Monday, 23 November 2009

Từ Ngầm đến Facebook

Điều tôi nhớ nhất khi đọc xong Ngầm của Murakami không phải là bất cứ thứ gì trong cuốn sách, mà là những khó khăn Murakami gặp phải khi thực hiện cuốn sách. Tất nhiên cuốn sách có một thông điệp – sách nào chẳng có một thông điệp, và cách cuốn sách được trình bày cũng lạ - cuốn sách là tập hợp các cuộc phỏng vấn các nạn nhân và những kẻ thực hiện vụ đầu độc hệ thống tàu điện ngầm ở Tokyo bằng chất độc sarin năm nào. Nhưng nhìn chung cuốn này của Murakami đoc không thích lắm, có thể vì những cuộc phỏng vấn có nhiều điểm tương tự nhau quá nên dễ gây nhàm chán. Có cảm giác chỉ cần đọc một phần ba những cuộc phỏng vấn trong đó là đủ. Thêm nữa thì quá nhiều. Chính vì vậy, tôi mới nói rằng cái làm tôi nhớ nhất về cuốn sách không phải là bản thân về cuốn sách mà là về tinh thần tuân thủ pháp luật của người Nhật và điều đó đã gây khó khăn như thế nào cho Murakami trong việc thực hiện cuốn sách.

Nhật Bản cũng như hầu hết các nước phát triển khác coi trọng sự riêng tư và họ luật hóa điều đó thông qua những đạo luật bảo vệ thông tin cá nhân. Luật này quy định những vấn đề như những loại thông tin nào được coi là thông tin cá nhân, trong trường hợp nào thì một tổ chức được phép thu thập thông tin cá nhân, khi thu thập thông tin cá nhân rồi thì phải bảo vệ và sử dụng những thông tin cá nhân đó như thế nào .v.v. Hầu hết các nước có luật bảo vệ thông tin cá nhân đều quy định hồ sơ bệnh nhân là một loại thông tin cá nhân được bảo vệ. Lý do vì sao? Thử tưởng tượng xem con trai bạn dị ứng với đậu phộng, kẻ thù của bạn biết được thông tin này và dùng đậu phộng để khống chế con bạn (cảnh này trong phim gì có Harrison Ford đóng, quên tên). Ví dụ khác bạn bị viêm dạ dày và thông tin đó bị website của bệnh viện công bố. Cô gái bạn đang định tán tỉnh tình cờ truy cập được thông tin đó. Vì sợ lây, cô ta nhất định không cho bạn hôn:) Có thể hình dùng việc lộ những thông tin y tế cá nhân như thế có thể gây thiệt hại cho bạn như thế nào.

Để thực hiện được các cuộc phỏng vấn đối với các nạn nhân của vụ đầu độc tàu điện ngầm, điều trước tiên Murakami cần làm dĩ nhiên là phải tìm ra được những nạn nhân đó. Họ ở đâu trong thành phố Tokyo rộng lớn? Họ không phải là người nổi tiếng như những nhân vật của bạn Cát Khuê để bạn có thể dễ dàng truy tìm họ thông qua các mối quan hệ. Họ là những người bình thường: một thư ký, một nhân viên bán hàng, một người soát vé .v.v. lẫn đâu đó trong ba mươi triệu dân Tokyo. Murakami chỉ có đầu mối duy nhất là danh sách nạn nhân đăng báo vào ngày xảy ra vụ đầu độc, nhưng khi tìm đến các bệnh viện nơi đã cứu chữa các bệnh nhân thì chẳng khác húc đầu vào đá. Hồ sơ về họ được các bệnh viện nhất mực giữ kín: họ tuân thủ luật pháp nghiêm nhặt.

Giả sử ở Việt Nam có một đạo luật tương tự và một chuyện tương tự xảy ra ở Việt Nam (giả định thôi, chứ ở ta không cần chất độc sarin người ta vẫn có thể chết dần chết mòn vì vô khối chất độc khác) và có một nhà văn/nhà báo muốn thực hiện những cuộc phỏng vấn tương tự như cách Murakami đã làm, hẳn là anh ta/cô ta sẽ không gặp những khó khăn tương tự. Có hai lý do chính: thứ nhất, việc thực thi luật ở ta bao giờ cũng là một thách thức lớn; thứ hai, ý thức về sự riêng tư người dân ở nước ta “khác” người dân ở những xã hội phát triển. Tại sao “khác” thì là chuyện khác, và là chuyện dài.

Cách đây vài hôm, có bạn (bạn nào thì tự biết là bạn nào nhỉ) tuyên bố trên Facebook rằng bạn có một nghìn mấy trăm bạn trên đó, vì ai muốn kết bạn, bạn cũng chấp nhận. Bạn nhiều thì cũng được thôi, nhưng nên cài lại chế độ riêng tư, ví dụ bạn thân thì được đọc thông tin nào, bạn mới quen thì được đọc thông tin nào. Tôi chứng minh cho bạn thấy rằng căn cứ vào thông tin của bạn để trên Facebook, tôi có thể dễ dàng lấy mật khẩu yahoo của bạn, mà trình độ IT của tôi phò phạch thôi, có phải ba đầu sáu tay gì!

Khuyến mãi thêm một số tips về bảo vệ mình trong thời đại số. Trình độ IT của bạn này chắc chắn ít phò phạch hơn tôi. Đằng nào bạn đấy cũng đã xong PhD về Computer Science!:)

9 comments:

  1. Cuốn Ngầm là cuốn đầu tiên của Haruki mà em bỏ giữa chừng, đọc được 10 cái phỏng vấn đầu thì dừng lại, vì cảm giác không có gì hơn. Nhưng ngưỡng mộ sự kiên trì của bác ấy trong quá trình lấy tư liệu. Ngay cả nhà báo chuyên nghiệp (của quốc tế) cũng hiếm người kỳ công đến thế.

    ReplyDelete
  2. triển lãm tâm tư trên blog cũng nguy hiểm không kém FB (mà đi comment lung tung như mình chắc cũng có ngày cả nước biết mình răng sâu mấy cái. hic, vấn nạn rồi!)

    ReplyDelete
  3. Đang định cãi anh là không phải người nổi tiếng mà có danh sách thì em cũng tìm được thì đã thấy anh nói rõ vì sao ở dưới!!!

    ReplyDelete
  4. Bác nói làm mình chột dạ

    ReplyDelete
  5. ;)) cho em hỏi cái password bị mất cắp đấy là chữ gì thế hở bác :p

    ReplyDelete
  6. password cũ chữ gì thì không biết, nhưng mình có thể cho bạn today20 biết lúc set lại là chữ gì:)

    bác Kiki: Đúng, triển lãm tâm tư trên blog cũng rất nguy hiểm cho nên blog em có nhiều yếu tố fiction (i.e. bịa) mà nhiều người cứ tưởng là non-fiction (i.e. thực)! Em chưa biết bác có mấy cái răng sâu đâu, bác yên tâm.

    ReplyDelete
  7. oái, sáng nay còm xong mới thấy hố (người Bắc gọi là thối). quay lại đỡ lời đây.
    nói lại là: mình mà có khoe cả nước răng sâu mấy cái chắc cũng chẳng có ai thèm nghe nên không lo vấn nạn nữa ... hehe. rồi.
    Gm viết 1 lách tới những 3, chân và giả hệt như nhau, lo gì chứ.

    ReplyDelete
  8. hehe, mình rút kinh nghiệm, phân loại bạn, xếp anh GM vào blacklist, :D

    ReplyDelete
  9. KHông có vấn đề gì. Hôm nào mình lấy mấy cái password của bạn CCM về xài chơi. Đằng nào cũng black list!

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN