Thursday, 11 October 2012

Văn như Vũ Bão


Nhà văn Vũ Bão khéo chọn bút danh. Tên sao văn vậy, ào ào như bão. Mở ra cuốn sách - tôi đang nói tới cuốn  hồi ký Rễ bèo chân sóng - ngay dòng  đầu tiên đã thấy ông tuệch toạc “Tôi là dân Thái Bình”, rồi đi luôn một đường nhạo chính dân Thái Bình nhà ông, từ chuyện dân Thái Bình cắm cờ trên nóc hầm De Castries (thực ra là “tác phẩm điện ảnh”), tới chuyện dân Thái Bình đi quá giang vào vũ trụ, sang chuyện Thái Bình, Thái trắng, Thái đen, trong ba Thái ấy Thái Bình phá rừng khỏe nhất. Ào ào như thế, ông cuốn ta đi cùng các câu chuyện của mình,  sôi nổi, rất nhiều hài hước, giàu tình cảm, và không ngại ngùng.

Tất nhiên, như  thường lệ, mỗi khi đọc hồi ký, ngoài cái thú vị do bản thân cuốn sách mang lại, còn có sự thú vị đọc nó trong mối liên hệ với với các hồi ký, tư liệu khác về cùng thời kỳ. Một ví dụ nho nhỏ, chẳng hạn nếu liên hệ với Hồi ký Phạm Cao Củng cũng mới được ấn hành trong thời gian gần đây, ta có thể có thêm một chút thông tin về nguồn gốc của chữ “truyện ba xu”.  Theo Phạm Cao Củng, quãng những năm ba mươi ông hay viết các loại truyện chưởng, kiếm hiệp được in thành từng tập nhỏ mười sáu trang, bán với giá ba xu ở các mẹt hàng xén cho dễ bán, và thực tế bán rất chạy; người ta thấy bán chạy nên mới dè bỉu gọi ấy là loại truyện ba xu. Trong Rễ bèo chân sóng, Vũ Bão nhắc lại đúng chi tiết ấy: “Mỗi tuần nhà sách bán một tập giá có ba xu nên loại sách đó được gọi là sách ba xu, các nhà văn viết những loại  sách đó được gọi là văn sĩ ba xu…”. Là người tếu táo, nên Vũ Bão không quên thêm rằng thời bây giờ “các nhà thơ bóp mồm bóp miệng chỉ ra ba triệu đi in thơ rồi đem thơ đi biếu được gọi là nhà thơ ba triệu.” Theo logic này, nhà thơ bỏ năm tỉ để vận động giải Nobel hẳn được gọi là nhà thơ năm tỉ.

Những người có mối quan tâm khác nhau sẽ tìm thấy trong cuốn hồi ký của Vũ Bão những chi tiết thú vị khác nhau - điều đáng nói là số chi tiết ấy khá nhiều, nếu thuật lại cả thì không bàn phím nào chịu xiết, chưa kể sẽ bị nhà sách Phương Nam tố cáo vì tội vi phạm bản quyền còn người đọc blog mà chưa đọc sách sẽ rủa xả bổn blog tội xì poi lờ. Ở đây, chỉ tóm tắt vài ví dụ, cho tròn một entry. Chẳng hạn, một người ưa sưu tầm sách tiền chiến như vua sách VHT hay bí thư đảng ve chai GGX sẽ rất quan tâm đến chi tiết một trong những cuốn sách của Lê Văn Trương in tại Nhà xuất bản Tân Dân trước 1945 thật ra là do con ông, Mạc Lân, viết. Lý do Lê Văn Trương ký tên là để nhận nhuận bút gấp đôi.  Người nào quan tâm đến ruộng ruộng đất đất sẽ thích thú với những trang viết về vai trò của các “đồng chí bạn” trong cải cách ruộng đất ở nước ta, một vấn đề mà Vũ Bão cho là rất tế nhị, liên quan đến quan hệ môi hở răng lạnh, mà ngay cả khi “răng cắn cả vào môi, chúng ta cũng không nhắc đến, lặng lẽ cho qua, coi như không có trong đời.” Còn người nào mê thơ, sẽ  có dịp đọc những câu thơ như thế này “ Đấu thằng đầu sỏ vừa xong/ Gặp kỳ giáp hạt làng Còng gieo neo/ Trong thôn đa số dân nghèo/ Sắn ăn thay bữa, ngô nhiều hơn cơm.” Cho dù đã biết Xuân Diệu có khả năng viết những bài thơ dở đến như Ngói mới, cũng vẫn rất khó tiêu hóa nổi sự thật đây là thơ của ông. Vũ Bão bình luận, đại ý, bài ấy mà ký tên Phạm Thế Hệ (tên thật Vũ Bão) thì đố nhà xuất bản nào dám in!

Vài đường thế thôi, cho quên nỗi thất vọng giải Nobel Văn chương năm nay, còn thì để các bạn đọc. Mua vui cũng được vài canh gà Thọ Xương!




Rễ bèo chân sóng, khuyến mãi đùi
  

9 comments:

  1. mua vui cũng đc 1 vài trống canh :)), Nobel năm nay thất vọng

    ReplyDelete
  2. Chân thành cám ơn bác giàu hôm nọ, và bác già chấm giải Nobel hôm nay. Nhờ các bác mà entry ra ầm ầm.

    ReplyDelete
    Replies
    1. leo thang chào mừng giải phóng thủ đô và chào mừng mùa thu:)

      Delete
  3. không liên hệ ngoài văn bản giữa Rễ bèo chân sóng và Cọng rêu dưới đáy ao à? nghe đều tồi tội thế nào.

    ReplyDelete
  4. "cái chân mà cuốn sách được để lên" có phải là chân sexy của dịch giả?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chân ải chân ai, chân ảnh chân anh

      Delete
  5. Hì, hôm bữa đi nhà sách, gặp cuốn này lăn lóc trong thùng giấy, bèn rước về đọc thử. Quả thật những cuốn như này đọc rất dễ trôi, có thể đi một lèo nhanh gọn. Một phần là vì cách kể chuyện rất đỉnh và mộc, kiểu của các bác già. Một phần là vì vốn sống quá phong phú, cũng lại kiểu của các bác già. Hầu như trang giấy nào cũng dài và rộng quá khổ, ít ra là đối với lớp trẻ con như em :D

    ReplyDelete
    Replies
    1. giấy dài rộng quá khổ thì ta cứ vẽ thêm voi vào:)

      Delete

Bánh mì kẹp và Ocean Vương