Wednesday 23 September 2009

Lại tái bản

Cái này cũng là một phần trong trường thiên tản mạn được tái bản cách đây ít lâu ở đây

***

Đã bao lâu rồi tôi chưa quay lại bờ hồ? Tôi không nhớ rõ. Tháng ngày trôi nhanh quá. Cái chiều mà tôi lang thang ra bờ hồ và bắt đầu viết tản mạn là một ngày cuối đông. Những cây phong sân trường lúc đấy đang đỏ rực. Sáng nay, khi tôi đến trường thật sớm để chụp ảnh, tôi chợt nhận ra cũng những cây phong đấy đã sum suê xanh lá. Hôm nay đã là giữa mùa xuân. Sân trường nghiêng sang sắc tím của những cây tôi gọi là phượng tím. Các bạn tôi gọi là jacaranda, tôi tra từ điển Lạc Việt thấy cho nghĩa là lan dạ hương. Để cho đơn giản, nếu tôi có nhắc lại tên loại cây này trong bài viết này tôi sẽ gọi chúng là phượng tím.

Đà Lạt cũng có một cây phượng tím. Tôi chưa bao giờ ngắm nó thật kỹ để có thể chắc chắn rằng phượng tím Đà Lạt chính là phượng tím Brisbane. Tôi chẳng dại gì khẳng định một điều tôi không biết rõ. Điều duy nhất mà tôi có thể chắc chắn vào lúc này là tôi đang rơi vào một tình trạng hết sức bi kịch.

Xin đừng vội trầm trọng hóa vấn đề. Đã từng sống ở một thành phố như Sài Gòn gần mười năm, nơi mọi bi kịch vốn không nhiều trên sàn diễn đều ít nhiều nhuốm màu hài kịch, thì khi tôi nhắc đến bi kịch cũng có thể chẳng là vấn đề gì ghê gớm lắm. Đó là chưa kể bi kịch của tôi có thể khác hoàn toàn bi kịch của bạn. Càng khác ghê gớm cái bi kịch về miếng ăn và nhà ở mà Nguyễn Huy Thiệp từng nhắc đến. Bi kịch của tôi vài ngày gần đây đơn giản chỉ là tôi không ngủ được khi muốn ngủ và buồn ngủ khi muốn thức. Đang giữa một chương trình ti vi yêu thích, mắt tôi díp lại và không còn nghe anh chàng hoạt náo viên ba hoa những gì. Nhưng khi quyết định ngủ thì mắt tôi lại thao láo mở ra như chưa từng bao giờ buồn ngủ. Sau một hồi lăn qua lộn lại, tôi quyết định ngồi dậy và viết một cái gì đó cho đến khi nào không nhấc nổi mí mắt nữa thì thôi. Tôi đã có ý định viết về những người bạn Đức của tôi từ lâu, có khi đêm nay là một dịp tốt.

Tôi vốn không ưa nuớc Đức. Như bao cậu học trò từng ngồi dưới mái trường xã hội chủ nghĩa khác, tôi yêu nuớc Nga một cách vô điều kiện. Mà Đức thì gây chiến với Nga…

Tôi không ưa Đức còn vì bóng đá Đức. Thứ bóng đá lạnh lùng, khô khan từ đội tuyển cho đến câu lạc bộ, tàn nhẫn diệt những đội bóng lãng mạn mà tôi yêu thích.

Ấn tượng của tôi về người Đức càng tệ hại hơn khi người Đức đầu tiên tôi gặp ở trường Queensland là một cô gái luôn chun mũi lại khi nói chuyện. Tên cô ta là Astrich thì phải, nhưng nếu ai đó nghĩ rằng cô ta phải tên là Ostrich tôi cũng không phản đối. Tôi gặp Ostrich, à quên Astrich, trong buổi tiệc trà chào đón các sinh viên luật quốc tế mới đến trường. Astrich bắt tay tôi, nhăn mũi, xưng tên (hoặc trình tự ngược lại, không nhớ rõ lắm), rồi sau đó nói chuyện với những người khác mà không nhìn tôi đến lần thứ hai. Sau đó tôi còn gặp cô nàng trong lớp Luật Nhãn hiệu hàng hóa và lớp Hệ thống pháp luật các nuớc Đông Á nữa, thế mà cô nàng chả buồn cười với tôi lấy nửa cái. Tôi chỉ thấy cô nàng vẫn nhăn mũi mỗi khi tranh luận bốp chát với giảng viên. Sau này tôi hỏi Philipp về Astrich, Philipp bưng mặt và nói trời ạ, con gái Đức học luật điển hình đấy, không thể nào chịu nổi. Con trai Đức còn không chịu nổi, huống gì con trai Việt Nam như tôi.

Chẳng hiểu sao ngừơi Đức đến Queensland học thạc sĩ luật nhiều thế, vào lớp nào cũng gặp ít ra ba, bốn tên. Ngừơi Đức chăm học nên đâm ra hay gặp tôi ở thư viện. (Câu này nhằm khẳng định sự chăm học của người Đức, chứ tôi không có ý định tự khoe. Tôi thường có mặt ở thư viện nhưng điều này không có già bảo đảm cho sự chăm học của tôi.) Vài câu chào hỏi xã giao, rồi đi ăn trưa chung, đi uống café. Rốt cuộc bây giờ tôi có ba người bạn Đức khá thân, tên là Joerg, Philipp và Sirko.

Joerg cao một mét tám muơi tư, 24 tuổi, dân miền Bắc nuớc Đức, giáp với Đan Mạch. Joerg trắng nhất trong các người Đức mà tôi đã gặp, người da trắng điển hình. Câu lạc bộ bóng đá yêu thích của Joerg là Werder Bremen. Tôi nhìn thấy Joerg cũng trong cái ngày mà tôi gặp Astrich, nhưng mãi đến học kỳ hai chúng tôi mới nói chuyện với nhau, thông qua một người bạn chung người Malaysia. Phải mà tôi gặp Joerg trước Astrich, thì ấn tượng về ngừơi Đức của tôi đã tốt hơn nhiều lần.

Nhà Joerg cách nhà tôi chỉ mỗi cái trạm xăng. Từ lúc chơi với nhau thì cứ cách ngày một lần, vào lúc năm giờ chiều, Joerg sẽ đến gõ cửa căn hộ của tôi. Chúng tôi đi bộ một quãng, đến con đường nhỏ dành cho xe đạp và người đi bộ dọc theo bờ sông thì bắt đầu chạy. Hồi chưa chạy cùng Joerg thì tôi chạy một mình, thường chỉ chạy một phần ba con đường thì thở hổn hển và đi bộ ngược lại. Hôm đầu chạy cùng Joerg, được hai phần ba đường tôi đứng lại còn Joerg vẫn chạy cho đến cuối đường. Hôm sau tôi cố thêm một chút. Hôm sau tôi cố thêm một chút nữa và đến lần chạy cùng thứ tư thì tôi đã có thể thoải mái chạy đến cuối đường, cùng nghỉ khoảng 5 phút rồi chạy bộ trở về. Thật là chỉ cần cố một chút thì người ta có thể khá hơn rất nhiều. Từ đấy trở đi tôi bao giờ cũng hoàn thành đường chạy, kể cả những hôm Joerg bận và tôi chạy một mình.

Hay gặp nhau nên chúng tôi nói chuyện với nhau khá nhiều. Có lần chúng tôi gặp trên đường chạy một thiếu niên Australia, là bạn ở cùng nhà cũ với Joreg. Joerg khoe cậu nhóc đấy (mười chin tuổi) uống rượu rất nhiều, hút thuốc rất kinh, nhưng ở cùng với Joerg một thời gian, cậu này bỏ thuốc và bắt đầu chạy cùng với Joerg. Bây giờ Joerg đã chuyển sang nhà khác, cậu đấy vẫn tiếp tục chạy. Nhưng độ chục hôm sau Jorge bảo tôi là cậu này bỏ chạy rồi, và uống bia nhiều hơn trước. Joerg bảo bọn thiếu niên Australia này uống ghê quá, cha mẹ chúng giàu chúng chỉ biết tiêu tiền thôi chứ chả biết quý tiền. Ở Đức bây giờ nhiều thanh niên mới lớn cũng chỉ biết hưởng thụ như thế. Joerg nói Joerg cảm thấy lo lắng, vì thành công của xã hội Đức là dựa trên tính kỷ luật và lao động chăm chỉ. Nay nếu lớp trẻ chỉ hưởng thụ thì xã hội Đức sẽ xuống dốc. Trong khi đó những nước như Trung Quốc, cả nuớc họ đang làm việc rất hăng để phát triển thật nhanh…Joerg chính là người đã đọc Hermann Hesse cho tôi, còn tôi thì đọc Chế Lan Viên cho Joerg.

***


10 comments:

  1. Hoá ra bac GM đã từng "ru" học ở UQ ah? Cái hồ mà bác nói có phải nằm sau lưng trường Music ko? Tôi quen gọi đấy là hồ VỊT (vì có nhiều vịt, hehhe!). Hoa phượng tím nở đúng vào mùa thi cử, bọn sinh viên đồn đại với nhau rằng trong mùa thi cử, đứa nào đi lại tung tăng ở Great Court và bị Jacaranda rơi xuống vai thì sẽ thi trượt, hihihi! Bác đã có lần nào bị hoa nó rơi xuống vai chưa?
    Đọc entry này của bác, nhớ trường cũ ghê.Cám ơn bác!

    ReplyDelete
  2. Đúng là cái hồ nhiều vịt đấy, và may là chưa bao giờ bị hoa rụng lên vai:)

    ReplyDelete
  3. OMG! Em đang cầm trên tay quyển Câu chuyện dòng sông của Hermann Hesse lúc đọc bài này của bác đấy :|

    Cho em gửi lời thăm anh bạn Jorge đó nhé!

    ReplyDelete
  4. Người Đức là như thế. lạnh lùng ban đầu nhưng nếu chơi với nhau rồi thì thân và tốt với nhau lắm.

    ReplyDelete
  5. Nguoi Duc di sang cac nuoc Anh My Uc hoac lam viec trong cac moi truong quoc te ho cung much more relaxed hon khi ho o Duc day, blame the weather! :))
    HA.

    ReplyDelete
  6. Không biết người Đức thì lạnh lùng với lại chăm chỉ thế nào, chứ nhà ông anh rể em, hai ông em đều lấy vợ Đức. Gớm, chồng thì còi dí mà hai bà to như cái cối lỗ. Ở Đức thì chẳng làm gì, chồng mở quán ăn nuôi cả nhà. Về VN chơi suốt ngày đi gội đầu, ăn quà ngoài chợ với đánh tá lả. Hôn nhân "chính trị" cũng đẻ được mấy đứa con, đến là hài.

    ReplyDelete
  7. Duc cung nhieu nguoi can lap gia dinh lam bac, nhat la khi vua duoc cuoi vua duoc tra them may chuc nghin :))

    ReplyDelete
  8. Brisbane có cả phượng đỏ của Nha Trang và Hải Phòng nữa, không biết chắc nhưng mình cứ thích khẳng định là như thế! Phượng tím thì rụng nhòe nhọet ở California khi đến mùa, bẩn kinh!

    ReplyDelete
  9. Gớm bạn Tiamo, nghe phong phanh anh Jörg cao 1m84, 24 tuổi lại còn trắng nhất nên chưa gì đã hỏi thăm hỏi thiếc rồi hí hí hí.

    Mà hỏi khí không phải bác Goldmund đo chiều cao anh Jörg hồi nào, lại còn biết là trắng nhất nữa. hí hí.

    ReplyDelete
  10. bác GM từ ngày xa xưa đã có lối viết lan man rồi nhỉ, tuy nhiên từ xưa cũng đã viết hay rồi:D

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN