Friday, 25 September 2009

Thư gửi con trai nhân sinh nhật hai tuổi

Chàng thanh niên bé bỏng của ba

Vậy là con đã tròn hai tuổi. Cách đây hai tháng, khi con 22 tháng tuổi, ba gửi cho con lá thư đầu tiên. Ba còn nhớ khi đấy ba làm tròn tuổi cho con. Lẽ ra ba không nên như thế. Nói chung, trong cuộc đời ai cũng có lúc phạm sai lầm, quan trọng là biết nhìn lại và phục thiện. Ba đang làm việc đó. Sai lầm của ba khi làm tròn tuổi cho con, đó là con có thể mất hai tháng vui chơi cùng ba, cho dù cái mất này mang tính chất tinh thần hơn là thực tế.

Con hai tuổi, nghĩa là chỉ bốn năm nữa con phải vào lớp một rồi. Ba sợ rằng khi đó nhà mình sẽ không còn vui như bây giờ. Chương trình buổi tối bây giờ là: ba đi làm về, con và chị Alpha ùa ra ôm ba, mỗi đứa cởi một chiếc vớ, một chiếc giày. Trong khi cả nhà ăn tối thì hai con xem Tom & Jerry hoặc Disney Channel. Ăn tối xong, ba sẽ vờ kêu lên có ai đi chơi không, tức thì con và chị Alpha (đôi khi cả mẹ) cùng yeah lên và cuống quýt chạy đi tìm dép. Cả nhà mình sẽ xuống sân chơi rượt đuổi với nhau. Có khi ba đóng vai chó sủa gâu gâu cho hai đứa ù té chạy. Hôm nào đi chơi về con cũng đầm đìa mồ hôi, bà nội vẫn bảo con hôi như heo mọi. Về nhà, con sẽ được dội nước cho đỡ hôi, rồi uống sữa, xem Chúc bé ngủ ngon rồi đi ngủ. Mai mốt con vào lớp một rồi, không biết con còn có thời giờ để đi chơi với ba không? Hay là lúc đó con phải đi học thêm, nếu không học thêm cũng phải gò người ra tập viết cho bằng chúng bạn, hầu hết trong số đó đã đọc thông viết thạo trước khi vào lớp một? Con không thuận tay trái nên chắc con sẽ không bị cô giáo đánh như anh Gôn con bác Ba. Ba cũng hy vọng con sẽ không bị đánh bằng tay không phải bằng thước như bạn B. trường Bàu Sen, vì nếu bị đánh như thế, về nhà chắc con sẽ buồn bực lắm, chả có hứng chơi với ba nữa.

Thú thật, cứ nghĩ đến việc chẳng bao lâu nữa con đã phải vào lớp một ba mẹ lại rùng mình, tóc mẹ rụng thêm một sợi và tóc ba ngắn đi một xăng ti mét. Có lẽ trong bốn năm kế tiếp, ba mẹ phải dành nhiều thời gian để kiếm một ngôi trường mà ở đó con được vui chơi, được học hành một cách bình thường theo chương trình được Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ giáo dục khẳng định là không quá tải, một ngôi trường mà ở đó con không phải viết chính tả trong tuần thứ ba của lớp một và không phải vác theo một cái cặp to gấp đôi con. Hiện giờ, ba chưa biết ngôi trường đó ở đâu, nhưng ba sẽ cố tìm bằng được. Nhưng ba cũng nói trước cho con biết nếu như ba tìm ra ngôi trường đó, mà người ta lại yêu cầu ba phải ký sổ vàng hoặc viếng thăm riêng hiệu trưởng thì ba chịu, không làm được việc đó. Có lẽ, nếu tình huống đó xảy ra, ba mẹ sẽ cân nhắc việc cho con đi du học. Các bạn vận động viên thể dục dụng cụ nước mình cũng xa gia đình đi du học từ khi còn tè dầm đấy con ạ, nên việc du học ở lứa tuổi tiểu học cũng không phi nhân tính lắm đâu.

Tối qua, VTV9 có chương trình truyền hình trực tiếp Phó Thủ tướng đối thoại với khán giả về giáo dục. Ba nghĩ đấy là một chương trình hay nên ba bảo con ngồi xem với ba, thế mà chỉ được một lúc con đã chạy lăng quăng, leo trèo lên ghế rồi ném đồ chơi tung tóe. Tập trung kém như thế là không tốt, ba phê bình con đấy. Con phải triệt để khắc phục những chỗ còn yếu kém thì sau này mới mong làm công dân tốt được. Vì con không chịu theo dõi những trao đổi thú vị giữa Phó Thủ tướng và khán giả, nên ba kể sơ lại chương trình cho con.

Đầu tiên, ba thấy thích việc Phó thủ tướng xuất hiện trên truyền hình và đối thoại trực tiếp như thế. Cõ lẽ ở nước khác, chuyện một quan chức cao cấp lên truyền hình trả lời câu hỏi trực tiếp không qua hiếm hoi, nhưng ở nước mình chuyện đó chưa phổ biến lắm. Thứ hai, chương trình có nhiều câu hỏi thú vị từ khán giả khắp nước. Ba nhớ có một bạn học sinh tiểu học trường Kim Liên, Hà Nội (trường ngày xưa mẹ học) gọi điện đến chương trình than phiền học nặng quá, không có thời gian chơi, Phó thủ tướng có cách gì giúp bạn ấy không. Phó thủ tướng, sau khi khẳng định rằng chương trình được thiết kế vừa sức, đã gợi ý bạn ấy nên trao đổi với cô giáo và các bạn khác trong lớp, nếu như cả lớp có 50% số bạn cho rằng học nặng quá thì phải xem lại. Ba ghi nhớ lời gợi ý này, để sau này con vào lớp một, nếu đến tuần thứ ba cô giáo yêu cầu con viết chính tả, ba sẽ nhắc con về việc trao đổi với cô giáo. Ba nghĩ việc trao đổi như thế thật là có ích, một mặt giúp các em học sinh tiểu học rèn luyện khả năng giao tiếp, mặt khác, cũng là một cách thức thực hành dân chủ.

Thư trước, ba có nói lần tới ba sẽ bàn với con về chủ đề làm thế nào để không tè trong quần. Hai tháng vừa qua, ba thấy con tiến bộ rất nhiều, nên chủ đề đó trở nên không còn liên quan nữa. Ba rất tự hào về con.

Thư đến đây cũng đã khá dài, ba chúc con trai sinh nhật thật vui, và hãy tận hưởng những tháng ngày đẹp đẽ khi chưa vào lớp một, con trai nhé.

Ba

24 comments:

  1. Kim liên với Phương Mai là khu nhà em đây. Nghĩ đến cảnh 1 lũ nhợn vàng ụt ịt chen chúc mà ái ngại cho bạn con.

    Chúc bạn Pi ăn ngoan chóng nhớn. Chúc bố bạn Pi sớm tìm ra chỗ nào thoáng thoáng để "bóng Tùng Quân" vươn cao thẳng thớm hiên ngang. Mà có vẻ bác GM đã giải quyết được vụ mẫu giáo à :)

    ReplyDelete
  2. Bạn bè em giờ có rất nhiều bạn có mơ ước mở trường quốc tế để cho con được "work life balance" mà vừa đáp ứng nhu cầu cao của xã hội:). Có khi bác Mun cũng nên góp vốn đi.

    (Btw nhanh nhỉ mới ngày nào còn đi uống cafe với thanh niên xa vợ mà giờ Pi đã 2 tuổi rồi)

    ReplyDelete
  3. Trường Quốc tế giờ Sài Gòn cũng khá là nhiều đấy chứ. Không biết là chất lượng ra sao thôi, hi hi.

    ReplyDelete
  4. Trường Thực nghiệm có còn tồn tại không nhỉ. Học ở đó vui lắm, phải mỗi tội, cựu học sinh thực nghiệm viết dõ sấu và xai trính tả.

    ReplyDelete
  5. phải mỗi tội, cựu học sinh thực nghiệm viết dõ sấu và xai trính tả <<< ở nước ngòai giáo viên không coi trọng chuyện gò chữ, ngược lại họ cho rằng khi trẻ con lo gò chữ đẹp sẽ ảnh hưởng tới sự tập trung tư tưởng tượng ... để viết. trẻ con viết gì thì viết vừa viết vừa vẽ cũng được (haha)

    ReplyDelete
  6. Bác hòa thượng là cựu học sinh thực nghiệm à? Dạo này bác thường ra khỏi chùa nhỉ?:)

    ReplyDelete
  7. Clea/Today 20: Trường "quốc tế" bi giờ nhiều, chất lượng chưa biết thế nào nhưng giá cả thì rõ quốc tế.

    ReplyDelete
  8. Anh cu Pi se khong di vao truong nao ca . Anh ay se tu hoc o nha voi tat ca cac thay co giao san co . Anh ay se tu tin di thi voi danh nghia thi sinh tu do . Dong y khong bo anh Pi ?

    ReplyDelete
  9. Chuc cu Pi sinh nhat vui ve, ngoan hon va dep trai hon nhe !

    From My with Love
    P/S: Cau oi, chinh lai di, Remy nha minh 2 tuoi da hat duoc Nam bo khang chien roi chu k phai 4 tuoi dau !

    ReplyDelete
  10. Hi hi home schooling cũng là 1 cái choice, với điều kiện bố hoặc mẹ có thể làm giáo viên toàn thời gian, đồng thời tổ chức được các hoạt động ngoại khóa để socialize với các bạn.

    Ở Việt Nam thì chưa nghe nói có trường hợp home school nào nhỉ.

    (Một trong số các) Cháu mình có 1 đợi bị các bạn trong lớp boycott :-D vì tính tình cổ quái, theo cô giáo là cá tính mạnh quá không biết kiềm chế. Mẹ cháu phải tổ chức các loại party tại nhà, đến nịnh nọt các bạn popular ở lớp, qua đón đến tham dự, xong dắt cả hội đi xem phim và ăn KFC để các cháu tình thân mến thân lại và chơi với con mình :-D

    Cũng cháu này, có hôm mẹ đến đón, có bạn ra mách là cháu vừa gây chuyện. Mẹ lò dò vào hỏi cô xem ông con mới gây thêm ra chuyện gì, thì ra cô có hộp bánh, bảo cả lớp là mỗi bạn được lấy 1 cái. Cháu thấy cô cầm 2 cái, thế là ra hỏi sao cô bảo mỗi bạn được 1 cái mà cô lại có 2 cái, cô thật là xấu. Cô ra khỏi lớp rồi cháu vẫn cứ đi theo lải nhải về việc cô thật là xấu :-D cô tức quá vứt luôn 2 cái bánh vào sọt rác :-D :-D

    Nuôi con thật là nhiều chuyện :-D

    ReplyDelete
  11. À quên, cái post ở trên là của tớ, today20, đang xài chùa máy của chồng mà quên log out :-D

    ReplyDelete
  12. à vì các trường quốc tế chưa biết thế nào mà giá trên giời nên mới bảo các bạn là mơ tự mở trường để cho yên tâm một thể ấy chứ.

    Ngày xưa cấp 3 em học cạnh trường Pháp quốc tế gì ấy chỉ biết các bạn (VN) bên ấy kiêu vãi, mình chả dám đến gần.

    ReplyDelete
  13. trường quốc tế anh nghĩ cũng như bệnh viện phụ sản quốc tế, tiền cao hơn Từ Dũ, chuyên môn chưa chắc hơn Từ Dũ, được cái không bị bác sĩ quát và không phải dúi tiền cho y tá:)

    ReplyDelete
  14. Cháu bạn today 20 hay nhỉ:)

    Home schooling mình nghĩ cũng không tốt cho sự phát triển tự nhiên của trẻ, nhất là về mặt giao tiếp. Đến trường để nếm mùi hỉ nộ ái ố sau này còn ra đời chứ:)

    ReplyDelete
  15. Bac cu cho con vao truong quoc te voi gia ca quoc te di. Nho khong tra noi phi quoc te sau vai nam hoc lai ra truong cua Bac Nhan, khi ay do cu Pi biet Pi bang may day??? Viet thu hoi bac Thich hoc Toan nhe!

    ReplyDelete
  16. Sao mà khổ thế bạn GM!
    Thấy bạn GM và nhiều phụ huynh khác cũng nháo nhào chuyện trường lớp cho con mà... xót xa.
    Không biết do tính mình hời hợt, không cả lo, hay tại vì số mình "may mắn" nên cả 2 đứa nhóc khi vào mẫu giáo, sau đó 1 đứa vào lớp 1 đến lớp 4 ở SG mình không phải qua "cái ải" đau khổ như vậy. Thấy tụi nó cũng chỉ học trường công gần nhà, cũng không có vấn đề gì. Sang đây cũng thế, chọn trường gần nhà để tiện việc đưa đón...

    ReplyDelete
  17. Có nháo nhào đâu chị NL? Bài này là "tu từ" mà:)

    ReplyDelete
  18. Chúc Pi SN vui vẻ.. Đuợc nhiều quà từ ba mẹ nhen con Trai.

    ReplyDelete
  19. Con mình đang học lớp 3 trường Quốc tế (Vỏ Quốc Tế còn ruột Sài Gòn). Học ít chơi nhiều, nhìn chương trình thì tưởng con mình đang học ghê lắm nhưng mình biết ỏng ra, cũng chỉ a b c như các trường trong nước công thêm vài chữ tiếng Anh basic (giờ IT thực chất là Internetgame, giờ thể dục thực ra là ra chơi có tổ chức, đi bơi nghĩa là nhúng nước ở cái hồ nông choèn, đi dã ngoại nghĩa là ra chơi ở công viên gần trường....Nói chung không chất lượng mấy) Được cái không phải lo gì, sáng có xe đón đi, chiều xe đưa về. Gọn. Nhưng trẻ con mà "Trẻ con như búp trên cành, biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan..." thế. Chúc chú Gỗ con mau ăn chóng lớn.

    ReplyDelete
  20. Ờ, em cũng mong kiếm được cái trường nào học ít chơi nhiều cho thanh niên nhà em thôi.

    ReplyDelete
  21. theo tôi nghĩ đối với trẻ con thì cách tốt nhất là học qua chơi (so they can learn without knowing it). để đạt được điều này thì không những đòi hỏi 1 chương trình "chơi" tốt mà còn đòi hỏi 1 người giáo viên có tay nghề giỏi nữa. ý tôi muốn nói là tìm được trường học có chương trình như ý mình muốn xong thì còn phải cầu nguyện thêm nữa ... làm phụ huynh nhức đầu thật!

    ReplyDelete
  22. Cũng không nên thần tượng các "phương pháp giáo dục mới". Việc học là việc khó, muốn học thật thì phương pháp nào cũng phải khổ một chút. Đó cũng là một cái mẹo để trẻ con nhân thức được cuộc đời có thể là một trò chơi, nhưng không phải là trò barbie, không phải chỉ có hoa thơm và quả ngọt, mà là một trò mà nó phải biết cách chơi hết mình và biết cam chịu khổ.

    ReplyDelete
  23. Ban Goldmund nay,bai viet cua ban da lau nhung de tai nay luc nao cung nong.Minh co 2 chau cach nhau 6 tuoi.Nhoc lon nam vao lop Mot khong he hoc them ,me chi huong dan truoc cho chau khoang hai bai nghia la neu o truong hoc bai 1 thi o nha hoc bai 3 nhung chau hoc rat gioi ma khong phai bu dau nhu chau thu hai.Chau thu hai khi vao lop 1 kha vat va va hai vo chong minh bi stress luon vay do.Gap giao vien khong them quam den chau nen chung toi so chau mac chung tu ky phai xin hieu truong doi lop khac cho chau.Den nay thi chau da on,nhung chau van o gioi bang anh trai cua no.Van de dat ra la tuy theo IQ cua moi dua va neu con ban may man gap giao vien tan tinh o nam dau cap.Hi vong con ban hoc duoc truong tot thay tot.Rat vui khi doc bolg ban!
    Mot nguoi la!

    ReplyDelete
  24. Vô tình ngang qua blog nhà anh, thật dể thương và dể thương hơn nữa khi người viết nhật ký cho các con là bố chứ không phải mẹ. Có nhiều ông bố rất thương con nhưng họ không biết cách để lại tài sản tinh thần như anh, thật đáng khâm phục.

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN