Nhân ngày ở một số phần ở Việt Nam đang có rất nhiều nước, thậm chí quá nhiều nước, thường gọi là lũ, có bạn đăng [trên FB] một kết luận khoa học rằng không bao giờ có hai giọt nước giống nhau cả. Kết luận này cho thấy câu ví von “giống nhau như hai giọt nước” thật ra là láo toét.
Nhiều năm trước đó, nữ thi sĩ Ba Lan Wislawa Szymborska, trong bài thơ đã trở thành kinh điển Không thể có hai lần cũng đã ý nhị chỉ ra rằng “không có hai nụ hôn/hai ánh nhìn giống hệt”. Nụ hôn lúc 7 giờ sáng sẽ khác với nụ hôn lúc 7 giờ một phút sáng, cho dù nó có thể được tiến hành trên cùng một khách thể, vì nụ hôn lúc 7 giờ một phút sáng không thể có được sự náo nức pha lẫn băn khoăn của nụ hôn một phút trước đó – cái nụ hôn còn nồng nàn vi khuẩn của cả một đêm túng tù (lẽ ra là tù túng, nhưng đảo ngược cho nó xuôi tai). Ấy là chưa kể không thể lặp lại một cách chính xác cường độ, trường độ, giác độ, biên độ, vô độ của nụ hôn thứ nhất. Không thể có hai nụ hôn giống nhau. Và, nói tóm lại, không có cái qué gì xảy ra đến hai lần. Nữ sĩ Szymborska do đó mới hạ một câu kết: Mình khác nhau như hai giọt nước trong veo. Câu thơ của Szymborska đi trước kết luận khoa học kia mười mấy năm ánh sáng.
***
Hai bạn Alpha và Pi cách nhau một tuổi, chính xác là 13 tháng. Cậu em sinh nhật tháng 9, còn cô chị sinh nhật tháng 8. Cho đến bây giờ, hai cô cậu cân nặng xem xem nhau, mặc dù Pi vẫn còn thấp hơn Alpha một tí. Tuy cũng có lúc gấu ó với nhau, nhưng nhìn chung hai bạn chung sống hòa bình: thích chơi cùng một thứ đồ chơi, ăn cùng thứ thức ăn, thích được giỡn theo cùng một kiểu. Nếu như ba bạn giả vờ trèo lên lưng một bạn thì bạn kia cũng đòi y chang như thế, nếu không sẽ kêu la ầm ĩ. Nói chung hai bạn còn ở giai đoạn thích giống nhau hơn là thích khác nhau. Hai bạn đang là trẻ con mà. Chứ người lớn thì luôn có nhu cầu chứng tỏ/tìm kiếm sự khác biệt. Hôm nọ cụ thân sinh hai bạn đi gặp bác TQ mặc áo xanh kẻ, bác TQ cũng mặc áo kẻ xanh, đã thấy nhột nhột. Phải bác TQ báo trước bác ấy mặc áo xanh cụ đã mặc áo đỏ cho nó khác:)
***
Có trường đại học nọ sau khi cột thêm chữ “quốc tế” vào mình bỗng dưng buộc sinh viên phải mua đồng phục do chính hiệu trưởng thiết kế vì đấy là “biểu tượng tốt đẹp trong giới đại học quốc tế”. Sau khi báo chí lên tiếng ông hiệu trưởng chuyến sang khuyến mãi: mua đồng phục được tặng nón và túi du lịch. Phản ứng tình thế của ông hiệu trưởng chỉ tạo thêm đối thủ cạnh tranh cho các siêu thị, chứ vấn đề cơ bản vẫn còn nguyên: sinh viên đến trường sẽ vẫn phải mặc cái “biểu tượng tốt đẹp trong giới đại học quốc tế” ấy. Chưa thấy ai tính nguồn thu của trường từ việc bán “biểu tượng tốt đẹp” sẽ là bao nhiêu, cũng chưa thấy ai đo đếm xem việc yêu cầu sinh viên đồng loạt mặc “biểu tượng tốt đẹp” có tác dụng gì đến óc sáng tạo, tư duy độc lập của sinh viên. Hay những từ vừa nhắc đến là hàng xa xỉ?
Mà thôi, có lẽ, chúng ta không nên chỉ trích ông hiệu trưởng nọ. Dù gì thì ông chỉ bắt sinh viên của ông, những người tự nguyện nộp đơn vào trường ông mặc đồng phục, nếu không thích họ vẫn có lựa chọn là không vào trường này mà vào trường khác. Không phải trường nào cũng yêu cầu đồng phục. Vả lại, đồng phục về quần áo cũng chưa phải là điều đáng sợ nhất.
***
“Vì sao hỡi thời gian nghiệt ngã
người cứ khuấy đảo lên một nỗi âu lo
người đang tồn tại ư? - vậy là người sẽ phải trôi qua
người đang trôi qua – đó là điều tuyệt diệu
Chúng ta ôm nhau, miệng cười
cố tìm ra điều thân thiện
dẫu rằng ta biết
mình khác nhau như hai giọt nước trong veo”
***
Càng đọc Đường về nô lệ lại càng thấm thía. Có lẽ hôm nào sẽ làm một entry về những cuốn sách như là dấu ấn cuộc đời.
2/3 entry này có tác dụng thư giãn phết bác à, :D.
ReplyDeleteđọc đọan áo xanh kẻ mà bật cười, chút gia vị jazz it up cho bài viết, me like
ReplyDelete