia một cuộc chạy siêu marathon kinh hồn táng đởm sáu mươi hai dặm tức ngót nghét 100 cây số. Dã man như con ngan, man rợ như con vợ. Chả trách ông có thể viết trường thiên tiểu thuyết, cuốn mới nhất 1Q84 ra tiếng Việt chắc phải trên ngàn trang. Còn tôi thì viết được blog, entry nào dài lắm tầm nghìn chữ. 1Q84 bản tiếng Anh Amazon cho đặt hàng trước giá giảm những 47% so với giá bìa, nhưng nghe đâu tiếng Việt cũng sắp có nên chờ bản dịch tiếng Việt vậy.

Điểm chung thứ hai, Murakami kể chuyện ông mất rất nhiều thời gian chuẩn bị như những bài diễn thuyết bằng tiếng Anh. Cụ thể trước khi bước lên bục ông học thuộc lòng cả bài diễn văn và phải tập dượt bài diễn văn nhiều lần.  Cái này hao hao giống tôi. Với những bài thuyết trình trong phạm vi công ty tôi chỉ cần xem qua trước khi trình bày, tuy nhiên, khi phải thuyết trình bằng tiếng Anh tại các hội nghị quốc tế, để đảm bảo mình có thể nói rõ ràng và lưu loát,  tôi thường tập qua chừng mười lăm đến hai chục lần, có khi còn ghi âm để tự mình nghe lại và canh thời gian.  Sau khi đã tập qua từng đó lần thì tuy không cố ý học thuộc, tôi cũng có thể thuộc lòng cả bài nói. Cũng giống như Murakami, tôi nghĩ sẵn một vài chiêu chọc cười khán giả, nhưng thường tùy tình hình tại buổi trình bày mà tôi ứng biến vài trò mới. Nếu sau một hai phút mà tôi đã làm khán giả cười được tôi sẽ tự tin hơn rất nhiều.

Như có lần tôi nói, Murakami quả có duyên với độc giả Việt Nam khi tác phẩm của ông gần như được dịch trọn vẹn. Nhìn chung, tôi thích tiểu thuyết của ông hơn, vì ông luôn có khả năng tạo dựng ra một thế giới quyến rũ cho các tiểu thuyết của mình.  Văn phi hư cấu ông có hai cuốn đã dịch, cuốn Ngầm, có lần tôi đã nhắc đến, còn cuốn này, Tôi nói gì khi nói về chạy bộ, khiến tôi khâm phục ông với một tư cách khác hơn tư cách nhà văn.  Một khi cuốn sách đã kể về chạy bộ, tất nhiên người đọc sẽ chờ đợi những câu như thế này: “Đích cuộc đua chỉ là một cái mốc tạm thời không có ý nghĩa gì nhiều. Cũng hệt như đời sống của chúng ta. Chẳng phải vì có một cái kết thúc mà tồn tại là có ý nghĩa.” Hoặc thế này, “Chạy đua với thời gian không quan trọng. Điều có ý nghĩa với tôi hơn nhiều giờ đây là tôi có thể vui thú chừng nào, tôi có hoàn tất được hai mươi sáu dặm với cảm giác mãn nguyện không.”   Những câu văn không phải là khó đoán định đối với độc giả biết rằng mình đang đọc sách của một nhà văn kiêm người chạy bộ. Có lẽ tôi trông đợi nhiều hơn  từ một cuốn sách như thế này, cụ thể, tôi mong ông viết nhiều hơn về nghề văn, thay vì chỉ kể hết cuộc chạy marathon này sang cuộc chạy marathon khác. Dẫu vậy, Murakami vẫn là Murakami, và không có quá nhiều người vừa là nhà văn vừa là người chạy bộ. 

Wednesday, 12 October 2011

hôm nay không sách



[đọc đúng là sách, không có âm gió]


dạng nghiện sách như tôi, đúng ra ngày nào cũng sách, thiếu hơi sách là không chịu được. tuy nhiên, ngày nào cũng sách, thì mắt mỏi, lưng đau, tay cũng đau, toàn thân không chỗ nào không đau, đành phải chấp nhận cai. hôm nay nhất định không sách. không sách thì làm gì?

hôm nọ đi ra đường, tôi chợt nhận ra, nếu sống và làm việc theo khẩu hiệu, chẳng hạn cái băng rôn đỏ đỏ giăng ngang đường, thì từ nay nếu bữa nào đi uống bia rồi thì tuyệt nhiên không có cách nào về nhà được mà chỉ có cách ngủ lại ở quán bia cho đến khi người hết bia mới thôi. cái băng rôn đó nói như vầy, "ĐÃ UỐNG RƯỢU BIA THÌ KHÔNG ĐƯỢC THAM GIA GIAO THÔNG". "không được tham gia giao thông" chứ chẳng phải chơi. nghĩa là nếu tôi có bỏ xe lại, đi xe ôm hay taxi hay gọi vợ đến chở về đều không được tất, vì rõ ràng một khi đã ngồi trên xe của ai đó và xe đó có chạy trên đường thì tôi đã "tham gia" giao thông rồi. lẽ nào không phải. phải người ta thu hẹp phạm vi đấu tranh lại, chẳng hạn "ĐÃ UỐNG RƯỢU BIA THÌ KHÔNG ĐƯỢC THAM GIA GIAO THÔNG BẰNG XE MÁY"  hoặc "ĐÃ UỐNG RƯỢU BIA THÌ KHÔNG ĐƯỢC THAM GIA GIAO THÔNG BẰNG TAXI"  hoặc "ĐÃ UỐNG RƯỢU BIA THÌ KHÔNG ĐƯỢC THAM GIA GIAO THÔNG BẰNG XE BÒ" thì tôi còn có lựa chọn. đằng này thì khái quát quá, khái quát quá đi mất, chằng còn lựa chọn nào sất. thế là được một chuyện không sách.



chuyện không sách thứ hai là chuyện này. chắc là đợt rồi các bệnh viện bị kêu ghê quá, ờ mà bệnh viện bao giờ chả bị kêu, thế cho nên một số bệnh viện mới phát động phong trào thực hiện quy tắc ứng xử. ý tưởng rất hay, đáng lẽ phải thực hiện từ lâu rồi mới phải. tất nhiên từ nói đến làm bao giờ cũng có khoảng cách, nhưng nếu không bắt đầu nói thì có lẽ cũng không bao giờ bắt đầu làm.  ấy nhưng đọc cái quy tắc ứng xử kia, ban đầu tôi lấy làm băn khoăn ghê lắm. qua đoạn băn khoăn rồi tôi bắt đầu cảm thấy khâm phục chữ nghĩa tinh tế của người ta: "NÓI KHÔNG VỚI PHONG BÌ".  nói không với phong bì thôi mà, chứ có nói không với cái ruột của nó đâu, cho nên nếu ruột đi mình ên, hay gói trong lá chuối, hay lá mít, hay chuyển khoản, hẳn đều ổn cả. đúng là tài, tài thật, tiên xư anh tào tháo.

Monday, 10 October 2011

Thư gửi hai con từ phòng họp

Gửi công chúa và hoàng tử của ba,

Cho dù công ty ba là một trong những công ty, ba có thể tự hào nói, làm việc hiệu quả hàng đầu thế giới thì vẫn không tránh khỏi có những buổi họp không hoàn toàn cần thiết, những bài trình bày tẻ ngắt, hoặc vấn đề thảo luận tại cuộc họp ba không quan tâm. Những lúc ấy, đầu óc ba vận hành theo chế độ tạm nghỉ:  ba vẫn ngồi đó, vẫn tỏ vẻ lắng nghe, nhưng kỳ thực những biểu đồ, những chữ, những hình ảnh trên màn hình máy chiếu bắt đầu nhảy múa, những lời trình bày, thảo luận bắt đầu lò cò, không hẳn vào tai này ra tai kia, mà chắc là trộn lẫn vào nhau thành một bản hòa âm trong đầu, làm nền cho những ý nghĩ của ba bay ra khỏi phòng họp, đến với hai con. Nói cách khác, thân thể ba trong phòng họp, mà tâm hồn ba ngoài phòng họp.  Ba nghĩ rằng đây cũng là cách đền bù những lúc ba ở bên hai đứa mà đầu óc lại dành cho một dự án dang dở, một cuốn sách cần đọc hay một vấn đề đau đầu cần giải quyết.

Đã rất nhiều lần ba nhớ về hai con như thế, cho dù có thể ba vừa mới chia tay hai con cách đó không lâu. Có thể chỉ chừng nửa tiếng trước đó, hai đứa leo xuống khỏi xe, vòng tay chào ba rồi vào lớp, và ba nhờ cô chú ý rèn Pi cách cầm muỗng: gần bốn tuổi rồi mà Pi vẫn cầm muỗng theo cách người ta cầm dao găm.  Có thể chỉ non một tiếng trước đó, là tiết mục chọn quần áo, giày dép của Alpha - ba mẹ vẫn thường bối rối hỏi nhau con gái ba mẹ giống ai mà điệu thế, còn Alpha thì thường xuyên khẳng định “con xinh hơn mẹ tại vì con điệu hơn”.  Đâu nhất thiết phải xa nhau thật lâu mới được quyền nhớ nhau. Ba đi công tác buổi sáng buổi chiều con gái đã nhớ ba thút thít, nên mới xa hai con một tiếng ba nhớ con âu cũng thường tình. Nhưng chắc chắn ba sẽ không thút thít trong phòng họp.

Lúc này, trong phòng họp, người trình bày vẫn đang hăng say, còn ba nhìn cô ta/anh ta đầy chăm chú.  Ba đang nghĩ Alpha dạo này đang có khuynh hướng khẳng định bản thân mạnh mẽ hơn. Alpha thường xuyên bày tỏ thích/ không thích quyết liệt trước từng món ăn, trang phục, kênh hoạt hình, trò chơi, thậm chí cả việc em Pi có làm gì giống mình không.  Ba mẹ biết ai cũng có quyền thích và không thích một cái gì đó, nhưng để cho công bằng, mẹ cũng phải bày tỏ sự quyết liệt của mình khi Alpha tuyên bố thẳng thừng không thích một món ăn mẹ mới nấu, còn ba, thành thực cũng dễ nổi khùng khi nghe những tiếng hấm, háy, với âm sắc chót vót của Alpha. Ba mẹ không mong ước Alpha sẽ trở thành một đứa trẻ luôn vâng lời, dễ bảo; nhưng giải thích với Alpha từng sự việc một, phân tích phải trái, chỉ cho con cái nên và không nên, hướng con đến cách hành xử thích hợp quả mất thời gian và khó khăn hơn rất nhiều. “Dân chủ” bao giờ cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn “toàn trị”.

Lúc này, trong phòng họp, cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra, hình như người trình bày đang bị chất vấn về phương pháp chọn mẫu. Ba nhớ mùi của Pi. Pi có một thứ mùi nồng nồng, hăng hắc, khi mới tắm xong sạch sẽ thì Pi thơm như một con heo sữa, còn sau khi chạy nhảy một hồi, thì Pi đích thực có mùi của một con heo hôi. Hỏi Pi là con gì, Pi vẫn tự nhận mình là heo con đấy thôi. Ba lại nhớ Pi có cách cho “hệ thống tạm nghỉ” rất giống cách ba đang thực hành trong phòng họp mỗi khi ai đó hỏi Pi những câu Pi không quan tâm hoặc có thể Pi cho là quá nhàm chán, chẳng hạn con tên gì, con mấy tuổi, con thương ai. Những lúc đó, mặt Pi bơ bơ, như chẳng hề nghe câu hỏi, và nếu Pi mở miệng, đó sẽ không phải là một câu trả lời, mà là một câu hoàn toàn không liên quan, chẳng hạn như sao cái xe tăng này không chạy, hoặc hôm qua con không thấy cầu vồng đâu!  Mai mốt lớn chắc Pi làm nhạc công, phụ trách dàn trống, còn không chắc làm chính khách.

Cuộc họp vẫn còn tiếp diễn, và ý nghĩ của ba hãy còn mông lung. Hãy biết rằng ba còn nhớ nhiều chuyện liên quan đến hai con nhưng không phải tất cả đều được ghi lại ở thư này, vì nếu thư quá dài, thì sau này khi biết đọc, Pi và Alpha biết đâu chẳng cho “hệ thống tạm nghỉ” trước khi đọc hết thư.

Thư bất tận ngôn

Ba

Friday, 7 October 2011

Tranströmer not Transformers

Thế là Nobel văn chương năm nay vào tay bác Tomas Tranströmer, nhà thơ Thụy Điển.  (Phải cố lắm tôi mới không đánh sai tên bác thành Transformers - người máy biến hình.)  Thế coi như là xong.  Tôi đồ rằng nếu giải trao cho nhà văn, quần chúng nhân dân tiến bộ yêu thích văn học còn hào hứng, còn tìm đọc nếu chưa đọc, nếu đọc rồi thì tha hồ chém gió, chứ trao cho nhà thơ là thôi rồi.  Thơ, nếu trong ngôn ngữ gốc là một cô gái đẹp 90-60-90 chân dài đến lá lách, đi một vòng sang mấy thứ tiếng phổ biến như tiếng Anh hay tiếng Pháp, rồi nếu hân hạnh được đi thêm vòng nữa sang thứ tiếng mà ta đọc ổn nhất, tiếng Việt, chắc chỉ còn bộ xương, mà có khi xương cũng thiếu.  Không tin thì cứ lôi Hàn Mặc Tử hay Bùi Giáng dịch ra tiếng Anh xong rồi dịch tiếp ra tiếng Thụy Điển hay Hebrew đi thì dân Thụy Điển hay Israel cảm nhận thế nào.


* Entry này vốn là một entry cà rỡn. Tuy vậy, tiếp thu ý kiến của Mr Tin Văn tôi đã sửa.

Dù sao, nếu ai muốn đọc thử thơ của bác này, dùng Google Translation là một ý không tồi:)  Thử xem:

AFTER A DEATH

Tomas Tranströmer

Once there was a shock
that left behind a long, shimmering comet tail.
It keeps us inside. It makes the TV pictures snowy.
It settles in cold drops on the telephone wires.

One can still go slowly on skis in the winter sun
through brush where a few leaves hang on.
They resemble pages torn from old telephone directories.
Names swallowed by the cold.

It is still beautiful to feel the heart beat
but often the shadow seems more real than the body.
The samurai looks insignificant
beside his armour of black dragon scales.

Google dịch:

SAU KHI Một cái chết

Khi đó là một cú sốc
bỏ lại phía sau một cái đuôi sao chổi dài lung linh.
Nó giữ bên trong. Nó làm cho hình ảnh tuyết rơi TV.
Nó giải quyết trong các giọt lạnh trên đường dây điện thoại.

Người ta vẫn có thể đi chậm trên ván trượt trong ánh nắng mặt trời mùa đông
vào bụi cây một lá treo trên.
Họ giống như các trang bị rách từ danh bạ điện thoại cũ.
Tên nuốt lạnh.

Nó vẫn còn đẹp để cảm thấy tim đập
nhưng thường bóng có vẻ thực tế hơn so với cơ thể.
Các samurai có vẻ không đáng kể
bên cạnh áo giáp vảy rồng đen.

Xong. Ta ngồi chờ tin giải Booker, hẳn sẽ hào hứng hơn.

Đây là quả hình Booker 2010. Cuốn này đọc buồn cười cực. Buồn cười ở chỗ là lật bất cứ trang nào ra cũng có thể có chỗ để cười:)




Wednesday, 5 October 2011

Trở lại Hội An (tiếp)

Tuy nhiên tôi biết, cho dẫu tôi mê cao lầu, tình yêu cao lầu của tôi chỉ là tình yêu du khách, qua đường gặp món hạp miệng thấy ngon thì mê, nhưng cái ngon ấy chỉ mới là cái ngon đầu môi chót lưỡi. Sẽ chẳng bao giờ tình yêu của tôi dành cho cao lầu có thể so đọ được với tình cảm mà một người quê gốc Hội An dành cho nó.  Cái ngon của một món ăn của một vùng quê đối với người quê xứ ấy không chỉ nằm ở vị giác, mà nằm ở cái trường kỷ niệm vây quanh nó: có thể đó là tiếng mưa rơi trên luống rau, là con ốc sên tí hon bò quanh lá, là món ăn mẹ nấu cho mỗi sáng, là món ăn chỉ xuất hiện trong mỗi bữa họp mặt gia đình, là bữa trốn trường cùng đám bạn rủ nhau đi ăn vặt, hay là hôm xì xụp trong lén lút với mấy đồng xu ăn trộm của bố mẹ.  Kỷ niệm có thể muôn hình vạn trạng nhưng cũng lại độc đáo, duy nhất.  Khi ăn món ăn quê nhà, món ăn đã ăn từ tấm bé, người ta ăn cả những kỷ niệm ấy: ăn ký ức. Đó là lý do tại sao một người sinh ra ở Đơn Dương như tôi, ăn bánh căn Đơn Dương, từ hồi bốn, năm tuổi, thì đến bây giờ lúc nào cũng thèm ăn bánh căn Đơn Dương tại Đơn Dương;  và cho dù tôi dẫn bạn bè từ nơi khác về Đơn Dương, cũng ngồi ăn ở quán ấy trong một ngày mưa gió  - thời tiết hết sức lý tưởng để ăn bánh căn -  thì bạn bè tôi cũng chẳng có được cùng cảm giác như tôi. Huống  hồ chi bạn nào đấy đọc bài về bánh căn của tôi, rồi ra Nha Trang, sau khi đẫy bụng một món nào đó, đi mua bánh căn mang về khách sạn ăn, xong rồi bảo món gì chán kinh, toàn bột với nước mắm, chả ra cái vẹo gì. Ăn như thế thì đúng chẳng ra cái vẹo gì thật.

***

Tôi có một người bạn Úc. Bà là một người yêu quý Việt Nam thật lòng, thật đến nỗi tôi hay tự hỏi tại sao bà lại yêu Việt Nam như thế. Bà có dây mơ rễ má gì với cái đất nước này như tôi đâu. Tôi không hình dung ra được, một cách khách quan, làm sao một người lại có thể yêu quý được một đất nước khác.  Sinh ra lớn lên trong nước ấy thì đã hẳn, vì khi ấy yêu nước là bổn phận, làm gì có lựa chọn.

Bà bạn của tôi mê tít Hội An. Gần như mỗi năm bà sang Việt Nam một lần, gần như lần nào bà cũng ghé Hội An. Có năm đến để may cái áo dài, có năm đến để sửa cái áo dài may năm trước, có năm đến chỉ để lang thang, đi dạo vơ dạo vẩn, ngắm nhìn cuộc sống người dân, hít thở không khí của thành phố cũ kỹ, nhỏ và đẹp này. Tôi không chắc Nguyên Ngọc có phải là người đầu tiên gọi ra  đặc tính nhỏ và đẹp của Hội An hay không, nhưng tôi biết chắc Nguyên Ngọc là người giả định rằng, đại ý, nếu Hội An bị kéo giãn ra, hay giả những con phố của Hội An không chật đến nỗi người nhà bên này có thể bắt tay người nhà bên kia mà cả hai không phải ra khỏi nhà, thì Hội An sẽ chẳng còn là Hội An nữa.

Tôi nghĩ, không khí của Hội An là chính cái lôi kéo du khách phương Tây và những người như bà bạn Úc của tôi đến đây, chứ không phải là một cái nhà cổ, một cái đình hay một cái chùa nào. Đã ghé thăm tất cả những địa điểm lịch sử của Hội An trong chuyến đi trước, lần này chúng tôi thuê hai cái xe đạp, hai bạn lớn chở hai bạn nhỏ, đi loanh quanh trong phố, không  có một điểm dừng chân cụ thể nào trong đầu. Bảy năm trước, chúng tôi cũng thuê hai xe đạp, đạp ra tận Cửa Đại, ngang qua cây cầu và khúc sông lặng tênh gợi một vẻ thanh bình tuyệt đối. Giờ chúng tôi, vướng hai cái đuôi, không đạp xa được, vì hai cái đuôi cứ bảo đau mông (ấy là chưa kể không chịu làm đuôi mà còn bảo, “Con là đầu cơ!”), nên chỉ vòng vòng trong phố cổ, ghé một hàng chè ven đường ăn ly chè đậu xanh đá, rồi dừng chân xem hát bài chòi, xem người ta chơi bịt mắt đập niêu trên phố.  Cũng nói thêm, khi thuê xe đạp, người cho thuê chỉ hỏi chúng tôi ở khách sạn nào, rồi giao xe mà chẳng đòi hỏi vật gì thế chân; còn khi ghé hàng chè, quen thói Sài Gòn xuống xe tính khóa, bà chủ hàng đã vội xua tay có để đến mai cũng không ai lấy. Hội An quả vẫn còn hội nét bình an.

Tuesday, 4 October 2011

Thơ oneku





Câu này nghĩ ra lâu rồi, nhân dịp dọn giá sách. Hôm nay có người khen hay nên đem post ra đây:)





Bụi nằm trên gáy đợi thời gian

21/2/2011

Monday, 3 October 2011

Trở lại Hội An

Tôi trở lại Hội An sau bảy năm.

Tôi chợt nhận ra tôi hay bắt đầu các bài viết của mình bằng cách rọi về một kỷ niệm trong quá khứ. Nói một cách tuyệt đối, chỉ trẻ sơ sinh mới không có quá khứ, còn bắt đầu biết ăn biết đi rồi biết nói là đã bắt đầu có quá khứ rồi, cho dù ta có ý thức về nó hay chăng nữa. Càng lớn tuổi quá khứ càng chất chồng, thế nên người trẻ bao nhiêu đời vẫn hóng người già kể chuyện xưa. Còn ông bà bố mẹ mở miệng ra nhắc nhở con cháu là ngày xưa bố thế này, ngày xưa ông thế kia; bạn bè lâu ngày gặp nhau không khỏi hàn huyên chuyện cũ. Ai có sống vội sống vàng cho mấy, có ưa bàn chuyện tương lai năm mười năm sau, vẫn không thể không hoài niệm. Nên giả có một ngày quay lưng lại thấy sau lưng trống hoác, tịnh không chút kỷ niệm nào, thì người lại giật mình “bơ vơ như trẻ sơ sinh”. 

Trong chuyến đi Hội An này tôi mang theo mình ba cuốn sách: Chân dung Dorian Gray của Oscar Wilde, Vượn trần trụi của Desmond Morris và Tùy bút của Võ Phiến. Những lúc không chơi đùa, không phải dắt hai bạn nhỏ và một bạn lớn đi ăn, đi bơi, hay đi chơi, tôi lại lôi sách ra đọc. Tôi cao tuổi nhất so với cả ba bạn còn lại đâm ra ngủ ít nhất và đọc nhiều nhất. Đi chơi năm ngày thì tôi đọc trọn vẹn cả ba cuốn, cộng lại cũng được nghìn trang.

 Tưởng như tôi có thể nhại Lev Tolstoy mà nói: “Mọi cuốn sách dở đều giống nhau, nhưng mọi cuốn sách hay lại hay theo một kiểu.” Trong khi Chân dung Dorian Gray là một áng luận văn tuyệt diệu về nhục thể, Vượn trần trụi cung cấp những góc nhìn thú vị từ góc độ của một nhà động vật học về con vật người, thì Tùy bút là một thứ rượu ngon nhưng độ không cao lắm, đủ để mỗi ngày nhâm nhi một chút thì người lúc nào cũng ngất ngây nhưng không đến nỗi say không còn biết trời đất là gì. Vì lẽ đó, cuốn Tùy bút này đặc biệt thích hợp một kỳ nghỉ.  Đoạn “bơ vơ như trẻ sơ sinh” trên kia chính là cái cảm giác Võ Phiến mô tả trong mùa xuân đầu tiên trên đất Mỹ, nhận ra trên đất nước mới này, cảnh sắc đẹp thì đẹp đấy nhưng chẳng có tình; ông khám phá ra rằng đó là vì ông chẳng có kỷ niệm nào với xứ sở này - mọi kỷ niệm đã có đều là với đất nước mà ông để lại sau lưng.  Cái cảm giác chợt trống hoác ấy ông gọi là “bơ vơ như trẻ sơ sinh”.

Cuốn của Võ Phiến đọc ở Hội An càng đặc biệt thích hợp, vì trong đó có bài về Hội An.  Tôi nhớ nhận xét của ông về món cao lầu, [trích không chính xác nguyên văn] “xứ sở này luống tuổi đến mức món ăn của nó cũng không đủ sức đi xa”.  Đó là một nhận xét dí dỏm, tinh tế và hết sức trìu mến. Vào thời điểm Võ Phiến viết bài đó, hủ tíu đã thống lãnh miền Nam, phở đã trở thành món quốc hồn, bún bò Huế vừa bắt đầu biểu dương thanh thế ở Sài Gòn, còn cao lầu ít vẫn nhìn thấy ở đâu ngoài Hội An. Ngay cả vào năm 2011 này, món cao lầu đi xa lắm chắc cũng chừng ba chục cây số  tới Đà Nẵng  (nhờ con đường thẳng băng mới mở nhân hội nghị APEC cách đây vài năm), chứ ở Sài Gòn cao lầu chỉ mới tạm trú một cách thưa thớt, KT3 còn chưa có, nói chi chuyện hộ khẩu thường trú. Năm 2004, tôi và người yêu mới vào rọ ở Hội An hai ngày ăn cao lầu sáu bữa ở sáu quán khác nhau; cao lầu ở mỗi quán khác nhau chút đỉnh, nhưng vị rau sống đặc thù xứ này thì không lẫn vào đâu được. Về Sài Gòn, nhớ cao lầu là nhớ cái vị rau ấy.  Lần này, tới Hội An chỉ vào hai buổi tối, tối đầu ngồi bên chợ đêm tương đối mới ở bờ bên kia sông Hoài, chị bán hàng khăng khăng ở Hội An không bán cao lầu tô nữa, mà chỉ có cao lầu xào. Lòng đầy nghi ngại chúng tôi gọi thử, thì quả nhiên đó là món cao lầu bị hiếp dâm: một món mì trắng xào đầy mỡ và vô cùng ngấy.  Tối thứ hai, chúng tôi chọn một quán cóc bên kia sông Hoài, đang ngồi ngoài trời  đột mưa tầm tã, hai bạn nhỏ ướt sơ sơ, còn hai bạn lớn ướt kha khá, bù lại cao lầu đúng vị cố nhân. Gặp lại cố nhân bao giờ lòng cũng xôn xao.



Sunday, 2 October 2011

Chiều chủ nhật, đi mua sách

Đã cương quyết lắm, tự nhủ, không đi, không đi đâu. Ngồi nhà còn làm ra vẻ lương thiện, nhắn tin cho một thằng cu: “Hom nay o Nha van hoa Lao Dong co ban sach giam gia ay”, nó trả lời đầy vẻ dửng dưng: “Em biết rồi.” Thật là tức lộn ruột.

Đến chiều, cầm lòng không đậu, rốt cuộc lại phóng xe ra. Đi mà lòng vẫn dặn lòng, phải kiềm chế hết mức, phải cuốn nào có lý do đặc biệt lắm mới mua, chẳng hạn, đề tài quá quan tâm, hoặc cuốn kiếm lâu ngày chưa thấy, hoặc giá quá rẻ. Với tâm niệm đó, lượn khoảng hai tiếng đồng hồ, chỉ lấy chừng độ năm cuốn, sau khi cầm lên nhấc xuống khá nhiều. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuốn Bông hoa đỏ của Garshin.  Nói đáng chú ý vì cuốn này là một trong ba cuốn đầu tiên của Tủ sách tinh hoa của Phương Nam, mà mới mua hai cuốn kia cách đây không lâu chẳng được giảm đồng nào còn ở đây giảm những 30%. Còn một cuốn nữa đáng chú ý vì mới nhìn thấy lần đầu là cuốn này. Đang lên cơn mê văn học Nhật mà.



Chuẩn bị về, nghĩ đã thoát nợ, thì chẳng may nhìn thấy bộ này:



Thật ra, mua chỉ vì mấy tác phẩm dịch của bác ấy, chứ Đất nước đứng lên rồi thì đất nước ngồi xuống, còn lòng nào mà đọc lại Rừng xà nu. Chiếm phần lớn số trang trong các dịch phẩm của bác vẫn là Nghệ thuật tiểu thuyếtNhững di chúc bị phản bội của Kundera, đã có hai cuốn này đâm ra bị trùng. Nói thế để bạn nào đang tìm tiểu luận của Kundera có thể vớt bộ này.

Sáng chủ nhật, đọc thơ

Bảo tàng 


Những chiếc đĩa nhưng chẳng ai thèm khát
Những chiếc nhẫn, nhưng chẳng có tình yêu lứa đôi
Ít nhất cũng ba trăm năm rồi

Một chiếc quạt – nhưng ở đâu nét mặt đỏ gay
Những thanh kiếm – nhưng ở đâu cơn giận dữ
Và chiếc đàn ngái ngủ
Không một lần rung lên

Vì không có sự vĩnh hằng
người ta đã sưu tập vào đây
mười nghìn đồ cổ

Anh bồi giấy mốc meo nhắm mắt ngủ ngon lành
râu vương trên tủ kính.

...Kim loại, thạch cao, lông chim
qua thời gian lặng yên ăn mừng chiến thắng
Chỉ có chiếc trâm cài của người đàn bà Ai cập khúc khích cười
Chiếc vương miện đã phí công đợi một đầu người
Bàn tay đã thua chiếc găng tay
Chiếc giày chân phải đã thắng bàn chân phải

Còn tôi
Xin hãy tin là tôi đang sống
Cuộc chạy đua của tôi với chiếc áo dài
Vẫn còn đang sôi động
Ôi, nó mới bướng bỉnh làm sao?
Tựa như muốn mình bách niên tồn tại!

Wislawa Szymborska



Tạ Minh Châu dịch

Bánh mì kẹp và Ocean Vương